06 août 2021

Các vị tuyên thệ những gì?

Nguyễn Đình Cống

GS Nguyễn Đình Cống

Tuyên thệ là từ được dùng có tính long trọng, bình thường nói ngắn gọn là “Thề”. Đây là một hoạt động thường gặp từ việc nhỏ của người dân đến việc lớn của quốc gia.

Trước khi vào bài chính tôi kể câu chuyện đọc được cách đây trên 70 năm, trích từ tiểu thuyết Cristăng Idơn. Xin viết lại theo trí nhớ. Nếu có chi tiết nào thiếu chính xác mong được lượng thứ. 


Chàng Cristăng gọi nhà vua là cậu ruột, được lệnh đem thuyền vượt biển, đón nàng Idơn, công chúa nước láng giềng, về làm vợ vua.

Mẹ của Idơn đưa cho người hầu gái của nàng bình rượu ái tình, dặn sẽ rót cho nhà vua và Idơn uống khi gặp nhau. Trên thuyền, Cristăng và Idơn vì nhầm mà đã uống rượu đó. Thế là hai người yêu nhau say đắm, không cưỡng lại được.

Trong khi làm Hoàng hậu Idơn vẫn lén lút gặp Cristăng, hai người yêu nhau mà vua không hề biết, nhưng bị một vài cận thần nghi ngờ, tố cáo và buộc vua phải bắt Idơn tuyên thệ. Lễ được tổ chức trên bờ sông với lò lửa nung một thanh sắt. Idơn đến bằng đường thủy, nhưng khi tới nơi, thuyền chuẩn bị cập bờ thì bị mắc cạn. Mà giờ làm lễ sp bắt đầu. Bỗng xuất hiện một người đàn ông lội xuống sông, cõng Hoàng hậu lên bờ, trước sự chứng kiến của vua và mọi người. Người đàn ông đó vội vàng biến mất.

Idơn thề như sau : Nguyện có thần linh chứng giám và trước mặt Hoàng thượng cùng văn võ bá quan, tôi xin thề rằng ngoài Hoàng thượng và người đàn ông vừa cõng tôi từ thuyền lên bờ, tôi không hề thân mật hoặc đụng chạm thân thể với bất kỳ một người đàn ông nào khác.

Thề xong nàng đưa tay cầm thanh sắt được nung đỏ rồi ném ra xa mà không bị một  vết bỏng nào cả. Lời thề đã được chứng giám.

Những người đọc tiểu thuyết đều biết người đàn ông cõng Idơn chính là Cristăng. Màn kịch đã được dàn dựng công phu, chu đáo. Lời thề đã được ngụy trang. Vua nghe  rõ ràng, tưởng dzậy nhưng không phải dzậy.

 Gần đây ở Quốc hội VN diễn ra nhiều buổi tuyên thệ. Xin bàn vài điều về các tuyên thệ đó.

Các lời tuyên thệ được chép ra từ một mẫu có sẵn. Xin dùng các chữ cái A,B,C…để ký hiệu lời của các vị.

A-Trần Đại Quang; B-Nguyễn Phú Trọng; C,D,E- Nguyễn Xuân Phúc ( hai lần chủ tich một lần thủ tướng); G,H-Phạm Minh Chính (hai lần); I-Nguyễn Thị Kim Ngân; K, L- Vương Đình Huệ (hai lần); M-Nguyễn Hòa Bình.

 Dưới đây là một trong các lời tuyên thệ đó (A):

Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, cử tri, đồng bào cả nước, tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyện nỗ lực  hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".

Lời thề gồm 4 đoạn.

Đoạn 1- Địa điểm tuyên thệ.

Đoạn 2- Tôi (chức danh, họ tên), xin tuyên thệ .

Đoạn 3- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Đoạn 4- Nguyện nổ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ .

 

Trong 4 đoạn thì đoạn 3 là giống nhau hoàn toàn ở mọi lời thề. Các đoạn 1; 2; 4 có khác nhau vài từ như sau: .

