10 octobre 2019

MỘT CUỘC TỌA ĐÀM HẾT SỨC SÔI NỔI VÀ CẢM ĐỘNG


Đào Tiến Thi





Không kể những cuộc gây hấn trên biển trong thập niên thứ nhất thế kỷ XXI mà không mấy ai biết đến, kể từ mùa hè 2011, với hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, giới chóp bu cầm quyền trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Trung Cộng) đã lộ nguyên hình bộ mặt xâm lược, bành trướng đầy tham vọng và đầy tàn ác. Cũng từ đấy, ngoài những vụ lẻ tẻ trong năm, không có mùa hè nào Trung Cộng không gây sự nghiêm trọng trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Và song song với những cuộc gấy hấn ấy, đã bùng lên phong trào chống xâm lược Trung Cộng trong nhân dân Việt Nam, kể cả đồng bào Việt Nam ở hải ngoại.

Cùng với những cuộc xuống đường là những cuộc hội thảo, đưa kiến nghị, thư ngỏ tới những người, những cơ quan có trách nhiệm quản trị đất nước. Hoạt động này trong mấy năm đầu cũng rất sôi nổi, nhất là khi Trung Cộng gây hấn lớn.
Tuy nhiên, phong trào chống xâm lược Trung Cộng cứ yếu dần, yếu dần. Nếu như mùa hè năm 2011 ở Hà Nội, Sài Gòn có những cuộc xuống đường với hàng ngàn người thì mùa hè năm nay, với sự kiện bãi Tư Chính, số người xuống đường ở mỗi thành phố trên chưa được 10 người, và cũng chỉ một, hai lần. Cũng như vậy với những hoạt động hội thảo, đưa kiến nghị, thư ngỏ cũng chỉ lác đác.
Trong khi ấy, vụ Tư Chính là vụ gây hấn nghiêm trọng nhất của Trung Cộng từ trước đến nay.
Bãi Tư Chính là một rạn đá trong khu vực Nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, cách biển Hải Nam (TQ) 600 hải lý, là điểm cuối cùng về phía nam của “đường lưỡi bò” - một vùng nước “chủ quyền” do Trung Cộng ngụy tạo. Từ năm 1989, Việt Nam đã xây dựng ở đây hệ thống nhà giàn phục vụ công việc thăm dò và khai thác dầu khí. Khoảng đầu tháng 7 năm nay, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã đi vào khu vực Bãi Tư Chính. Nhưng Đảng và Nhà nước VN đã không có thái độ mạnh mẽ như hồi năm 2014 với vụ tàu Hải Dương 981. Do đó, ngày 19/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chính thức tuyên bố Bãi Tư Chính nằm trong “quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và yêu cầu “quốc gia có liên quan” tôn trọng quyền chủ quyền của họ. Cho đến nay Hải Dương 8 và nhiều tàu khác của Trung Quốc vẫn không chịu rút khỏi bãi Tư Chính.
Tôi đã gần như buông xuôi, gần như hết hy vọng thì may sao có cuộc tọa đàm này. Tọa đàm do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đứng đầu là PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao chủ trì.
Ngoài một loạt “chiến hữu” quen thuộc đối với tôi, như cụ Chí sỹ Nguyễn Khắc Mai, GS. Nguyễn Đình Cống, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà ngoại giao Nguyễn Trung, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, PGS. Trần Thị Băng Thanh, Nhà thơ Trần Nhương, PGS. Nguyễn Vi Khải, KTS. Trần Thanh Vân, PGS. Chu Hảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà văn Nguyên Bình, Nhà văn – Cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Cộng xâm lược) Phạm Viết Đào, GS. Trần Ngọc Vương, TS. Đinh Hoàng Thắng, TS. Công Nghĩa Tụ, TS. Nguyễn Đại, TS. Phạm Văn Chung, TS. Nguyễn Văn Vịnh, TS. Nguyễn Xuân Diện, Nhà báo tự do Lê Dũng,… tôi được gặp thêm nhiều vị trí thức đáng kính khác mà trước đó mới chỉ nghe tên tuổi, thấy hình ảnh trên mạng hoặc gặp ở hội nghị nhưng chưa được tiếp cận cá nhân, đó là: PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, PGS. Hoàng Ngọc Giao, Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, Cựu quan chức Chính phủ Nguyễn Nam Cường, ThS. Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là Giảng viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh),… Có một thanh niên nông dân người thấp bé tên là Nguyễn Văn Sẵn, từ Bắc Giang xuống. Cậu nói cậu bỏ cả việc đồng áng đang bề bộn để xuống đây dự họp.
Xuất hiện đầu tiên trên màn hình trình chiếu là hình ảnh Cảnh Sảng – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cùng lời nói ngang ngược của y về bãi Tư Chính. Liền sau đó trên màn hình có câu hỏi:
“TỔ QUỐC LÂM NGUY, HÀNH ĐỘNG HAY KHÔNG HÀNH ĐỘNG?”
Chao ôi, nghe câu này, ai mà có chút chữ nghĩa mà không nhớ đến câu của Hoàng tử Hamlet trong vở bi kịch cùng tên của Đại văn hào Shakespeare:
“TO BE OR NOT TO BE?”
(Tồn tại hay không tồn tại/ Sống hay không sống?)

