Trần Mai Trung
Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) thành lập chế độ cộng sản đầu tiên trên thế giới vào năm 1917 và nó tồn tại được 74 năm. Trong 30 năm đầu của chế độ, CSLX đi lẻ loi một mình, không có nước nào khác đi theo cộng sản. Sau đệ nhị thế chiến năm 1945, bàn cờ thế giới thay đổi, đảng CS làm chủ được các nước ở Đông Âu với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô đang có mặt tại đó.
Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam năm 1975 và tập trung phát triển nước họ. 15 năm sau, nền kinh tế và khoa học Hoa Kỳ phát triển vượt bậc, sản xuất dư hàng hóa cho dân chúng, nhiều người có máy tính cá nhân. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở Tây Âu và Nhật Bản cũng phát triển nhanh. Trong khi đó, Liên Xô, Trung Quốc và các nước cộng sản đàn em có đà phát triển chậm chạp, sản xuất không đủ hàng hóa cho dân chúng, người dân phải xếp hàng để mua thực phẩm. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa không ưu việt như tuyên truyền.
Trước tình thế đó, Tổng bí thư (TBT) Mikhail Gorbachev tiến hành chương trình cải cách Glasnost và Perestroika để bảo vệ chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, nó dẫn đến năm 1989 nhiều biến động và năm 1991 quyết định.
Sau 10 năm xâm lăng Afghanistan và bị nhân dân Afghanistan đánh trả, Liên Xô phải rút quân đội về nước vào tháng 2-1989. Cuộc chiến 10 năm đã làm chết 15.000 binh sĩ Liên Xô và 1 triệu người Afghanistan. Sự rút lui này cho thấy chủ nghĩa Marx-Lenin không là vô địch và một nước cộng sản có thể trở thành không cộng sản.
Cho đến đầu năm 1989 có 80.000 quân lính Liên Xô đang đóng ở Hungary. Thấy quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan, tháng 3-1989 TBT đảng CS Hungary là Karoly Grosz yêu cầu Gorbachev rút quân về nước để đảng CS có tính chính danh với nhân dân. Mệt mỏi với nhiều chi phí cho các nước đàn em, Gorbachev đồng ý sẽ tiến hành.
Đảng CS tổ chức bầu cử không giống các quốc gia khác, đảng độc quyền giới thiệu người ra ứng cử, đảng độc quyền tổ chức và kiểm soát cuộc bầu cử, đảng cũng cho ra con số phần trăm người đắc cử đạt được. Tháng 5-1989, đảng CS Đông Đức tổ chức bầu cử "Hội đồng nhân dân" các địa phương. Mặc dù bị mật vụ Stasi đàn áp khốc liệt, một số người dân đòi hỏi theo Hiến pháp và được tham gia quan sát cuộc bầu cử.
Họ cho biết, có từ 9% đến 10% bỏ phiếu "chống" các ứng cử viên của đảng. Khi những con số được công bố rằng kết quả bầu cử là 98,5% hoặc 99% thì ai ai cũng thấy là ngụy tạo. Tức giận khi thấy lá phiếu của mình bị gian lận, những người dân Đức dũng cảm đã biểu tình tối thứ Hai hàng tuần để đòi hỏi minh bạch trong bầu cử, mới đầu có vài trăm người, rồi lên đến mấy ngàn người.
Khi chưa nắm chính quyền thì đảng CS là bạn của giai cấp công nhân nhưng khi nắm được chính quyền thì đảng CS là ông chủ của anh chị em công nhân. Bởi vậy công nhân Ba Lan không tin tưởng Tổng liên đoàn lao động của đảng mà thành lập Công đoàn Đoàn kết để đòi hỏi quyền lợi cho giới công nhân. Trước sự bất hợp tác của nhân dân, nền kinh tế đi xuống, đảng CS Ba Lan phải tổ chức một cuộc bầu cử "tương đối tự do".
Hạ viện (Sejm) có 100 ghế thì người dân được tranh cử tự do 35 ghế, còn 65 ghế thì dành riêng cho đảng CS và các tổ chức ngoại vi của đảng. Thượng viện có 100 ghế thì tranh cử tự do. Ngày bầu cử 4-6-1989, Công đoàn Đoàn kết được nhân dân bầu 33/35 ghế ở Hạ viện và 99/100 ghế ở Thượng viện. Đảng CS vẫn nắm chính quyền nhưng lòng dân đã rõ.
Những đảng viên CS có suy nghĩ đặt vấn đề bây giờ theo đảng hay theo dân? Ngày 24-8-1989, Hạ viện Ba Lan bầu một lãnh tụ của Công đoàn Đoàn kết là nhà báo Tadeusz Mazowiecki làm Thủ tướng. Chính phủ Mazowiecki hợp pháp hóa các quyền tự do dân sự và đa nguyên đa đảng, Ba Lan thay đổi từ cộng sản sang dân chủ trong hòa bình, toàn dân vui mừng.
