Xuân Dương
GDVN- Văn
hóa quan trường một khi bị ô nhiễm thì sự độc hại sẽ lan sang cả kinh tế, xã hội,
quốc phòng, an ninh,…
(Ảnh minh hoạ VOV) |
Kỳ họp thứ 19, 20 Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 11-12/2017)
kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ
2015-2020 đã “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng,
Nhà nước và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số
dự án, công trình trọng điểm…”.
Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định:
Kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 –
2015;
Cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 với ông Phạm Văn Vọng;
Kỷ luật cảnh cáo ông Phùng Quang Hùng – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy,
nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016;
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Vĩnh Phúc phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong cả hai nhiệm kỳ từ năm 2010 đến 2020;
Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Bí
thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 có trách
nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ
2010-2015, 2015-2020.
Tại Vĩnh Phúc, kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì nhiều, một
số nhân vật tiêu biểu được cơ quan chức năng địa phương nêu tên:
Bà Phùng Thị Tộ - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh
Phúc; ông Đường Trọng Khang - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc;
Ông Nguyễn Văn Lộc - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường
tỉnh Vĩnh Phúc; ông Hoàng Quốc Trị - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc;
Ông Nguyễn Đức Tài - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Ngọc Thông - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện
Yên Lạc; ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Lạc;… [1]
Kết luận năm 2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ:
“Thường trực Tỉnh ủy (Vĩnh Phúc – NV) cho chủ trương đối với một
số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch;
giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất;
Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm
đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách
Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”. [2]
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mắc sai phạm nhiều năm liên tiếp
nhưng có những cá nhân vẫn trụ vững qua hai nhiệm kỳ như bà Hoàng Thị Thúy Lan,
ông Nguyễn Văn Trì,… mặc dù hai vị này phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu về
các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy…”.
Phải chịu trách nhiệm về khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
hai nhiệm kỳ liên tiếp nhưng vẫn trụ vững suốt 10 năm quả là một thành tích
không nhiều người đạt được.
Vậy sau các hình thức kỷ luật Đảng từ “nghiêm túc, rút kinh nghiệm
sâu sắc” đến cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015, có bao nhiêu trường
hợp tiếp tục bị xử lý theo pháp luật?
Phải nêu câu hỏi này bởi với kết luận: Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh
Phúc “cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp
luật” liệu có nên hiểu là cơ quan này đã ban hành chủ trương trái pháp luật?
Làm trái pháp luật thì chỉ có một trong hai khả năng: xử lý hành
chính hoặc hình sự, vậy tại Vĩnh Phúc điều này đã, đang hoặc sẽ xảy ra?
Liệu có xảy ra chuyện như ở Lai Châu, cán bộ kiểm sát đánh bạc
ăn tiền ngay tại cơ quan nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định không chuyển
cho Công an xử lý?
Nhiều vị lãnh đạo đã nhiều lần đề cập tình trạng "trông chờ,
nghe ngóng", "nặng trên, nhẹ dưới", “trên nóng, dưới lạnh”,…
Thế thực tế ở Vĩnh Phúc đâu nóng, đâu lạnh, đâu nặng, đâu nhẹ?
Hai năm sau các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong
đó đề cập đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường nhưng từ cuối năm 2019 đến
nay, tại khu vực hồ Đại Lải, doanh nghiệp ngang nhiên san cả một quả đồi lấp đất xuồng
lòng hồ nhưng các cơ quan ở Vĩnh Phúc, cả bên Đảng lẫn chính quyền xử lý thế
nào?
Vì sao kết luận rõ ràng đến thế mà tỉnh vẫn để doanh nghiệp bức
tử hồ Đại Lải?
Phải chăng nhờ đội ngũ lãnh đạo như vậy nên doanh nghiệp hoạt động
trên địa bàn tỉnh này có cơ sở để coi “trời” bằng “xu”, ung dung san đồi, lấp hồ?
Với danh sách cán bộ Vĩnh Phúc bị kỷ luật nêu trên, ngẫm câu đồng
dao “Hết quan tàn dân” trong trò chơi “Chơi ô ăn quan” mới thấy thâm thúy, bởi
khi mà ở đâu đó, “hết quan” – tức là quan trở về với biệt phủ, với các chuyến
du lịch bên tây thì cũng có nghĩa là chẳng còn gì cho dân, thế nên dân phải
“tàn”!
Theo chiều ngược lại, quan không “hết” mà nhiều vô kể, nhiều đến
mức một vị lãnh đạo ví như “cả một bầy sâu” thì cái gì bị tàn?
