25 avril 2020

“Virus chủng loại mới”


Thiện Tùng

24/04/2020



Đọc qua cái tựa bài chắc ai cũng nghĩ gã Tùng nầy sắp nói gì về lĩnh vực vi trùng học?. Không đâu, Tùng tôi muốn và sẽ nói đôi điều về chính trị học.


Thể chế Chính trị, kinh tế Trung Quốc (TQ) hiện tại là “Virus chủng loại mới”. Nó không thuần chủng, nó đang giả danh, giả dạng như Tề Thiên trong Tây Du Ký.



Thể chế chính trị, kinh tế TQ thuộc loại tạp chủng gồm:  



1/  Đường lối chính trị Mac – Lenin (Công sản) 

2/  Tư tưởng Mao Trạch Đông (Phong kiến)

3/  Đường lối Kinh tế Đặng Tiểu Bình (Tư bản). (“Mèo trắng mèo đen gì cũng được miễn bắt được chuột” – lời Đặng Tiểu Bình).



Từ năm 1972 về trước, TQ theo thể chế chính trị Công sản và Phong kiến (Mác+Mao) luôn là nước chậm phát triển. Từ năm 1972 về sau nầy,  nhờ Tổng thống Mỹ Nixon và ngoại trưởng Mỹ Kisinger đạo diễn, TQ bổ sung đường lối kinh tế Tư bản (thị trường) vào. Từ đó, thể chế chính trị TQ theo “học thuyết Mac-Lê-Mao”; Thể chế  kinh tế theo “thị trường mang màu sắc TQ”. Chính từ sự tạp nhạp ấy, TQ nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng. Nhờ gian dối, đễu cán, TQ sớm trở thành nước phát triển thuộc hàng thứ 2 thế giới sau Mỹ, thành con Hổ dữ đang khủng bố nhân loại.  



Mộng bá đồ vương là tham vọng thường trục của mọi thế hệ cầm quyền TQ. Nói hình tượng một chút để dễ hình dung: Từ năm 1972 về trước, TQ luôn như con Hổ đói, bịnh nằm liệt giường liệt chiếu không thể tung hoành hóng hách. Bắt đầu từ năm 1972, một kế sách sai lầm đáng trách là Tổng thống Mỹ Nixon và ngoại trưởng Mỹ Kisinger “dưỡng Hổ di họa” - lo thuốc thang và tẩm bổ cho Hổ bằng đường lối kinh tế thị trường, nó sớm khỏe mạnh, cường tráng, bung ra gây náo loạn rừng xanh. Để tranh bá đồ vương, TQ không xem nước Mỹ là bạn nữa, mà là đối trọng số một trong cạnh tranh ngôi thứ.



Vậy thì hiện nay, hơn ai hết, Mỹ phải có trách nhiệm đứng mũi chịu sào, cùng hợp lực với các nước ngăn chận, xử trị hành động bá quyền của TQ đang nhũng nhiễu nhân loại.



Thế giới sẽ phạm sai lầm nếu cho rằng TQ chỉ có ý đồ thôn tính Việt Nam (VN). Không chỉ thế đâu, TQ muốn bành ra tứ hướng, nhưng thế lực còn có hạn: bành phía Đông đụng Nhựt, Nam Hàn; bành phía Tây đụng Ấn Độ; bành phía Bắc đụng Nga; chỉ còn bành xuống các nước nhỏ ở phía Nam (ASEAN).



*Trung Quốc dùng VN làm lá chắn khi “yếu”, làm  bàn  đạp khi “mạnh”: 



- Trong chiến tranh Cục bộ giữa 2 phe Cộng sản và Tư Bản diễn ra trên đất nước VN (1965-1975), TQ sử dụng VN như một lá chắn cho mình và cho phe XHCN. Chính vì vậy, Tổng bí thư Lê Duẩn mới nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc và Liên Xô”.



