27 novembre 2019

VNTB – Tại sao lại là nhà báo Phạm Chí Dũng?


Chi Mai 



(VNTB) – Nhà báo David Hutt của Asia times mỉa mai nói rằng, con số tù chính trị theo số liệu của Tổ chức theo dõi Nhân quyền đã lên tới hơn 130 và giờ đây lại tăng thêm một người nữa nhờ việc bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng, tiến sỹ kinh tế, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam và người điều hành trang tin Việt Nam Thời Báo (www.Vietnamthoibao.org.)


Ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt ngày 21 tháng 11 năm 2019 và bị khởi tố cùng ngày vì hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".



Việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng đã làm chấn động rất nhiều đến giới blogger và những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam vì ông Dũng và các cộng sự của tờ Việt Nam Thời Báo luôn chủ trương đấu tranh ôn hoà với nhà cầm quyền cộng sản để thúc đẩy tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam. 



Ông Phạm Chí Dũng bị bắt ngày 20 hay 21 tháng 11?



Theo tin tức lan truyền trên mạng xuất phát từ Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, ông Dũng đã bị bắt từ tối ngày 20 tháng 11. Vậy thực hư ra sao?



Theo nguồn tin xác tín của Việt Nam Thời báo, ông Phạm Chí Dũng bị bắt ở ngoài đường và áp giải về nhà sau khi đưa con đi học vào buổi sáng sớm trong khoảng từ 8:00 - 9:00 giờ sáng 21/11/2019 để tiến hành khám xét nơi ở và làm việc của ông. 



Công an đã lập biên bản khám xét nhà ông Dũng hồi 9:05 phút sáng ngày 21/11/2019 căn cứ theo các điều 178, 192, 193, 194, 195 của Bộ luật Tố Tụng Hình sự. Công an điều tra đã khám xét người, đồ vật, địa điểm, phương tiện, thiết bị điện tử và tịch thu một điện thoại Samsung màu đen, sổ tay, máy tính xách tay. 



Lúc 12:35 cùng ngày công an đã lập biên bản giao nhận quyết định khởi tố bị can số 01 ngày 18/11/2019 và Lệnh bắt bị can để tạm giam số 01 ngày 18/11/2019 của Cơ quan An ninh đìều tra – Công an thành phố HCM, Quyết định phê chuẩn khởi tố bị can số 1404/QĐ-VKS ngày 20/11/2019 và Quyết định phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam số 170/QĐ - VKS-P1 ngày 20/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 



Tuy nhiên Ông Phạm Chí Dũng đã từ chối nhận các quyết định và lệnh nêu trên. 



Như vậy nguồn tin từ Facebook Lê Nguyễn Hương Trà có phần đúng khi loan tin ông Dũng bị bắt vào tối ngày 20/11/2019 khi các Quyết định phê chuẩn khởi tố bị can và Quyết định phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đều đã được ký vào ngày 20/11/2019. 



Tại sao lại là ông Dũng?



Xung quanh việc ông Dũng bị bắt nhiều người dự đoán các khả năng: một là việc ông Dũng đã có các bài viết đụng chạm đến người có vị trí tối thượng hiện nay ở Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng. 



Bài viết đăng trên trang báo Người Việt vào ngày 17 tháng 11 ông Dũng phân tích tin đồn đoán về sức khỏe không tốt của ông Trọng và đặt nghi vấn ông có thể không giữ được các vị trí hiện nay cho đến kỳ Đại hội đảng năm 2021 sắp tới, và điều này có thể làm cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái gay gắt hơn trong năm tới. 



Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới nhận định có thể vì việc công bố phân tích này mà ông Dũng bị bắt giữ nhằm bịt miệng ông vào thời điểm đặc biệt này.

Khả năng thứ hai là việc cá nhân ông Dũng đã công khai gởi một lá thỉnh nguyện thư yêu cầu Nghị Viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại Châu Âu Việt Nam cho đến khi nào Việt Nam thực sự chứng tỏ đã có cải thiện tình trạng nhân quyền ngày 13/11/2019. Trước đó cùng với các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước, ông Dũng đã đồng ký tên vào một kiến nghị thư gởi cho Nghị Viện Châu Âu với cùng một yêu cầu.



Ngoài ra, cũng có những dự đoán nguyên do làm cho giọt nước tràn ly là bài viết cuối cùng của ông Dũng với tựa đề “ Thế lực nào bảo kê cho các trang mạng đứng tên lãnh đạo?” được đăng trên blog VOA vào ngày 20/11/2019. Bài viết đặt nghi vấn các trang mạng mang tên lãnh đạo được lập ra nhằm phục vụ mục đích “dẫn dắt và hướng lái dư luận để phục vụ cho những nhân vật chính trị bất ngờ chiếm ghế khi đó, đặc biệt khi chính trường sắp bước vào năm 2020 mang tính quyết định về các nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị và trong ‘tam trụ’ hoặc ‘tứ trụ’.”



Chúng tôi thiên về khả năng thứ hai vì lý do để khởi tố ông Phạm Chí Dũng đã nêu rõ lý do “chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” mà không phải là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo ” hay chống lại Đảng. Ngoài ra động thái của một số Nghị sỹ Âu châu cũng đã củng cố thêm nhận định này của chúng tôi.



Phản ứng từ các Nghị sỹ Âu Châu 



Bà Jude Kirton-Darling nhắc đến ông Phạm Chí Dũng như là một nhân tố đã hoạt động rất tích cực cho hiệp định EVFTA. Bà cũng đã đề cập đến lá thư kiến nghị mà gần đây ông Dũng đã tới Chủ tịch Quốc hội Châu Âu Sassoli cũng như các Chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Hội Âu Châu, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội Âu Châu, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu Châu, Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển Quốc Hội Âu Châu, trong đó ông Phạm Chí Dũng nêu ra mối quan ngại về việc ký kết thỏa thuận này.



Vụ bắt giữ của ông Phạm Chí Dũng gửi một tín hiệu rất đáng báo động trong khi Nghị viện châu Âu hiện đang xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận với Việt Nam. 



Bà Kirton-Darling cũng đã yêu cầu Đại sứ Việt Nam Tại Vương Quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang sớm làm rõ về tình hình của ông Phạm Chí Dũng



Bà Saskia Bricmont cũng đã thẳng thừng yêu cầu EU tạo áp lực lên chính phủ Việt Nam để trả tự do cho nhà báo Phạm Chí Dũng cũng như tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với quốc gia Đông Nam Á này cho đến khi tình hình nhân quyền được cải thiện. Bà cho biết “ việc bắt giữ ông Dũng làm cho tôi rất sốc.” 



Trên Facebook của bà, bà Saskia Bricmont nhắc đến mối quan ngại của ông Phạm Chí Dũng về thái độ khá thoải mái của phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Hà Nội trong vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam và lời kêu gọi được giúp đỡ của khối EU phải chăng là vấp phải cánh cửa đóng kín.



Trước áp lực quốc tế lớn như vậy, liệu nhà cầm quyền có dám bỏ qua lợi ích kinh tế và tài chính vốn rất đang cần thiết để nuôi bộ máy chính quyền lúc này hay không? 

Liệu EU có dám bỏ qua lợi ích kinh tế trước mắt để đầu tư cho những giá trị dân chủ nhân quyền bền vững, sự tôn trọng nhà nước pháp quyền và tình đoàn kết?