Nguyễn Đình
Cống
Tôi vô tình
xem Video “Góc nhìn Nguyễn Ngọc Lập”.(ghi ngày 19/9/ 2019), phát hiện vài điều
hơi lạ. Sau đó tôi tìm nghe tiếp một số bài khác của ông để có cái nhìn chung.
Nguyễn Ngọc
Lập (NNL), sinh năm 1951, nguyên thiếu úy trong quân lực VNCH, sau 1975 bị tù
vài năm dành cho sĩ quan quân đội thất trận. Ra tù một thời gian ông Lập sang Mỹ,
trở thành một người chống cộng có tiếng. Năm 2012 NNL được
TS Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao VN tiếp và mời về thăm đất
nước. Năm 2014 ông Lập về VN, được đón tiếp tử tế, được mời thăm đảo Trường Sa,
thăm nghĩa trang quân đội VNCH và vài
nơi quan trọng khác.
Tại Mỹ, ông
Lập, với những “độc thoại” có chất hùng biện cao, đã chinh phục nhiều thính giả.
Ông đã có cách trình bày hùng hồn với những
dẫn chứng, những số liệu rõ ràng. Ông tự
hào với đầu óc chứa rất nhiều tri thức và thông tin, với cái lưỡi sắc bén. Ông
đã thẳng thắn vạch ra những dối trá, những bí mật của chính quyền,
của quân đội VNCH, của đồng minh Hoa Kỳ. Tuy vậy trong bài “Góc nhìn…” và một số bài khác nữa người ta bỗng nhiên nghe ông nói tốt cho cộng sản trong một số công việc. Có ý kiến cho
rằng ông đã bị cộng sản mua chuộc. Nhưng bản thân ông và một số khác lại cho rằng
NNL không hề bị mua chuộc mà đã mạnh dạn,
thẳng thắn nói lên nhận thức đúng đắn, có lý trí, hợp đạo nghĩa, nhằm tôn vinh
sự thật, nhằm thực hiện sự hòa hợp, hòa giải dân tộc theo nghị quyết 36 của
ĐCSVN. Tôi không có nhận xét hoặc đánh giá gì về việc NNL có bị mua chuộc hay
không, chỉ phân tích một số ý kiến trong bài “Góc nhìn Nguyễn Ngọc Lập”, vạch
ra một số nhầm lẫn và ngụy biện.
Trước hết
xin tóm tắt một số ý của video “Góc
nhìn…”. NNL dẫn ra lời của Chúa rằng “Hãy yêu thương kẻ thù…” dẫn
Kinh Phật rằng : “Hãy lấy ân báo oán…”, dẫn đạo nghĩa của dân tộc “Đánh người chạy đi không đánh người chạy lại”,
dẫn Găng Đi và Lu Thơ King với đề cao tình yêu, xóa bỏ hận thù. Rồi ông vận dụng
vào cho quan hệ giữa cộng sản VN và những người chống cộng. Ông Lập cho rằng CS
xem người chống cộng là những kẻ lạc đường, đáng thương vì đi theo đế quốc,
CS đã thả để họ đi lập nghiệp ở Mỹ. Còn người chống cộng xem CS là kẻ thù, quyết
không đội Trời chung. Ừ thì xem là kẻ
thù, mà theo Chúa và Phật thì phải thương yêu kẻ thù chứ, sao lại chống đối. Mà
nghị quyết 36 nhằm hòa giải dân tộc thì sao lại phản bác, chọc gậy bánh xe.
