03 juin 2020

CHUYỆN NÓI XẤU VÀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI


Nhà Thơ Trần Đăng Khoa : "Thật kinh khiếp khi có ông Chánh án còn bảo: “Sao không giết quách Hải đi, cứ để mãi chẳng thấy xi nhê gì. Còn để Hải sống thì còn phức tạp, còn mất ổn định chính trị ở địa phương”. Trời đất quỷ thần ơi! Giết một con người không có bằng cứ gì để kết tội, coi tính mạng người dân như cỏ rác mà lại còn mong có được sự ổn định chính trị ư? Chính những ông mất hết cả tính người, làm việc cẩu thả, phát ngôn bừa bãi này đã đẩy nền tư pháp còn đầy khiếm khuyết của chúng ta xuống tận đáy vực thẳm.



- Rất vui ta lại gặp nhau vào một ngày cuối tuần. Vừa rồi, trên Truyền hình Nhân Dân, ông Trần Đăng Khoa có cuộc trò chuyện với nhà báo Hoài Nam ở chuyên mục “Nhìn thẳng nói thẳng” mà công chúng rất quan tâm. Bây giờ tôi cũng muốn bàn với ông về vấn đề người dân đang rất quan tâm này. Ông còn có điều gì muốn nói thêm nữa không?


- Để bàn hay bàn tiếp về cái chuyện “nói xấu” trên mạng và không chỉ ở trên mạng này, chúng ta cần phải xác định: “Thế nào là nói xấu?”. Phê phán những thói hư, tật xấu, hay những việc không đẹp thì có phải là “nói xấu” không? Không! 
Tấn công cái xấu, làm con người đẹp lên, xã hội đẹp lên, để cuộc sống ngày một hoàn thiện thì sao lại là “nói xấu” được.
Đây là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Cụ luôn nhắc chúng ta phải biết “Phê bình và tự phê bình”. Con người nhiều khi cũng không biết mình làm việc xấu. Nếu biết mình đã chẳng làm. Thế mới cần phê và tự phê. Tất nhiên, cũng có người biết là việc xấu nhưng họ vẫn cứ làm, vì đồng tiền, hay vì một ý đồ rất đen tối nào đó thì đấy là kẻ tha hoá rồi. 
Ngay từ những ngày còn bé tí, tôi cũng đã viết về cây đèn dầu hoả, ngày ấy ở nông thôn còn chưa có điện: “Đứng giữa bàn mà cháy/ Mà toả sáng xung quanh/ Chỉ thương cây đèn ấy/ Không sáng nổi chân mình”. Rồi cái cây: “Ngày nào còn bé xíu/ Giờ bỗng vút lưng trời/ Dưới gốc cây xám mốc/ Bao lá cành sâu rơi”. Nói đúng cái xấu, cái không hoàn thiện để con người tốt hơn, cuộc sống tốt hơn thì không phải là nói xấu.


- Vậy thế nào là nói xấu?


- Nói xấu là dựng chuyện, bịa đặt, vu khống cho người ta những cái người ta không làm, không có, biến người tử tế thành kẻ tội đồ bẩn thỉu trước con mắt của công chúng không có đầy đủ thông tin. 
Cái này ở trên mạng, và không chỉ ở trên mạng có nhiều lắm. Người ta bêu xấu, tạo điều kiện để không ít kẻ vô tâm đánh hội đồng. Một hội chứng đám đông rất kinh khiếp. Ở các nước cũng có chuyện này. Không ít ca sĩ, nghệ sĩ yếu bóng vía không chịu đựng nổi đã phải tìm đến những cái chết rất thương tâm. Những kẻ giết người ảo ấy, toà án nào xử được? Làm sao kết tội được những bóng ma? Đấy là bi kịch tang thương của đời sống hiện đại. 
Ở ta việc dựng chuyện, vu khống cũng rất nan giải. Ngay cả những thần tượng chúng ta tôn thờ cung kính bấy nay, họ cũng đem ra bôi nhọ thì chẳng còn gì họ không bôi nhọ được.


