07 mai 2019

Chuyện hôm nay và đòi hỏi 130 năm trước


Xuân Dương: Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”? Nhưng khi hiện nay hơn 85% công nhân (cả lao động trí óc, khoa học) làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài thực sự chỉ là những người làm thuê thì nói lãnh đạo là lãnh đạo cái gì và lãnh đạo ai?.

Với 85% công nhân chỉ là người làm thuê, họ làm việc “thụ động và ít chú trọng đến các lĩnh vực chính trị - xã hội” thì lấy đâu ra mà nói Thời kỳ công nghiệp 4.0: Sứ mệnh lịch sử vẫn thuộc về giai cấp công nhân hiện đại?


Ngày 1/5/1886, khoảng 40 nghìn công nhân thành phố Chicago đình công, tiếp đó công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công, biểu tính nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách “Không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”.

Cảnh sát Chicago đã xả súng vào đoàn người tay không, làm 4 người chết, hơn 70 bị thương, khoảng 100 người bị bắt.

Ba năm sau thảm kịch tại thành phố Chicago, ngày 20/6/1889 Quốc tế cộng sản họp tại Paris – Pháp dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản, chúng ta gọi là ngày “Quốc tế lao động”.

Ngày nay tại Việt Nam, ngày Quốc tế lao động không chỉ là dành cho “tầng lớp vô sản” mà là tất cả những người lao động, những người làm công ăn lương.

Sau ba cuộc cách mạng công nghiệp, loài người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (The Fourth Industrial Revolution) mà ta quen gọi là “Cách mạng 4.0”.

Những lĩnh vực then chốt của cách mạng 4.0 là những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, robot, Internets, công nghệ in 3D, công nghệ nano,…

Đội ngũ lao động thực hiện cuộc cách mạng 4.0 sẽ không phải là lao động cơ bắp mà là “lao động cổ cồn”, tức là đội ngũ lao động được đào tạo chuyên sâu ở trình độ cao.

Vậy Việt Nam đã có lực lượng lao động đáp ứng cuộc cách mạng này?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2014, về chất lượng lao động được tính theo thang điểm 10, thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB. 

Cũng năm 2014 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố kết quả khảo sát cho thấy, năng suất lao động của công nhân Việt Nam thuộc vào nhóm thấp nhất của khu vực, chỉ bằng 1/5 lao động của công nhân Malaysia, 2/5 Thái Lan, 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/10 Hàn Quốc.  

Phần lớn công nhân hiện nay trình độ văn hóa và tay nghề thấp, ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật tiên tiến khiến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng.

Bốn năm trước, số lượng công nhân có khoảng 12 triệu người (chiếm 12,8% dân số, 21,7% lực lượng lao động xã hội).

Trong đó 1.660.200 công nhân làm việc trong doanh nghiệp nhà nước; 6.854.800 công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và 3.050.900 công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bài viết “Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam viết:

Đa số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tâm lý làm thuê.

Họ chỉ chú trọng đến “công việc”, làm tròn phận sự, thụ động và ít chú trọng đến các lĩnh vực chính trị - xã hội

Kết quả một cuộc khảo sát về lối sống của giai cấp công nhân nước ta hiện nay cho thấy:

Công nhân có lối sống buông thả, thực dụng chiếm 27,9%; 22% ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; 13,6% phai nhạt lý tưởng, giá trị sống;

18,7% có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; 12,9% có thái độ bi quan, chán đời; 20,3% vô cảm trước bất công;

25,5% ứng xử, giao tiếp kém; 8,1% trụy lạc; 29,4% đua đòi, lãng phí”. [1]

Cộng một cách cơ học các con số thống kê nêu trên sẽ thấy số lượng “sản phẩm bị lỗi” là 178,4% chứ không phải là 100%. 

Với chất lượng như thế, việc khẳng định “Thời kỳ công nghiệp 4.0: Sứ mệnh lịch sử vẫn thuộc về giai cấp công nhân hiện đại” như tiêu đề bài viết trên Laodong.vn [2] có phải là ý kiến dựa trên những luận cứ khoa học?

Thế giới biến đổi hàng ngày, khoa học kỹ thuật biến đổi hàng giờ, tại nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, “riêng xưởng hàn thân vỏ đã có 1200 Robot ABB thế hệ mới nhất 6 bậc tự do phục vụ các công đoạn hàn và vận chuyển khung xe. Mọi thứ diễn ra tuần tự và tự động hoá 100%”. [3]

Tự động hóa 100% nghĩa là không còn sự hiện diện của con người trong dây chuyền trừ trường hợp xử lý sự cố.

Tuy nhiên xử lý sự cố robot chỉ có thể là những kỹ sư, chuyên gia chứ không thể công nhân. 

Tại các nhà máy điện mặt trời, điện gió, số lượng công nhân vận hành là không đáng kể khi nhà máy đi vào hoạt động.

Việc thiết kế chế tạo robot cần bộ óc của kỹ sư, cách mạng 4.0 ra đời chính nhằm mục đích giảm thiểu, tiến tới loại bỏ lao động cơ bắp, thay vào đó là lao động trí tuệ.

Đang có xu hướng tư bản nước ngoài chuyển các dây chuyền sản xuất lạc hậu của họ vào Việt Nam, họ tận dụng lao động giá rẻ chứ không phải chất xám của người Việt.

Nếu quá trình này kéo dài với quy mô ngày càng tăng, đó sẽ là nguy cơ bởi đội ngũ công nhân làm thuê bị vắt kiệt sức lao động nhưng lại không được bảo vệ quyền lợi một cách tương xứng.

