15 juin 2020

Tôi ủng hộ Đảng Cộng Hòa hay ủng hộ Trump?


“Tui vẫn như trước, không thấy khó chịu khi một tổng thống Cộng Hòa lên nắm quyền. Nhưng phải chi đó đừng phải là ông Trump. Tui hứa với ông rằng, nếu Đảng Cộng Hòa cử một người khác lên làm ứng cử viên tổng thống, tháng 11 này tui sẽ bỏ phiếu cho Cộng Hòa!”



Tổng thống Trump đãi tiệc Tập Cận Bình ở Mar a Lago 4/2017. Ảnh: Youtube FOX10


Tôi sang Mỹ từ năm 2006, đến nay đã qua ba đời tổng thống, hai Cộng Hòa, một Dân Chủ.


Hồi ở Việt Nam, kiến thức chính trị về nước Mỹ của tôi không nhiều. Tôi chỉ biết rằng có 3 vị tổng thống Mỹ mà mình rất ngưỡng mộ: tổng thống Lincoln giải phóng nô lệ, tổng thống Roosevelt thời Đệ Nhị Thế Chiến, tổng thống Reagan làm xụp đổ Liên Bang Xô Viết. Sau này sang Mỹ mới biết cả 3 ông đều là Đảng Cộng Hòa. Như vậy thì mình chắc là có “khuynh hướng Cộng Hòa” rồi!



Sang Mỹ thời gian đầu tiên tôi ở Houston, Texas, thành trì của Cộng Hòa. Xem những phim cao bồi, tôi rất thích cái tinh thần đạo đức đơn giản nhưng thẳng thắng, trung thực của dân Cao Bồi Mỹ: nói một là một, hai là hai; hứa là làm; mỗi cá nhân thể hiện và tự thực hiện công lý, không dựa vào chính quyền… Tôi nhận ra rằng tính cách này cũng giống đặc điểm đôn hậu, chất phác, thật thà của người nông dân Miền Nam mà tôi yêu quí, cho dù mình là gốc Bắc Kỳ di cư. Tôi càng tin vào “khuynh hướng Cộng Hòa” của mình.



Rồi sau đó một năm, tôi sang Miền Nam Cali nắng ấm sinh sống. Sau một thời gian, tôi nhận ra nhiều người bạn bè Cali của mình có “khuynh hướng Dân Chủ”. Tôi thấy ở họ cũng có những điểm đáng quí: tinh thần tự do phóng khoáng, tinh thần xã hội, cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, khuynh hướng hạn chế sở hữu súng giết người hàng loạt… Lập nghiệp ở Cali, gia đình tôi có được nhiều trợ cấp ban đầu dành cho người mới nhập cư mà ở bên Houston không có, cho nên đã hội nhập khá nhanh vào xã hội Mỹ. Chỉ sau hơn một năm, gia tôi đã ngừng nhận tất cả các trợ cấp xã hội, để chuẩn bị đời sống “cày bừa” như nhiều người Mỹ khác. Cuộc sống không giàu, nhưng từng bước đi lên, cho nên bỗng dưng tôi bị lây cái “khuynh hướng Dân Chủ” hồi nào không hay.



Tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở Houston. Khi trò chuyện với thằng bạn thân “khuynh hướng Cộng Hòa” ở vùng Bellaire đã hơn 20 năm, tụi tôi đồng ý với nhau rằng Cộng Hòa và Dân Chủ nên luân phiên nắm ghế tổng thống Mỹ, để cân bằng quyền lợi mọi thành phần kinh tế. Cộng Hòa lên thì ngành kỹ nghệ dầu mỏ của Houston sẽ lên, có lợi cho bạn tôi. Dân Chủ lên thì những ngành kỹ thuật vệ bảo vệ môi trường lên, là những điều tôi thấy tốt. Do đó sau 8 năm Obama, khi ông Trump mới lên làm tổng thống, chúng tôi vẫn đồng thuận, nói chuyện với nhau bình thường, không có vấn đề gì! Tôi còn nói với bạn mình rằng ở những vị trí dân cử địa phương, tôi cũng có bầu cho một vài chính trị gia Cộng Hòa mà tôi thấy làm được việc.



