Thưa Thủ tướng. Trong bối cảnh một xã hội ham đồ giả hơn đồ thật thì đồ thật ắt phải chết tức tưởi. Sự thật là ngành giáo dục hiện nay lâm vào hoàn cảnh như vậy. Cơ sở giáo dục nào dạy thật, học thật, thi thật thì không có người đăng ký học. Không có người đăng ký học thì không có tiền để sống ạ!
Người ta thường hay nói và nghe trơn tuột một mệnh đề nào đó và tưởng chừng mệnh đề đó đã là chân lý. Hậu quả là cứ làm theo (ở đây tôi loại bỏ trường hợp nói một đằng làm một nẻo), đến lúc thấy sai thì mới ngẩn người ra. Trong giáo dục thì một lũ người nhiệt thành làm theo đó sẽ đứng nhìn con tàu lao xuống hố. Ai chết ráng chịu!
Chẳng hạn như vừa rồi chủ trương đa dạng hoá sách giáo khoa. Một chân lý không phải bàn cãi khi ai cũng hiểu có đa dạng thì mới có sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm Quốc hội bấm nút, không ai đặt vấn đề: ai sẽ có quyền lựa chọn? Kết quả là, người dạy và người học không được quyền lựa chọn mà để cho sự áp phe lựa chọn và hiển nhiên cái xấu nhất được áp đặt lên người dạy và người học. Người dạy và người học chết, trong khi kẻ làm tiền vẫn tiếp tục làm tiền!
Bây giờ quay lại vấn đề Thủ tướng đặt ra: "Ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật". Mặc nhiên đây là chân lý, cần thực hiện rốt ráo mới có một nền giáo dục sạch. Nhưng chưa thấy ai hỏi: Thế nào là học thật, thi thật và nhân tài thật?
Tôi không cần phải nghi vấn về việc nói một đằng làm một nẻo mà tin tưởng ngành giáo dục sẽ làm, làm thật. Nay mai người ta sẽ bắt học sinh học thật bằng cách học cật lực để đạt cái tiêu chí "giáo dục toàn diện", mỗi học sinh đều phải có đủ phẩm chất và năng lực như mục tiêu chương trình đã đặt ra. Trong khi cái tiêu chí "toàn diện" kia chẳng khác gì bắt con cá phải leo cây. Học thật như vậy thì chắc chắn nhanh chết khô hơn! Đến thi cử thì cũng thật 100% luôn. Người ta sẽ tổ chức thêm nhiều kỳ thi và cách thi vẫn không thoát ngoài khuôn mẫu học bài trả bài. Tôi xem nhiều đề thi trắc nghiệm mà người ta cho là hiện đại thì thấy phải học tủ, học không cần hiểu, không cần suy nghĩ để đến khi thi thì cứ máy móc theo trí nhớ mà đánh dấu. Và để trúng tủ thì phải học thêm nhiều hơn để cái não nhốt được nhiều bài giải mà không bị trật tủ. Khi ấy, phụ huynh kiệt quệ về tài chính, còn học sinh thì nhiều đứa phải tự tử hoặc vào trại tâm thần!
Cuối cùng thì nói đến "nhân tài thật". Nhân tài thật sẽ dựa vào kết quả học thật, thi thật. Hiển nhiên là dựa vào kết quả học và thi trên kia. Một nhân tài thật sẽ được xem là người có năng lực và phẩm chất toàn diện dựa trên kết quả học và thi, trong khi nó chỉ hơn con vẹt ở bộ não của nó có thể tích to hơn con vẹt nhiều lần!
Đáng sợ thật, nếu học thật, thi thật và nhân tài thật được hiểu như vậy!
Tôi sẽ không nói xuôi theo Thủ tướng mà nói ngược. Chỉ cần một nhân tố: Giáo dục phải tạo ra nhân tài thật. Nhưng muốn có nhân tài thật thì chuyện học và thi chỉ là điều kiện, thậm chí loại bỏ hẳn các kỳ thi không cần thiết cũng không sao. Bởi lẽ "nhân tài thật", theo tôi, không phải là người có phẩm chất và năng lực toàn diện (trừ thánh thần, nhưng thánh thần là hoang tưởng) mà là một cá nhân làm xuất sắc công việc của mình. Với nghĩa ấy, một chị lao công dọn rác nếu nghĩ ra cách thu gom rác và xử lý môi trường hiệu quả; một chị bán rau nghĩ là cách chế biến và bảo quản nông phẩm sạch cho người nông dân thì đã là nhân tài thật. Rộng ra, nghề nào cũng được, dù là dọn vệ sinh hay bán rau mà phát sinh được những ý tưởng sáng tạo cho cái nghề của mình để công việc hoàn thành xuất sắc thì vẫn hơn một đám giáo sư, tiến sỹ ăn lương cao ngất nhưng không làm được gì hoặc làm đâu hỏng đó, thậm chí ăn cấp đầy tai tiếng, nhục quốc thể. Loại giáo sư, tiến sỹ ấy, dù bằng cấp đầy mình, vẫn là kẻ bất tài, không chỉ vô dụng mà còn có hại.
Như vậy, nhân tài thật không phụ thuộc vào giáo dục mà phụ thuộc vào tuyển dụng. Tuyển đúng vị trí việc làm trong ngành nghề mà cá nhân đảm bảo năng lực và phẩm chất thì là có nhân tài thật. Còn tuyển nhầm chỗ thì có bằng cấp đầy mình vẫn không có "nhân tài thật" mà giả vẫn hoàn giả. Tôi không cần nói hàng ngu si ngồi chiếm chỗ béo bở trong cơ quan công quyền, trong ngành giáo dục mà nói những cá nhân có năng lực thật sự bị đặt sai chỗ. Chẳng hạn, một sinh viên du học có năng lực nghiên cứu và sáng tạo ở trình độ cao nhưng về Việt Nam được tuyển dụng ở một vị trí việc làm không nằm trong sở trường của anh ta thì chính cá nhân sinh viên ấy đã tự nó biến thật thành giả.
Với cách nhìn trên, tôi cho rằng Thủ tướng không cần chỉ đạo cho ngành giáo dục nữa. Chỉ cần Thủ tướng chỉ đạo cho ngành nội vụ và các cơ quan từ nhà nước đến tư nhân sắp xếp việc làm và trả lương đúng năng lực thì ngành giáo dục cũng phải cong đít lên mà tổ chức dạy học, thi cử đàng hoàng. Đơn giản, xã hội cần nhân tài thật thì giáo dục mới có thể tạo ra nhân tài thật. Trong điều kiện ấy, tự nó phải tổ chức một chương trình, nội dung và phương pháp dạy học như xã hội cần chứ không phải như hiện nay ông Thuyết ông Thống nhắm mắt tự tưởng tượng ra đủ thứ trên trời dưới đất rồi bắt con em người ta học thật, thi thật!
Chú thêm: Thưa Thủ tướng. Trong bối cảnh một xã hội ham đồ giả hơn đồ thật thì đồ thật ắt phải chết tức tưởi. Sự thật là ngành giáo dục hiện nay lâm vào hoàn cảnh như vậy. Cơ sở giáo dục nào dạy thật, học thật, thi thật thì không có người đăng ký học. Không có người đăng ký học thì không có tiền để sống ạ!
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long