Thân nhân cô Bùi Thị Nhung, người bị nghi nằm trong số 39 nạn nhân thiệt mạng trong thùng lạnh xe tải ở Anh, theo dõi tin tức vụ việc từ quê nhà ở Nghệ An, ngày 26/10/2019. |
Ngày nay Việt Nam có một trong những nền
kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, mức lạc quan trong các cuộc khảo sát
công chúng cao, và mối quan hệ tốt đẹp với các nước cựu thù trong chiến tranh
là Mỹ và Pháp. Vì vậy, vụ 39 di dân bất hợp pháp chết trong thùng xe tải ở
Essex (Anh) mà trong đó có người Việt Nam có thể khiến người ta ngạc nhiên bởi
vụ việc chứng tỏ một số người nghĩ rằng họ có thể tìm thấy cơ hội ở nước ngoài
tốt hơn trong nước.
Cảnh sát Anh phát hiện thi thể 39 người trong xe tải vào tuần trước, dấy lên quan ngại rằng các nạn nhân này là nạn nhân của tình trạng buôn người. Một số người đã bị bắt ở Anh. Một người đã bị truy tố tội ngộ sát và đồng lõa buôn người. Thủ tướng Việt Nam đã ra lệnh điều tra xem đây có phải là một vụ án buôn người hay không.
Một số người ở đây ngạc nhiên khi thấy
có người chịu chi tới hàng chục ngàn đô la, tương đương hàng trăm triệu đồng
Việt Nam, để xuất ngoại, dù Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã
đưa nhiều người thoát khỏi đói nghèo. Một người dân địa phương nói rằng số tiền
đó có thể dùng để tìm việc trong nước.
“Cho dù là nước nào đi nữa, chuyện này
cũng rất đau buồn,” một người bình luận trên trang tin Vnexpress viết về cái
chết của 39 nạn nhân. “Tôi nghĩ cuộc sống hiện nay ở Việt Nam không quá khó
khăn. Thay vì chi hàng trăm triệu đi nước ngoài, số tiền đó ở Việt Nam có thể
tạo ra nhiều công ăn việc làm.”
Đời sống ở Việt Nam đã cải thiện đối với
nhiều người và đã trở thành một nơi khác hẳn với thời chiến tranh. Trong thập
niên 60 và 70, làn sóng thuyền nhân chạy lánh bạo lực của chiến tranh Việt Nam.
Đó là lúc một số người ở Việt Nam bị đói kém, đa số chỉ có xe đạp làm phương
tiện di chuyển tốt nhất, rất ít người làm ăn buôn bán với thế giới bên ngoài
giữa sự cô lập của quốc tế.
Tuy nhiên, lao động di cư vẫn là một
thực tế. Người dân Việt Nam chọn sang Nga làm việc trong các công xưởng, sang
Libya làm xây dựng, hay sang Anh làm việc trong các nông trại cần sa. Lái xe
vòng quanh các thành phố nhỏ như Đà Lạt, bạn sẽ thấy các biển quảng cáo của môi
giới về việc đưa lao động đi nước ngoài.
Một số người cho rằng liệt kê các lao
động di cư này là nô lệ mới hay nạn nhân bị đưa vào đường dây buôn người không
phải lúc nào cũng có ích. Tại Anh chẳng hạn, nhà nghiên cứu Nicolas Lainez nói
xem người Việt như các nạn nhân cần cảnh sát bảo vệ có thể “là một màn hỏa mù
che đậy sự kiểm soát nghiêm ngặt về sự di chuyển của con người do Anh và các
đối tác EU thực thi, sự phi điều tiết các thị trường lao động, sự quanh co của
người lao động, và tình trạng gia tăng bất bình đẳng dưới các chính sách theo chủ
nghĩa tân tự do.”
Nói cách khác, theo ông, nhà chức trách
coi lao động di cư là một vấn đề của an toàn công cộng hay hoạt động tội phạm
hơn là quy trách nhiệm cho các chính sách nhà nước gây phương hại cho lao động
và di dân.
“Các lực lượng cấu trúc này, bị phớt lờ
trong các cuộc thảo luận về nô lệ mới, khiến công dân lẫn những người không
phải là công dân không được bảo vệ gì mấy và khuyến khích nạn bóc lột lao động
cũng như di cư trên quy mô lớn,” Lainez đăng trên blog.
Người Việt cũng xem thảm kịch mới đây
nhất là trường hợp những người lao động nghèo khó tìm kiếm một cuộc sống tốt
hơn.
“Họ không có đủ tiền để ra đi như các
doanh nhân,” một người bình luận trên Facebook về vụ án của những người chết
trên xe tải ở Anh. “Họ ra đi để tìm kiếm tương lai tốt đẹp và lo lắng cho gia
đình nhưng rốt cuộc bị mắc bẫy…kết quả thật đau lòng…Xin gửi lời chia buồn tới
các nạn nhân.”