Ông Lập dẫn
lời Linh mục Thanh Lãng cho rằng CS phạm 10 tội trong đó tội số một là đem chủ
thuyết vô thần về VN. Ông quy cho Pháp Mỹ xâm lược, còn CS tuy vô thần nhưng chống
xâm lược, giành độc lập nên về lý trí thì CS đúng. Ông Lập cho rằng được mời về
thăm đất nước vì chính quyền VN xem ông là người thực tâm, có nhân cách, rằng
ông là người siêu đẳng về chính trị. Ông liên hệ 36 kế của Tôn Tử với NQ 36 của CS, cho rằng nó nhằm đem lại
hòa bình. Thế mà người Việt ở hải ngoại chống lại nó, đó là chống lại lý trí và
lương tâm. NQ 36 bị thất bại, đầu tiên là do các tôn giáo. Trong các nhà thờ,
trong các chùa không một linh mục nào, không một nhà sư nào dám nói đến yêu
thương CS như lời răn của Chúa, của Phật. Ông Lập nhận xét rằng người Việt có tính kèn cựa,
không dám nói lỗi tại tôi, không nhận ra kẻ thù chính là Pháp Mỹ, rằng chính
Pháp Mỹ gây ra thù oán. Ông Lập tôn phục Lão Tử, tuyên bố rằng ông theo người
đánh Pháp như Phạm Hồng Thái chứ không theo đảng phái như Quốc Dân đảng, ông
theo CS đánh Pháp chứ ai theo CS lên chủ nghĩa xã hội thì kệ. Ông Lập nhấn mạnh
CS đặt an ninh tổ quốc lên trên hết, rằng họ đề cao việc tôn trọng pháp luật.
Ông Lập tỏ
ra rất tự tin trong độc thoại, cho rằng mọi dẫn chứng, mọi số liệu ông đưa ra đều
là sự thật, nhưng thực ra đó chỉ là một phần sự thật mà thôi. Mà một phần của
bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một phần của sự thật nhiều khi là dối trá.
Mỗi sự việc được biểu hiện ra dưới nhiều góc độ,
dưới nhiều khía cạnh, trong đó có những biểu hiện là cốt lõi, thuộc bản chất và
những biểu hiện phụ, kèm theo. Có biểu hiện lộ rõ và biểu hiện bị che kín. Khảo sát một sự việc
thường không thể kể ra và đánh giá hết mọi biểu hiện. Khi tìm ra được biểu hiện
thuộc bản chất thì có thể nói đã biết sự thật, còn nếu chỉ thấy biểu hiện phụ
mà tưởng là sự thật thì đã nhầm to. Ông Lập đã có cái nhầm như vậy, vì rằng với
việc làm và tuyên truyền của CS thì biểu hiện phụ thường lộ rõ, dễ thấy, biểu
hiện bản chất thường bị che lấp, khó thấy.
Một vấn đề
nữa liên quan đến sự thật là mục đích của công việc. Với người trung thực thì
nghĩ thế nào nói ra như thế. Nhưng với những kẻ có nhiều thủ đoạn, lắm mưu mô
thì điều họ nói khác với điều họ nghĩ, và điều họ không nói ra mới là bản chất.
Người ngoài, để biết sự thật phải khai thác được điều tuyệt mật hoặc chỉ có thể
phỏng đoán rồi kiểm chứng.
Ông Lập thừa
biết cộng sản lắm mưu mô nhưng không biết rằng ông đã bị CS lợi dụng. Ông tưởng
họ mời ông vì những lý do đã nêu ở trên (thông minh, chân thật…). Không phải!. Họ thấy ở ông một người chống cộng theo phong trào chứ không phải chống cộng
vì thấy được bản chất phản nhân loại của họ. CS biết rằng dùng được những người có quá trình chống
cộng như ông Lập sẽ rất lợi cho họ và biết rằng để lôi kéo được ông phải có người
giỏi thuyết phục như TS Nguyễn Thanh Sơn. Ông Sơn đã dùng phương pháp ngụy biện
rất cao, đã cảm hóa được ông Lập. Việc này, chúng tôi, một số trí thức đã từng
theo CS không lạ gì cả. Tôi đã đàm luận với nhiều bạn bè là tiến sĩ, là giáo sư
có nhiều năm tuổi đảng, xem chúng tôi đã bị CS dụ dỗ và bị mắc lừa như thế nào.
