11 avril 2019

XÂM LƯỢC KINH TẾ MỘT KIỂU XÂM LƯỢC MỚI


Tô Văn Trường

 
đường trên cao Cát Linh-Hà Đông
Trên công luận, rất nhiều người dân, nhà khoa học bức xúc, quan tâm lo ngại nguy cơ nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trúng thầu dự án đường cao tốc Bắc Nam. Thực tế, hàng loạt các dự án do Trung Quốc thực thi luôn bỏ giá thấp để được chọn, rồi đội giá, thi công chậm, chất lượng kém đã nhãn tiền điển hình là dự án đường trên cao Cát Linh-Hà Đông ở thủ đô Hà Nội. Chẳng nhẽ “chúng ta” không rút ra được những bài học “tiền mất tật mang”, đặc biệt là mất lòng tin của dân chúng?


Nhìn sang nước bạn Malaysia, từ khi ông Mahathir Mohamad quay trở lại làm Thủ tướng đến nay, quốc gia này đã hủy bỏ nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là do Trung Quốc đầu tư vì chi phí cho dự án quá cao, vượt khả năng tài chính của đất nước, thổi phồng chi phí và tham nhũng. 

Ngẫm suy về dự án đường cao tốc Bắc-Nam ở nước ta nên đi theo “hướng” nào theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?. Xâm lược kinh tế là cơ sở để Trung Quốc chi phối ta về chính trị, chủ quyền. Đó là một kiểu xâm lược mới. Mở đường cho họ xâm lược về kinh tế là làm Trần Ích Tắc dẫn đường cho giặc vào nhà đấy!


Tình hình thực thi các dự án đường cao tốc ở Việt Nam


Theo tôi tìm hiểu được biết như sau:

Trong quý 2 và quý 3 năm nay sẽ khởi công 3 dự án đường cao tốc dùng vốn ngân sách nhà nước.

Quý 3 và quý 4: Hy vọng là đấu thầu có kết quả 2-3 dự án theo hình thức PPP. Hiện tại, vấn đề lớn nhất là quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật  Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thì chắc chắn nhà đầu tư NN sẽ thắng mọi cuộc thầu các dự án PPP. Hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường sắt) chắc là không áp dụng khoản 2a!

 “Điều 9. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư.

 1. Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 2. Áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong các trường hợp sau đây:

 a) Lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện;

 b) Nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc không trúng sơ tuyển quốc tế;

 c) Dự án PPP nhóm C theo quy định pháp luật về đầu tư công. Trường hợp cần sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế thì nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu và thực hiện dự án.

 d) Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) dưới 120.000.000.000 (một trăm hai mươi tỷ) đồng.

 3. Chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:

 a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển;

 b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu ;

 c) Dự án do nhà đầu tư đề xuất đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất bao gồm dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất có mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu. Dự án khả thi và hiệu quả cao nhất được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

 - Có báo cáo nghiên cứu khả thi (đối với dự án PPP) hoặc đề xuất dự án (đối với dự án PPP nhóm C) được phê duyệt;

 - Nhà đầu tư đề xuất giá dịch vụ hoặc vốn góp của Nhà nước hoặc lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước hợp lý;

 - Đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.”

Nếu đấu thầu quốc tế rộng rãi như Khoản 1, thì khả năng nhà thầu TQ trúng là rất cao về dự án đường cao tốc Bắc Nam. 


Giải pháp chung 


Tiêu cực từ đại dự án này phải được ngăn chặn và hạn chế ngay từ khâu FS, hồ sơ mời thầu, đấu thầu, chọn thầu, thi công , giám sát vv... Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải phải có chính  kiến của mình, thấy bất lợi cho quốc gia thì Bộ trưởng phải báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý kể cả báo cáo Bộ Chính trị và công khai cho cả nước biết vì đó mới là hành động thiết thực của Chính phủ kiến tạo và phát triển.

Riêng đối với nhà thầu Trung Quốc:  Bộ Giao thông vận tải phải “vắt óc” nghĩ ra cách xử lý thích hợp. Quốc hội cần nêu cao vai trò giám sát và thấu hiểu nguyện vọng của cử tri cùng với bên Chính phủ xem xét toàn bộ quy hoạch đường cao tốc Bắc Nam hợp lý chưa, có chỗ nào phải điều chỉnh? Vì sao đất nước đang nợ chồng chất lại tiếp tục đi vay vốn của Trung Quốc để làm dự án đường cao tốc Bắc Nam? Chính quyền không nhất thiết cứ vin vào lý do phải hoàn thành đúng thời hạn rồi nhắm mắt hay tạo cớ để cho Trung Quốc nhảy vào. Đến nay, trong cả nươc đã có tới khoảng 80 công trình của Trung Quốc rồi, đất nước ta đã và đang “chết dở” vì cái đống của nợ này!

Đất nước ta còn nhiều khó khăn về kinh tế, phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Không nên đi vay nợ nhất là của Tầu để đầu tư ngay vào dự án đường cao tốc Bắc Nam mà thay vào đó là đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, ví dụ như Chính phủ vừa mới họp ngày 5/4 tại Cần Thơ cam kết phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long là hướng đi đúng đắn, đột phá, hợp lòng dân. Sức dân còn lớn lắm, vấn đề là nhà cầm quyền phải công khai minh bạch và dân chủ, biết khơi dậy lòng yêu nước và lấy lại niềm tin của dân chúng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cả trước mắt lẫn lâu dài. 
 

