26 décembre 2018

PHẢN BIỆN ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ CỘNG SẢN.


Nguyễn Đình Cống


1-Đặt vấn đề

Lãnh đạo ĐCSVN đang loay hoay với vấn đề cán bộ (CB), đặc biệt là CB cấp chiến lược. Họ khát khao có được  đội ngũ CB vững mạnh, nhưng càng ngày thực tế càng xa rời mong ước, càng phát hiện ra nhiều CB thoái hoa biến chất, làm mất lòng tin của dân, làm ruổng nát tổ chức, làm  lung lay sự lãnh đạo. Họ tìm đủ trăm phương ngàn kế để quy hoạch, lựa chọn, đào tạo, đề bạt, giám sát CB, xây dựng và làm trong sạch tổ chức, nhưng chủ yếu vẫn không đạt được . Vì sao vậy?. Phải chăng vì kém trí tuệ và kiêu ngạo mà họ đã chọn  chủ thuyết có nhiều độc hại để tôn thờ,  làm việc trái  ĐẠO TRỜI và LÒNG NGƯỜI.  Như thế càng quẩy đạp càng chui sâu vào đống bùng nhùng không lối thoát.


 
Thực tế cuộc sống, lịch sử  và sách báo đã giúp tôi suy nghĩ, chiêm nghiệm, nhận thức về việc làm CB, hoặc theo cách nói dân giả là làm quan. Tôi đề ra thuyết Tam đại và Tam ủng cho việc làm quan (Tam Đại là Đại Nhân, Đại Nghĩa, Đại Sự. Tam Ủng là sự ủng hộ của 3 cấp ), cũng đã  viết vài bài tiểu luận, một số phản biện về nghị quyết, quy định của ĐCS VN  liên quan đến công tác CB. Phản biện này chủ yếu là tập hợp những điều tôi đã viết và công bố, cộng thêm một số suy nghĩ và phát hiện gần đây. Tôi viết nhân dịp nghe nói trung ương Đảng họp lần thứ 9 vào cuối tháng 12/2018 để thảo luận về công tác cán bộ.

 Sự suy nghĩ, hiểu biết của một con người là có hạn và chắc rằng những  điều được viết trong bài này cũng được nhiều người  suy nghĩ, hiểu biết và bàn luận. Tôi trình bày  các ý kiến của cá nhân, hy vọng  có thể gợi ra vài tham khảo hoặc phản bác.

2-Gốc gác của mọi vấn đề

Chủ nghĩa Mác Lê nin ( CNML)  là gốc gác đường lối CB của CS. Lãnh đạo ĐCSVN quá tin vào nó, kiên trì nó phải chăng vì chỉ thấy mặt tích cực giả tạo của nó mà không thấy được những độc hại có thật do nó gây ra. Phải chăng vì một thời được học, được nhồi sọ CNML rồi tự bịt mắt, tự  bưng tai,  để không thấy thực tế, không nghe sự thật, rồi còn bịt mồm người khác, không cho phản biện.  Hay còn lý do nào khác.  Có thể một số nào đó biết rõ độc hại của CNML, nhưng  cố tình lợi dụng nó để vinh thân phì gia, để thi hành mưu sâu kế hiểm.

ĐCSVN đã từng là đảng cách mạng, nay  trở thành một đảng chính trị, cầm quyền . Cần thay đổi tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Thế mà họ không nhận thức được,  vẫn khăng khăng  tiếp tục như cũ, tự tạo ra mâu thuẩn không sao khắc phục được.

ĐCSVN tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là  quyền quyết định về CB. Đó là cướp quyền của dân. Họ bày ra trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử để lừa mọi người  và tự lừa mình.

Đó là đống bùng nhùng lớn mà ĐCSVN đang vướng phải. Không chịu tìm cách thoát ra mà vẫn lăn lộn trong đó thì không có cách nào tạo được đội ngũ CB  tài giỏi và liêm khiết, nói gì đến việc có thể nêu gương.

3- Về  tiêu chuẩn CB

Có thể quy CB về 2 loại theo nguồn gốc : được bầu và được tuyển. Tiêu chuẩn ( TC) chung nhất cho CB là Tài và Đức (CS gọi là Hồng và Chuyên). Tuy vậy nhận thức và vận dụng trong từng giai đoạn có khác nhau.

