Nguyễn Đình Cống
Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) có nhiều nội dung tích cực, tốt đẹp, nhưng gần một thế kỷ qua ở Việt Nam các nhà lãnh đạo và tuyên truyền cộng sản đã hiểu sai về nó và ra sức chống đối. Việc này lợi ít hại nhiều. Đã đến lúc cần làm cho người dân Việt và đặc biệt là tầng lớp trẻ hiểu rõ và phát huy sức mạnh của CNCN, đồng thời hướng sự chống đối vào những mặt xấu xa, tiêu cực của con người và thể chế.
Dưới nền quân chủ vai trò cá nhân quy tụ vào vua chúa. Dân thường chỉ được làm theo lệnh cấp trên, không có quyền tự do tư tưởng, không thể sáng tạo. Xã hội ở vào trạng thái trì trệ.
CNCN bắt đầu manh nha ở châu Âu từ thời Phục Hưng (thế kỷ 16) với sự phát triển mọi mặt của con người và đạt đỉnh cao trong Thời kỳ Khai Sáng (thế kỷ 18) với Tự do cùng lòng khoan dung cá nhân và chống lại độc quyền của vua chúa.
CNCN có nội dung triết học và nhân văn, nó đề cao vai trò và lợi ích cá nhân trên cơ sở mỗi người có lòng tự trọng, tự tin, tự lập, tự quyết, tự do, là cơ sở của mọi sáng tao và thành công, là động lực mạnh mẽ của tiến bộ xã hội, là vũ khí và lực lượng chống lại sự độc tôn toàn trị. Vì vậy bọn chuyên chính độc tài thù ghét nó. Nội dung cơ bản của CNCN không bao gồm những thói hư tật xấu như ích kỷ, cửa quyền, độc đoán, tham nhũng, chia rẽ, thù oán v.v…, thế nhưng trong quá trình lan tỏa người ta gán thêm cho nó tính vị kỷ, gắn nó với Chủ nghĩa vị kỷ và đặc biệt khi tuyên truyền cho đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản thì người ta gán cho CNCN những thói hư tật xấu và không kể gì đến những tích cực của nó.
Một số người lãnh đạo của ĐCSVN, không biết vì thiếu trí tuệ rồi bị nhầm lẫn hay vì cố tình đánh tráo khái niệm mà đã mô tả CNCN như là tàn dư của phong kiến và tư bản với mọi thói xấu xa đê tiện rồi ra sức tuyên truyền chống phá. Rất có thể họ thấy được những mặt tích cực của CNCN, nhưng họ không muốn công nhận vì chúng đụng chạm tới uy quyền toàn trị của họ, họ không chịu được rằng trong đất nước này lại có người giỏi hơn họ, dàm đề xuất những điều khác với họ.
Về khoa học cũng như về đạo lý người ta có quyền đặt tên một khái niệm do họ phát hiện ra. Nhưng không được trùng hoàn toàn với tên một khái niệm đã được công nhận rộng rãi. Khi khái quát hóa những thói hư tật xấu thành “Chủ nghĩa cá nhân” người ta đã mắc 2 sai lầm sau: Một là tập hợp các thói hư tật xấu của con người không thể gọi là một chủ nghĩa theo cách hiểu thông thường (Chủ nghìa là quan niệm, quan điểm hoặc chủ trương chính sách, hoặc ý thức tư tưởng thành hệ thống về triết học, chính trị, đạo đức, văn học, nghệ thuật). Hai là “Chủ nghĩa cá nhân” đang được dùng đặt tên cho một khái niệm đã có, muốn dùng nó để đặt tên cho một khái niệm mới thì phải sửa đổi hoặc thêm bớt một chút gì đó cho khác đi. Thí dụ gọi là “Tật xấu cá nhân” hoặc “Chủ nghĩa cá nhân xấu xa” v.v…
Những người Việt có hiểu biết thông thường, được tuyên truyền nhiều đến mức khi nghe nói đến CNCN là sợ co dúm lại, không dám nghĩ đến, không dám quan hệ với người được cho là đang thực hành nó. Thế mà ngày nay, để khuyến khích việc lập nghiệp thì lại rất cần gieo vào hoặc kích thích nẩy mầm trong bạn trẻ những hạt giống thuộc CNCN. Đó là tự tin, tự phát triển bản thân, tự tìm đường khác với lối mòn, khác với mô hình do ai đó lựa chọn và gán ghép, là chủ động trong mọi công việc. Những hoạt động như thế là xa lạ với thói quen chỉ biết chờ đợi sự chỉ đạo từ cấp trên, là ngược với kiểu cách lãnh đạo độc đoán, chỉ muốn áp đặt.