Không những chúng tôi mà nhiều người thầy của chúng tôi như Tạ Quang Bửu, Nguyễn
Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo vẫn bị CS lừa. Một số khá đông người
Việt, lúc trẻ vì lòng yêu nước mà gia nhập ĐCS, ở trong đó nhiều năm mới nhận
ra bản chất xấu xa của nó rồi họ đã từ bỏ. Điển hình là nhà văn Nguyên Ngọc, GS
Chu Hảo, GS Tương Lai.
Ông Lập có
thể đọc rất nhiều, biết nhiều thông tin,
nắm được nhiều bí mật, nhưng tôi đánh
giá thấp các khả năng của ông về tư duy, về hiểu biết những mưu ma chước quỷ của
CS, về việc đề ra rồi kiểm chứng giả thuyết, về phương pháp phát hiện bản chất
sự vật.
Khi nói đến
CS ông Lập đề cao việc chống Pháp, chống Mỹ của họ. Ông đã phân biệt chiến sĩ chống Pháp là Phạm Hồng Thái và Việt Nam Quốc Dân Đảng,
nhưng với CS không thấy ông phân biệt người đảng viên yêu nước, chống Pháp với
chủ thuyết CS. Giữa lòng yêu nước của người Việt và ĐCSVN có duyên nợ. Tuyên
truyền của CS cho rằng họ là chỗ dựa cho Lòng yêu nước. Chúng tôi cho rằng CSVN
đã dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để tồn tại và phát triển. CSVN giống như
cây tầm gửi, sống bám vào cây chủ là dân
tộc, là đất nước VN. Chủ thuyết của CS là đấu tranh giai cấp, là thiết lập vô sản
chuyên chính, là độc quyền đảng trị theo Mác Lê. Muốn vậy phải giành được chính
quyền. Muốn giành chính quyền thì trong nước họ phải dựa vào dân, ngoài nước phải
dựa vào cộng sản thế giới. Và rồi CSVN đã dẫn cả dân tộc trở thành tên lính
xung kích của cộng sản thế giới, trở thành phụ thuộc vào Nga Xô và Trung cộng về
ý thức hệ, về tổ chức và nhiều lĩnh vực khác. Lê Duẩn công nhận rằng Việt nam
đánh Mỹ là đánh cho cả Liên xô và Trung quốc.
Xét về bản
chất của ĐCSVN thì việc đánh Pháp là như gạt một cục đá cản đường để thiết lập
chuyên chính vô sản nhằm xây dựng một xã hội theo mô hình Mac Lê. Khi CS đã nắm
được chính quyền họ trở thành đảng thống trị tàn bạo.
Chủ thuyết
CS đã thất bại ở Liên xô, Đông Âu và Mông Cổ, đã bị Hội Đồng Châu Âu lên án là
phản nhân loại. Hiện nay lực lượng CS hùng mạnh nhất là Trung quốc, nó đang bị đa số nhân loại tẩy chay vì lộ rõ những dã
tâm. Trước đây Mỹ tích cực chống cộng chính là muốn ngăn ngừa thảm họa cộng sản.
CSVN tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược VN, nhưng chính phủ và nhân dân Mỹ nói rằng họ
không xâm lược mà chỉ giúp đồng minh ngăn chặn CS để cứu cho một phần nhân loại
thoát ách độc tài. Nhiều người Việt có kiến thức và trung thực cũng nghĩ như vậy.
Ông Lập đã nhập Pháp Mỹ vào cùng nhau. Phải chăng là sự nhầm lẫn hay cố tình lẫn
lộn. Mỹ vào VN có mục đích khác hoàn toàn với Pháp. Quân Pháp nhằm chiếm và giữ
đất, quân Mỹ nhằm ngăn chặn CS.
Khi nhìn
vào ĐCSVN người ta nhìn vào các đảng viên. Trong thời kỳ đánh Pháp ĐCSVN có nhiều
đảng viên tốt. Do đâu ?. Không phải vì các đảng viên đó được giác ngộ về chuyên
chính vô sản mà họ chính là những người
có sẵn lòng yêu nước thương dân. Họ vì lòng yêu nước mà vào đảng, mà chịu tù
đày, chịu hy sinh chứ không phải vì chủ thuyết CS .