Một không khí xúc động trang nghiêm. Cứ như là đoàn quân sắp ra trận "Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây". Ai cũng muốn nói những lời gan ruột. Ai cũng muốn hiến một kế gì đó cho đất nước trong lúc này.
Và ai cũng được nói, nhưng mỗi lần nói không được quá 5 phút. Mọi người đều bình đẳng theo quy định này (có thể du di chút ít cho những vị có kiến giải sâu sắc). Không như đa số các cuộc tọa đàm khác, càng có địa vị, tuổi tác, càng được nói dài.
Và ai nói cũng có màu sắc riêng, ý kiến nào cũng đáng lắng nghe, cũng đóng góp được một cái gì đó. Cậu thanh niên Bắc Giang dự tọa đàm luôn cả sang buổi chiều “vì thấy các bác bàn hay quá”. Cậu bảo cậu không dám bàn chuyện đánh giặc mà chỉ mong Đảng và Nhà nước thông tin đầy đủ về tình hình đất nước, đừng để như chuyện bãi Tư Chính, cứ phải tìm thông tin ở mạng xã hội.
Có lúc hội trường lặng đi vì ai đó đã khía vào nỗi đau chung, nỗi nhục chung của dân tộc, như chính nỗi đau nỗi nhục của mình. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khóc khi phát biểu. PGS. Hoàng Ngọc Giao đã khóc khi nhận bức “tranh chữ” ghi lại câu thơ – đồng thời cũng là lời “sấm” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà cụ Nguyễn Khắc Mai chép tặng (*) .
Ý kiến vô cùng phong phú, đến nỗi ban tổ chức phải kéo sang cả buổi chiều. Lúc 5 giờ chiều, nếu ban tổ chức không tuyên bố kết thúc thì vẫn còn nhiều người muốn nói.
Chúng tôi không thể tường thuật chi tiết. Chỉ xin tóm tắt các ý kiến thành 5 loại với những nhận định chính như sau.


1. Về sự kiện bãi Tư Chính
Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là VÔ CÙNG NGHIÊM TRỌNG. Bởi vì đây là “nút thắt của nút thắt” (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt – Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng vụ Tư Chính nguy hiểm gấp cả trăm lần vụ Giàn khoan 981 hồi 2014. Ông cũng bác bỏ từng luận điệu sai trái hiện tồn tại trong chính giới Việt Nam như coi vụ Tư Chính chỉ là cuộc chơi giữa hai cường quốc, như cho rằng Trung Quốc to lớn đến mức ta không thể làm gì được, v.v.. 


2. Về việc kiện Trung Quốc
Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên kiện ở tòa nào, kiện về việc gì thì còn phải tính toán, cân nhắc để chắc thắng. Trên thế giới có những luật sư chuyên giúp các nước nhỏ kiện các nước lớn trong vấn đề chủ quyền. Nicaragoa đã từng thắng Mỹ theo cách đó. Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần “rỉ tai” các nhà lãnh đạo VN “đừng kiện để giữ đại cục”. Thế thì VN đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi.
Trong trường hợp chưa thể kiện được ngay lúc này thì theo PGS. Hoàng Ngọc Giao, Việt Nam cũng phải đưa vấn đề lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (cả HĐ Thường trực và không thường trực). Cũng theo ông Hoàng Ngọc Giao, nếu đưa ra HĐ Thường trực, VN chắc chắn giành được 3/5 phiếu là Mỹ, Anh, Pháp. Còn nếu đưa ra HĐ Không thường trực, ngoài Mỹ, Anh, Pháp cũng ít ra được 6 phiếu nữa, và tổng số sẽ là 9/15 phiếu. Đây là cách kêu lên “Ối làng nước ôi!”. Hội đồng Bảo an không có trách nhiệm giải quyết nhưng có thể lấy ý kiến tư vấn của các tòa án quốc tế. Kết quả này kết hợp với phán quyết trước đó của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về kết quả xử đơn kiện của Philipine trong vụ kiện TQ, thì như vậy thắng lợi đã thuộc về VN.


