Cửa khẩu Lạng Sơn hôm 20/2/2020. Reuters |
Trước đó hôm 17 tháng 3 năm 2020, 10 điểm qua biên giới giữa Việt
Nam và Lào, tập trung ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La cũng đã được đóng cửa
để tránh dịch bệnh COVID-19.
Vào ngày 19 tháng 3 năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tạm
ngừng các hoạt động qua lại, buôn bán tại các cửa khẩu phụ và đường mòn lối mở
trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh giáp với Campuchia trong 30 ngày.
Việc đóng cửa biên giới được cho là cần thiết khi tâm dịch
covid-19 đã chuyển từ Trung Quốc sang các nước Châu Âu, Hàn Quốc, Iran và Mỹ.
Tuy nhiên vào khi tâm dịch còn ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung
Quốc, với hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày, hàng trăm người chết mỗi ngày, nhiều
nước trên thế giới đồng loạt đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ đường hàng
không đến đường thủy, đường bộ...
"Cái này vừa phức tạp, vừa tế nhị, ban đầu mình
chưa đóng cửa ngay với Trung Quốc vì Việt Nam với Trung Quốc có ký kết một hiệp
định biên giới, khi muốn đóng của biên giới thì phải xin phép thiên triều."
-GS Nguyễn Khắc Mai
-GS Nguyễn Khắc Mai
Việt Nam khi đó với 16 ca nhiễm corona virus và hàng trăm ca nghi
nhiễm khác, vẫn kiên quyết không đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 25 tháng 3 năm 2020 liên quan
vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới chính phủ, nhận
định:
“Tôi có nhận xét tổng quát thế này, việc đóng cửa biên giới thì
nó có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là do dịch covid-19. Trên
tinh thần đó, dịch bệnh phát triển đến mức độ nào thì đóng cửa cửa khẩu biên
giới có thể gây ra sự tràn lan dịch bệnh, đây là một tiêu chí mà các cơ quan
quản lý sẽ tính toán. Thứ hai là với tình hình diễn tiến dịch bệnh, người ta
tính toán các hiệp ước qua lại cửa khẩu, hiệp ước kinh tế của Việt Nam với các
nước, đóng vào lúc nào, cho có lợi nhất, vừa đảm bảo không bị lây lan nhiều, mà
hoạt động kinh tế không bị đình trệ, đó là quyền của Việt Nam đối với các nước
có quan hệ đó.”
Dịch bệnh COVID - 19 phát sinh từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào
khoảng tháng 12 năm 2019, đến ngày 20/2/2020 đã lan ra khắp các châu Á với hơn
75.000 người nhiễm bệnh và hơn 2.100 ca tử vong, trong đó phần đông là tại
Trung Quốc.
Sau khi dịch bệnh được Trung Quốc chính thức công bố vào tháng 1
năm 2020, Bắc Hàn, Mông Cổ và Nga đã có biện pháp đóng cửa biên giới đối với
Trung Quốc. Chính phủ Nga khi đó còn ra sắc lệnh cấm tạm thời công dân Trung
Quốc nhập cảnh Nga.
Tính đến ngày 25/3/2020, trên thế giới đã có hơn 420.700 người tại
197 quốc gia bị nhiễm virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc.
Trong số các bệnh nhân đã có trên 18.800 người tử vong.
Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, khi dịch bệnh đã quá phát triển
như hiện nay thì đương nhiên cần đóng cửa khẩu với tất cả các nước, cũng giống
như các nước trong khu vực này đã làm như Indonesia, Malaysia và các nước lớn
như Mỹ, Anh ... Ông cho rằng, đây là điều bình thường:
“Việc này là bình thường, chứ không phải do lý do quan hệ chính
trị mà không đóng được. Thật ra là bất đắc dĩ phải đóng thôi, do tình hình dịch
quá lây lan, gây ra thảm họa chung của loài người. Chuyện đóng cửa khẩu hay
không phụ thuộc chuyện đấy, chứ không phải do quan hệ chính trị mà đối xử nước
này kém nước kia. Quan trọng là nguồn bệnh đó ở quốc gia nào, thời điểm nào,
thì cần để ý.”
