Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã lên tiếng sau khi Trung Quốc đưa một
tàu khảo sát từng vi phạm lãnh hải Việt Nam vào năm ngoái trở lại khu vực tranh
chấp trên Biển Đông.
Theo ghi nhận của Reuters hôm 15/4, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam “đang theo dõi sát sao” các diễn biến trên vùng biển này.
Trước đó hôm 14/4, dữ liệu hành trình hàng hải được Reuters
trích dẫn cho thấy tàu Hải Dương 8 – từng tiến hành khảo sát địa chấn trong
lãnh hải Việt Nam nhiều tháng trời vào năm ngoái – đã xuất hiện ở khu vực cách
bờ biển Việt Nam khoảng 158km và trong vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội.
Chiếc tàu này được ít nhất hai tàu quân sự của Trung Quốc hộ tống,
theo thông tin từ Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS Greg
Poling đăng tải trên Twitter. Cũng theo dữ liệu của ông Poling, một tàu giám
sát các tàu cá của Việt Nam bám đuôi theo tàu Trung Quốc.
Ryan Martinson, chuyên gia của viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc
thuộc trường Hải chiến Hoa Kỳ, hôm 13/4 cũng trích dẫn dữ liệu hành trình hàng
hải cho thấy tàu Hải Dương 8 đã rời cảng hướng về phía biển của Việt Nam.
“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước
của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của
mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông,” người phát ngôn
Lê Thị Thu Hằng được Sputnik trích lời nói.
Năm ngoái, tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã nhiều lần ra vào
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Hà Nội đã phải vài lần lên tiếng cáo buộc
Bắc Kinh “xâm phạm lãnh hải” của mình cũng như phản đối hành động khảo sát “bất
hợp pháp” trong vùng biển Việt Nam. Vụ việc đã làm quan hệ giữa hai nước trở
nên căng thằng nhất kể từ khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải
Việt Nam năm 2014.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/4 nói rằng tàu Hải
Dương 8 không làm việc gì bất thường.
“Tàu của Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bình thường
trong vùng biển do Trung Quốc quản lý,” người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói tại
một buổi họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh.
Đây cũng là câu trả lời của Bắc Kinh hồi năm ngoái khi tàu Hải
Dương 8 tiến hành khảo sát tại khu vực Bãi Tư Chính, mà Việt Nam nói là nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, trong nhiều tháng.
Động thái đưa tàu Hải Dương 8 trở lại khu vực tranh chấp trên Biển
Đông được tiến hành không lâu sau khi Hà Nội trao công hàm phản đối tàu hải cảnh
Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Chính phủ Mỹ ngay sau đó lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vụ
đụng độ hôm 3/4 mà Bắc Kinh nói là tàu cá của Việt Nam cố ý đâm vào tàu hải cảnh
của họ. Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm 11/4 nói họ có bằng chứng
bằng video cho thấy tàu hải cảnh của họ “vô tội”. Tuy nhiên chưa có bằng chứng
nào về vụ việc được phía Trung Quốc đưa ra.
Tờ Hoàn cầu Thời báo còn cáo buộc Mỹ đứng về phía Việt Nam để đổ
trách nhiệm cho Trung Quốc và cảnh báo leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Vụ việc này cũng diễn ra vài ngày sau khi Việt Nam thông báo họ
đã gửi công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc khi
“vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam
tại Biển Đông”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/4 phản bác lại khi nói rằng
các quần đảo Tây Sa – mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – và Nam Sa – là Trường Sa
theo cách gọi của Việt Nam – thuộc lãnh thổ Trung Quốc và rằng các tuyên bố chủ
quyền của Việt Nam là “phi pháp và không có giá trị.”
15/04/2020
Nguồn: Theo COA
Nguồn: Theo COA