Hồ sơ quan trọng nhất là lý lịch. Đã từng có thời tổ chức chỉ xét người theo lý lịch. Nhờ lý lịch sáng đẹp một số kẻ ngu dốt và lười biếng đã trở thành ông nọ bà kia. Vì lý lịch có tỳ vết mà nhiều tuổi trẻ tài năng ôm hận chịu vùi dập.

Đối với CS tiêu chuẩn quan trọng nhất có lẽ là Trung thành. Với một đảng hoạt động bí mật, một quân đội  thì trung thành là bắt buộc, nhưng đảng chính trị cầm quyền không thực sự cần. Tổng thống Trump của Mỹ đã vào đảng Dân chủ, bỏ Dân chủ, vào Cộng hòa, bỏ Cộng hòa gia nhận đảng Cải cách, bỏ Cải cách để trở lại vào Dân chủ. Lại bỏ Dân chủ quay về với Cộng hòa. Thế mà chẳng thấy ai quan tâm đến sự không trung thành của ông ta. Chỉ có kẻ độc tài mới đòi hỏi cao sự trung thành. Mọi thể chế dân chủ không đòi hỏi trung thành với đảng phái chính trị.

Tiêu chuẩn phải làm qua CB cấp dưới đủ thời gian nào đó mới được đề cử, ứng cử lên cấp trên. Tôi gọi đó là cách leo trèo mà không chấp nhận bước nhảy. Sự phát triển tiệm tiến, trèo dần từng bước là bình thường,  nhưng cần có những bước nhảy dành cho những tài năng vượt bậc. Loại bỏ bước nhảy có tác hại ngăn trở tài năng.

Tiêu chuẩn đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm là khá thiển cận, ngăn trở việc tìm kiếm những năng lực tiềm ẩn. Chọn CB là để người đó phát huy năng lực, làm những việc mới chứ không phải để họ lặp lại những công việc đã làm. Đành rằng qua việc đã làm thì có thể đánh giá năng lực. Nhưng đó là năng lực trong quá khứ. Giữa một người có nhiều thành tích mà đã cạn  tiềm năng và một người tuy chưa có thành tích     ( vì chưa được làm), nhưng có nhiều tiềm năng thì rất nên chọn người có tiềm năng. Ở đây có cái khó là người chưa làm, chưa có thành tích, sao mà biết được họ có tiềm năng. (điều này sẽ bàn sau, trong mục 4 và 5).

 Nếu cứ phải qua cấp dưới, cứ phải có thành tích thì Lưu Bị không bái Khổng Minh làm quân sư, chúa Nguyễn Phúc Nguyên không phong cho Đào Duy Từ chức Nha úy nội tán, Tề Hoàn Công không phong đại phu cho người chăn trâu Ninh Thich, Những người vừa kể đã làm nên sự nghiệp lẫy lừng trong lịch sử. Và gần đây, nếu theo yêu cầu phải leo trèo dần qua các chức vụ thì dân Mỹ không bầu Trump làm Tổng thống,

QĐ số 90 nêu ra nhiều tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại cán bộ. Cụ thể đến vụn vặt. Đó là một QĐ chứa nhiều điều vô minh. Nhiều TC đưa ra là những tính cách thông thường, cần thiết cho bất kỳ một con người lương thiện nào, thí dụ : trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, cần, kiệm, liêm chính v.v…Nhiều TC là thông thường  đối với bất kỳ cán bộ hoặc đảng viên nào, thí dụ : Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, chủ động đề xuất những nhiệm vụ giải pháp có tính khả thi và hiệu quả, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; gắn bó mật thiết với nhân dân và vì nhân dân phục vụ ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, đủ  sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; Có tinh thần yêu nước nồng nàn v.v… Đưa ra nhiều đức tính mà người lương thiện bình thường, CB bình thường cần có  để gán cho cán bộ cấp cao là  phạm vào lỗi tầm thường hóa. Riêng các TC quan trọng dành riêng cho CB cũng khá mơ hồ .