Cũng là chống
cộng nhưng có nhiều loại khác nhau. Có người chống lại chủ thuyết, họ không xem
các đảng viên CS là kẻ thù cá nhân mà xem rằng chủ thuyết cộng sản là kẻ thù về
tư tưởng của nhân loại, có người vì thù hận cá nhân, cũng có người theo phong
trào hoặc để tỏ ra ta đây có bản lĩnh. Phải nhận rằng có một số vì tư thù cá
nhân hay sao đó mà chống cộng một cách cực
đoan thì chẳng hay ho gì, nhưng nếu không thấy rõ bản chất độc hại của CS mà ca
ngợi họ trong vài biểu hiện phụ thì cũng là nhầm lẫn.
Ông Lập cho
rằng vì CS chống Pháp xâm lược nên về lý trí họ đúng. Vì họ đúng nên mọi người
cần ủng hộ. Đây là kiểu ngụy biện xảo trá. Nếu cần ủng hộ là ủng hộ việc làm chống
Pháp chứ không phải ủng hộ họ nói chung. Ngay cả trong việc chống Pháp thì thực chất CS đã lợi dụng lòng yêu nước của số đông dân Việt, trong đó có lòng yêu nước của
đảng viên, để đoạt chính quyền, để thiết lập sự thống trị, thực chất là cướp
quyền của Dân. Thế còn những việc làm khác của CS như phá hoại Hiệp định Genève
và Paris, cải cách ruộng đất, cải tạo
công thương, đàn áp Nhân văn giai phẩm, quốc hữu hóa đất đai tạo ra nhiều dân
oan, đàn áp những người bất đồng chính kiến, lừa bịp và hãm hại những người của
VNCH trong các nhà tù, tạo ra bọn tư bản đỏ hoang dã v.v…thì nói sao, có ủng hộ họ không.
Ông Lập nói
CS đã thả cho những người lạc đường đi lập nghiệp ở Mỹ. Phải chăng đó là những
người mà CS buộc phải để họ đi theo diện HO, chứ chẳng phải do lòng tốt của
chính quyền VN, không giữ được đành phải thả. Còn thảm họa thuyền nhân do CS
gây ra thì sao.
Ông Lập nhắc
lời Chúa và Phật. Ông có hiểu Chúa nói đến kẻ thù nào và vì sao phải yêu thương
họ hay không. Đó là kẻ thù bằng xương bằng thịt của một số người và đang lâm
vào tình cảnh khó khăn, bi đát. Còn CS là kẻ thù của nhân loại về tư tưởng.
CSVN là kẻ chiến thắng trong chiến tranh và đang là kẻ thống trị đầy quyền uy,
đang quyết khuất phục mọi tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền
CS nói rằng họ đã vì nước vì dân. Nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc đã ở trong đảng 62 năm, ông tuyên bố từ bỏ ĐCSVN vì nhận thấy
đó là một đảng phản nước hại dân. Xin kể câu chuyện ông Toàn chăn vịt.
Ông Toàn là
một nông dân đã trở nên giàu có vì giỏi
chăn vịt. Ông nuôi đàn vịt mượt
mà, béo tốt. Người ta nhận xét rằng ông đã thực sự chăm lo cho đàn vịt, vì đàn
vịt, quá tốt với đàn vịt. Ông Toàn, ngoài miệng thì rêu rao điều người ta nói,
nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng ngu gì mà lại vì đàn vịt. Ông chăm cho chúng là
vì túi tiền của ông, để ông giữ vững vai vế trong họ hàng làng xã. Nuôi vịt mà
để chúng gầy ốm, xơ xác thì có mà sạt nghiệp. Hỏi ông muốn gì ở đàn vịt, ông
nói, muốn chúng béo khỏe, đẻ nhiều trứng để ông có nhiều tiền, muốn toàn bộ đàn
vịt răm rắp theo cái sào chỉ huy do ông ban ra, không con nào được rời xa đàn.
Về hình thức thì ông nuôi vịt, nhưng thực chất thì vịt nuôi ông, vịt làm giàu
cho ông.
