Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đang vướng phải rào cản khi nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc (Ảnh: AP). |
(GDVN) - Chính sách ngoại giao nước
lớn đặc sắc Trung Quốc đã làm dấy lên lời cảnh báo và phản ứng dữ dội từ phía
các quốc gia dân chủ tiên tiến, đặc biệt là Mỹ.
Tại Đối thoại Shangri-La 2019, nhiều học giả đã nêu lên câu hỏi khiến phái đoàn Trung Quốc không khỏi
băn khoăn: "Trung Quốc đang trỗi dậy, vậy tại sao không thể kết thêm nhiều
bạn mới và tại sao tiếng nói của Trung Quốc không được lắng nghe?".
Các quan chức Trung Quốc phải tìm cách để cân bằng
giữa yêu cầu thể hiện sự cứng rắn để trấn an người dân trong nước và nhiệm vụ
truyền đi thông điệp hòa giải với khán giả quốc tế, những người đang rất cảnh
giác trước các chính sách quốc phòng, đối ngoại của Bắc Kinh.
Mặc dù Trung Quốc đã và đang theo đuổi hoạt động
ngoại giao quy mô lớn theo hướng “hoạt động ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung
Quốc”, nhắm tới mục tiêu tái cấu trúc trật tự quốc tế và với trụ cột là việc
xây dựng “quan hệ quốc tế kiểu mới” và “cộng đồng nhân loại chung vận mệnh”
nhưng khó có thể nói rằng chính sách đó có triển vọng tươi sáng khi Trung Quốc
đang đối mặt với một loạt vấn đề nan giải.
Bài viết sẽ phân tích một số rào cản cho việc thực hiện “chính sách ngoại
giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc”, được Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực thúc đẩy
sau khi lên cầm quyền.
Trước tiên, chính sách ngoại giao này của Trung
Quốc đã làm dấy lên lời cảnh báo và phản ứng dữ dội từ phía các quốc gia dân
chủ tiên tiến, đặc biệt là Mỹ.
Trung Quốc chỉ trích trật tự quốc tế hiện tại mà ở
đó các quốc gia phương Tây và Mỹ giữ vai trò lãnh đạo là không công bằng và
không phù hợp.
Trung Quốc lập luận xây dựng quan hệ quốc tế kiểu
mới sẽ giúp gia tăng sức mạnh và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, theo quan điểm của các nước dân chủ tiên
tiến, vốn đã và đang nỗ lực duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở
như một cộng đồng chung toàn cầu thì nhận xét của Trung Quốc như vậy dường như
mang tính khiêu khích.
Trên hết, Mỹ đã và đang ngày càng cảnh giác trước
những hành động của Trung Quốc có liên quan đến trật tự quốc tế.
Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017 đã chính
thức nhận định Trung Quốc là một thế lực đang tìm cách thay đổi nguyên trạng
của trật tự quốc tế hiện tại bằng cách ép buộc, chỉ trích nước này một cách gay
gắt rằng họ đang tìm cách “thay thế Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương”.
Thái độ thận trọng mang tính chiến lược được tăng
thêm của Mỹ đối với Trung Quốc có lẽ đã làm nền cho lập trường gay gắt của
chính quyền Tổng thống Donald Trump về các vấn đề thương mại Mỹ-Trung.
Các quốc gia Tây Âu khác cũng quan ngại rằng ảnh
hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các quốc gia Trung và Đông Âu (CEE)
có thể làm giảm lực hướng tâm của Liên minh châu Âu (EU).
Để tìm cách xoa dịu mối lo ngại này, Thủ tướng
Trung Quốc, Lý Khắc Cường, trong khi quảng bá chiến lược Vành đai và Con đường
(BRI) tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-CEE năm 2018, đã nhấn mạnh BRI sẽ
giúp ích cho sự phát triển cân bằng trong khu vực và tiến trình hội nhập châu
Âu.
Đồng thời, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cho rằng sự
hợp tác Trung Quốc-CEE sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia
châu Âu riêng lẻ.
Thứ hai, nhiều nước đang phát triển có dấu hiệu tỏ
ra lo lắng và nghi ngờ trước việc Trung Quốc tăng cường thúc đẩy BRI.
Dù các dự án của BRI đã triển khai một cách suôn sẻ
ở nhiều nơi nhưng khả năng nảy sinh rắc rối cũng gia tăng. Đáng chú ý là dự án
xây cảng Hambantota ở Srilanka.
Các cơ sở hạ tầng cảng trong dự án này được phát triển là nhờ có nguồn tài
trợ lớn của Trung Quốc nhưng vì dự án này thiếu tính hợp lý về kinh tế và nhiều
lý do khác nên Srilanka gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản vay, dẫn tới
việc các công ty Trung Quốc đã được trao giấy phép thuê cảng này trong thời hạn
99 năm.
Để tránh vỡ nợ từ các khoản vay BRI, Srilanka đã phải nhượng cho Trung Quốc thuê cảng trong thời hạn 99 năm. Ảnh: Bloomberg |
Điều đó đã dẫn tới việc những dự án như vậy bị chỉ
trích là bẫy nợ của Trung Quốc.
Một lý do khác giải thích cho sự mất niềm tin đối
với Trung Quốc là việc nước này vì theo đuổi BRI mà bỏ qua những tiến trình dân
chủ ở các quốc gia đối tác, do đó thiếu tính minh bạch.
Cách tiếp cận không ràng buộc trong đầu tư khiến
tham nhũng bùng nổ, đồng thời khiến các chính phủ dồn gánh nặng lên chính đất
nước mình với các khoản nợ không có khả năng chi trả.
Khi Tổng thống mới Srilanka đắc cử năm 2015, ông đã
chỉ trích gay gắt các dự án trong khuôn khổ BRI, vốn được chính quyền trước đó
thúc đẩy.
Ngoài ra, năm 2018, sau khi lên nắm quyền, Thủ
tướng Malaysia, Mahathir Mohamad cũng đã đình chỉ hai dự án lớn nhất của Trung
Quốc đầu tư vào Malaysia: một dự án xây dựng đường sắt trị giá 20 tỷ USD và một
dự án tuyến đường ống khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD. Lý do đưa ra là Malaysia
không có đủ khả năng chi trả.
Xu hướng của Trung Quốc dựa vào quan hệ với các
nhân vật có thẩm quyền để thúc đẩy BRI khiến nước này hầu như không chú ý tới
các tiến trình và trách nhiệm giải trình với công dân. Do đó, trở ngại xuất
hiện cũng là điều dễ hiểu cho chính họ.
Tài liệu tham khảo:
1.
//thediplomat.com/2018/08/malaysias-canceled-belt-and-road-initiative-projects-and-the-implications-for-china/
2.
//vnexpress.net/the-gioi/the-kho-khi-ket-ban-tren-the-gioi-cua-trung-quoc-3935501.html#cvar=A
3.
//www.scmp.com/comment/opinion/article/3013800/trade-war-shows-chinas-economic-dream-dying-beijing-now-has-choice
4.
//www.foreignaffairs.com/articles/china/2019-03-06/problem-xis-china-model
5. //www.globaltimes.cn/content/1153826.shtml
Thanh Bình