TC « Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng ». Đây là một khái niệm mơ hồ vì chưa thấy một văn bản nào định nghĩa lợi ích của Đảng gồm những thứ gì. Thỉnh thoảng có được nghe giải thích, ngoài lợi ích của dân tộc thì Đảng không còn lợi ích nào khác. Bây giờ lại có “ lợi ích của Đảng ». Việc trung thành này có gì khác so với trung thành với các lãnh đạo chóp bu. Trong điều lệ  không thấy viết gì về lợi ích của Đảng.

Về TC «Tuyệt đối không tham vọng quyền lực » . Vấn đề quan trọng không phải là tham hay không tham quyền lực mà người ta định dùng quyền lực để làm gì, tương quan giữa năng lực và quyền lực có phù hợp không. Nếu lên án sự tham vọng quyền lực chung chung thì những ứng viên tổng thống của tất cả các nước đều bị lên án và loại bỏ.

TC “Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML)” thể hiện sự vô minh rõ ràng nhất. Một mặt bắt kiên định CNML, mặt khác đề ra TC năng động sáng tạo.  

TC “ Tốt nghiệp đại học trở lên” thể hiện cái nhìn thiển cận về bằng cấp, sự vô minh về cách đánh giá trình độ.

TC” Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Hỏi rằng hiện nay Đảng đang định làm cách mạng gì nữa trong lúc khẳng định là đảng cầm quyền.

TC “Có trình độ cao về lý luận chính trị, xây dựng Đảng” là một TC mơ hồ. Những lý luận theo CNML, đường lối xây dựng đảng theo CNML đã tỏ ra quá lỗi thời, quá lạc hậu. Ai đánh giá trình độ này. Liệu có dám đối thoại công khai để thể hiện trình độ này cho toàn dân biết không.



Ngoài QĐ 89 và 90 ngày 4/8/2017 còn có các văn bản liên quan như QĐ số 105, ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ. QĐ số 147 và 148 ngày 25/10/2018 lập Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch CB cấp chiến lược, kế hoach số 11 ngày 6/11/2018 của Bộ chính trị về hoạt động của Ban chỉ đạo. Nhận thấy các QĐ về TC chưa đủ mạnh, còn cần thêm các QĐ về  nêu gương, ngày 7/6/2012 có QĐ số 101, ngày 19/12/2016 có QĐ số 55 và ngày 25/10/2018 có QĐ số 08. Nêu gương cũng chưa đủ, phải ra thêm những QĐ về kỷ luật và những điều cấm kỵ.



Những văn bản vừa dẫn, phần nhiều là những rừng ngôn từ, nó làm cho nhiều người bị choáng ngợp . Nhưng đọc và phân tích kỹ mới thấy phần lớn chỉ là một mớ tạp nham, thể hiện trình độ thấp kém của người soạn ra và xét duyệt.

Trong nhiều nước dân chủ, tiêu chuẩn bắt buộc của ứng viên, dù là nghị sĩ hay tổng thống thường chỉ có hai. Đó là tuổi tối thiểu ( không hạn chế tuổi tối đa) và thời gian tối thiểu có quốc tịch và cư trú. Thế còn phẩm chất , năng lực, uy tín, đạo đức… có cần không. Cần quá đi chứ và đó mới là thật sự quan trọng, nhưng không ai đề ra tiêu chuẩn cho ai hết. Cử tri sẽ đánh giá thông qua việc vận động, tranh cử, đối thoại công khai. Người tuyển chọn sẽ đánh giá khi phỏng vấn trực tiếp. Ở Singapore Lý Quang Diệu trước đây chỉ đề ra 2 tiêu chí để chọn người vào các cơ quan chính quyền là có tài năng và liêm khiét.





4- Bầu cử và quy hoạch

Quan trọng nhất trong bầu cử là danh sách ứng viên gồm những người ứng cử. Có thể ban đầu, ai đó được đề cử, nhưng khi chấp nhận sự đề cử họ trở thành ứng cử. Các ứng viên sẽ tranh cử bằng chương trình hành động với 2 vấn đề chủ yếu : sẽ làm gì và làm như thế nào.