Cách ĐCS
lãnh đạo dân Việt hiện nay cũng có nét gần
gần giống như ông Toàn nuôi vịt. CS quan tâm đến phát triển kinh tế, đến an
ninh, đến luật pháp thì chủ yếu không phải vì tự do và hạnh phúc của nhân dân,
không phải để bảo vệ nhân quyền và dân quyền mà chính là để củng cố sự thống trị
của họ, vì quyền lợi của đảng họ. CS ra sức tuyên truyền vì việc nọ việc kia chỉ
nhằm để che giấu bản chất độc tài toàn trị. Họ bảo Hiến pháp là sự thể hiện cương lĩnh của
họ, Quốc hội thực chất chỉ là bù nhìn của họ. Ông Lập cho rằng CS hết sức tuân
thủ luật pháp, nhưng rất nhiều tù nhân lương tâm bị kết án theo chỉ thị của cấp
ủy đảng chứ có được xử theo đúng luật
pháp đâu. Phần nhiều các tòa án xử người bất đồng chính kiến dẫm đạp lên luật
pháp.
Quay lại với NQ 36. Về hình thức thì NQ đó là nhằm hòa giải,
hòa hợp dân tộc, nhưng bản chất chứa đựng một số mưu mô và thủ đoạn của CS.
Khi nước Mỹ kết thúc chiến tranh Bắc-Nam, quân
lính hai bên ôm nhau khóc vì sung sướng, tướng lĩnh hai bên tôn trọng nhau. Còn
CSVN kiêu ngạo về chiến thắng, huyênh hoang về thế đứng trên đầu thù, rồi lừa dối
để nhốt vào tù dài ngày những người của
VNCH, rồi gây nên thảm cảnh thuyền nhân. Việc này phải chăng là CS muốn
hòa hợp ?.
Những việc
làm của CS như không trả lương hưu cho những người của chế độ cũ, đặc biệt là
những thầy giáo và bác sĩ, đối xử tàn bạo với thương phế binh của quân lực
VNCH, như xâm hại nghĩa trang liệt sĩ VNCH, như khăng khăng phải gọi VNCH là ngụy
quân, ngụy quyền v.v… là thực tâm muốn hòa giải ư ?.
Sau say sưa
chiến thắng và tàn phá nền kinh tế bằng cải tạo công thương ở Nam, hợp tác hóa ở Bắc, VN lâm vào tình trạng
kiệt quệ, từ 1986 buộc phải sửa sai. Sau
khi được Mỹ bỏ cấm vận mới khởi sắc và CS mới thấy rõ khả năng đóng góp của người
Việt hải ngoại, vì thế năm 2004 mới cho ra NQ 36. Hình thức của NQ 36 là hòa họp
hòa giải nhưng ẩn chứa nội dung CS tìm
cách lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những Việt kiều còn nặng lòng với quê để thu
lợi. Vì thế mà ông Trịnh Vĩnh Bình mới bị lừa đến suýt nữa mắc vào thảm họa.
Ông Lập nói
: Không đánh người chạy lại. Ai chạy lại, ai đánh. Phải chăng ông ngụ ý CS chạy
đến với người Việt Hải ngoại và bị họ đánh. Vâng CS đến với Việt Kiều ở thế của
kẻ chiến thắng và lừa phỉnh.
NQ 36 không
đạt được như mong muốn của CS, ông Lập cho rằng nguyên nhân số một là tại các
tôn giáo. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là tại sự kiêu ngạo của CS, họ tự cho
mình là những người chiến thắng đầy vinh quang, họ muốn hòa hợp trong sự sỉ nhục
người chiến bại. Đáng lẽ để hòa hợp thì
người chiến thắng cúi xuống nâng người anh em chiến bại đứng dậy, chữa vết
thương cho họ, giúp đỡ, an ủi họ. Đằng này CS chiến thắng lại vùi dập, sĩ nhục,
hành hạ người anh em chiến bại. Thế thì
hòa hợp cái gì. Mãi sau này, từ năm 2010 trở đi có một số người thấy được phần
nào mới tìm cách ve vãn, vớt vát.
