TTO - "Chính quyền Tổng thống Donald Trump đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của Trung Quốc ở Biển Đông", AP viết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo - Reuters
|
Trong tuyên bố đưa ra rạng sáng 14-7, Mỹ
khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu
hết Biển Đông là "hoàn toàn bất hợp pháp".
"Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một
phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông.
Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên
bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn
toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát
chúng", tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được phát trên website Bộ
Ngoại giao Mỹ rạng sáng 14-7 mở đầu.
Theo nội dung đó, ông Pompeo khẳng định ở
Biển Đông, Mỹ tìm cách bảo vệ hòa bình và ổn định, tôn trọng tự do trên biển
phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng trải thương mại và phản đối bất kỳ
nỗ lực nào về việc sử dụng cách thức cưỡng ép hay vũ lực nhằm giải quyết tranh
chấp.
"Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu
sắc và trường tồn này với các đồng minh và đối tác, những người lâu nay đã ủng
hộ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế", tuyên bố viết.
Ông Pompeo cũng khẳng định Trung Quốc không
có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình trong khu vực.
Ông viết:"Bắc Kinh đã không đưa ra
cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển
Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đó vào năm 2009. Trong một quyết định có sự
thống nhất ngày 12-7-2016, một tòa trọng tài thành lập theo Công ước Liên Hiệp
Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã
bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc, cho đây là yêu sách không có cơ sở
luật pháp quốc tế".
Ngay trước khi tuyên bố của Mỹ được đưa ra,
hãng tin AP dẫn lời quan chức cho hay Washington sẵn sàng bác gần hết các tuyên
bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được xem là một động thái thái leo
thang của Mỹ chống lại Trung Quốc.
"Chính quyền Tổng thống Donald Trump
sẽ đi thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung,
trong đó bác bỏ hầu như mọi tuyên bố chủ quyền đáng kể nhất của Trung Quốc ở
Biển Đông", AP viết.
Thời điểm Mỹ ra tuyên bố trên trùng với kỉ
niệm 4 năm ngày phán quyết The Hague (Hà Lan) tuyên bố bác bỏ yêu sách
"đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện của
Philippines như đã nêu.
Đáng chú ý trong tối 13-7, Đại sứ quán
Trung Quốc tại Philippines khẳng định phán quyết nêu trên là "bất hợp
pháp". Tuyên bố này phản ánh thái độ ngó lơ phán quyết của Trung Quốc lâu
nay.
Trước đây, chính sách của Mỹ kiên định ở
việc kêu gọi các tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và láng giềng nên giải
quyết một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, cụ thể là tòa trọng tài do
Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Nhưng trong thông điệp 14-7 như đã nêu,
Ngoại trưởng Pompeo thẳng thừng bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc,
đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa, làm suy yếu quyền chủ quyền của các nước
Đông Nam Á có bờ biển ở Biển Đông, bắt nạt các nước này, ngăn không cho khai
thác tài nguyên ngoài khơi.
Theo ông Pompeo, Trung Quốc đã áp đặt sự
thống trị đơn phương ở Biển Đông và dùng sức mạnh để thay thế luật pháp quốc
tế.
Ông viết: "Cách tiếp cận của Bắc Kinh
đã rõ ràng suốt nhiều năm qua. Năm 2010, ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy Dương
Khiết Trì đã nói với các đồng cấp ASEAN rằng ‘Trung Quốc là nước lớn và các
nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế. Thế giới của kẻ săn mồi trong quan
điểm của Trung Quốc không có chỗ trong thế kỷ XXI".
NHẬT ĐĂNG
14/07/2020