- Theo ông, để khắc phục tình trạng rất không đẹp này cần phải thế nào?


- Trước hết, chúng ta cần có một chế tài đủ mạnh để trừng phạt những kẻ đặt điều vu khống. Cần phạt thật nặng để răn đe. Tốt nhất phạt bằng kinh tế. Nếu kẻ nói xấu là cán bộ, công nhân viên nhà nước thì cùng với phạt tiền là đuổi việc và công bố công khai trên các kênh truyền thông. Chẳng cần bắt tù làm gì. Đừng bắt dân phải nuôi những kẻ càn quấy và rồi lại làm khổ thêm cả mấy anh chị quản giáo. Còn những người bị hại, tôi nghĩ chẳng khó khăn gì trong việc minh oan. Hiện nay ta có hàng mấy trăm tờ báo và các kênh truyền thông. Rồi cùng với các kênh chính thống, chúng ta còn có Blog, Facebook, cổng điện tử và các trang cá nhân, có đến hàng triệu cửa để lên tiếng, nói lại. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, mọi trù úm, bưng bít sẽ được giải toả ngay. Và một điều nữa, điều này rất quan trọng, muốn không bị nói xấu thì đừng làm điều xấu. Mình ngay thẳng, trong sạch thì không tâm địa hay thế lực nào có thể bôi nhọ được. Nếu có bị bôi nhọ cũng hoá giải được ngay. Còn cứ như các phiên toà xử Hồ Duy Hải hơn chục năm nay thì làm sao tránh được sự chỉ trích...


- Quả là một vụ án có nhiều tai tiếng.


