Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng tại Đá Vành Khăn trên Biển Đông.
Hình ảnh tư liệu từ vệ tinh năm 2015 cho thấy việc nạo vét và xây dựng đang được tiến hành ở Đá Vành Khăn |
Công ty công nghệ Simularity's South China Sea Rapid Alert Service có trụ sở tại Mỹ hôm 16/2 công bố những hình ảnh về Đá Vành Khăn cho thấy Trung Quốc có những hoạt động mới ở vùng nước này kể từ cuối năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, theo Inquirer.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy những thay đổi diễn ra tại bảy địa điểm thuộc Đá Vành Khăn. Ví dụ, hình ảnh chụp một địa điểm được đánh dấu là Khu vực 1 cho thấy nó vẫn còn trống kể từ ngày 7/5/2020.
Nhưng vào ngày 4/2/2021, các hình ảnh cho thấy "việc xây dựng một cấu trúc hình trụ bền vững có đường kính 16 mét" được bắt đầu trong đầu tháng 12/2020. Đây dường như là một cấu trúc gắn ăng-ten.
Hình ảnh cho thấy một khu vực được đánh dấu là Khu vực 2, công trình bảo vệ hệ thống radar rộng lớn cùng các công trình gắn radar cố định đã xuất hiện. Chúng không có ở đó một năm trước.
Các địa điểm được xác định là Khu vực 4 và 7 một năm tước có cấu trúc hình chữ nhật, hiện đã được dọn sạch kể từ ngày 4/2/2021.
Các địa điểm có thể đã có các công trình xây dựng mới đã là Khu vực 5 và 6.
Chuyên gia hàng hải, Tiến sĩ Jay Batongbacal cho biết trên một bài đăng trên Facebook rằng các công trình mới có radar dường như đang trong giai đoạn hoàn thiện, thiết bị xây dựng và doanh trại đang được vận chuyển đến và một số khu vực có thể đang được dọn dẹp cho các tòa nhà mới hơn.
Việt Nam khẳng định Đá Vành Khăn nằm trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của mình, đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo.
Bên cạnh Đá Vành Khăn, Trung Quốc cũng đã biến Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Gaven, Đá Gạc Ma, Đá Subi, và Đá Ken Nan thành các đảo nhân tạo.
Đại dịch COVID-19, bắt đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đã không ngăn cản các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2020, theo Inquirer.
Bên cạnh việc triển khai các tàu tuần duyên, Trung Quốc đã tăng cường lợi thế bằng cách tạo ra hai đặc khu hành chính mới, đặt tên Trung Quốc cho tất cả các thực thể địa lý tại đây để biểu thị quyền sở hữu, khai trương hai cơ sở nghiên cứu mới, cùng các động thái khác nhằm thực thi các yêu sách vô căn cứ của mình, vẫn theo Inquirer.
Các hoạt động này đã khiến Philippines và Việt Nam phản đối.
19 tháng 2 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/world-56107957