Phải chăng là tài nguyên môi trường bị tàn, phải chăng là niềm
tin của dân chúng vào chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy, vào uy tín cán bộ
Vĩnh Phúc bị tàn?
Ngày nay một bộ phận không nhỏ quan đã “hạ cánh an toàn”, một bộ
phận hơi nho nhỏ quan “hạ cánh trước tuổi” hoặc bị biến thành “củi”, có phải vì
thế nên lập tức xuất hiện ý kiến lo “mất cán bộ”, lo “hết quan”!
Phải chăng đây là nỗi lo rất, rất chính đáng bởi nếu rơi vào
tình trạng “hết quan” thì biết đâu câu đồng dao “Hết quan tàn dân” sẽ thành hiện
thực?
Và như vậy, giải pháp để dân không bị “tàn” chỉ có thể là nhẹ
nhàng với quan, phải “vuốt ve từ vai trở xuống” để quan yên tâm … lãnh đạo!
Tại Vĩnh Phúc, để cho tư nhân “cạp đồi”, “cạp hồ” trong thời
gian dài có phải chỉ là “buông lỏng quản lý”, là “cha chung không ai khóc” hay
còn nguyên nhân được đặt tên là “Nhóm lợi ích quan doanh”?
Trong bài “Đi tìm nguyên nhân “chẳng quốc gia nào giống như chúng ta” ”, một thực trạng đã được cảnh báo nhưng hình như chẳng mấy
ai để ý:
“Một khi đất nước được lập trình theo “cơ chế tập thể”, cái gì
cũng do một “tập thể” nào đó quản lý thì hậu quả là nếu có sai sót “tập thể” sẽ
chịu trách nhiệm chứ không phải một cá nhân nào đó”. [3]
Thực ra thì ở Vĩnh Phúc, các cá nhân mắc sai phạm không phải là
không chịu trách nhiệm, nhưng hình như họ chịu trách nhiệm trước tổ chức, bị tổ
chức kỷ luật là coi như xong, với trường hợp bị cách chức vụ trong đảng - chỉ
dưới hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ - lẽ nào pháp luật chỉ nên đóng vai
trò “thành viên dự thính”?
Phải nêu câu hỏi này bởi sau quyết định của Ủy ban Kiểm tra
Trung ương (năm 2017), đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, những vi phạm về lãnh đạo,
quản lý tại địa phương này có vẻ vẫn “ổn định”!
Sự “ổn định” thể hiện ở chỗ đầu năm 2020, các doanh nghiệp vẫn
thần tốc san đồi, lấp hồ, phải đến ngày 30/6/2020 “tỉnh Vĩnh Phúc mới có thông
báo tới các doanh nghiệp đang hoạt động trong lòng hồ tạm dừng các hoạt động
thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải
từ cote 23m trở xuống và chưa lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các doanh
nghiệp vi phạm” [4].
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài “Không đánh đổi môi
trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy kinh tế” trích ý kiến của Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
“Phải mở rộng thông điệp này, “không đánh đổi môi trường để lấy
kinh tế” bổ sung thành “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy
kinh tế” ”. [5]
Đất nước cần phát triển kinh tế nhưng không thể vì kinh tế mà
tàn phá môi trường, cũng không thể vì kinh tế mà hủy hoại những giá trị lịch sử,
văn hoá vốn là cội nguồn sức mạnh dựng nước và giữ nước được tổ tiên truyền lại.
Văn hóa quan trường một khi bị ô nhiễm thì sự độc hại sẽ lan
sang cả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,…
Vấn đề là vì sao những địa phương sát ngay Hà Nội như Vĩnh Phúc,
Thái Bình,… lại xảy ra nhiều chuyện trong một thời gian rất dài bây giờ mới bị
phát hiện?
Chuyện của địa phương có liên quan gì đến cấp cao hơn?
Tài liệu
tham khảo:
[1] https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/hang-loat-can-bo-chu-chot-tinh-vinh-phuc-bi-ky-luat-dang/757533.antd
[2]
https://thanhnien.vn/thoi-su/ky-luat-ban-thuong-vu-tinh-uy-vinh-phuc-sai-pham-xuyen-qua-2-nhiem-ky-900037.html
[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/di-tim-nguyen-nhan-chang-quoc-gia-nao-giong-nhu-chung-ta-post177144.gd
[4]
https://anninhthudo.vn/doi-song/hang-loat-doanh-nghiep-xau-xe-san-lap-ho-dai-lai-xay-biet-thu-san-golf/859591.antd
[5] http://dangcongsan.vn/thoi-su/khong-danh-doi-moi-truong-van-hoa-van-minh-xa-hoi-de-lay-kinh-te-546000.html
Xuân Dương
13/07/2020