- Tôi không bênh Hồ Duy Hải, cũng không khẳng định cậu ấy vô tội. Nhưng để kết tội cậu ấy, rồi tử hình cậu ấy, mà tử hình đến ba lần thì phải có bằng cứ. Ngay cả những người dân bình thường, bằng suy luận thông thường cũng rất khó tin cậu ấy giết người, vì chẳng có lý do gì để cậu ấy giết. Cậu ấy không phải người yêu của cô Hồng, cô Vân, không có cớ gì để phải ghen tuông, dẫn đến một hành động mù quáng. Cậu ấy cũng không nghiện ma tuý, không phải kẻ ngáo đá. Bảo cậu ấy giết người vì thua cược bóng đá cũng không thuyết phục. Muốn cướp của thì phải chọn người có của chứ không ai chọn hai cô hợp đồng làm công ăn lương ở một bưu cục cấp xóm cấp phường. Hơn nữa lại giết người vào lúc 7 giờ, 7 rưỡi tối, là cái lúc bưu điện vẫn đang làm việc, người ra kẻ vào nườm nượp thì giết thế nào? Làm sao có thể giết vào thời gian đó được. 
Người ta muốn đẩy thời gian lên để giải cứu cho ai đó thành ngoại phạm, nhưng lại rất vô lý vì chính cái yếu tố thời gian ấy, đến trẻ con cũng không tin được. 
Vả lại, số tiền cá độ, chỉ có 15 triệu, 20 triệu thì cũng đâu có lớn đối với ngay cả một người nghèo. Gia đỉnh Hải lại không nghèo. Cậu ấy từng cai quản một cửa hàng của bà dì ruột, với số tiền lớn hơn con số ấy rất nhiều mà không thất thoát đến một xu thì làm sao cậu ấy phải giết người vì hơn chục triệu bạc. 
Nhưng điều quan trọng nhất là những bằng chứng không thể chối cãi để kết tội cậu ấy thì lại không có. Đó là dấu vân tay. Không có dấu vân tay nào của Hải ở trong hiện trường. Cơ quan tố tụng đã đưa ra cách lý giải rất trẻ con: Không có dấu vân tay Hải vì Hải đã rửa tay. Cứ cho rẳng cậu ấy rửa tay thì có thể xoá được dấu vân tay ở bồn rửa mặt, nhưng còn bao nhiêu dấu vân tay ở các vị trí khác trong khắp hiện trường thì rửa làm sao? Mà trong hiện trường có đầy dấu vân tay. Chỉ không có dấu vân tay của Hải. Chỉ riêng lý do này đã đủ đưa Hải ra khỏi vụ án, nếu người xét xử khách quan và công minh. 
Đây là vụ án rất đơn giản có thể tìm ra ngay hung thủ, nhưng lại thành phức tạp vì sự khuất tất. Nhìn đâu cũng thấy sự khuất tất. Không ai lại mua hiện vật ở chợ về để làm bằng chứng kết tội một con người. Đến khi người ta phê phán sự nhăng nhít ấy thì lại bảo đấy không phải hiện vật, không phải bằng chứng mà chỉ là vật tương tự để thị phạm. Ô hay, kết tội người ta thì phải có bằng chứng cụ thể, chứ sao lại dùng vật thị phạm? Cách điều tra kỳ dị thế này làm sao ngăn người dân nghi ngờ có sự mớm cung. 
Rõ ràng người điều tra biết rất rõ hung khí thế nào nên mới mua đồ tương tự như vậy để làm vật thị phạm cho người bị tráo thế, để biết mà vẽ lại cho khớp, khai cho khớp theo cái kịch bản vụng về, ngô nghê rất trẻ con. 
Sự khuất tất thường dấu đầu hở đuôi. Rồi lại còn bảo, nếu không giết người sao cậu ấy lại nhận, rồi cứ căn cứ vào lời khai mà kết tội thì thật kỳ dị, nhất là ở các phiên toà xét xử ở Việt Nam, khi trò tra tấn, mớm cung đã thành phổ biến. Ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hàn Phi Long, ông Huỳnh Văn Nén đã từng nhận giết người đó thôi. Ông Chấn còn bảo: “Suốt cả tháng trời họ cứ bắt tôi phải diễn tập đâm người, giết người rồi lôi xác người như thế nào. Tôi tập thành thạo rồi họ mới chụp ảnh rồi làm bằng chứng để kết tội tôi”. Thế thì tin sao được bằng cớ với những lời khai được mớm cung như thế. 
Chuyện xét xử ở ta luôn có những sai phạm nghiêm trọng, và vụ án Hồ Duy Hải là đỉnh điểm của sự tuỳ tiện, khiến Viện Kiểm sát tối cao và Quốc Hội phải vào cuộc. 
Thật kinh khiếp khi có ông Chánh án còn bảo: “Sao không giết quách Hải đi, cứ để mãi chẳng thấy xi nhê gì. Còn để Hải sống thì còn phức tạp, còn mất ổn định chính trị ở địa phương”. Trời đất quỷ thần ơi! Giết một con người không có bằng cứ gì để kết tội, coi tính mạng người dân như cỏ rác mà lại còn mong có được sự ổn định chính trị ư? Chính những ông mất hết cả tính người, làm việc cẩu thả, phát ngôn bừa bãi này đã đẩy nền tư pháp còn đầy khiếm khuyết của chúng ta xuống tận đáy vực thẳm. 
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi có ông Phó Chánh án ở một toà án lại còn kết tội cả các Đại biểu Quốc hội, cho là họ đã có những phát ngôn nguy hiểm, do bị tiêm nhiễm luận điệu chống phá của địch. Làm sao có tư tưởng địch nào mà lại chui được vào cơ quan quyền lực cao nhất của chúng ta? Và những đại biểu cao quý như Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa, Lê Thanh Vân…, những người đại diện cho dân, hết lòng vì dân, luôn được dân yêu quý tin cậy, lại bị tiêm nhiễm tư tưởng của địch được. Chính họ đã khôi phục và củng cố được niềm tin của dân vào chính thể này. 
Mọi việc rồi sẽ dần sáng tỏ. Phê phán cái xấu, cái sai bao giờ cũng cần thiết. Và phê phán cái xấu cái sai, đâu phải là nói xấu. Đảng ta luôn chủ trương phải nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật. Nếu cái đúng, cái tốt lên ngôi và luôn được ươm mầm phát triển thì cái xấu không còn đất trú ngụ. Có phải thế không?


- Cảm ơn ông!


VŨ SONG YẾN ghi