04 mai 2021

Quân đội Mỹ “trước khờ, sau khôn”


 Thiện Tùng

2/5/2021

 

Đầu năm 1966, sư đoàn 9 Mỹ đổ bộ vào Trung Đô (1) thiết lập căn cứ quân sự Đồng Tâm ven sông Mỹ Tho thuộc xã Bình Đức, huyện Câu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay tỉnh MỸ Tho+tỉnh Gò Công= tỉnh Tiền Giang).

Trực thăng UH-1D ở Mỹ ở Nam Việt Nam, 1966

Khi chấm chân vào, quân Mỹ diễu võ vươn oai gây ra bao nỗi kinh hoàng: ruộng vườn dập bầm vì xích sắt xe tăng, sông nước đục ngầu vì hạm nhỏ trên sông, không gian bị khuynh đảo vì các chủng loại máy bay quân sự. Quân đội Mỹ bắt đầu phối hợp cùng với Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thực hiện kế hoạch “Tìm diệt và Bình định”.


Ngày 19/8/1966, Khu Trung Nam bộ thành lập “Đội Tuyên truyền Xung phong” mang bí số 198P ( trong số có tôi) đến hoạt động ven căn cứ Mỹ Đồng Tâm và dọc theo trục lộ 4 (QL1 nay) thuộc tỉnh Mỹ Tho có chiều dài 72 km từ  xã Tân Hương (giáp giới tỉnh Long An) đến Bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận). Đội 198P có nhiệm vụ tìm hiểu về Quân đội Mỹ và trấn an tinh thần nội bộ và quần chúng. Nhờ cọ sát thực tế, tôi mới nhận ra Quân đội Mỹ trước khờ, sau khôn, biểu hiện:  

Trước khờ

Đến một nơi xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, quân đội Mỹ tránh sao khỏi ngớ nghỉnh lúc ban đầu. Khi đổ bộ, quân đội Mỹ trông bộ dạng hùng dũng, uy nghi, chỉ nói được 3 chữ pha chè “tìm VC”, còn mọi thứ phải trông cậy vào phiên dịch. Nhờ Mỹ khờ VC đỡ khó. Mỹ khờ  đến  mức buồn cười:

-  Bữa nọ đoàn tàu chiến MỸ vào kinh Nguyễn Tấn Thành, chiếc trực thăng trinh sát hải quân (2) thấy một nông dân giơ phản phát cỏ, trực thăng hạ xuống bắt ông nầy về Đồng Tâm. Thông dịch hỏi: “sao ông bị bắt?”. Ông nông dân trả lời: “Tôi đang phát cỏ trực thăng hạ xuống bắt”. Thông dịch nói gì đó bằng tiếng nước ngoài với người Mỹ rồi quay lại nói với ông nông dân: “Nó nói ông giơ dao chém nên nó mới bắt, đó là sự hiểu lầm, thôi ông về đi!”. Ông nông dân lắc đầu buộc… và được trực thăng chở trả ông về nơi ông phát cỏ.

- Trong cuộc càn ven, vào nhà dân thấy Tờ Tin tức Mỹ Tho để trên bàn, một lình Mỹ bắt chủ nhà cầm tờ tin theo họ ra Đồng Tâm. Đi dọc đường bà nầy lỏn vào nhà dân đổi tờ Tin tức lấy cuốn tập học trò cầm tay. Khi đến nơi, họ  giao bà cho thông dịch. Người nầy hỏi: “Sao bà bị bắt?”. Bà trả lời: “Mấy ông Mỹ bảo tôi cầm cái nầy ra đây, tôi đâu dám cãi!”. Gã nầy xem qua cười khang rồi nói: “Đây chỉ là cuốn tập học trò, bà về đi, khổ quá !”.

- Ông Chín Phong cán bộ VC vào vùng ven, tối ngủ mặc bộ đồ ngủ màu trắng, súng ngắn để dưới gối. Vào khoản nửa đêm, toán biệt kích Mỹ vào, dùng đầu súng vít mùng lên, ông Phong mở mắt nhìn, người lính Mỹ nầy nhắm mắt, tay ra dấu bảo ngủ đi, họ đi tìm VC.

- Cán bộ VC thường về vùng ven tổ chức họp dân (họp mít- tinh) nói tin tức thời sự hay vận động dân đóng “đảm phụ nuôi quân”... Khi chưa có quân Mỹ, họ thường tổ chức họp ban đêm. Khi quân Mỹ vào, họp đêm sợ bị pháo bắn, họ thường tổ chức họp ban ngày. Có đôi lần, đang họp, lực lương canh gác báo có lính Mỹ tới. Chỉ cần cán bộ lánh đi, dân vẫn ở yên tại chỗ, nói cười tự nhiên. Khi thông dịch hỏi: “Tụ tập để làm gì”?. Dân trả lời: “Họp để trao đổi kinh nghiệm làm ruộng vườn”.Thông dịch xầm xì gì đó với những người Mỹ rồi vẫy tay chào ra đi.