Ông Lập tỏ
ra tinh tường khi liên hệ NQ 36 với 36 kế của Tôn Tử. Đó là một sự liên hệ ngây
ngô chứ chẳng có gì của một trí tuệ sắc sảo.
Ông Lập trách
dân ta có tính kèn cựa, không biết tự nhận lỗi, và phải chăng vì thế mà không
thực hiện NQ 36 theo đúng ý của CS. Theo truyền thống người Việt có nhiều đức
tính tốt, nhưng cũng có một số tính xấu
như ích kỷ, kèn cựa, huyênh hoang v.v… Những tính xấu này giảm xuống khi chính
quyền trong sạch, vững mạnh, đề cao đạo nghĩa và dân nghe theo. Tính xấu sẽ
phát triển mạnh khi chính quyền cai trị bằng độc tài, dối trá, vô thần, tham
nhũng, cửa quyền. Mà CS đang thống trị như vậy. Khi xã hội rơi vào tình trạng đạo
đức xuống cấp, dối trá hoành hành thì cả
dân và chính quyền đều phải chịu trách nhiệm, mà trách nhiệm của chính quyền là
chủ yếu. Suốt cả bài độc thoại hơn 60 phút tôi không nghe ông Lập có một chút
gì phê phàn CSVN hiện tại. Việc chống cộng theo phong trào của ông đã thuộc quá
khứ.
Ông Lập
thay đổi “Góc nhìn” sau chuyến về thăm VN năm 2014. Tôi xem vài video về sự kiện
ấy và phát hiện rằng đoàn của ông Lập đã được tuyên huấn CS cho chứng kiến một
số việc diễn ra trong đời thường, nhưng thực ra là được dàn dựng theo kịch bản
rất công phu , với những diễn viên nhiều kinh nghiệm. Những người có hiểu biết,
sống nhiều năm dưới chế độ CS không lạ gì những kịch bản như vậy. Nhiều cán bộ
cao cấp CS rất giỏi đóng kịch trong đời, rồi cấp dưới lại dàn dựng kịch bản để
lừa dối họ. Nhiều kịch bản xoay quanh việc tạo ra “thành tich dổm” để tìm kiếm
những lời ca ngợi. Phải công nhận tuyên huấn CS rất thành thạo và thành công
trong những kịch bản như vậy. Phải là những người vừa có trí tuệ cao, vừa được
chứng kiến nhiều lần mới có thể phát hiện ra kịch bản của họ. Sự việc đưa đoàn
thăm nghĩa trang Bình Dương là kịch bản
khá hoàn hảo.
Xin kể câu
chuyện. Năm 1977, khi đến thăm người bạn thân là Lệ ở Quảng Bình, tôi gặp anh Mậu
là anh ruột Lệ. Hai người mới gặp nhau lần đầu nhưng trước đó Lệ đã nhiều lần
nói với người này về người kia nên khi gặp đã có tình thân thiết. Anh Mậu là đại
tá tình báo do CS cài vào VNCH từ thời Ngô Đình Diệm. Năm 1976 anh cùng nhiều chiến hữu ở Nam ra Hà
Nội, được cho đi thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở Phú Thọ để biết sự ưu việt của
miền Bắc XHCN. Kịch bản được dàn dựng rất công phu, nhưng làm sao qua mắt được
dân tình báo. Anh Mậu đã trốn khỏi hội trường, nơi đang diễn ra mit tin chào mừng để thâm nhập vào thôn xóm và phát hiện ra nhiều
sự thật đau lòng. Tôi kể cho anh nghe vài vụ các địa phương đã dàn dựng để đón
lãnh tụ của Đảng về thăm như thế nào. Hai anh em ôm nhau cười khoái trá.
Đoàn của
ông Lập đã được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe…., nhưng rồi tưởng dzậy mà
không phải dzậy. Làm sao mà những người trong đoàn ông Lập biết được đang bị những
phù thủy cao tay lừa. Đáng thương lắm thay. Bài đã quá dài, xin tạm dừng.