11 avril 2021

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ trình dự luật chống lại Trung Quốc một cách toàn diện”

Xuân Lan

Các nhà lập pháp Mỹ đang có kế hoạch đưa ra một dự luật trong tuần tới, bao gồm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các quan chức Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan và theo sát hơn các hoạt động quân sự và yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, cùng nhiều biện pháp khác nhằm chống lại Trung Quốc.


Thượng nghị sĩ Bob Menendez ở New Jersey, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và TNS Jim Risch cho biết hôm thứ Năm (8/4) rằng họ sẽ giới thiệu Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 để ủy ban tranh luận.

Ông Menendez nói: “Tôi vô cùng tự hào khi tuyên bố nỗ lực chưa từng có của lưỡng đảng nhằm huy động tất cả các công cụ chiến lược, kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho phép quốc gia của chúng ta thực sự đối đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với an ninh quốc gia và kinh tế của chúng ta.”

Dự luật kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan tới “lao động cưỡng bức, cưỡng bức triệt sản và các hành vi ngược đãi khác ở Tân Cương”, nơi các nhóm nhân quyền trích dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc và các nhân chứng khác cho biết có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ tại “các trại giáo dục”. Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng các trại này là cơ sở đào tạo nghề.

Dự luật cũng sẽ dành 10 triệu đô la Mỹ “để thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông” và yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra một báo cáo về “mức độ mà chính phủ Trung Quốc sử dụng tình trạng Hồng Kông để lách luật của Hoa Kỳ.”

Dự luật được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng liên quan đến đảo Đài Loan cũng như tại các nơi khác trên Biển Đông.

Dự luật lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từ chối từ bỏ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Dự luật cho biết “ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] nhấn mạnh rằng cái gọi là ‘thống nhất’ là lựa chọn duy nhất của Đài Loan”.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ vô hiệu hóa mọi hạn chế tương tác giữa quan chức của Mỹ với các đối tác Đài Loan.

Đạo luật cũng kêu gọi các nỗ lực bổ sung nhằm tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Hoa Kỳ nên đặt ra kế hoạch nhằm xuất khẩu cho các đồng minh và đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương những năng lực quan trọng để duy trì sự cân bằng quân sự trong khu vực, bao gồm hỏa lực chính xác tầm xa, hệ thống phòng không và tên lửa, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tấn công đất liền, các hệ thống siêu âm, các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát, cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát,” nội dung dự luật viết.

Dự luật cũng viết rằng Bắc Kinh sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng phạm vi quân sự, do vậy dự luật có 1 điều khoản nhằm hạn chế hỗ trợ đối với các quốc gia sở hữu các cơ sở quân sự của Trung Quốc.

Dự luật sẽ buộc Bắc Kinh phải tuân theo phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế rằng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng gần bờ biển Philippines, bao gồm cả ở Đá Vành Khăn, là phi pháp.

Dự luật cũng tái khẳng định rằng “phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên”. đồng thời khẳng định “các tuyên bố chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp”.

Nhằm giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn trong quan hệ kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, dự luật sẽ mở rộng phạm vi của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) để giám sát các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các tổ chức giáo dục của Mỹ.

Cơ quan này sẽ xem xét kỹ lưỡng các giao dịch tài chính để tìm các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn, như việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho công ty nước ngoài, nhằm đảm bảo rằng chúng không bị sử dụng cho các mục đích có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Dự luật của các TNS Menendez và Risch được đưa ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Biden công bố tài liệu chính sách an ninh quốc gia, nhấn mạnh sự cần thiết của Mỹ trong việc tăng cường liên minh với các nước dân chủ và gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”.

09/04/2021

Xuân Lan (theo SCMP)


https://trithucvn.org/the-gioi/cac-nha-lap-phap-hoa-ky-trinh-du-luat-chong-lai-trung-quoc-mot-cach-toan-dien.html