Ở Việt Nam, dưới thể chế CS việc bầu cử trong Đảng hoặc các cơ quan quyền lực nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phần lớn chỉ là dân chủ giả hiệu (trừ việc bầu tổ trưởng dân phố và trưởng thôn là còn tương đối có dân chủ). Một việc làm tưởng rằng hay, rằng đúng nhưng lại ẩn chứa sai lầm lớn, đó là cấp ủy nhiệm kỳ cũ quyết định danh sách ứng viên cho nhiệm kỳ mới. Đúng ra họ chỉ được phép lập danh sách ứng viên mà không có quyền quyết định. Rõ ràng nhẩt là Bộ chính trị khóa trước quyết định danh sách các CB chủ chốt của Đảng và của Nhà nước trong nhiệm kỳ sau. Bầu cử kiểu gì mà chưa bầu người ta đã biết chắc ai sẽ trúng và làm chức nào.

Người trước chọn người sau kế nghiệp chỉ xẩy ra trong chế độ quân chủ và độc tài. ĐCSVN gọi là Làm quy hoạch CB. Việc đó tưởng là quá hay, nhưng không phù hợp. Tại sao vậy ? Nhiều người nắm  quyền lực có một tâm lý muốn người khác theo mình, giống minh vì thế mà thích chọn ra những kế nghiệp có cùng quan điểm.  Để xã hội tiến lên đòi hỏi thế hệ sau phải hơn thế hệ trước, phải phát hiện và sửa chữa được sai lầm của thế hệ trước. Vậy trước hết không nên đặt tiêu chuẩn chọn người để kế tục những việc làm  của mình ( trong đó có việc thực ra là sai mà mình tưởng nhầm là đúng ) mà rất nên chọn người biết cách phát hiện và khắc phục, sửa chữa những cái sai mình phạm phải. Sẽ là rất khó để một người đang có chức quyền tự nhận ra cái sai, cái kém của mình, tự phủ định mình,  để chấp nhận, để đề bạt người khác có tài năng hơn nhưng có một vài quan điểm khác. Quá khó, may ra chỉ một số ít những bậc hiền nhân mới có thể làm được.  Đây là lý do để việc quy hoạch cán bộ khó tìm được người thực tài mà dễ tìm được kẻ cơ hội vì bọn chúng biết phô ra năng lực giả tạo và che đi mục đích ẩn dấu, còn người thực tài thường thể hiện trung thực sự bất đồng quan điểm và vi phạm vào tiêu chuẩn tuyệt đối trung thành, bị loại ngay từ đầu.

 Hiện nay một tệ nạn đang ngấm ngầm hoành hành là nạn mua quan bán tước. Tệ nạn này tạo ra môi trường  độc hại nhằm dung dưỡng những kẻ cơ hội có tiền và loại bỏ những người trung thực có tài.  Nạn mua bán quan tước và danh vị là do tệ tham nhũng sinh ra. Tệ tham nhũng lại được sự độc quyền nuôi dưỡng. Trong môi trường như vậy  mà tìm cách quy hoạch cán bộ thì không khéo “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Từ chỗ chạy chức chạy quyền sẽ chuyển thành chạy chỗ trong quy hoạch. Rõ ràng là phải chiếm được một chỗ trong quy hoạch thì mới mong tìm đường tiến thân. Cách làm như vậy chỉ thích hợp với kẻ cơ hội có tiền, không thích hợp với người có thực tài , biết tự trọng. Gặp môi trường không trong sạch thì người có thực tài sẽ tìm lối thoát thân bằng cách nhập vào dòng “ chảy máu chất xám” hoặc ôm hận chờ thời chứ không chịu xin một chỗ trong quy hoạch.

QĐ 105 với 5 bước tuyển chọn ứng viên ( phụ lục 2) và kế hoạch 11 ( ngày 6/11/2018) với 4 điểm mới trong cách tiến hành, trong đó có đổi mới quy trình và coi trọng bản lĩnh chính trị,  được nhiều nhà lý luận CS ca ngợi là bài bản, chặt chẽ, công tâm, loại bỏ được bon tự diễn biến và bọn bất tài kém đức là con ông cháu cha, tránh được tệ nạn chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch. Bài bản, chặt chẽ, công tâm chỉ là hình thức, có làm thật mới biết bên trong còn ẩn dấu một số chước quỷ mưu ma. Loại được bọn tự diễn biến, bọn bất tài con ông cháu cha là có thể, nhưng rất khó dẹp được nạn chạy quy hoạch, nó sẽ biến tướng ngày càng tinh vi. Nhưng quan trọng nhất là rất khó chọn được người thực sự có tài năng. Họ đã bị loại hoặc tự loại từ vòng đầu.