Đoạn 1- Thay cho "Dưới cờ” (A, C, D, G, K, L) là “Trước cờ” (B, E, I, M). Thay cho “cử tri, đồng bào” (A, C)  là “đồng bào và cử tri” (B, D, E) hoặc “đồng bào cử tri” (G, H, I, K, L) và “đồng bào, chiến sĩ và cử tri (M)

Đoạn 2- Chỉ có ông Quang và ông Trọng xưng tên. Ông Quang để chức trước, tên sau, ông Trọng để tên trước (tôi, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong tất cả các lời thề còn lại chỉ nêu chức danh mà không xưng tên. (thí dụ : tôi, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, hoặc : Tôi - Chánh án TAND tối cao). Riêng I chỉ nói ngắn gọn: tôi xin tuyên thệ (không nêu tên và chức danh)

Đoạn 4- Nguyện nổ lực (A, K, L, M) được thay bằng: Nỗ lực công tác… (C), Ra sức công tác… (D), Ra sức phấn đấu rèn luyện (E), Nỗ lực phấn đấu (G, H), Nỗ lực rèn luyện phấn đấu (I)

Bình luận: Ông Nguyễn Hạnh Phúc (tổng thư ký Quốc hội) nhận xét rằng “Lời thề của các vị có nội dung khác nhau tùy theo chức năng vị trí của từng người”. Nếu dựa vào một số chữ khác nhau như đã dẫn mà cho rằng các lời thề có nội dung khác nhau là không đủ căn cứ. Các lời thề được chép từ một nguồn, nhưng phải chăng mức độ học thuộc có khác nhau. Tạm gọi nguồn ấy là “Bài văn mẫu”. Thì ra bài văn mẫu không phải chỉ dùng cho học sinh đi thi mà còn được dùng cả ở Quốc hội.

Về thời gian, mỗi vị được tuyên thệ không quá 3 phút. Làm sao mà phải hạn chế khắt khe đến vậy. Tôi hình dung lời thề của nguyên thủ quốc gia ít nhất cũng phải dài trên 5 phút. Tuy thế, với lời tuyên thệ quá ngắn gọn, các vị chỉ trình bày trong khoảng một phút. Phải chăng hạn chế này ẩn chứa một ý tưởng nào đó.

Phân tích từng đoan :

Đoạn 1- Tại sao lại tách cử tri ra khỏi đồng bào bằng dấu phẩy hoặc liên từ và ? Tách như thế, về logic thì đồng bào và cử tri là hai tập hợp khác nhau. Thế thì sai về bản chất vì toàn bộ cử tri đã nằm gọn trong đồng bào. Trong M lại đưa thêm “chiến sĩ”, sai càng nặng hơn. Thực ra chỉ cần dùng một từ “đồng bào” hoặc “cử tri” là đủ. Dùng đồng bào rộng hơn.

Cái sai về logic này cũng giống như việc tách giai cấp công nhân (P) khỏi nhân dân lao động (Q) và tách Q khỏi dân tộc (R) trong định nghĩa về ĐCSVN (là đội tiên phong của P, của Q và của R).

Đoạn 2- Nêu tên trước, chức danh sau như B là hợp lý. Không nêu tên nghe có vẻ thiêu thiếu, không nêu cả tên và chức danh thì chắc là quên, có lẽ học chưa thuộc bài.

Đoạn 3- Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc thì đoạn này bắt buộc phải trình bày chính xác và đúng bài bản, chắc vì thế mà các vị đã học thật thuộc lòng. Tuy vậy, thề trung thành với Tổ quốc là bình thường, trung thành với nhân dân là hơi gượng ép còn trung thành với Hiến pháp nghe ngang ngang thế nào ấy. Hỏi rằng khi cần thay đổi Hiến pháp thì làm sao. Hình như không ai nói trung thành với đối tượng là vật thể.

Đoạn 4-Thề làm nhiệm vụ được giao phó mang tính bị động rất lớn. Tại sao lại phải  như vậy. Đành rằng trong những việc cần làm có những việc đã viết rõ trong Hiến pháp, đó là việc được giao phó. Nhưng là người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần tự mình nghĩ ra, tự đề xuất những việc ích nước lợi dân để lãnh đạo cấp dưới thực hiện mới phải chứ. Trong từng giai đoạn, ở mỗi cương vị phải tìm ra được những công việc thuộc chiến lược, có tầm quan trọng hàng đầu đối với đất nước, như thế mới cần những người tinh hoa, còn nói chung chung là làm tròn nhiệm vụ được giao thì ai mà chẳng nói được.

Đành rằng trong lễ nhậm chức mỗi vị có trình bày chương trình công tác, những việc cần làm, nhưng những điều đó đã có trong các văn kiện đại hội 13, nay chỉ nhắc lại là chủ yếu. Nhân dân chờ đợi những ý tưởng mang dấu ấn cá nhân và được đưa vào trong lời tuyên thệ.

