30 juin 2020

Viết cho đồng bào tôi xem


    Thiện Tùng (Đào văn Tùng)
Thiện Tùng

30/6/2020



Người bạn quen trong thời chiến ở Thủ Đức về quê, sau khi dự mùng 5 tháng 5 với gia đình, anh ghé thăm tôi.  Khi  gặp thấy tôi ốm như “Cò ho lao”, anh rờ xương sống tôi khuyên:“Chúng mình đã về hưu rồi, hãy dưỡng sức kéo dài thời gian sống, mấy ông lãnh đạo họ chẳng thèm nghe mình nói hoặc đọc bài mình viết đâu?. Tôi khuyên anh mọi chuyện nên bỏ ngoài tai, thả rong chơi như tôi cho sướng cái thân…”. 


Cả 10 năm mới gặp lại nhau, thế mà cuộc thăm viếng biến thành cuộc đối thoại song phương, trao đổi quan điểm qua lại, gẫm ra cũng lý thú: 

- Ghé thăm tôi hay ghé để nhắc nhở, dạy bảo? – tôi cười và nói nữa chơi nữa thiệt.

- Không dám đâu!. Tôi có đọc một số bài anh viết, được đấy, đúng đấy, nhưng mấy ông/bà lãnh đạo họ có thèm đọc đâu, viết chi cho mất công?! 

- Tôi biết chớ !. Nhưng bộ anh quên rồi sao, học sinh, sinh viên Sài Gòn trước kia nói “Tôi hát cho đồng bào tôi nghe”, ai có nghe thì cùng nghe, không mời. Giờ đây “Chúng tôi viết cho đồng bào tôi xem”, ai có xem thì xem không mời.

- Làm sao tôi quên được: Trước kia thanh niên, học sinh, sinh viên Sàigòn hát bài ca “Tự nguyện” có đoạn: “…Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng; nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hương dương; nếu là mây tôi sẽ là vầng mây ấm; nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”. Hát thế để động viên nhau chống Việt Nam Cộng hòa và can thiệp Mỹ. Còn giờ đây mình là người Việt Nam với nhau, có gì đóng cửa nói với nhau? 

- Những người thuộc VNCH trước kia không phải người VN sao?! Thôi bỏ qua chuyện ấy đi. Với tôi,“hễ còn áp bức thì còn đấu tranh”, không phân biệt đối phương có “râu hay không có râu”. Chống áp bức bất công là cái nghề của tôi từ lúc tóc còn xanh cho đến lúc bạc đầu anh quên rồi sao?.

- Anh “quậy” như thế chắc Nhà cầm quyền không ưa ?

- Tôi đâu cần họ ưa, chỉ cần dân ưa là đủ rồi. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu lột tả thực trạng bằng mấy câu thơ thấm thía:

Những người Đảng ghét, Dân yêu,

ngẫm ra không ít bậc “siêu anh tài”.

Những người Đảng đến khoác vai,

xem ra phần lớn là loài bất nhân.

Anh thấy đó, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhà ta “đốt” mấy năm trường mà có hết bọn quan tham đâu?!. Trước áp bức bất công, làm người phải có khí phách chớ?. Có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng – tiếng thơm hoặc tiếng nhơ. Nhà thơ khí phách Phùng Quán, moi từ đáy lòng mình, viết để lại cho đời mấy câu thơ làm lay động lòng người:

 Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dầu ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu

Dầu ai ngon ngọt nuôn chìu

Cũng không nói yêu thành ghét.



- Anh viết có được người ta trả nhuận bút không?

- Bộ anh ghiền tiền lắm sao?!. Nhuận cái con khỉ, người viết miễn phí cho báo, báo miễn phí cho người đọc, đã chấp nhận dấn thân vì đại cuộc thì đừng đòi hỏi?.

- Anh viết vậy Công an có trành tròn gì anh không?

- Chỉ có một lần: Năm 2010, tôi viết Tùy bút với tựa đề “CHẠY” rồi in ra mấy chục cuốn gởi cho một số lãnh đạo đương quyền và bè bạn thân thiết để tham khảo. Không ngờ, Chính quyền địa phương ra lịnh cho Công an tìm thu hồi. Thu hồi được 5 hay 6 cuốn gì đó, anh em Công an đến hỏi tôi đã gởi cho những ai ? Tôi nói: “không nhớ hết, nhưng Hiến pháp cho phép tự do chình kiến, ngôn luận…, sao thu hồi không hỏi ý kiến tôi trước”. Họ nói ”tụi cháu chỉ làm theo lịnh”. Không biết Công an thu hồi được bao nhiêu, tức mình quá, tôi gởi tùy bút “CHẠY” này và được đăng lên trang điện tử Viet.Studies của Trần Hữu Dũng (con Trần Hữu Nghiệp, cựu bác sĩ theo kháng chiến). Từ đó, các trang khác tái đăng búa xua – chỉ cần gõ “CHẠY” của Thiện Tùng là nó trình diện ngay. Được Hiến pháp cho phép, tôi chơi “bài lật ngữa”. Tôi chỉ sợ mình viết sai sự thật thôi. Mỗi bài viết tôi chỉ in ra 1 bản lưu để khi nào anh em Công an hỏi có mà trình.

- Cho tôi mượn một số, đọc xong trả lại được không?

- Không được đâu! Tôi sẽ bị quy tội tán phát…

- Tôi nễ anh luôn!

- Không cần nễ, chỉ cần tôn trọng quyền riêng tư của công dân được Hiến định là đủ rồi.

Có tiếng còi xe trước ngỏ, ông bạn tôi đứng dậy bắt tay tạm biệt tôi, ra xe về Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh.

Đúng là trong xã hội có người vầy người khác, người có lác (hắc lào) người không?. -/-