-  Năm 1972, khi đi đêm với Mỹ và thấy Mỹ thực sự bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa, năm 1974, TQ xua tàu chiến đánh chiếm quần Hoàng Sa của Việt Nam do VNCH quản lý trước sự chứng kiến và làm ngơ của hạm đội 7 Mỹ đang ở gần đó.



Khi kết thân và làm ăn với Mỹ, coi như loại được Mỹ ra khỏi vòng chiến, TQ áp dụng kế hoạch “hai gọng kềm” gây sức ép nhầm thôn tính VN để làm bàn đạp thực hiện mưu đồ tiến xuống Phương Nam. Khi thì họ dùng bàn tay sắt, lúc thì dùng bàn tay nhung đối với VN:



Bàn tay sắt



-  Trung Quốc định áp dụng chiến thuật “hai dao một búa” đối với VN: Mũi dao trên đất là mua chuộc Khmer Đỏ (Pôn Pốt) hình thành đạo quân đánh thuê, gây sức ép biên giới Tây- Nam VN (coi như luyện quân) / Mũi dao trên biển là xây dựng căn cứ Hải quân ở đảo Hải Nam. Về phương án tác chiến, khi đến ngày N giờ G, 2 mũi  sẽ giáp công tại chỗ eo khu 5 tỉnh Hà Tĩnh - dao Khmer Đỏ từ vùng 3 biên giới (Việt, Miên, Lào) chém ra, dao từ biển đổ bộ lên Vũng Áng Hà Tĩnh chém vào, chặt chữ S  thành 2 khúc rồi tiến quân về hướng Bắc, dùng búa tạ nện vào thủ đô Hà Nội, xơi gọn miền Bắc, miền Nam tính sau.



“Vỏ quít dày có móng tay nhọn”, Việt Nam kịp thời khống chế và đánh tan đạo quân đánh thuê của Pôn-Pốt . Mũi đất liền bị vô hiệu hóa, mũi biển không thể đơn phương, khiến cho chiến thuật “hai dao một búa” bị bị phá sản.



- “Chết, nết không chừa”, tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua 600 ngàn quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc VN. Việt Nam bám lấy núi rừng, quyết chiến đấu tự vệ. Phía Trung Quốc hao binh tổn tướng quá nhiều, buộc phải nhanh chóng rút quân về bên lãnh thổ TQ..  



- Trên đất liền không làm gì được, năm 1988, TQ bất thần xua tàu chiến đánh chiếm một số bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa của VN rồi tôn tạo chúng thành những đảo nổi, làm chỗ dựa lộng hành khu vực Nam biển Đông cho tới ngày nay.



Bàn tay nhung



Năm 1990, TQ bí mật cho người sang gặp riêng một số quan chức cấp cao của VN bàn việc thương thuyết giữa 2 nước. Từ đó dẫn đến cuộc mật nghị thượng đỉnh giữa 2 nước ở Thành Đô, tái lập ngoại giao giữa 2 nước.



Sau mật nghị Thành Đô giừa 2 nước, dựa vào tương quan phân định thứ hạng, TQ thủ vai anh, VN thủ vai em. VN phụ/lệ thuộc mọi mặt ngày càng sâu vào Trung Quốc – TQ gọi VN dạ, TQ bảo VN vâng. Thảm trạng nầy diễn ra nhản tiền, ai mà chẳng thấy, tôi không kể ra ở đây chi cho thêm dài dòng.



* Được đàng chân lân đàng đầu:



Để gây sức ép và thôn tính VN, TQ tiếp tục thực hiện kế sách “hai 

gọng kềm và luồn tim”:



- Hai gọng kềm: TQ sử dụng sông Mékong và biển Đông như 2 cánh tay vươn ra siết lấy VN: Họ xây nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mékong khiến cho đồng bằng sông Cửu Long VN điêu đứng vì  thiếu nước ngọt và nhiễm mặn / Họ xem biển Đông như ao nhà của mình. Hết keo nầy gầy keo khác, họ lấn chiếm không biết mệt mõi biển đảo của VN.



