11 juillet 2020

Úc kiên quyết không nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Hồng Kông


Thanh Phương

Ảnh minh họa: Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Sydney ngày 28/02/2020. REUTERS - Loren Elliott
Vốn đã xấu đi từ nhiều tháng qua, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc càng thêm căng thẳng trong vấn đề Hồng Kông, nhất là do thái độ của Canberra nhất quyết không lùi bước trước Bắc Kinh.


Bất chấp những lời cảnh cáo của Bắc Kinh, ngày 09/07/2020, thủ tướng Scott Morrison thông báo đình chỉ hiệp định dẫn độ giữa nước Úc với Hồng Kông. Đối với ông, đạo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt ở Hồng Kông là « một sự thay đổi căn bản tình hình » ở đặc khu hành chính này.

Thủ tướng Morrison cũng đã thông báo quyết định triển hạn visa thêm 5 năm cho các sinh viên và lao động có tay nghề, biến nước Úc thành nơi lánh nạn cho dân Hồng Kông. Quyết định nói trên sẽ được áp dụng ngay đối với 10 ngàn người Hồng Kông hiện đang sống ở Úc và sau 5 năm triển hạn visa, những người đó có thể xin thường trú ở Úc. Như vậy là Canberra theo chân Luân Đôn, vào đầu tháng 7 đã quyết định cấp giấy cư trú cho 3 triệu người Hồng Kông ở Anh Quốc.

Cũng giống như đối với Luân Đôn, chỉ vài giờ sau, Bắc Kinh, qua lời đại sứ Trung Quốc tại Canberra, đã lên tiếng chỉ trích nặng nề các lãnh đạo Úc. Vị đại sứ này lên án chính phủ Canberra « can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc », cảnh cáo là nếu không ngừng can thiệp, nước Úc sẽ chẳng khác gì « tự bắn một viên đạn vào chân mình ».

Dự trù khả năng Bắc Kinh sẽ trả đũa, chính phủ của thủ tướng Morrison từ nhiều ngày qua đã cảnh báo các công dân của họ ở Trung Quốc và Hồng Kông về « nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện với những lý do mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia ».

Quan hệ giữa hai nước đã nóng lên kể từ giữa tháng Tư, khi Canberra dám lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Ngoài việc chỉ trích chính phủ Morrison theo chân Hoa Kỳ, Trung Quốc còn cho thi hành nhiều biện pháp trả đũa kinh tế đối với nước Úc. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu, nên dĩ nhiên là các biện pháp trả đũa này đã gây thiệt hại nặng nề cho nước Úc.

Nhưng vì sao chính phủ của thủ tướng bảo thủ Morrison lại nhất quyết không tỏ ra mềm yếu với Bắc Kinh ? Theo tờ Le Monde hôm nay, lý do chủ yếu đó là vì, đối với Canberra, Trung Quốc nay là mối đe dọa ngày càng lớn. Tham vọng khu vực của Bắc Kinh nay lấn sang cả « sân sau » của nước Úc, đó là khu vực nam Thái Bình Dương. Không những thế, Trung Quốc còn tìm cách can thiệp vào chính trị nội bộ nước Úc. Hôm 19/06 vừa qua, Canberra thông báo đã là mục tiêu của một cuộc tấn công tin học từ một « tác nhân Nhà nước ». Tuy thông báo không nêu tên nước nào, nhưng mọi con mắt đều nhìn về phía Trung Quốc.

Không chỉ tìm cách ngăn chận sự can thiệp của nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, vào chính trị nội bộ nước Úc, chính phủ thủ tướng Morrison còn thay đổi chiến lược phòng thủ, kể từ nay tập trung chủ yếu lực lượng tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực mà theo Canberra đã trở thành « tâm chấn của một sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng » và cũng là nơi mà nguy cơ xung đột đang gia tăng.

Là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, nước Úc cũng đang tăng cường quan hệ với các cường quốc khu vực khác, như Nhật Bản và Ấn Độ, là những nước có hiềm khích với Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg ngày 10/07, Ấn Độ dự trù mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào cuối năm 2020.

Cho tới nay chỉ có Mỹ và Nhật tham gia cuộc tập trận này. Nếu Úc nhận lời thì đây sẽ là lần đầu tiên bốn nước thuộc nhóm Đối thoại an ninh bốn bên QUAD và cũng là bốn nền dân chủ lớn, tập trận chung với nhau, củng cố thêm liên minh đối đầu với Trung Quốc.

Vấn đề là, vào lúc mà tác động của dịch Covid-19 còn rất nặng nề, nước Úc, đúng hơn là nền kinh tế Úc, sẽ chống đỡ được trong bao lâu, nếu Trung Quốc gia tăng các biện pháp trả đũa thái độ kiên quyết của chính phủ thủ tướng Morrison ?
 
Thanh Phương
10/07/2020