Phải chăng tuyên truyền chống CNCN, bên ngoài thì rùm beng chuyện chống thói hư tật xấu còn bên trong ẩn chứa mưu đồ làm ngu dân về chính trị.
Thế có cần chống những thói hư tật xấu. Cần quá đi chứ. Càng phát triển những điều tốt đẹp của CNCN thì càng cần chống thói hư tật xấu. Đó là những việc như: Độc đoán cửa quyền, tham nhũng dối trá, mua quan bán tước, dẫm đạp công lý, che giấu sự thật, đàn áp phản biện, hạn chế tự do v.v…Những thói tật ấy tuy thuộc về cá nhân là chủ yếu, nhưng được sinh ra và phát triển không phải từ CNCN mà từ một nguồn gốc khác, đó là sự độc quyền toàn trị của những đầu óc kém trí tuệ mà tham lam, đó là do sự toàn trị của một bọn cơ hội. Để chống lại những thói hư tật xấu trong mỗi con người và trong hệ thống thì chính quyền nhà nước cần đề cao QUANG MINH CHÍNH ĐẠI và thực hiện TAM QUYỀN PHÂN LẬP.
Để khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp, để có được một đất nước khởi nghiệp thì cần có những hiểu biết đúng đắn về CNCN. Lãnh đạo và tuyên truyền ngừng ngay những suy nghĩ và phát biểu nhầm lẫn về nó (quên đi, không nhắc lại những điều sai lầm do vài người lãnh đạo trước đây đã nói về CNCN).
Ở Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng và khống chế của Chủ nghĩa Cộng sản người ta đề cao Chủ nghĩa tập thể, là một dạng đối lập với CNCN. Nào là lãnh đạo tập thể, ý kiến tập thể, quyết định của tập thể, làm ăn tấp thể (Hợp tác xã nông nghiệp) v.v... Bài này chưa phân tích những đúng sai, hay dở của Chủ nghĩa tập thể mà chỉ xin nêu ra một nhận xét quan trọng về vai trò của tập thể trong phát minh, sáng chế, trong việc đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách để quản trị và phát triển xã hội.
Phát minh, sáng chế là việc hoàn toàn do cá nhân. Tập thể chỉ tham gia đánh giá và sử dụng. Việc đề ra các đường lối, chủ trương, chính sách, chủ nghĩa (ngay cả việc đề ra Chủ nghĩa tập thể) dù ở cấp nào thì đầu tiên là do một cá nhân nêu ra. Khi người đó giữ vị trí cao nhất thì tuy có đưa ra tập thể thảo luận, nhưng phần lớn chỉ là phụ họa và đề cao cá nhân người ấy. Khi người đó giữ vị trí thấp thì ý kiến có thể được thảo luận và biến thành ý kiến tập thể hoặc bị người khác lợi dụng, trước mắt bị bác bỏ nhưng sau được đem dùng ở một dạng khác. Như vậy, trong những trường hợp vừa kể thì vai trò của tập thể là rất lu mờ.
Đề nghi Hội đồng Lý luận trung ương của ĐCSVN tổ chức nghiên cứu về CNCN trong hoàn cảnh VN hiện tại, biết đâu sẽ có đóng góp để phát triển Chủ nghĩa Mác Lê.