10 avril 2020

Lúa gạo thời Covid-19: An ninh lương thực Việt Nam ‘không sứt mẻ’


Image captionGiáo sư Võ Tòng Xuân: Những người có chuyên môn thì họ hiểu là Việt Nam mình không bao giờ thiếu gạo. Tức là không có vấn đề gì về an ninh lương thực
 Giáo sư Võ Tòng Xuân nói nông dân Việt Nam chịu thiệt nếu không xuất khẩu gạo lúc này và không loại trừ có can thiệp của 'nhóm lợi ích'.


Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng nói ông tin rằng Việt Nam 'không hề thiếu lúa gạo'.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh giá gạo thế giới đang tăng mức cao nhất trong 7 năm khi có đại dịch Covid-19 toàn cầu, các nhà nhập khẩu ''găm hàng'' và các nước xuất khẩu gạo châu Á hạn chế xuất khẩu.

Bộ Công thương Việt Nam ngày 6/4 có văn bản trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ nguyên kiến nghị 'xuất khẩu gạo có kiểm soát' theo đó đề xuất lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ được phép xuất khẩu của năm 2019.


BBC: Giáo sư đánh giá gì về kiến nghị của Bộ Công thương?


GS Võ Tòng Xuân: Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp không nắm được thực tế sản xuất cũng như nông nghiệp. Họ cũng không mạnh dạn và không nắm sát tình hình và cũng không có biện pháp gì để đối phó với những người đầu cơ, con buôn. Rồi một số doanh nghiệp cũng muốn tích gạo để đầu cơ để bán cho những người tiêu dùng thích tích trữ. Cái này nó là chuyện muôn đời lặp lại hoài.

Thời còn chiến tranh thì Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ đã có lần mời 12 ông chành lúa (đầu mối lúa gạo, mà khi đó là toàn người Hoa) vào Dinh Độc lập khi giá gạo tăng cao. Ông ấy nói là ''Tôi là thủ tướng mà tôi điều hành đất nước thì được mà giá gạo thì không được, nhưng các ông thì làm được việc đó. Vậy tôi cho các ông 24 tiếng để làm việc này, nếu sau 24 tiếng nếu giá gạo không xuống thì tôi sẽ bốc thăm chọn ra người để bắn''. Thế thì ngày hôm sau giá gạo xuống liền.

Hồi năm 2008 có tình trạng Việt Nam được mùa nhưng lại không có gạo, các nơi ùn ùn đi mua gạo, mà mua không có. Thì lúc đó tôi có gọi ra Văn phòng Chính phủ nói thủ tướng là các công ty lương thực phải xuất kho ra thì ngày hôm sau giá gạo cũng trở lại bình thường.
Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTYIMAGESImage caption Có ý kiến nói an ninh lương thực là việc của nhà nước chứ không phải việc của nhà nông


BBC: Giáo sư sẽ nói gì nếu Thủ tướng Phúc mời tới Văn phòng Chính phủ để tư vấn về chuyện xuất khẩu gạo giai đoạn này?


GS Võ Tòng Xuân: Tôi sẽ giải thích cho Thủ tướng [Nguyễn Xuân Phúc] mấy điểm. Thứ nhất, vừa rồi mình có một vụ đông xuân được mùa và tôi tính là mình phải có khoảng 5,5 triệu tấn gạo. An ninh lương thực của Việt Nam không bao giờ bị sứt mẻ. Chúng ta được mùa và có thể để lại 1,5 triệu tấn (1/3) và xuất đi 4 triệu tấn.

Thứ hai, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng là Việt Nam mình không có thiếu gạo bởi sự thật là như vậy. Mời các khoa học gia nói chuyện, để nông dân nói chuyện trên đài báo truyền hình đàng hoàng cho người ta thấy là tình hình không phải là như đồn đoán. Tức là nếu mình [người tiêu dùng] chỉ cần có 5kg thì không có lý do gì phải đi mua 50 kg. Thứ ba là gạo dự trữ vẫn còn. Thì nội giải thích mấy cái đó thôi là rõ ràng rồi.