Trong bầu cử, để cho cử tri biết và đánh gia tiềm năng của ứng viên thì tổ chức bầu cử phải tạo điều kiện để ứng viên trình bày chương trình hành động ( sẽ làm gì và làm như thế nào), quan điểm về các vấn đề quốc kế dân sinh, đối thoại trực tiếp với cử tri hoặc với các ứng viên khác. Trình bày chương trình hành động chứ không phải báo cáo thành tích, đối thoại trực tiếp chứ không phải tuyên truyền và hô khẩu hiệu.

Ở VN, bầu Quốc hội là đảng cử dân bầu, trong đảng thì người cũ cử để bầu người mới (cũ là cấp ủy hết nhiệm kỳ, mới là cấp ủy sẽ được bầu). Không có vận động công khai, không có tranh cử. Kiểu bầu cử như thế vừa phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học.

5- Tuyển chọn và đề bạt

QĐ 105 khẳng định : Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Từ việc cử người đứng đầu các cơ quan chính quyền như Chủ tich nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, các bộ trưởng cho đến chủ tịch UBND xã, phường, việc phong tướng tá của  quân đội và công an,  nhất nhất đều do đảng quyết định. Quốc hội và các Hội đồng nhân dân chẳng có quyền hành gì, chỉ có việc bỏ phiếu theo gậy chỉ huy. Như vậy đảng đã cướp quyền  của Quốc hội và của toàn dân trong công tác cán bộ, trắng trợn vi phạm Hiến pháp. Việc các ông bà đặt tay lên Hiến pháp, đọc lời thề theo mẫu, tại Quốc hội, chỉ là trò hề .

Ở các cơ quan, quyền hành về cán bộ phụ thuộc chủ yếu vào trưởng phòng ( ban, vụ…) tổ chức.Thỉnh thoảng ở một vài nơi hiếm hoi nào đấy có được vị trưởng như thế có trình độ, có phẩm chất tốt, đã giúp cho cơ quan tạo được đội ngũ nhân sự vững mạnh. Nhưng phần lớn cán bộ tổ chức thiếu những phẩm chất cần thiết. Tổ chức là làm việc với con người, nhưng chủ yếu họ làm việc với giấy tờ, họ xét lý lịch và đánh giá phẩm chất con người thông qua tuổi đảng, các chức vụ đã làm, các bằng cấp cùng chứng chỉ, và đặc biết thông qua quan hệ cá nhân cùng các thư tay của các anh chị ở trên. Tại sao như vậy. Tại vì phần lớn CB tổ chức được cho là cần có lập trường giai cấp vững vàng còn trình độ chuyên môn thì phiên phiến cũng được. Không thể trực tiếp tìm hiểu, kiểm tra về chuyên môn nên đành phải dựa vào bằng cấp hoặc chứng chỉ. Đó là chỗ sơ hở lớn cho bọn làm và dùng bằng giả hoặc bằng dởm.

Thời phong kiến nhà vua dùng các phẩm hàm từ nhất phẩm đến cửu phẩm để ban cho những người có một công lao hoặc vị thế nào đó. Những ông cửu phẩm, bát phẩm  chỉ là danh xưng, không phải chức vụ. Thế nhưng dưới chế độ CS, một thời người ta đã đem chức vụ trao cho người có công như là một phần thưởng, một quyền lợi. Ông này đã hoạt động bí mật, bị Pháp bắt ở tù, vậy để ông ta làm chủ tịch huyện hoặc tỉnh. Ông kia, bộ đội chuyển ngành,  đã là cán bộ trung đoàn,  vậy phải để ông làm giám đốc xí nghiệp, hiệu phó trường đại học hoặc vụ trưởng  v.v…. NHững người như vậy một thời đã kìm hãm sự phát triển. Họ được giao chức vụ nhưng không có năng lực làm việc, biến thành “ông bình vôi” ( chữ cuả Phan Khôi).  Đáng lẽ vì công việc mà tìm người, nhưng trong nhiều trường hợp đã vì người mà bịa ra việc.

