TTO - Chính sách "ngoại giao corona" của Trung Quốc đe dọa mang lại nhiều đối thủ hơn bạn bè, mặt khác cũng phản ánh tình hình chính trị phức tạp trong nước, theo báo Financial Times.
Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 - Ảnh: CNN |
Khi thượng nghị sĩ Roger Roth, chủ tịch
thượng viện Cơ quan Lập pháp bang Wisconsin (Mỹ), nhận được email từ chính phủ
Trung Quốc "nhờ vả" ông bảo trợ một nghị quyết ca ngợi phản ứng của Bắc
Kinh trước dịch COVID-19, ông cứ nghĩ đó là trò lừa của tay nào đó.
Tác giả email còn cẩn thận đính kèm một
bản dự thảo nghị quyết được viết sẵn, trong đó đầy những luận điểm và tuyên bố
của nhà cầm quyền Trung Quốc để ông Roth đưa ra biểu quyết.
"Tôi chưa từng nghe nói có chính phủ nước ngoài nào
tiếp cận một cơ quan lập pháp nhờ họ thông qua một nghị quyết. Tôi nghĩ lá thư
không thể là thật", thượng nghị sĩ Roth kể với báo Financial Times (FT).
Nhưng sau đó ông Roth phát hiện email đó quả thật được gửi từ Tổng
lãnh sự Trung Quốc ở Chicago. "Tôi ngạc nhiên hết sức... Tôi viết một dòng
trả lời: 'Thưa ngài tổng lãnh sự, điên quá'".
Mất lòng tin
Nhà báo Jamil Anderlini của FT nhận xét câu chuyện trên có lẽ là tập mới
nhất của chiến dịch tô vẽ hình ảnh toàn cầu Bắc Kinh đang đẩy mạnh giữa đại
dịch COVID-19.
Thành công bao nhiêu chưa biết nhưng "ngoại giao corona"
của Trung Quốc đã năm lần bảy lượt phản tác dụng. Từ việc xuất khẩu thiết bị y
tế lỗi đi các nước, cho đến ủng hộ thuyết âm mưu quân đội Mỹ thả virus ở Vũ
Hán, rồi vụ xìcăngđan ngược đãi người châu Phi ở miền nam Trung Quốc theo kiểu
tống khứ về quê nhà...
Một số nhà quan sát từng nghĩ cách phản ứng hỗn loạn của phương
Tây trước dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc trám vào lỗ hổng quản
trị toàn cầu, thậm chí bỏ qua một bên số liệu dịch bệnh đáng ngờ của Bắc Kinh.
Nhưng nhìn qua cách Bắc Kinh lợi dụng tình hình, Trung Quốc có khả
năng chỉ càng bị cô lập và mất uy tín hơn trên trường quốc tế sau khi cuộc
khủng hoảng trôi qua.
Ông Wasng Jisi, học giả nổi tiếng của Đại
học Bắc Kinh, nhận xét dịch bệnh này đã đẩy quan hệ Trung - Mỹ xuống mức tồi tệ
nhất kể từ khi mới bang giao hồi thập niên 1970. Ông mô tả hố ngăn cách kinh tế
- công nghệ giữa hai cường quốc "đã không thể đảo ngược".
Ở Anh, sự thay đổi cũng rất lớn. Các chính khách bảo thủ quyền lực
bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson cứng rắn hơn với Trung Quốc, truyền
thông Anh chỉ trích nhiều hơn, còn cộng đồng tình báo tuyên bố sẽ theo dõi sát
mối đe doạ từ Bắc Kinh...
Ở châu Âu và Úc, các chính phủ hối hả chặn doanh nghiệp Trung Quốc
thâu tóm tài sản giá rẻ giữa lúc kinh tế lao dốc vì dịch bệnh. Nhật Bản thì
dành hẳn một quỹ 2,2 tỉ USD để giúp doanh nghiệp nước này dời nhà máy ra khỏi
Trung Quốc...
Vật tư y tế từ Trung Quốc được bốc dỡ xuống ở Geneva, Thuỵ Sĩ - Ảnh: REUTERS |
Cuộc khủng hoảng lớn nhất
Phải nhìn nhận rằng một số lời chỉ trích
nhắm vào Trung Quốc chưa được công bằng. Nhiều chính khách dân túy phương Tây
tấn công Bắc Kinh còn nhằm mục đích phủi bớt trách nhiệm do thất bại trong
chống dịch.
Nhưng không phải vì vậy mà những gì Trung Quốc làm là đúng.
Bắc Kinh có thể đã tìm thấy sự đồng cảm nhiều hơn nếu họ chọn
chiến lược minh bạch và hợp tác, nếu họ không bịt miệng những người dám lên
tiếng (điển hình là bác sĩ Lý Văn Lượng), nếu họ không chạy chiến dịch truyền
thông đánh lạc hướng nguồn gốc con virus, tự ca ngợi mình và hạ thấp nước
khác...
Lời qua tiếng lại với Mỹ, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung
Quốc còn dọa nước này có thể chặn xuất khẩu vật tư y tế để nước Mỹ "chìm
trong địa ngục corona".
Cách hành xử như vậy chỉ càng thổi bùng quyết tâm của Washington
và nhiều nơi khác trong việc giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung
Quốc.
Nhưng bên cạnh đó, thái độ kỳ lạ của Bắc Kinh trong cuộc khủng
hoảng này được các nhà phân tích cho rằng đang phản ánh phần nào sự phức tạp
của tình hình chính trị trong nước.
COVID-19 là thách thức lớn nhất Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt kể
từ khi lên nắm quyền năm 2012. Ông Tập có lẽ hiểu rõ cơn khủng hoảng kinh
tế sắp tới sẽ tác động mạnh hơn cả bản thân dịch bệnh.
Hồi khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh xác định tăng trưởng phải
ở mức 8% mới giảm thiểu được bất ổn xã hội, trong khi GDP quý 1-2020 của Trung
Quốc đã giảm đến -6,8%, đe dọa gây ra những nhiễu động lớn.
Ở góc độ đó, việc guồng máy tuyên truyền và ngoại giao của Trung
Quốc đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc được xem là chiêu đánh lạc hướng dư luận, bất
chấp cái giá phải trả là hình ảnh quốc tế bị tổn thương. Nó giải thích được tại
sao giới ngoại giao Trung Quốc lại liều lĩnh như vậy thời gian qua.
Quay lại Mỹ, sau lá thư kỳ lạ từ Trung Quốc, thượng nghị
sĩ Roger Roth đang soạn thảo một nghị quyết khác. Hé lộ một chút với
báo FT,
ông cho biết sẽ ca ngợi người dân Trung Quốc nhưng sẽ "bóc trần ban lãnh
đạo cho cả thế giới thấy".
Nghị quyết nhiều khả năng được thông qua
với sự ủng hộ áp đảo.
PHÚC LONG