3. Đánh giá sức mạnh của Trung Quốc và dự đoán về việc Trung Quốc đánh VN
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta nhiều lần nhưng không mạnh đến mức như nhiều người nghĩ. Và nhất là tương quan giữa ta và Trung Quốc hiện nay đâu có chênh lệch lớn như thời ông cha ta đánh giặc Tần, giặc Nam Hán, giặc Mông – Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh. Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, người đã bỏ công nhiều năm nghiên cứu Trung Quốc nêu ra: Trung Quốc là con hổ (hổ thật, không phải hổ giấy) thể hiện: 1. Có sức mạnh; 2. Rất hung dữ, một thứ hung dữ hoang dại; 3. Rất đói mồi (trong quan hệ TQ – VN thì bao giờ cũng là quan hệ giữa kẻ săn mồi với con mồi); 4. Nhưng con hổ này cũng đầy bệnh tật, nếu bị đánh trúng chỗ yếu là chết. Và ông khẳng định nếu TQ gây chiến với VN, chắc chắn TQ thất bại (tất nhiên là với điều kiện VN quyết đánh chứ không phải bỏ chạy).
Còn Tướng Lê Văn Cương thì khẳng định: “Có cho kẹo, Trung Quốc cũng không dám đánh Việt Nam”. Vì sao? Vì nếu đánh VN, TQ sẽ mất cả thế giới. Mà TQ cần thế giới hơn là thế giới cần TQ. Không có (thị trường) thế giới, TQ sẽ sụp đổ. 


4. Mỹ có vai trò như thế nào?
Trong bối cảnh VN cứ im lặng hoặc phản ứng yếu ớt như hiện nay, thì đừng trông cậy gì ở Mỹ. Một số chuyên gia trong tọa đàm này có mối quan hệ gần như là bạn bè với một một số chuyên gia Mỹ, Úc, như ông Carl Thayer chẳng hạn, khẳng định: những lên tiếng vừa rồi của Mỹ chỉ là vì Mỹ, chứ không phải vì VN. Mỹ chỉ có thể giúp VN khi nhà nước VN thực sự hành động.
Nhiều chuyên gia đề nghị VN phải liên minh với Mỹ và chỉ có liên minh với Mỹ thì mới chống được TQ. Nhưng theo Tướng Lê Văn Cương, cứ như tình hình nhà nước VN hiện nay, thì đó là điều không tưởng. Tướng Lê Văn Cương cho biết gần đây vẫn có một vị quan chức VN phát biểu rằng “Trung Quốc là bạn vĩnh viễn, Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn”!


5. Vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ Tổ quốc
Rất nhiều ý kiến cho rằng nhân dân vẫn đang bị đưa ra ngoài lề, bởi không biết từ bao giờ đã hình thành cái mệnh đề “Đã có Đảng và Nhà nước lo”. Các cuộc biểu tình biểu thị lòng yêu nước, quyết tâm chống xâm lược đều bị đàn áp, bị xuyên tạc, bị bôi nhọ. Và năm nay, vụ Tư Chính nghiêm trọng đến như thế mà người dân Hà Nội, Sài Gòn không xuống đường nữa, đó là dấu hiệu thật đáng lo ngại. Ấy thế mà, theo một đại biểu, có một báo cáo của cơ quan chức năng nọ nói rằng năm nay không xảy ra biểu tình là vì nhân dân đã “giác ngộ cao”!
Một khi nhân dân bị gạt ra ngoài lề thì đất không còn sức mạnh gì. Chứng cứ rõ ràng nhất là thời nhà Hồ. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhắc lại câu của Hồ Nguyên Trừng, tướng cầm quân đồng thời là con trai vua Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Ông Nguyễn Nam Cường, một cựu quan chức chính phủ từng làm việc qua 5 đời thủ tướng, một người chỉ qua nói chuyện đã biết là người chăm đọc sử, đã kể câu chuyện: khi quân của Hồ Nguyên Trừng mới vừa bố trí lực lượng chuẩn bị nghênh chiến với quân Minh ở bờ sông Hồng (1406), quân Minh chỉ cần thả những thẻ tre kể 2 tội chính của Hồ Quý Ly là tội soán ngôi và tham nhũng thì quân lính của nhà Hồ đã hết tinh thần chiến đấu, tự bỏ trốn rất nhiều và đội quân nhà Hồ mau chóng tan vỡ (**).
Có vị đại biểu nói rằng, trong họa có phúc, nếu “triều đình” hiện nay tỏ rõ quyết tâm chống giặc, mà việc đầu tiên là kiện TQ và thả tù nhân lương tâm, thì lập tức lấy lại đươc niềm tin của nhân dân.

Cuộc tọa đàm giúp tôi lấy lại nhuệ khí, nhưng chưa hết buồn. Thay lơi kết xin cảm thán tâm trạng bằng ít câu thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc viết về bi kịch của sỹ phu VN cuối thế kỷ XIX:
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.
.................................................
(*) Đó là hai câu:
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình
Nghĩa là:
Vạn dặm Biển Đông quơ vào tay nắm/ Ức (một ức bằng 10 vạn) năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Đinh Gia Khánh dịch thơ:
Biển Đông, vạn dặm quơ tay nắm
Nam cực, muôn năm vững trị bình.

(**) Sự kiện này, sử cũ ghi lại rằng: trên bảng văn của quân Minh kê ra 22 tội của Hồ Quý Ly, trong đó có tội “Coi nước và dân như thù địch”.