Hàng loạt cuộc đình công với quy mô hàng nghìn người tại các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua là minh chứng không thể phủ nhận.  

Đó là lý do đất nước cần một đội ngũ công nhân - trí thức, nghĩa là những người làm việc như công nhân nhưng được đào tạo như cử nhân chứ không phải người làm thuê.

Tiếc rằng cho đến năm 2014, trình độ công nhân Việt Nam được thống kê như sau:

70,2% tổng số công nhân có trình độ trung học phổ thông, 26,8% có trình độ trung học cơ sở và 3,1% có trình độ tiểu học”. 

Số công nhân được đào tạo qua trường lớp:

“Trình độ trung cấp chiếm 17,9%, trình độ cao đẳng chiếm 6,6%, trình độ đại học chiếm 17,4%, còn lại chỉ được đào tạo nghề tại chính doanh nghiệp (48%)”. [1]

Nếu chúng ta không nhanh chóng hình thành đội ngũ công nhân – trí thức thì đất nước sẽ chỉ có đội ngũ công nhân làm thuê, phần lớn trong số đó chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tằn tiện, không có tích lũy, nhưng chính họ lại là lực lượng tạo ra giá trị thặng dư cho tư bản.

Điều này đã được đề cập trong bài viết với tiêu đề “Có đúng là giai cấp công nhân hiện nay không còn sứ mệnh lịch sử?” đăng trên Tapchicongsan.org.vn số ra ngày 18/10/2013.

Bài viết có đoạn: 

Chỉ có lao động làm thuê (cả lao động trí óc, khoa học) mới tạo ra được giá trị thặng dư, chứ không phải là bản thân khoa học - kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến, sẽ góp phần sáng tạo ra những giá trị cốt lõi đó”. [4]

Với hơn 85% công nhân (cả lao động trí óc, khoa học) làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, họ thực sự chỉ là người làm thuê và từ đây xuất hiện câu hỏi:

Cần phải làm gì để bảo lưu quan điểm “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”? [5]

Muốn giai cấp công nhân hiện đại đảm nhận sứ mệnh lịch sử trong thời đại cách mạng 4.0 thì phải biến họ thành giai cấp Công nhân-Trí thức chứ không thể chỉ có 17,4% có trình độ đại học. 

Nếu 85% công nhân chỉ là người làm thuê, họ làm việc “thụ động và ít chú trọng đến các lĩnh vực chính trị - xã hội” thì lấy gì đảm bảo “Thời kỳ công nghiệp 4.0: Sứ mệnh lịch sử vẫn thuộc về giai cấp công nhân hiện đại”?

Nói cách khác, muốn tư tưởng của giai cấp công nhân vẫn giữ vị trí là tư tưởng tiên tiến nhất, khoa học nhất thời đại thì bản thân giai cấp này phải tự biến đổi, họ phải là người sáng tạo, là người dẫn dắt chứ không thể là người làm thuê.

Số liệu thống kê từ các cơ quan nhà nước cho thấy năm 2015 cả nước xảy ra 245 cuộc đình công, năm 2016 là 286 cuộc và năm 2017 là 314 cuộc. [6]

Thời báo Tài chính Việt Nam (Thoibaotaichinhvietnam.vn) nêu nhận xét:

Tính từ năm 2013 đến hết tháng 6/2016, cả nước xảy ra hơn 1.000 cuộc đình công, nhưng tất cả đều diễn ra không tuân theo như quy định của Bộ luật Lao động”. [7]

Nên biết rằng Thoibaotaichinhvietnam.vn là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính.

Một tờ báo trực thuộc một Bộ trong Chính phủ buộc phải nêu kết luận là “Chưa có cuộc đình công nào theo đúng quy định pháp luật” [7] cho thấy điều gì về những người đình công nói riêng và giai cấp công nhân nói chung?

Chỉ có hai khả năng, hoặc là những người đình công chưa có hiểu biết thấu đáo về pháp luật hoặc pháp luật chưa có đủ chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động, cụ thể là công nhân trong các doanh nghiệp.

Vậy thì phải chăng sau 130 năm, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã định hình, công nhân Việt Nam vẫn còn cần đến khẩu hiệu:

Không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tapchikhxh.vass.gov.vn/giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay-n50257.html

[2] https://laodong.vn/thoi-su/thoi-ky-cong-nghiep-40-su-menh-lich-su-van-thuoc-ve-giai-cap-cong-nhan-hien-dai-605186.ldo

[3] https://vtc.vn/kham-pha-the-gioi-robot-tai-nha-may-o-to-vinfast-d437436.html

[4]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-giai-cap-cong-nhan/2013/24144/Co-dung-la-giai-cap-cong-nhan-hien-nay-khong-con-su.aspx

[5] http://congdoan.vn/tin-tuc/nghien-cuu-trao-doi-524/kien-dinh-quan-diem-giai-cap-cong-nhan-la-giai-cap-lanh-dao-cach-mang-thong-qua-doi-tien-phong-la-dang-cong-san-viet-nam-125376.tld

[6]https://thanhnien.vn/thoi-su/da-co-314-cuoc-dinh-cong-va-ngung-viec-tap-the-923270.html

[7]http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2016-09-08/chua-co-cuoc-dinh-cong-nao-theo-dung-quy-dinh-phap-luat-35381.aspx

Xuân Dương
https://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chuyen-hom-nay-va-doi-hoi-130-nam-truoc-post197884.gd