- Luồn tim: TQ xem đất nước VN như một phần lãnh thổ của mình, ngoài mua chuộc giới lãnh đạo và cài cấm gián điệp như tướng Công an Trương Giang Long đã nói, họ còn tung tiền, tung thầu khoán, tung người vào  băm dầm, quậy phá tan nát đất nước VN.



- Để quản lý biển đảo mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ngày 24/07/2012, TQ thành lập TP Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam gồm: Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa ( gồm bãi Macclesfield, Scarborough). Và mới đây Trung quốc không gọi Tam Sa mà gọi là Tứ Sa – có lẽ họ thêm đảo Ba Bình do Đài loan đang quản lý vào đây?



- Trung quốc cũng vừa tuyên bố thành lập bộ máy cầm quyền cấp quận ở 2 quần đảo Tây Sa (HS) và Nam Sa (TS).



Trước sự ngày một lộng hành của TQ ở biển Đông, gần đây Việt Nam liên tiếp gởi 3 Công hàm lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình. Thứ tự các Công hàm: số 22/HC-2020 / số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020.  



Phản ứng lại 3 công hàm nầy của VN, ngày 17/04/2020, TQ gởi tiếp Công hàm số CML/42/2020 về Biển Đông lên Liên Hiệp quốc với nội dung (trích đoạn nguyên văn): 



 CML/42/2020

“Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc kính chào ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tham chiếu các Công hàm trước của chúng tôi số CML/17/2009 và số CML/18/2009 gửi tới Ngài Ban Ki-moon, là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc ấy, bởi Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc năm 2009, Phái đoàn Trung Hoa (China) xin được tuyên bố quan điểm của China, liên quan đến Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020, và các Công hàm số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 ngày 10/4/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bởi Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, như sau:

<< China có chủ quyền đối với Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Nam Sa và các vùng nước liền kề. China có các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. China có các quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Chủ quyền của China đối với Chư đảo Nam Hải cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của China ở Biển Đông là đã được thiết lập trong một giai đoạn dài của thực tế lịch sử. Các quyền ấy đã được gìn giữ bởi các Chính phủ China kế tiếp nhau và là nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Chính phủ China bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với nội dung trong các Công hàm của Việt Nam số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020.

Chủ quyền của China đối với Quần đảo Tây Sa và Quần đảo Nam Sa là được công nhận rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều ấy một cách rõ ràng. Ngày 4 tháng Chín năm 1958, Chính phủ China ban hành bản Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải của Trung Quốc, công bố bề rộng lãnh hải mười-hai-hải-lý, và quy định rằng, “Điều khoản này áp dụng cho mọi lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm […] Quần đảo Đông Sa, Quần đảo Tây Sa, Quần đảo Trung Sa, Quần đảo Nam Sa và mọi đảo khác thuộc China”. Ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi một công hàm ngoại giao tới Tổng lý Quốc vụ viện China Chu Ân Lai, long trọng tuyên bố rằng “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”, và rằng “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy”. Trước những năm đầu 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Quần đảo Tây Sa (HS) và Quần đảo Nam Sa (TS) đã luôn là những phần không thể tách rời của lãnh thổ China từ thời cổ đại. Lập trường này đã được phản ánh trong các tuyên bố và công hàm của chính phủ Việt Nam, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thống của nước này…>>.(hết trích).

Tỏ ra đuối lý, Trung quốc quan trọng hóa vấn đề bằng cách nâng Công thư đơn giản mang tính chất hữu nghị, xả giao của Thủ tướng Phạm văn Đồng thành Công hàm, rồi dựa hẳn vào Công thư 14/09/1958 nầy làm cứ liệu để nói đặng nói được, giành phần phải về mình. Vậy chúng ta thử xét xem Công thư năm 1958 của ông Đồng có giá trị pháp lý hay không:

 - Việc chuyển giao quyền lãnh thổ, lãnh hải cho nước ngoài, theo Hiến pháp 1946, phải Chủ tịch nước ký sau khi được Quốc hội  thông qua ?.