Đảng CS cai trị Đông Đức 44 năm, cơ quan mật vụ Stasi theo dõi người dân vào tận phòng ngủ. Họ gọi người chồng đến khai báo về người vợ, rồi gọi người vợ đến khai báo về người chồng, tạo ra sự nghi ngờ, chia rẽ vợ chồng người ta. Một số người Việt Nam có dịp đến Đông Đức thì thấy mức sống kinh tế cao hơn Việt Nam nhiều, nhưng người dân vẫn bỏ Đông Đức đi tị nạn ở Tây Đức, bởi vì Đông Đức không có tự do. Từ tháng 6 đến tháng 11-1989, 100.000 người Đông Đức chạy đi tị nạn ở Tây Đức.
Họ phải đi đường vòng Đông Đức - Hungary - Áo - Tây Đức, hoặc là Đông Đức - Tiệp Khắc - Tây Đức. Tối ngày 9-11-1989, người dân không muốn đi đường vòng xa xôi nữa, 20.000 người kéo tới các trạm biên giới dọc theo Bức tường Bá Linh và đòi hỏi được "đi thăm" Tây Đức. Trước khí thế của đông đảo nhân dân, đảng CS không dám có phản ứng, người dân tràn qua biên giới, bức tường hầu như biến mất. Sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh kéo theo sự sụp đổ của chế độ cộng sản, các nước Đông Âu thay đổi thể chế sang Dân chủ, không một tiếng súng.
Ngoại trừ Romania, có súng nổ và đổ máu, bởi vì TBT Nicolae Ceausescu 71 tuổi muốn tiếp tục cai trị với bàn tay sắt. Thành phố Timisoara có Mục sư Laszlo Tokes thuộc Giáo hội Cải cách, ông là người ngay thẳng nên bị chính quyền và hàng giáo phẩm thỏa hiệp không thích. Ngày 15-12-1989 ông bị cách chức và đuổi khỏi nhà, mấy chục giáo dân đã tới chia sẻ với ông, rồi nhiều người dân trong thành phố kéo đến và bày tỏ sự bất bình. Ngày hôm sau thì cuộc tụ họp biến thành cuộc biểu tình Đả đảo độc tài. Sáng ngày 17, công an và mật vụ Securitate tiến hành bắt người, gây ra cảnh hỗn loạn. Đoàn biểu tình có khoảng 2.500 người rời nhà thờ đi về trung tâm thành phố, đi qua trụ sở đảng thì họ xông vào đập phá.
Ceausescu ra lệnh đàn áp bằng bạo lực, đêm 17-12 binh sĩ và mật vụ bắn vào người dân, làm chết 60 người và bắt đi 700 người. Tin tức từ Timisoara lan ra làm xôn xao cả nước. Ngày 21, đảng CS tổ chức một cuộc mít-tinh lớn ở Thủ đô Bucharest để chứng tỏ đảng còn mạnh, các phường xã, cơ quan được lệnh cử người tới cho đông, lên đến 100.000 người. Khi Ceausescu đang đọc diễn văn thì có những tiếng hô nhỏ Ti-mi-soa-ra và càng lúc càng vang to. Miệng Ceausescu đông cứng lại, rồi luống cuống rời khán đài. Người dân Thủ đô hân hoan túa ra đường. Lúc 6 giờ chiều thì công an và mật vụ bắn súng giải tán người dân, làm cho mấy chục người chết, nhưng dân chúng vẫn trụ lại ở nhiều nơi.
9 giờ sáng ngày 22-12, Ceausescu kết tội Bộ trưởng Quốc phòng Vasile Milea là "phản quốc" vì không ra lệnh cho binh sĩ bắn vào dân chúng, Milea chết 1 giờ sau đó. Tin tức loan ra, quân đội không ủng hộ Ceausescu nữa, dân chúng ùa vào trụ sở đảng. 12 giờ trưa, Ceausescu và vợ lên trực thăng chạy trốn khỏi Bucharest. Ceausescu cai trị Romania 24 năm, đã ra lệnh bắt vào tù và giết hại nhiều người nên không được lòng dân. Khi chạy trốn phải tránh mặt nhân dân, trốn được 6 giờ thì bị các đồng chí báo cho quân đội bắt vào trại lính. Ngày 25-12-1989, Ceausescu và vợ bị xử tử trong trại lính Targoviste.
Nước Nga có một người đặc biệt là Boris Yeltsin. Ông xuất thân từ gia đình nông dân, lớn lên ông tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng tại Đại học Bách khoa Ural ở Sverdlovsk vào năm 1955. Năm 1961 ông gia nhập đảng CSLX. Năm 1985 Yeltsin làm Bí thư thành ủy Moskva, rồi là Ủy viên Bộ chính trị. Ông ủng hộ chương trình cải cách Glasnost và Perestroika của Gorbachev, nhưng về sau thì chỉ trích là nó được tiến hành quá chậm. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội đã 70 năm mà người dân vẫn phải xếp hàng để mua thực phẩm, Yeltsin thấy rằng đảng CS không phải là giải pháp của vấn đề, ông thông báo bỏ đảng tại Đại hội 28 của đảng CSLX vào tháng 7-1990. Ngày 12-6-1991, nhân dân bầu Yeltsin làm Tổng thống Cộng hòa Nga.