Một số vấn đề cũng khá quan trọng mà không thấy vị nào nhắc đến trong lời tuyên thệ như là giữ liêm chính, trung thực, chống tham nhũng, phát huy dân chủ. Phải chăng họ tự khẳng định là đã thật sự liêm chính và trung thực nên không cần đề cập, hoặc không muốn nói đến vì một lý do nào đó. Tuy vậy cũng có vài vị trình bày trong lời phát biểu một vài hứa hẹn về đạo đức. Có một điều tưởng rằng sẽ  được cơ cấu trong lời thề, nhưng đã không được đưa vào. Đó là học tập Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải chăng họ đã thấy việc này là nhàm chán, cần loại bỏ, hay cho rằng việc đó là của cấp dưới chứ họ không cần.

Để tăng sức mạnh và sự linh thiêng, trong môt số lời thề người ta thường kèm theo hình phạt nếu nói sai, làm sai. Việc đánh giá lời thề và thi hành hình phạt người thường khó làm được mà phải viện dẫn Thần Thánh.

 Thí dụ1- Trong Hội thề Đồng Cổ  (Thời nhà Lý, nhà Trần) có lời thề rằng: “Những kẻ không giữ đúng lời thề, có việc làm bất trung, bất hiếu sẽ bị Trời tru Đất diệt”.

Thí dụ 2- Trong Hội thề Lũng Nhai, lời thề kết thúc bằng câu : “Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện thời, mập mờ sao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời.

Thí dụ 3- Trong câu chuyện Cristăng, hình phạt là thanh sắt nung đỏ. Nếu Idơn thề sai thì không thể cầm vào thanh sắt đó.

Không có hình phạt đi kèm thì lời thề mang tính chất của lời hứa long trọng. Một thí dụ là các lời thề mà ông Lê Duẫn nêu ra trong Điếu văn ở lễ tang  Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy khi lời thề của cá nhân mà không có hình phạt đi kèm thì giá trị của nó giảm nhiều. Trong dân gian có câu “Thề cá trê chui ống” để chỉ những lời thề hời hợt, quá dễ dãi, nói ra lời thề một cách sáo vẹt, nói rồi nhanh chóng quên ngay.

Trong lời thề của lãnh đạo cấp cao không cần viện dẫn hình phạt Trời tru Đất diệt, nhưng cũng nên nêu ra một hình thức ký luật nào đấy, thí dụ câu sau : Nếu không làm tròn nhiệm vụ, phạm sai lầm trong công việc hoặc sinh hoạt, không đạt được tín nhiệm cao của cử tri thì tôi xin từ chức hoặc xin cử tri mạnh dạn phế bỏ.

Trong giá trị của một tuyên thệ thì nội dung chiếm khoảng  phần ít, còn phần lớn hơn là do mức độ của Thành tâm (hoặc Tâm thành). Nội dung dù có hay, có đúng đến bao nhiêu mà không có Thành tâm thì giá trị cũng không đáng kể. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Tâm thành đã thấu đến Trời.

Thành tâm, một phần nằm ở ý thức thuộc hoạt động của não bộ, một phần khác chứa trong Tiềm thức. Mức độ Thành tâm là bí mật của mỗi người, nó phát ra bên ngoài một phần thông qua âm điệu tự nhiên của lời nói (trừ khi cố tình đóng kịch). Thí dụ chỉ với hai chữ “cám ơn”, nhưng qua ngữ điệu người ta có thể biết được tâm trạng người nói là chân thành, vô cảm, nói cho qua chuyện hoặc chế diễu.

Tôi đã cố lắng nghe VTV1 và Video clip để đánh giá mức độ Thành tâm của một số lời tuyên thệ, nhưng vì ảnh hưởng của kỹ thuật thu và phát âm nên không dám kết luận gì (nghe trực tiếp đáng tin hơn)

Tuy nội dung lời thề tương đối đơn giản và chưa được thật hay, nhưng hy vọng rằng các vị cũng có một thành tâm nào đó và cũng có xúc động khi tuyên thệ.

Đề nghi từ nay về sau mỗi vị lãnh đạo vừa được bầu tự suy nghĩ và viết ra lời thề của mình, mang sắc thái cá nhân. Xin đừng đọc lời thề theo bài văn mẫu. Xin Quốc hội tẩy chay việc nghe lời thề theo bài mẫu được ai đó soạn sẵn.