02/07/2020
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu thắng cử - Ảnh: REUTERS |
"Luật quốc gia mới (cho Hong Kong) của Bắc Kinh - thứ được ban
hành trong bí mật và càn quét về phạm vi áp dụng - đã giáng một đòn chí tử vào
các quyền tự do, tự trị của Hong Kong - vốn là những điều đã khiến
thành phố này khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc", ông Biden nhấn mạnh
trong một tuyên bố gởi tới Hãng tin Reuters ngày 1-7 (giờ Mỹ).
Ông Joe Biden đang là ứng viên tổng thống duy nhất của Đảng
Dân chủ Mỹ với tỉ lệ ủng hộ đang tạm cao hơn đối thủ chính - đương kim tổng thống
Donald Trump - trong các cuộc thăm dò gần đây.
Cựu phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung
Quốc nếu đắc cử. Một trong những biện pháp đầu tiên, theo ông Biden, là
"ngăn các công ty Mỹ dính vào các hoạt động giám sát và đàn áp của Trung
Quốc".
Ông khẳng định sẽ "áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhanh
chóng" nếu Bắc Kinh "cố gắng bịt miệng công dân, các công ty và các tổ
chức Mỹ làm những gì được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ"
- tức quyền tự do ngôn luận.
Hàng trăm người Hong Kong đã bị bắt giữ khi xuống đường biểu tình phản đối luật an ninh mới ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS |
Việc ông Biden đưa ra cam kết này xuất phát từ một số điều khoản trong
luật an ninh Hong Kong. Chẳng hạn, điều 38 quy định luật này áp dụng với cả những
người không phải là thường trú nhân của Hong Kong và cũng không ở Hong Kong vào
thời điểm phạm luật.
Theo Reuters, điều này đã khiến các quan chức Mỹ lo lắng Trung Quốc có
thể sử dụng luật an ninh Hong Kong để chống lại các công dân Mỹ trong tương
lai. Ngoài vấn đề Hong Kong, ông Biden cũng hứa sẽ nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn
nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bởi những người bị Trung Quốc cưỡng ép lao động
ở Tân Cương.
Cựu phó tổng thống cũng không quên chỉ trích đối thủ Trump, cho rằng
đương kim tổng thống đang cảm thấy ganh tị với ông Tập Cận Bình vì không có được
quyền lực mạnh như vậy.
Tổng thống Trump đã có lần mỉa mai ông Biden là "Biden Bắc
Kinh" và cáo buộc ông là người của Trung Quốc vì thái độ mềm dẻo đối với Bắc
Kinh trong suốt hàng chục năm làm chính trị. Chiến dịch tranh cử của ông Trump
đã sử dụng lập luận tương tự để đáp trả sau tuyên bố của ông Biden.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam (giữa) cầm quyển luật an ninh quốc gia mới trong lễ kỷ niệm 23 năm Trung Quốc thu hồi Hong Kong ngày 1-7, cũng là ngày đầu tiên luật có hiệu lực - Ảnh: AFP |
Theo các nguồn thạo tin của Reuters, một nhóm vài trăm cựu quan chức đã
từng làm việc dưới thời Tổng thống George W. Bush thuộc Đảng Cộng hòa đã tập hợp
để thể hiện sự ủng hộ với ông Biden.
"43 Alumni for Biden", tên của nhóm này, tuyên bố họ có niềm
tin với ông Biden, rằng chính quyền Biden sẽ là một chính quyền "tuân thủ
phép tắc, luật lệ và khôi phục danh dự, uy tín cho Nhà Trắng".
Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về các phát ngôn của ông Biden, người
đã từng đến Trung Quốc và Hong Kong nhiều lần.
Đại học Anh cân nhắc tước danh hiệu giáo sư
của bà Carrie Lam
Đại học Wolfson thuộc Đại học Cambridge ngày 1-7
thông báo đang cân nhắc thu hồi danh hiệu giáo sư danh dự đã trao tặng cho
trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Động thái diễn ra ngay sau khi luật an
ninh quốc gia mới cho Hong Kong có hiệu lực chính thức.
Ban giám hiệu trường Wolfson cho biết đã vài lần
viết thư gởi cho bà Lam và đề nghị nên suy xét thận trọng. Bà Lam từng theo học
một khóa về quản trị công cao cấp ở trường Wolfson. Áp lực đòi nhà trường phải
thu hồi danh hiệu của bà Lam ngày càng lớn trước các diễn biến vừa qua ở Hong
Kong.
BẢO DUY