Thế còn nếu sợ thiếu gạo thì hỏi mấy ông doanh nghiệp và thương lái là anh giấu gạo của anh đâu. Người ta tính toán thế nào đó mà chỉ cho xuất khẩu có 800 ngàn tấn thì tôi thấy như vậy là rất thiệt thòi cho bà con nông dân mình. Tức là mình xuất vào lúc giá gạo đang cao thế này thì bà con nông dân đỡ được chút.

Không có nước nào có hệ thống sản xuất như nước mình tức là một vụ lúa chỉ cần 3-3,5 tháng là tối đa. Cho nên đối với những người có chuyên môn thì họ hiểu là Việt Nam mình không bao giờ thiếu gạo. Tức là không có vấn đề gì về an ninh lương thực và không cần thiết phải giới hạn xuất khẩu.
Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM/AFP/GETTYIMAGESImage caption Giáo sư Võ Tòng Xuân: 'Nếu sợ thiếu gạo thì hỏi mấy ông doanh nghiệp và thương lái'


BBC: Kinh tế gia Nguyễn Đức Thành (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) có quan điểm rằng Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này và rằng "Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích núp bóng nhà nước". Giáo sư có bình luận vì về ý kiến này?


GS Võ Tòng Xuân: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của anh [Nguyễn Đức] Thành. Khi Vinafood còn 100% vốn của nhà nước thì những người tiền nhiệm khi đi ký hợp đồng với nước ngoài như Trung Quốc hay Malaysia bỏ thầu giá gạo thấp. Đến lúc về thì giá trong nước cao do thương lái Anh, Hà Lan thu mua giá cao. Vinafood không mua được giá thấp thì đi kêu ông thủ tướng cấm xuất khẩu gạo, thế thì lúc đó giá xuống thảm hại. Thì khi giá xuống thì Vinafood mới đi mua để xuất ra nước ngoài với giá rẻ. Và cũng khi đó thì họ lại bán cho thương lái Âu châu kia. Cho nên cái trò dừng xuất khẩu, như anh Thành đã nói, là có sắp xếp ở trên kia hết rồi. Vấn đề là mấy ông không biết mà lại còn chơi với mấy tay đầu cơ thì mới có việc trì hoãn xuất khẩu.


BBC: Có ý kiến nói về khả năng nhà nông "phá sản" nếu không bán được lúa gạo vào lúc này.


GS Võ Tòng Xuân: Phá sản thì không phá sản nhưng họ không có tiền để trang trải nợ phân bón rồi thuốc trừ sâu. Cái nghèo của nông dân mình trong suốt 40 năm nay nó thể hiện ở chỗ là khi thu hoạch thì không ông nông dân nào để dành lúa cả vì họ muốn bán gấp để trả nợ. Tức là nay khi được mùa mà họ không bán được được họ sẽ gặp khó khăn. Các năm trước thì nhà nước cho các doanh nghiệp vay tiền để tạm trữ lúa nhưng lại mua với giá rẻ thì giải quyết được cho ông nông dân tiền để trả nợ. Thế nhưng lại không có tiền để tiết kiệm. Cho nên khi gạo đang có giá cao như thế này thì nông dân có thể bán được lúa với giá cao. Cho nên vào thời điểm như hiện nay mà không cho xuất khẩu hoặc xuất có giới hạn thì nông dân lại gặp khó khăn nữa. Tuy nhiên theo tôi biết thì nông dân cũng đã bắt đầu bán cho thương lái rồi và chỉ có một số ông phải bán giá thấp.

Cũng nên lưu ý là trong khi chúng ta được mùa thì Thái Lan lại bị mất mùa và đồng bạt Thái mạnh quá thành ra giá gạo của Thái cao. Về độ thơm thì gạo Thái 10 thì gạo mình cũng phải 9. Còn độ dẻo thì như nhau. Cho nên gạo Thái bán được 800 USD/tấn thì dần dần mình có thể bán được trên 700 USD/tấn. Thái Lan mỗi năm chỉ trồng một vụ còn Việt Nam có thể trồng được ba vụ. Tháng 10/2019 gạo ST của Việt Nam còn được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.


Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, là "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu long và được Nhà nước Việt Nam công nhận là Anh hùng Lao động vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại vùng này.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52226989