Ứng viên trong việc tuyển chọn cần được cơ quan hoặc CB tuyển chọn tạo điều kiện để thể hiện năng lực tiềm ẩn và trước hết họ cần chuẩn bị để thể hiện năng lực đó trong phỏng vấn, trong kiểm tra, trong thử việc. Bạn có thể chuẩn bị một lý lịch trong sạch và sáng ngời, một hồ sơ thật đẹp với nhiều bằng cấp, nhiều chứng chỉ và cả thư tay, kèm phong bì dấu kín để nộp cho một ông CB tổ chức , nhưng để dự phỏng vấn trực tiếp , do người có trình độ chủ trì, bạn cần thể hiện con người thật của bạn.

Rồi việc tăng lương, thăng cấp hàm. Đúng ra việc này phải dựa vào kết quả công việc và năng lực, nhưng như thế lại cần đến trình độ người đánh giá. Mà người đánh giá lại không có trình độ cần thiết nên đành phải dựa vào bằng cấp và thời gian công tác. Cái việc khuyến khích “sống lâu lên lão làng”, không làm gì cũng 3 năm tăng lương, 3 năm tăng bậc  là việc làm kém trí tuệ, kém hiệu quả, cứ tưởng là hay, là đúng, nhưng nó làm chậm sự phát triển.



6-Hiến kế

Tôi biết, lãnh đạo chủ chốt của đảng không muốn nghe những phản biện, những hiến kế của người nói thẳng. Họ chỉ thích nghe những lời tâng bốc nịnh hót.

Tôi cố tìm những lời không tâng bốc nịnh hót , vẫn nói lên được ý kiến của mình mà vẫn làm cho lãnh đạo vui lòng lắng nghe. Nghĩ mãi mà không tìm ra được . 
Thôi thì cứ viết theo ý mình, ai nghe được đến đâu hay đến đó.

Đảng muốn có được đội ngũ CB giỏi giang, vững mạnh, đặc biệt là CB cấp chiến lược, thì trước hết phải thoát ra khỏi đống bùng nhùng viết ở mục 2. 

Làm sao để thoát ra được. Trước hết phải tự chân thật với chính mình. Liệu  khi tuyên bố câu :  “ Ngoài lợi ích của dân tộc Đảng không còn lợi ích nào khác” có thật lòng không. Liệu từ TBT, Bộ CT cho đến các đảng viên có nghĩ đúng như vậy không. Nếu đó chỉ là mánh khóe, là tuyên truyền, nói vậy nhưng không phải vậy,  thì thôi, không bàn thêm. Nếu thật lòng như vậy thì hãy nghiêm túc thảo luận tiếp, hiện nay lợi ích của dân tộc là gì, hãy để cho tự do ngôn luận.

Thứ đến cần thật công tâm, thật khách quan đánh giá sự hoạt động vì dân chủ của các tổ chức xã hội dân sự, đánh giá đúng những người bị cho là tự diễn biến như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Trung, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Nguyễn Quang A,  Nguyên Bình v.v…, xem thực sự họ là người như thế nào. Phải tạo ra môi trường thật sự tự do và dân chủ thì tài năng mới nẩy nở, mới có người tài mà chọn. Vườn ươm tài năng không phải là các trường các viện nghiên cứu mà là môi trường tự do về học thuật, tự do tư tưởng trong toàn xã hội, đặc biệt là trong các trường các viện.

Quan trọng nhất là thấy được đống bùng nhùng. Có thể nhiều người đang vướng trong ấy không thấy được mà người đứng ở ngoài thấy rõ hơn. Hãy từ bỏ thói kiêu ngạo cộng sản, chịu khó lắng nghe, mời những trí thức phản biện đến để nghe họ trình bày, đối thoại với họ.

Trừ những hành động theo bản năng và thói quen còn hoạt động của người ta bắt đầu bằng nhận thức. Con người tử tế cần nhận thức đúng. Người làm lãnh đạo và quản lý xã hội càng cần phải  có nhận thức đúng. Trong hoàn cảnh hiện nay nhiều điều đúng sai lẫn lộn. Muốn có được nhận thức đúng phải đem nó ra cọ xát, đối chiếu, thử thách, phản biện. Còn những người, nếu  cứ khư khư ôm chặt lấy một mớ giáo điều cũ rích, cứ kiên trì một chủ nghĩa có đầy độc hại và ảo tưởng thì không biết sẽ trở thành loại người như thế nào.