12 novembre 2019

Quy trình tam phản về cán bộ, sai ở đâu ?


Nguyễn Đình Cống

Trong buổi trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 7/11/2019 về  bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói : “Tôi biết hiện nay có những đồng chí sai phạm hiện là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Ông Tân còn khẳng định, “sai phạm trong tuyển dụng hiện chiếm nhiều nhất trong số các loại sai phạm.


Một số đại biểu QH (Nguyễn Thị Thủy, Phạm Tất Thắng, Cao Thị Giang…) nêu vấn đề rồi đặt câu hỏi :Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu như vậy”.

Không riêng gì vài đại biểu QH mà khá nhiều người đặt câu hỏi như  thế, tương tự như các câu sau : Chủ nghĩa Mác Lê là hay là đúng mà sao vận dụng nó mang lại tai ương. Đường lối của Đảng là đúng đắn, là phù hợp mà sao thực hiện nó lại mang đến thảm họa ( hủy hoại môi trường, nợ nần chồng chất, đạo đức xuống cấp v.v…). Những người đặt các câu hỏi ấy thực ra đã bị mắc triệu chứng kém trí tuệ của cộng sản, thể hiện bởi sự dễ tin, không biết hoặc không dám suy nghĩ . Thế rồi họ được giải thích : Nguyên nhân (của các sai phạm, các tai họa….) là do một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.

Giải thích như vậy có đúng không ?. Chỉ đúng một phần rất nhỏ, hời hợt, hình thức, vuốt đuôi. Để biết rõ hơn cần hỏi tiếp: Nơi nào, cái gì sinh ra và nuôi dưỡng bọn người thoái hóa đó, chúng dựa vào đâu để hoạt động ?.

Riêng Quy trình về cán bộ, khi tách ra từng câu, từng điều, thấy rằng chúng khá đúng đắn, khá chặt chẽ, được một số nhà lý luận của Đảng viết bài ca ngợi, nhưng xét tổng thể Quy trình đã sai ngay từ gốc rễ mà từ người làm ra đến người thực hiện đều không thấy , hoặc có thấy nhưng  giấu đi. Về cơ bản Quy trình đó phạm 3 điều : phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Tôi tạm gọi là “quy trình  tam phản”.  Điều này tôi đã viết trong bài : “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản” (*) . Xin nêu lại vài ý ở đây.

Gốc gác của vấn đề là từ Chủ nghĩa Mác Lê (CNML). Lãnh đạo ĐCSVN quá tin vào nó, kiên trì nó. Phải chăng vì họ chỉ nhìn vào mặt tích cực giả tạo mà không thấy được những độc hại có thật do nó gây ra. 
Phải chăng vì một thời họ được học, được nhồi sọ CNML rồi tự bịt mắt, tự  bưng tai, để không thấy thực tế, không biết sự thật, rồi còn bịt mồm người khác, không cho phản biện.   
Hay còn lý do nào khác ?.  Có thể một số nào đó biết rõ độc hại của CNML, nhưng  cố tình lợi dụng  để vinh thân phì gia, để thi hành mưu sâu kế hiểm.

ĐCSVN  từng là đảng cách mạng, nay đúng ra phải trở thành một đảng chính trị, cầm quyền. Cần thay đổi điều lệ, tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Thế mà lãnh đạo Đảng  không nhận thức ra, vẫn khăng khăng  tiếp tục như cũ, tự tạo mâu thuẩn không sao khắc phục được.

ĐCSVN tự cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là  quyền quyết định về CB. Đó là cướp quyền của dân. Họ bày ra trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử để lừa mọi người  và tự lừa mình.

Những điều vừa kể trên là một đống bùng nhùng đầy mâu thuẩn mà ĐCSVN đang vướng phải, là vũng bùn lớn mà họ đang ngụp lặn . Không chịu tìm cách thoát ra mà vẫn lăn lộn trong đó thì dù Đảng có ra hết nghị quyết nọ đến quy trình kia, Quốc hội có thảo luận về cách chọn và dùng người tài, Chính phủ có làm Chiến lược về nhân tài v.v…vẫn không sao tạo ra được bộ máy có năng lực và liêm khiết.

Quy hoạch, Quy trình về cán bộ của ĐCSVN có những cái sai cơ bản từ tiêu chuẩn, bầu cử, tuyển chọn, đề bạt.

Về tiêu chuẩn. Chung nhất vẫn là tài và đức. Nhưng  tài và đức ngày nay đã rất khác thời kỳ Đảng còn vận động làm cách mạng. Thế mà những nhà lý luận, những lãnh đạo của Đảng không thấy, không chịu chấp nhận. 
Phải chăng họ bị u mê. Chỉ xin phân tích một tiêu chuẩn : Tuyệt đối trung thành.

Tiêu chuẩn trung thành là rất cần thiết đối với đảng khi còn hoạt động bí mật, trong cách mạng và chiến tranh. Khi hoạt động công khai trong hòa bình, trừ một số đảng thống trị độc quyền, không có đảng chính trị nào đặt tiêu chuẩn trung thành để ràng buộc đảng viên (đặc biệt là các đảng chính trị cầm quyền). Mà ĐCSVN yêu cầu trung thành với CNML, một thứ chủ nghĩa đã bị đa số nhân loại vứt bỏ.

Để trung thành với lý tưởng nào đó bạn phải tin yêu, cảm phục, tôn thờ nó, hy vọng vào nó. Thử hỏi hiện nay dân VN có bao nhiêu phần trăm người thật tâm tin yêu, tôn thờ CNML. Trong số người có trí tuệ và trung thực có thể có nhưng rất hiếm, chắc chưa đến một phần ngàn. Trong số người có trí tuệ tương đối thấp có thể có một vài phần trăm người tin vào CNML một cách mù quáng vì bị tuyên truyền nhồi sọ, bị tẩy não hoặc bị khống chế.

Phần lớn những người nói rằng họ tin và thề trung thành với CNML là bọn cơ hội, thiếu trung thực nhưng lắm mưu mô.

Đọc bài này đến đây chắc có một số người đặt câu hỏi và yêu cầu. Câu hỏi là hãy chỉ ra rõ ràng các chứng cứ về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học hoặc vạch ra những chỗ khác nhau của đảng cách mạng và đảng cầm quyền. Yêu cầu là đề ra biện pháp để giúp Đảng khắc phục. Xin thưa, một số vấn đề liên quan đến câu hỏi và yêu cầu tôi đã trình bày trong bài báo đã dẫn (*). Ở đây tôi không viết lại để tránh cho bài quá dài.

Các tổ chức, các cán bộ lãnh đạo của Đảng, của Quốc hội hoặc bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào, khi muốn hiểu rõ nội dung  của “tam phản” hoặc sự khác nhau nói trên mà không tự tìm ra được thì tôi xin sẵn sàng nhận lời đến thuyết trình hoặc đối thoại. Xin liên hệ qua điện thoại số 0389 578 620 và qua Email : ndcong37@gmail.com

Bài này tôi chủ yếu muốn trả lời câu hỏi của đại biểu QH và nhiều người rằng “Có Quy trình khá chặt chẽ mà sao phần lớn cán bộ chọn được lại kém phẩm chất”. Đó là vì Quy trình có hình thức tưởng là khá chặt chẽ nhưng đã phạm sai lầm từ gốc.

(*)- Bài đăng báo mạng ngày 26/12/2018 .Vị nào muốn xem toàn bài xin gửi yêu cầu đến Email  đã cho ở trên (các đường dẫn đã bị chặn)