Thế nhưng chỉ hai ba năm sau, tự nhiên chính kiến của tụi tôi xa nhau dần. Nhìn lại cho kỹ, cái khuynh hướng “cân bằng giữa Dân Chủ- Cộng Hòa” của chúng tôi không thay đổi. Điểm khác biệt lớn giữa tụi tôi là cách đánh giá về tổng thống Trump. Tôi nói rằng không chống tất cả những giá trị của Đảng Cộng Hòa, nhưng riêng về tính cách của ông Trump thì tôi chịu không nổi! Bạn tôi thì bênh vực, nói rằng ông Trump “tuy nói năng lung tung nhưng làm được việc!”. Biết tranh luận chính trị là khó, nhưng với truyền thống “trung dung” của cả hai thằng, tôi thử tìm hiểu những điểm “làm được việc” của ông Trump từ bạn mình, và thử dùng “facts” (sự thật) chứ không phải opinions (ý kiến) để xem xét.



Có hai điểm mà bạn tôi (và nhiều người ủng hộ tổng thống Trump) hay nhắc đến nhiều nhất: ông Trump làm cho kinh tế Mỹ đi lên, và chỉ có ông Trump là người dám chống lại Trung Cộng. Tôi thấy cả hai điểm đó đều không ổn lắm.



Thứ nhất, bạn tôi nói ông Trump là tỉ phú, giỏi về kinh tế lắm, nền kinh tế Mỹ thời ổng tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, bạn tôi không chịu nhìn nhận rằng kinh tế Mỹ đã tăng trưởng từ thời Obama. Không lấy số liệu từ báo chí Mỹ (đa phần bị cho là… “thổ tả”, chống Trump), tôi xem một bài phân tích của BBC ngày 17 tháng 2 2020
 US economy under Trump: The greatest ever?

, có những biểu đồ so sánh số liệu nền kinh tế Mỹ thời Obama và thời Trump. Theo những biểu đồ này, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại trong thời Obama. Vào năm 2009, nền kinh tế Mỹ đang ở con số âm -4%, sau đó tăng dần. Vào năm 2014 là đỉnh điểm tăng trưởng trên 5%; còn những năm cuối nhiệm kỳ Obama mức tăng trưởng vào khoảng 2%. Trong 3 năm đầu dưới thời Trump, mức tăng trưởng kinh tế ở vào khoảng từ 2% - 3%. Còn biểu đồ tăng trưởng của chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán, thời ông Trump nối tiếp mức tăng của thời Obama.



Như vậy, chuyện chỉ có ông Trump làm kinh tế Mỹ tăng trưởng là không đúng. Thêm nữa, “đũa thần” của ông Trump làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng cũng không có gì là bí mật: giảm thuế cho các doanh nghiệp, một điều mà nhiều tổng thống Cộng Hòa cũng làm. Tôi nói với bạn mình: chuyện này thì một ông vua thời phong kiến Việt Nam cũng làm được. Muốn được lòng dân, thì cứ việc tuyên bố giảm sưu cao, thuế nặng, là nhân dân sẽ tung hô “đức vua vạn tuế, vạn vạn tuế” ngay. Tuy nhiên, việc giảm thuế có mặt trái của nó: thâm thủng ngân sách quốc gia. Theo số liệu của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ 


thâm thủng ngân sách trong năm 2019 chạm con số kỷ lục $984 tỉ, tăng 26% so với năm trước. Tổng thống Trump không thể giải quyết được vấn đề này, do đó việc tăng trưởng kinh tế nhờ giảm thuế không phải là một liều thuốc bổ không có tác dụng phụ.



Và bây giờ vào đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nền kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, tỉ lệ thất nghiệp cũng kỷ lục, và thâm thủng ngân sách chắc chắn sẽ đạt mức kỷ lục mới vào cuối năm nay. Tổng thống Trump hoàn toàn không có lỗi, nhưng ông cũng không có “đũa thần” nào để vực dậy nền kinh tế trong năm bầu cử. Người ủng hộ ông như bạn tôi chỉ còn dựa vào việc ông “làm được”.



Thứ hai: chỉ có ông Trump chống Trung Cộng.