Kiến nghị cụ thể


1. Có thể phải đặt mức giá sàn?. Giá thành chỉ là tiêu chí phụ sau các tiêu chí công nghệ, chất lượng. Rất vô lý là lấy giá thành thấp làm tiêu chí, mà không có ràng buộc trách nhiệm. Phải tính giá sàn cho từng hạng mục cụ thể, không phải chỉ giá sàn tổng cho cả gói thầu. Việc này nếu chưa có quy định, thì cần xin cơ chế đặc biệt.

2. Nên đặt tiêu chuẩn theo G7, đặc biệt là American Association of State Highway and Transportation Officials (AASHTO) nếu thiếu tiêu chuẩn VN hoặc tiêu chuẩn VN quá thấp. Về việc này thì chỉ tư vấn nước ngoài mới biết rõ.

3.Tương tự, cần nêu yêu cầu cao về tiêu chuẩn vật liệu. Ví dụ như ASTM, bởi vì kinh nghiệm qua các dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm ở TP. Hồ Chí Minh thì tiêu chuẩn VN chưa đủ.

4. Phải chấm thật kỹ năng lực tài chính của nhà thầu. Cần có chuyên gia nhiều hiểu biết về giới thầu quốc tế.

5. Nêu rõ những điều kiện ràng buộc 2 bên, như đến cột mốc nào phải đạt % tiến độ bao nhiêu. Nếu chậm tiến độ thì mỗi lần chậm xử lý thế nào; nếu đội vốn thì nhà thầu phải chịu v.v…

6. Ràng buộc nhà thầu về việc sử dụng thiết bị, tránh dùng loại yếu kém, thiết bị quan trọng phải có đăng kiểm quốc tế. Ví dụ: Dự án Metro yêu cầu cần cẩu không được quá 18 tuổi, dù pháp quy VN không yêu cầu việc này.

7. Từ những điều kiện trên, nên thuê tư vấn độc lập nước ngoài để soạn hồ sơ mời thầu và có thể cùng tham gia chấm thầu kể cả kiểm tra năng lực nhà thầu.

8. Cũng ràng buộc phía VN về lịch bàn giao mặt bằng, vấn đề nhức nhối muôn thuở làm chậm tiến độ và đội giá. Có ràng buộc như thế mới có thể thúc đẩy và chế tài các đơn vị, ban ngành. Cũng để tránh nhà thầu viện cớ bàn giao mặt bằng muộn mà đội giá.

9. Cũng có thể tách việc đền bù giải tỏa thành dự án đi riêng song song.

10. Ràng buộc nhà thầu về việc sử dụng nhân lực VN, tránh việc họ mang nhân công tay nghề thấp vào VN.

11. Quy định yêu cầu trọng tài quốc tế khi có tranh chấp. Chi phí tranh tụng tốn kém hơn nhưng bù lại VN được bảo vệ tốt hơn nếu bên VN làm tốt trách nhiệm của mình.

12. Qua các tin tức về chất lượng thi công, có vẻ như tư vấn giám sát  có vấn đề trong khi họ là tư vấn quốc tế? Phải giám sát chặt chẽ từ khâu khảo sát, lấy mẫu & thử nghiệm vật liệu, rồi đo đạc hạng mục đã thi công... Trong các khâu này, khi việc gì không đạt thì không ký, và  tư vấn giám sát không phải sợ ai cả, trừ khi đã bị mua chuộc.

Hợp đồng cũng nên ràng buộc trách nhiệm và chế tài đối với tư vấn giám sát. Các công ty quốc tế rất sợ bị nước sở tại chế tài vì tội tham nhũng mà quốc gia của họ sẽ không bao che. Đã có công ty Mỹ và Canada bị phạt nặng cho dù tham nhũng ở nước ngoài. Lúc đó, công ty sẽ khó sống vì không nhận được hợp đồng trong nước họ vốn cho doanh thu lớn gấp nhiều lần hợp đồng quốc tế.


Thay cho lời kết


Trong chiến lược phát triển của Trung Quốc để thành bá chủ ở Châu Á, sau đó hất cẳng Mỹ làm bá chủ thế giới. Việt Nam phải nhận thức rõ nguy cơ này, có chính sách bảo vệ chủ quyền của mình, góp phần bảo vệ hòa bình, hợp tác trong khu vực.

Những điều nêu ở trên liên quan đến dự án đường cao tốc Bắc-Nam là nhằm đảm bảo ăn chắc, mặc bền. Ngày xưa Pháp rồi Mỹ vào xây đường mấy chục năm vẫn chưa hư hỏng, vật liệu và kỹ thuật chẳng có gì đặc biệt. Ngày nay, ta vừa xây xong đã hỏng, tham nhũng, lãng phí tràn lan, lại viện cớ tào lao như nền đất yếu, trời mưa...

Công khai minh bạch, dân chủ và lợi ích quốc gia là trên hết nhưng cả 3 tiêu chí này hiện vẫn là thứ xa xỉ. Chúng ta phải phấn đấu cật lực bằng hành động cụ thể trước mắt và lâu dài để tiếp cận được với những tiêu chí nói trên vì sự phát triển vững bền của đất nước.

Thực tế cuộc sống và người dân yêu cầu các vị lãnh đạo từ Trung ương đến các địa phương tỉnh táo, nhìn lại mình cho rõ hơn, biết vượt lên chính mình, không đặt “quyết tâm chính trị” hay bất cứ lợi ích nào khác lên trên quyền lợi của đất nước và dân tộc.