- Luật pháp Quốc tế cũng ấn định như vậy. Vì Thủ tướng chỉ là người đứng đầu cơ quan Hành pháp, không có quyền tự ý ký vào những văn bản đối ngoại mang tính quốc gia đại sự?. 

    - Hơn nữa, ông Phạm văn Đồng chỉ là Thủ tướng nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với phần lãnh thổ, lãnh hải từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc thì làm gì có quyền ký giao cho TQ biển và 2 đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 do “Việt Nam Cộng hòa” quản lý?.




Kẻ tham vọng đang trên đà đuối lý, không còn cách nào khác, TQ vội vàng thành lập 2 quận Tây Sa (HS) và Nam Sa (TS) rồi thẳng thừng tuyên bố: “Trung Quốc kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân sự vận hành và các cơ sở trên các đảo và bãi đá mà nước nầy xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp”.

Cũng có thể lắm,TQ cố tình gieo dịch, các cường quốc, nhứt là Mỹ đang sa lầy vì dịch, nhân cơ hội ngàn năm có một nầy, Trung Quốc gây sức ép buộc VN giao đảo Trường Sa cho họ, nếu không thì họ đánh chiếm. Đừng tưởng họ không dám làm, vừa ăn cướp vừa la làng thuộc bản chất cố hữu của nhà cầm quyền TQ.

 Theo lẽ thường tình, khi bị hiếp đáp mình phải tư đứng lên chống lại, vì thương cảm, người ta sẽ cứu giúp. Nếu cứ co đầu rút cổ chờ người ta hành động thay mình thì chỉ khi nào có tết Cong-gô.

ASEAN có cả thảy 10 nước: 5 nước không dính biển Đông, họ đang xìu xìu ểnh ểnh và ve vản với TQ để kiếm viện trơ / 5 nước dính với biển Đông: Việt Nam, Philippine, Brunei, Indonesia, Malaysia.

* Theo người viết, nên chăng:

- Tốt nhứt 5 nước có đính đến biển Đông không nên so hơn tính thiệt với nhau. Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, VN nên nhanh chóng tổ chức cuộc họp các nước có biển đảo tiếp giáp Nam biển Đông Nam Á nầy lại, bàn bạc phân định rõ ràng mốc giới giữa các nước với nhau. Làm được như thế, các nước sẽ  hiểu nhau, gắn chặt và thân thiết với nhau hơn, hợp lực chống lại sự bành trướng của TQ.

Xin mạn phép phân miếng: Biển Đông Nam Á nầy nằm về hướng Đông VN, Tây Philippine, Bắc 3 nước còn lại. VN và Philippine có bờ biển tiếp giáp dài nhứt nằm theo chiều dọc biển ĐNA. Ba nước còn lại chắn đầu Nam biển ĐNA. Nếu mỗi trong 5 nước ai cũng quyết tử giữ biển đảo của mình thì các cường quốc, nhứt là Mỹ và Nhựt… sẽ nhảy vô giữ đường hàng hải quốc tế quan trong trên biển nầy thì Trung Quốc không thể dám “thọc đầu vào kẹt đá”, chỉ còn thất vọng, ngân nga vài câu của bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ: “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, thuở tung hoành hóng hách những ngày xưa…”.

- Trong lúc dầu sôi lửa bổng nầy, công chúng nói chung, binh sĩ đang trấn giữ Trường Sa nói riêng, muốn biết quan điểm, lập trường của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc Phòng về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhứt là có cho nổ súng hay không nếu TQ tấn công đảo. Nếu không cho nổ súng, mời Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ra túc trực ở Trường Sa để thương thảo với TQ khi họ tấn công.

 Không thể cứ đu dây mãi, đã đến lúc VN nên tuyên bố hủy bỏ “3 không”, sẵn sàng liên minh liên kết với bất cứ nước nào có thiện chí muốn giúp Việt Nam. -/-