Chính quyền Tổng thống Donald Trump mạnh mẽ lên án và trừng phạt các chế độ cộng sản hoặc chuyên chế như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Iran… nhưng dường như Việt Nam là một ngoại lệ.
Vào giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Việt Nam một cách thoáng qua rằng nước này “lợi dụng thương mại” và vào cuối nhiệm kỳ, chính quyền của ông liệt đã Hà Nội vào danh sách “thao túng tiền tệ” nhưng vẫn không tiến hành áp đặt bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào.
Chỉ với hai cáo buộc này mà đã diễn ra hàng loạt các cuộc gặp gỡ và điện đàm giữa giới lãnh đạo Hà Nội và các nhân vật chủ chốt trong nội các của chính quyền Trump, với mục đích là nhằm chuyển tải thông điệp “duy trì đối tác toàn diện”, trong đó phía Hà Nội thì nỗ lực “biện hộ”, “xoa dịu”, còn Washington thì vừa “dọa”, vừa “ve vãn” như các chuyên gia nhận định.
Việt – Mỹ: từ ý thức hệ đến địa chính trị
Chuyên gia quan hệ quốc tế Hà Hoàng Hợp thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak (Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore) nói với VOA:
“Các chính phủ Mỹ từ khi bình thường hóa quan hệ (1995) đã không nhắc gì đến ý thức hệ của Cộng sản Việt Nam vì họ cảm nhận rằng Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi về kinh tế và chính trị. Trong hội nhập quốc tế, yếu tố ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa [của Việt Nam] được xem khá là nhẹ nhàng.Tuy từ đó đến giờ họ luôn để ý đến các chỉ số dân chủ, nhân quyền, và có lúc cũng nặng lời”.
“Một lý do nữa là một vài chính phủ Mỹ được biết là từng nói rằng Việt Nam trong bản chất không còn là một thể chế cộng sản nữa, nên họ có cách cư xử hơi thực tế!”
Một vài chính phủ Mỹ được biết là từng nói rằng Việt Nam trong bản chất không còn là một thể chế cộng sản nữa, nên họ có cách cư xử hơi thực tế!
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
“Về mặt địa chính trị và chiến lược, chắn chắn các nước như Hoa Kỳ và các đồng minh cũng cần phải tranh thủ Việt Nam vì Việt Nam có vai trò địa chính trị chiến lược ở Đông Nam Á để từ đó họ có thể mở rộng sự ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên quy tắc luật”.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở bang California, Hoa Kỳ, nêu nhận định:
“Trong văn thư của Tòa Bạch Ốc đưa ra trước đây có nhắc đến Trung Quốc, Venezuela, Cuba… và chưa nhắc đến Việt Nam vì lý do là yếu tố địa chính trị”.
“Hoa Kỳ tìm cách ve vãn và gây ảnh hưởng để Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng thân thiết hơn với Hoa Kỳ vì Việt Nam có địa chính trị như một cái bàn đạp, tiền đồn đối với Hoa Kỳ trong việc bao vây và ngăn chặn Trung Quốc, trong khi Trung Quốc coi Việt Nam là cửa ngõ để tiến ra Đông Nam Á, thành ra vô hình chung Việt Nam là địa chính trị”.
Rõ ràng Hoa Kỳ không chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ muốn ve vuốt Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Minh Nguyên
“Rõ ràng Hoa Kỳ không chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ muốn ve vuốt Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng hiểu ra rằng đi với Hoa Kỳ thì chế độ sẽ vững như bàn thạch, ít nhất trong một đến hai thập niên tới, và cũng hiểu rằng Hoa Kỳ không có ý định thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam và chỉ muốn cộng tác với Cộng sản Việt Nam để chống Trung Quốc”.
Khi được hỏi rằng liệu việc Hoa Kỳ liên tục lên án các chế độ cộng sản có ảnh hưởng gì đến thể chế chính trị Việt Nam hay không, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
“Nó có ảnh hưởng đến Việt Nam ở chỗ này: đảng lãnh đạo ở Việt Nam mang tên Đảng Cộng sản, về hình thức là dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng xây dựng chính quyền thì dựa trên chế độ tư bản nhà nước, không hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực thụ. Vì vậy nó cũng có ảnh hưởng một chút thôi vì Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh chiến lược với Mỹ như là Trung Quốc”.
“Mỹ cũng nói rõ khi bình thường hóa hai nước rằng phía Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển quan hệ càng nhiều càng tốt”.
Lợi ích chiến lược của Mỹ
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nêu nhận định:
“Nếu như Mỹ chỉ trích Trung Quốc, Venezuela, hay Cuba về mô hình chính trị là do lợi ích chiến lược của Mỹ đối với các nước này không có song trùng với nhau. Mỹ nêu lên các mô hình chính trị và cầm quyền, chế độ… là để gây sức ép lên các nước nước này để phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ là chính”.
Về lợi ích chiến lược, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều điểm song trùng, đặc biệt trong việc ứng phó với Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
“Trong trường hợp Việt Nam, Việt Nam và Mỹ có hệ thống chính trị khác nhau, có ý thức hệ khác nhau; nhưng về lợi ích chiến lược, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều điểm song trùng, đặc biệt trong việc ứng phó với Trung Quốc. Vì vậy Mỹ không nhấn mạnh và không đề cập nhiều về mặt ý thức hệ”.