Những người Moskva dậy sớm ngày 19-8-1991 không nghe những chương trình phát thanh thường lệ lúc 6 giờ sáng, họ nghe các thông báo của Ủy ban Đảo chánh cầm đầu bởi các lãnh đạo đảng như Phó tổng thống Yanayev, Thủ tướng Pavlov, Bộ trưởng Quốc phòng Yazov, Bộ trưởng Nội vụ Pugo, Trùm mật vụ KGB Kryuchkov. Gorbachev thì đã bị nhóm đảo chánh bắt và giam lỏng tại nơi ông đang nghĩ hè ở Foros (Crimea) vào tối hôm trước.
Tại dacha của Yeltsin ở gần Moskva cũng có một toán Alpha của KGB canh giữ, nhưng vì một lý do mà đến bây giờ vẫn chưa rõ, Yeltsin không bị bắt và giam lỏng như Gorbachev. Sáng ngày 19, Yeltsin và ê-kíp của ông vào ở trong Quốc hội Nga, rồi họ hình thành một nhóm chống đảo chánh. Phe đảo chánh đưa binh lính và xe tăng vào Moskva, Yeltsin ra Tuyên bố công khai phản đối đảo chánh. Quân đội đến bao vây Quốc hội nhưng không tấn công. Vào buổi chiều, đông đảo người dân Moskva tụ họp xung quanh Quốc hội để bảo vệ.
Ngày 20-8, phe đảo chánh quyết định sẽ tấn công vào Quốc hội tối hôm đó. Tham gia cuộc tấn công là các đơn vị Alpha, Vympel của KGB, các đơn vị OMON, ODON của cảnh sát đặc biệt, các đơn vị Nhảy dù, các đơn vị xe tăng Tamanskaya. Bên chống đảo chánh gồm nhiều thường dân không có súng đạn, họ dùng các xe rửa đường phố làm rào cản xe tăng.
1 giờ sáng ngày 21-8, quân đội tấn công, người dân chống lại. Dmitry Komar, 22 tuổi, cựu chiến binh Afghan, cố gắng ngăn cản xe tăng bị cán chết. Vladimir Usov, 37 tuổi, kinh tế gia, chạy đến cứu bạn thì bị bắn chết. Súng nổ trong hỗn loạn, Ilya Krichevsky, 28 tuổi, kiến trúc sư, bị bắn chết và nhiều người dân bị thương. Máu của nhân dân đã đổ, cả 2 bên đều kinh hoàng và khựng lại.
8 giờ sáng ngày 21, quân đội rời Moskva. Nhóm cầm đầu đảo chánh lúng túng, không biết phải làm gì. 5 giờ chiều, Phó tổng thống Cộng hòa Nga là Alexander Rutskoi cùng một nhóm sĩ quan mang theo vũ khí bay đi Foros để giải cứu Gorbachev. 2 giờ sáng ngày 22-8, Gorbachev trở về Moskva với Rutskoi, cuộc đảo chánh hoàn toàn thất bại.
Cuộc đảo chánh 19-8 của những đảng viên trung kiên thích bạo lực là giọt nước làm tràn ly, kết thúc đảng cộng sản Liên Xô. Ngày 6-11-1991, Tổng thống Yeltsin ban hành Nghị định cấm đảng CS hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa Nga, đảng CSLX tan rã trong âm thầm sau 74 năm độc quyền cai trị Liên Xô.
30 năm trôi qua, gặp lại những cựu đảng viên CS Nga, Ba Lan, Đông Đức để phỏng vấn, đa số công nhận người không CS nhân đạo hơn người CS, không bắt người bị thua vào tù cải tạo, các cựu viên chức, công an, quân nhân vẫn có quyền công dân đầy đủ như mọi người. Trước kia, trong guồng máy tham nhũng, nếu không tham gia thì bị cấp trên nghi ngờ, bị cô lập, nếu cùng tham nhũng thì khi bể chuyện bị làm con dê tế thần. Bây giờ, bị mất đặc quyền đặc lợi của đảng viên nhưng không phải tranh giành, lo sợ. Không còn cảnh phải đồng ý và thi hành những quyết định vô lý, tàn ác của lãnh đạo.
Gặp lại những người dân Ukraine, Hungary, Tiệp Khắc đã sống dưới chế độ cộng sản để phỏng vấn, hầu hết yêu thích xã hội ngày nay hơn trước kia. Bây giờ chính quyền không có quyền bắt người dân vào tù vì phát biểu chính trị, cho nên họ chịu nghe ý kiến của người dân hơn, nếu không thì người dân sẽ bỏ phiếu cho đảng khác là họ phải rời chính quyền. Mọi công dân bình đẳng với nhau, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Người dân được làm những gì mình thích chứ không bị bắt buộc phải làm những gì đảng thích. 30 năm đời ta mất đảng thật là hạnh phúc.
Trần Mai Trung
Tháng 8, 2021
Tham khảo: Revolution 1989 - The Fall of the Soviet Empire. Victor Sebestyen.
Cách mạng 1989 - Đế quốc Xô-Viết sụp đổ. Phan Trinh.