Theo ông Trần Công Trục, việc đóng cửa biên giới là một trường hợp
bất khả kháng trong quan hệ, vì một lý do nào đó nên phải đóng của, không cần
thỏa thuận nào cả. Rất nhiều nước đã làm điều đó mà không cần phải hỏi gỉ, đóng
cửa để nước mình khỏi thiệt thòi, chứ không chỉ vì nước bạn, vì đây là tình
hình chung. Đây là trường hợp bất khả kháng, nên ông cho rằng không cần thiết
phải thương thảo.
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận
Trung ương, khi trả lời RFA hôm 25/3/2020 lại cho rằng, còn nhiều vấn đề phức
tạp trong việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc:
“Cái này vừa phức tạp, vừa tế nhị, ban đầu mình chưa đóng cửa
ngay với Trung Quốc vì Việt Nam với Trung Quốc có ký kết một hiệp định biên giới,
khi muốn đóng của biên giới thì phải xin phép thiên triều, cái này đã ký khá
lâu, khoảng mười mấy năm. Cái này do chính Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
khi giải thích lý do không đóng biên giới vì có hiệp định, đấy là cái dở hơi,
một tinh thần lệ thuộc từ cấp dưới của thiên triều. Đó là lỗi lầm, cái sai về
mặt luật pháp và đạo lý của giới cầm quyền cộng sản ở Việt Nam hiện nay... Cái
thứ hai, là vào lúc bấy giờ chưa thấy cái nguy hiểm của covid-19, chưa thấy
virus tàu cộng là nguy hiểm cho nên cũng có sự chần chừ.”
"Bây giờ đóng biên giới với Campuchia hay Lào
thì là chuyện bình thường, trước đây và ngay cả bây giờ cũng không dám đóng
biên giới với Trung Quốc, vì sự lệ thuộc của đảng cộng sản Việt Nam với đảng cộng
sản Trung Quốc."
-GS Nguyễn Đình Cống
-GS Nguyễn Đình Cống
Ngoài ra, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, còn một lý do nữa khiến
Việt Nam không thể đóng cửa biên giới với Trung Quốc là do hàng hóa đã quá gắn
bó với thị trường dễ tính của Trung Hoa. Hàng nông sản, hải sản của Việt Nam
luôn được bên Trung Hoa chấp nhận. Và vào thời điểm lúc bấy giờ, có rất nhiều
hàng nông sản mà nông dân đang mong muốn bán sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh
long... Còn hiện nay, theo ông Nguyễn Khắc Mai, vì tình hình dịch bệnh thay
đổi, Việt Nam đã thấm đòn và thấy cần phải đóng cửa biên giới.
Tại cuộc họp chính phủ 30/1/2020 về phòng chống dịch covid-19 Phó
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam và Trung
Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa
nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.(!?)
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đã
tự ý từ bỏ đảng, nhận định với RFA hôm 25/3/2020:
“Ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có một lần nào đấy
giải thích rằng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc có ký một hiệp ước về biên
giới, trong ấy có một điều khoản rằng biên giới nói chung cứ để đi lại thoải
mái, nếu có chiến tranh hay dịch bệnh mà phải đóng cửa biên giới thì phải thỏa
thuận với nhau. Nghĩa là Việt Nam không thể tự đóng cửa biên giới với Trung
Quốc, nếu muốn thì phải thỏa thuận với họ, vì vậy Việt Nam không dám đóng biên
giới với Trung Quốc. Còn bây giờ đóng biên giới với Campuchia hay Lào thì là
chuyện bình thường, trước đây và ngay cả bây giờ cũng không dám đóng biên giới
với Trung Quốc, vì sự lệ thuộc của đảng cộng sản Việt Nam với đảng cộng sản
Trung Quốc.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, không chỉ hiệp ước về biên giới
này, mà còn một số hiệp ước giữa Việt Nam và Trung Quốc nghe nói thì hay, nhưng
phân tích ra thì thấy Việt Nam hoặc là bị lừa hoặc là nhún nhường, hay quá bị
lệ thuộc mà phải ký. Như hiệp ước về biên giới mà ông Phạm Bình Minh nói ra,
thì rất nhiều người phản ứng cho rằng, đấy là điều ký kết bất lợi cho Việt Nam.
RFA
2020-03-25
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-close-the-border-with-another-country-but-not-with-china-03252020125424.html?fbclid=IwAR3kqH66zxP8qP9r8-4ZpTnRWRl97Ijb2Xcjh5T4q3lWynSQkavLBUcvYEc
2020-03-25