- Từ khi Mỹ đổ quân vào, ở đồng bằng bằng Sông Cưu Long xuất hiện nhiều đội Nữ Pháo binh. Không, đúng hơn là Nữ Cối thủ.  Đội Nữ Cối thủ không phải để trợ chiến mà để tấn theo dạng Du kích rất lợi hại. Họ là những người hợp pháp,  đều có giấy căn cước. Đội nữ Cối thủ thả trinh sát trà trộn trong số dân theo tỉnh lộ 28 qua lại căn cứ Đồng Tâm. Mỗi khi thấy quân Mỹ tập trung tìm cách báo nhanh, Đội Cối đem súng ra nện cho chúng 4-5 quả rồi quăng nòng súng xuống ao hồ hay sông rạch rồi xách giỏ vừa đi chợ vừa nghe ngóng kết quả trước mặt đội quân đang bung ra lùng sục. Hỏi tại sao không bắn nhiều quả, các nàng nói: “Những quả đầu mới có tác dụng chớ những quả sau chẳng tác dụng gì bởi đối phương đã vào nơi trú ẩn. Hơn nữa, nếu dây dưa kéo dài, đối phương xác định được tọa độ, phản pháo bầy khó thoát hiểm?”.

 - Thường thấy quân đội Mỹ và quân đội VNCH chỉ phối hợp trong những cuộc hành quân lớn. Bình thường, địa bàn hoạt động giữa 2 quân đội dường như có phân chia ranh giới hẳn hoi. Cán bộ hay Du kích VC thường dựa vào ranh giới trái độn nầy. Khi bị ép từ 2 phía, cứ bắn vài loạt súng về phía Mỹ rồi lách đi hoặc xuống Hầm bí mật (HBM) thì Mỹ phản ứng dữ dội khiến quân VNCH phải dạt ra. Cái nhược là quân Mỹ khó phân biệt đâu là đồng minh đâu là VC, ai bắn họ thì họ bắn trả lại thế thôi. Mỹ bắn chết quân đội VNCH thì không sao, ngược lại  thì rắc rối.

- Đêm lập chướng ngại trên giao thông, đặt ổ ong Vò Vẽ, gài lựu đạn xung quanh. Sáng ra, đối phương đến phá chướng ngại bị ong Vò Vẽ đánh chạy vướng lựu đạn nổ máu me… Ong Vò Vẽ luôn bám ổ - còn ổ thì nó còn bám. Bất kỳ ai sáp lại gần ổ, chúng sa vào tiêm nọc độc, chỉ cần chích vài mũi thôi đủ ớn lạnh cả người. Muốn loại chúng ra ngoài vòng chiến, chỉ có phá ổ bằng hỏa thiêu. Dẹp được binh Ong Vẽ phải mất cả buổi.  

-  Người ta gọi trực thăng “bù nóc” vì nó có dáng vóc như con cá Nóc mít. Nó tới lui, dừng lại, hạ xuống dễ dàng. Khi nó xuất hiện gây hoang mang trong đội ngũ cán bộ và Du kích hoạt động nhỏ lẻ. Trong phong trào “thi đua diệt Mỹ”, phần thưởng là khẩu súng ngắn K.54. Có lần, Du kích sáng kiến, leo lên cấm cờ  Mặt trận trên đọt cây Dừa rồi nối dây xuống khối thuốc nổ được cột chặt trên bẹ Dừa. Khi thấy cờ, trực thăng “bù nóc” Mỹ đến hạ xuống nhổ cờ, khi kéo dây kích hoạt, khối thuốc nổ phanh thây nó thành những mảnh vụn. Lần khác, cũng Du kích, làm hình nộm cột dây rồi phục kích xung quanh. Khi thấy “bù nóc” đến kéo dây cho hình nộm nằm xuống. Bù nóc tưởng người thấy nó trốn, hạ xuống tìm, du kích đồng loạt vãi đạn vào nó,  khiến nó có xuống mà không lên. Thọ nạn ngày một nhiều, chủng loại trực thăng “bù nóc”sớm bị khinh thường và sớm bị vô hiệu hóa. 

 ..v.v… và ..v.v..