Hôm 1/2/2021, ông Derek Grossman, chuyên gia Hoa Kỳ về an ninh quốc phòng của tập đoàn Rand viết trên trang The Diplomat rằng trong bốn năm qua, chính quyền Trump đã tận dụng động lực do các chính quyền trước xác lập để làm sâu sắc hơn “quan hệ đối tác toàn diện” của Washington với Hà Nội, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng luôn nhạy cảm.
“Việc Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với Việt Nam, chỉ củng cố thêm mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ, khiến đây trở thành một trong những điểm sáng nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump”, ông Grossman viết.
Nỗi lo sợ của Việt Nam về lật đổ chế độ
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói:
“Lâu nay có một nỗi lo sợ mơ hồ trong giới lãnh đạo Việt Nam rằng Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam với mưu đồ lâu dài là xóa bỏ thể chế chính trị của Việt Nam. Theo tôi, điều này không đúng thực tế, Mỹ vẫn có quan hệ tốt với các nước không cùng thể chế chính trị, kể cả chế độ độc tài”.
“Nỗi sợ bị Mỹ can thiệp tại Việt Nam để lật đổ chế độ thì không có cơ sở: Việt Nam hiện đang có quan hệ khá tốt với Mỹ; lợi ích chiến lược Mỹ - Việt có sự song trùng rất lớn. Thay vì lo sợ Mỹ, Việt Nam nên tăng cường quan hệ với Mỹ nhiều hơn để vừa phục vụ lợi ích chiến lược đất nước vừa phục vụ lợi ích chính trị của đảng cầm quyền”.
Phát biểu tại Đại hội Đảng XIII vừa qua,
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lặp lại ba nguy cơ “đe dọa sinh mệnh của Đảng và sự
tồn vong của chế độ” bao gồm: âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ
của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc; đe dọa chủ quyền lãnh
thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ
vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân; nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”.
Thương mại và nhân quyền
Vào tháng 12/2020, chính quyền Trump xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, cho rằng “các hành vi, chính sách và tập quán không lành mạnh đã góp phần vào việc định giá thấp tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được giải quyết”. Nhưng cuối cùng, chính quyền Trump đã không có bất kỳ hành động nào đối với Việt Nam.
Trong bốn năm qua, các công cụ mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng để trừng phát các nước và lãnh đạo cộng sản bao gồm chính sách thuế quan, cấm nhập cảnh, phong tỏa tài sản, hạn chế viện trợ, cấm giao thương… sử dụng các đạo luật đa dạng từ Luật Magnitsky Toàn cầu đến danh sách Các quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC)…
Chuyên gia Grossman nhận định rằng cho đến nay vẫn chưa biết liệu chính tân Tổng thống Joe Biden sẽ đưa vụ “thao túng tiền tệ” ra xem xét hay không, và sẽ có hành động nào trừng phạt Việt Nam hay không, nhưng nếu có thì chắc chắn điều đó “sẽ gây căng thẳng trong quan hệ song phương”.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Mạc Văn Trang, nêu nhận định:
“Tổng thống Trump (và chính giới Mỹ nói chung) nói chống cộng, nhưng trừ Việt Nam, vì họ biết Việt Nam chỉ độc tài, độc đảng chứ không cộng sản, không xã hội chủ nghĩa gì hết; nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cũng không làm hại cho nước nào khác…”
Tổng thống Trump (và chính giới Mỹ nói chung) nói chống cộng, nhưng trừ Việt Nam, vì họ biết Việt Nam chỉ độc tài, độc đảng chứ không cộng sản, không xã hội chủ nghĩa gì hết!
Tiến sĩ Mạc Văn Trang
“Và quan trọng là việc chế độ ở Việt Nam hiện nay ổn định sẽ có lợi cho Mỹ trong việc kiềm chế Trung cộng, vì thực chất Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là kẻ thù. Bên ngoài nhẫn nhục, cố giữ quan hệ ‘hữu nghị’ vậy thôi. Cũng như các chính quyền phong kiến ngày xưa đối với ‘Thiên triều’: vẫn cống nạp, nhưng xâm lược thì đánh; đánh rồi lại sang triều cống... Cộng sản ngày nay cũng vậy thôi!”
Giáo sư Mạc Văn Trang viết thêm: “Chính vì Mỹ muốn Việt Nam cứ tồn tại kiểu này, không muốn xáo trộn, nên Mỹ không hề gây áp lực lên chính quyền Việt Nam trong việc đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ. Cộng sản Việt Nam biết điều đó nên ngày càng đàn áp nặng nề phong trào đấu tranh, mà Mỹ làm ngơ!”
Chuyên gia Derek Grossman nhận định rằng chính quyền Trump ít chỉ trích thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam, hay chỉ lên án ở mức độ thấp mà thôi, dù Hà Nội thực hiện hàng loạt các vụ bắt bớ và giam cầm các nhà hoạt động và các nhà báo tự do.
Ông Grossman dự báo: “Hà Nội có khả năng sẽ đặc biệt lưu ý đến việc triển khai các ‘Báo cáo Quốc gia về Nhân quyền’ thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để xem chính quyền Biden đánh giá như thế nào về Việt Nam, không chỉ trong báo cáo mà quan trọng hơn là trong các tuyên bố chính thức, nếu có”.
Với tôn chỉ “đổi mới tinh thần và mục đích chung của các quốc gia trong Thế giới Tự do” của Tổng thống Biden, chuyên gia Grossman nhận định rằng chính quyền mới của Mỹ “sẽ ít hợp tác hơn với các đối tác độc tài” chẳng như chế độ độc tài Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà sẽ hợp tác nhiều hơn với các đối tác dân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-chinh-quyen-trump-khong-len-an-viet-nam/5763421.html