Tôi nói với bạn mình rằng điều này càng không ổn. Chắc chắn là khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông Trump muốn kết thân với Trung Cộng. Vào đầu tháng 4 2017, ông Trump long trọng tiếp đãi Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida. Ông Trump gọi ông Tập là “người bạn”, và hai bên đã bàn đến những chuyện hợp tác kinh tế lớn giữa hai quốc gia. Trên trang web chính thức của Tòa Bạch Ốc https://www.whitehouse.gov/briefings-statements/remarks-president-trump-meeting-president-xi-china/ còn lưu lại lời phát biểu của ông Trump đứng bên cạnh Tập Cận Bình vào ngày 7 tháng 4 2019. 



Xin dịch trích dẫn: “…mối quan hệ được phát triển giữa chủ tịch Tập và tôi thật là vượt bực. Chúng tôi mong muốn được đứng bên nhau nhiều lần nữa trong tương lai. Tôi tin tưởng rất nhiều những vấn đề xấu tiềm tàng sẽ qua đi. Tôi muốn cảm ơn chủ tịch Tập đã có mặt với chúng tôi tại Hoa Kỳ. Thật là một niềm vinh dự cho tôi và những người đại diện cho tôi được tiếp đón ông chủ tịch và tùy tùng. Và một lần nữa, những tiến bộ đã được thực hiện”.



Sự thật rành rành như vậy. Những diễn biến thay đổi nhanh chóng chỉ trong ba năm qua đã làm cho một số người quên mất điều này.



Thêm nữa, việc chống Trung Cộng không chỉ diễn ra trong thời Trump. Có thể nhận thấy chính sách chống Trung Cộng đã bắt đầu từ thời Obama, có khác chỉ là chiến lược hay cách thực hiện. Chính sách Hướng Đông, liên kết với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để chống Trung Cộng của Hoa Kỳ có từ thời Obama. Các cuộc tuần tra Biển Đông của chiến hạm Mỹ để bảo vệ tự do hàng hải bắt đầu từ thời Obama. Về kinh tế, Obama tạo ra khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm nhiều quốc gia khác nhau trong vùng Thái Bình Dương để vây kinh tế Trung Cộng. Ngay sau khi lên nhậm chức, tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này, vì cho rằng nó không có lợi cho nước Mỹ. Ông chống Trung Cộng bằng cách đánh thuế. Tức là bằng một chiến thuật khác, có cả ưu lẫn nhược điểm. Nhưng hoàn toàn không thể kết luận “chỉ có Trump mới chống Tàu”.



Sau khi “hai chuyện ông Trump làm được việc” đã được soi sáng bằng “facts” như vậy, bạn tôi vẫn còn một câu để bênh vực nữa: 

“có tổng thống nào mà làm việc không lương như ông Trump đâu. Làm cực như vậy, mà còn bị đám truyền thông “thổ tả” suốt ngày nói xấu!”. 



Trời đất! Câu này tôi thấy hơi quen quen. Hồi tôi đi học ở Việt Nam, tôi được dạy rằng bác Hồ liêm khiết lắm, sống đơn giản trong một căn nhà sàn sơ sài để lo việc nước !!! Còn bà chủ tịch quốc hội Kim Ngân đã từng lên mặt mắng những người dám lên tiếng chống lại đảng độc tài, những người đi biểu tình chống Trung Cộng rằng: "... những người này đã làm được gì cho đất nước!?!". Và chẳng lẽ những vị tổng thống, dân cử Mỹ khác có nhận lương để phục vụ nước Mỹ là không đáng quí trọng hay sao? Thêm nữa,  tôi thấy tất cả các tổng thống Mỹ đều phải làm việc dưới búa rìu dư luận, cả từ phe đối lập lẫn báo chí. Và họ đều cho rằng với một nền dân chủ như vậy, nước Mỹ mới phát triển thành cường quốc số 1 thế giới như ngày hôm nay.



Để chấm dứt việc tranh luận, tôi nói với bạn mình rằng: “Tui vẫn như trước, không thấy khó chịu khi một tổng thống Cộng Hòa lên nắm quyền. Nhưng phải chi đó đừng phải là ông Trump. Tui hứa với ông rằng, nếu Đảng Cộng Hòa cử một người khác lên làm ứng cử viên tổng thống, tháng 11 này tui sẽ bỏ phiếu cho Cộng Hòa!”



Hết chuyện! Bởi vì tôi biết rằng lời hứa của mình sẽ không thể trở thành hiện thực…



Dân Việt