Sau khôn

Quân Mỹ ngày một khôn ra thì VC bắt đầu gặp khó khăn:

- Khi đối phương càn vào, vì địa hình lõm, nếu rút khơi ra đồng trống bị trực thăng chiến đấu rỉa, cán bộ và Du kích thường xuống hầm bí mật (HBM). Không tìm được trên mặt đất, khi đi càn, Lính Mỹ dùng chó nghiệp vụ tìm HBM của VC. Để vô hiệu hóa dùng “chó săn người”, VC có nhiều cách khử mùi, khiến cho quân đội từ bỏ chiêu trò nầy.

               Lính Mỹ đi càn cũng với chó nghiệp vụ ở Miền Nam Việt Nam

 

- Cái khó của làm HBM là giáu đất. Khi càn vào thôn xóm, Mỹ thường cho lực lượng xuống ao hồ, sông rạch dò tìm, nếu gặp đất cứng lấy lên xem coi rể cây gì dính trong đó rồi dùng mìn, lựu đạn đánh tơi bời những lùm/bụi cây có rể ấy để tìm HBM.

 

- Làm HBM không đổ đất xuống ao hồ, sông rạch nữa mà đào nhiều công sự chiến đấu rồi gởi đất HBM vào đó. Thế mà Mỹ ước tính hoặc do, nếu số đất lớn hơn thực tế hoặc khác màu, loại… đất thì họ quả quyết có HBM làm đâu đó, ra sức lùng sục tìm kiếm HBM.

- Biết được khi kẹt cán bộ VC thường  xuống ao hồ, sông rạch “chém dè” vào những đám Lục bình hay những lùm Dứa gai… Mỹ thường ném lựu đạn vào những nơi nầy, khiến cho Lục bình và Dứa gai  ở vùng nầy có nguy cơ bị diệt chủng.

- Riêng ở tỉnh Mỹ Tho, ngoài thị xã, thị trấn, thị từ có một vài khẩu pháo 105 hoặc 155 ly, Mỹ còn xây dựng 4 cụm pháo giao tầm với nhau như: Nỏ thần 71, Nỏ thần 72, Thẻ 23 và Thẻ 33. Dân chúng gọi 4 cụm pháo nầy là những dàn nhạc “Tân Tây Lan”, ban đêm khi chúng “cất tiếng gáy” thì khói lửa mịt trời nơi xuất phát và nơi đến. Nhưng không mấy nguy hiểm, chỉ sợ những trái đầu khi chưa kịp vào hầm trú ẩn kiên cố. Về sau họ rút kinh nghiệm, không bắn pháo bầy nữa, cứ vài ba giờ xây hướng vào những nơi tình nghi có VC bắn năm ba quả - thường gọi là pháo “mồ côi” rất nguy hiểm, ăn không ngon ngủ không yên với chúng.

- Biết được, khi nghe tiếng máy bay trinh sát (L.19) hoặc trực thăng, VC vào trú ẩn trong những lùm cây. Gần như hàng ngày Mỹ cho nhiều chiếc trực thăng chiến đấu, chia vùng bay rong rỗi, thấy lùm cây nào nghi có VC trú ẩn tặng cho một loạt đạn rồi bỏ đi – tuy bắn phá theo kiểu chà mù nhưng rất nguy hiểm, riết rồi gẩn như mỗi lùm cây VC đều có đào hầm tránh đạn.

- Mỹ lại giở trò ném bom đêm theo tọa độ: máy bay siêu thanh bay trên tầng cao, âm thanh máy bay và tiếng bom hạng nặng rẽ gió đến cùng một lúc, chỉ nhắm mắt trân mình chịu, mặc cho số phận rủi may.

..v.v…

Mỹ không áp đặt được chiến tranh “trận địa chiến” theo kiểu tốc chiến tốc thắng, phải chấp nhận đối phó với chiến tranh “Du kích”  được áp dụng theo phương châm “dài hơi, không cụt hơi và không được hụt hơi” thì  rốt cuộc phần thắng chắc chắn thuộc về phía “Chiến tranh Du kích” - ở Việt Nam trước đây, ở Irad, Apganixtan… sau nầy cũng thế. Không phải chỉ có quân đội Mỹ mà bất cứ quân đội nước nào đi can thiệp hay xâm lược nước người mà gặp phải “Chiến tranh Du kích” thì sớm muộn gì cũng sa lầy, phải chào thua. -/-

Chú thích

 (1)  Ở Nam bộ chia làm 3 miền: Đông Nam bộ, Trung Nam bộ, Tây Nam bộ - Sài Gòn là thủ phủ Đông Nam bộ, Mỹ tho là thủ phủ Trung Nam bộ, Cần Thơ là thủ phủ Tây Nam bộ.

 

(2)  Loại trực thăng trinh sát Hải quân nầy kính bê-ca trắng trong suốt, nhìn thấy người ngồi bên trong, dân chúng gọi chết danh chủng loại trực thăng nầy là những chiếc “dở dang” – làm chưa xong.