21 août 2021

Cần xét lại chủ trương, biện pháp chống Dịch

Thiện Tùng

17/8/2021

Con người là một sinh vật chớ không phải những khúc củi. Lịnh phong toả để ngăn ngừa dịch bịnh cứ gia hạng mãi, những người không sống bằng đồng lương đã hết sức chịu đựng. Khi đã hết sức chịu đựng, họ sẽ làm bất cứ chuyện gì để được sống, đó là bản năng  sinh tồn của con người nói riêng, động vật nói chung

Bất chấp lịnh phong toả, dân TPHCM di tản đợt 2 - Ảnh báo Tuổi trẻ

 Chủ trương phòng chống Dịch không sai vì mục đích chống Dịch là để “cứu nhân độ thế”, nhưng những biện pháp chống Dịch cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Nếu không, dân chúng chưa chết vì Dịch đã chết vì đói khát…

Khi Dịch xâm nhập vào TP HCM và bắt đầu lan rộng ra cả Nam bộ, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng lên tiếng báo động:“Đợt bùng phát dịch lần thứ tư nầy lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.”. Ông Trọng kêu gọi: “Đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài ! …Về việc công tác phòng chống đại dịch COVID-19 phải với tinh thần ‘Chống dịch như chống giặc’, phải xem việc bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của nhân dân ‘trên hết, trước hết’“.

 Đảng lãnh đạo kêu gọi như thế, về mặt quản lý, Chính phủ liền lên tiếng đánh động: “Dịch bệnh đã lan rộng, ngấm sâu vào cộng đồng ở nhiều khu vực thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam với số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng…”.

Thế là cả hệ thống chính trị, tiếp tục sử dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng cũ, lao vào trận chiến mới bằng những chiến dịch phong toả dập dịch ngắn hạn không xong, gia hạn dài hơn, nhưng xem mòi không ổn, dân chúng ngày một hoảng loạn. Bởi vì:

1/ Phong toả theo chỉ thị 16 không còn phù hợp:

Cốt lõi của chỉ thị 16 là phong toả trên phạm vi toàn quốc: Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”, “cấm chợ ngăn sông”, “rào dường đón ngõ”… không còn ý nghĩa nữa. Vì dịch đã xâm nhập sâu rộng trên cả nước, trong cộng đồng, từng ngõ ngách, thậm chí vào nội tạng con người. Nó đã lây lan sâu rộng, việc phong toả, khoanh vùng để ngừa Dịch lây lan  không còn tác dụng, chỉ gây khó cho việc quan hệ tương hỗ cho nhau, nhứt là giao thương hàng hoá thiết yếu như lương thực thực phẩm giữa các vùng, nơi thiếu, nơi thừa phải đổ bỏ, gây thiệt hại đáng kề về vật chất và tinh thần đối với nhân dân. Theo tôi nên kết thúc ngay việc phong toả quá thô bạo nầy.

Khi đã áp dụng triệt để chi thị 16 mà không “tóm cổ” được lũ virus, không “bảo vệ được sức khoẻ và tính mạng của nhân dân” như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong, Chính phủ buộc phải vận dụng một cách “sáng tạo” chỉ thị nầy bằng những chỉ vụ mang tính phương châm để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người theo đó thi hành, hiệu quả như thế nào chưa thấy sơ/tổng kết, chỉ thấy từng nơi từng lúc còn đang tranh cãi: 

   "4 tại chỗ":

-  Lực lượng tại chỗ,

-  Chỉ huy tại chỗ,

-  Phương tiện tại chỗ 

-  Hậu cần tại chỗ

 

"3 sẵn sàng":

-  Chủ động phòng tránh

-  Đối phó kịp thời

-  Khẩn trương và hiệu quả

 

  3 tại chỗ (dành riêng cho doanh nghiệp):

-   Làm tai chỗ

-  Ăn tại chỗ

-  Ngủ tại chỗ

Vào tận ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”…

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi cơ sở, đơn vị, cơ quan là một pháo đài”.

..v.v…

2/ Xét nghiệm truy vết, việc làm quá đáng không cần thiết

Phải “liệu cơm gấp mắm”, thừa biết virus đã xâm nhập vào cộng đồng, thế mà còn bày ra tổ chức xét nghiệm đại trà, moi móc  chất nhờn trong mũi, họng từng người trước nhiều người để tìm dương tính dịch rồi đặt cho họ cái tên F0, khi có F0 thì truy tìm F1, F2…. Làm thế ích lợi gì, ngoài việc gây nhiễm chéo cho nhau, gây rối/hoảng loạn trong công đồng?!. Có câu “Bói ra ma quét nhà ra rác”, càng quét càng ra nhiều rác, riết rồi khó phân bit đâu rác thật đâu là rác giả, cả một đống chình ình không sao xử lý nổi, chẳng những quá tải ở bịnh viện mà còn quá tải ớ các khu cách ly, tha hồ lây chéo cho nhau.

3/ Nhà cách ly nhà, người cách ly người là miếng mồi ngon cho dịch bịnh

Là người ai không sợ chết?. Khi Bộ Y tế đưa ra Thông điệp 5k hợp lý hợp tình, nhìn chung, người dân đều nghiêm túc thi hành. Thay vì tiếp tục nhắc nhở, động viên nhân dân thực hiện 5k, thậm chí thêm k “không nói nhiếu” để hạn chế phun virus vào nhau. Đàng nầy, Nhà cầm quyền buộc mọi người không được giao tiếp với nhau, không được ra khỏi nhà… Sống tù túng, thiếu ăn, thiếu nắng gió… thể lực người dân ngày một cạn kiệt, không còn đủ sức đề kháng… , trở thành miếng mồi ngon cho dịch bịnh?.

4/ Ngành Y không nên bao biện quá đáng trong phòng chống dịch

Theo tôi nghĩ, trách nhiệm chủ yếu của ngành Y là chuẩn bị tốt người có chuyên môn, chỗ nơi và phương tiện, sẵn sàng đón nhận và chữa trị cho những người có triệu chứng bịnh bất kỳ từ các nơi đưa đến, cố hạn chế đến mức thấp nhứt tử vong.

Nên để mọi thứ gọi là F chưa có triệu chứng đều cách ly tại nhà mình. Làm thế chỉ có lợi: người nghi có bịnh yên tâm hơn vì có người thân bên cạnh / Ngành Y không phải tốn người chăm sóc / Tránh được tập trung đông gây nhiễm chéo cho nhau..v.v… Giao cho Y tế tại chỗ theo dõi, nhắc nhở đương sự thực hiện 5k theo sự chỉ dẫn của Ngành Y. Chỉ khi nào bịnh nhân có triệu chứng mới đưa vào bịnh viện xét nghiệm, điều trị.

Trong khi dịch Covid lây nhiễm lan tràn, bằng mọi cách, Bộ Y tế phải cố tìm đủ vaccine để tiêm miễn dịch cho cộng đồng. Mỗi bịnh viện nên có nơi xét nghiệm riêng biệt để phân loại bịnh trước khi đưa về nơi điều trị chuyên khoa.

5/ Nên xét lại những chủ trương đã ban hành

Không như giặc người, giặc Dịch vô hính “đi mây về gió”. Đối phó với Dịch phải bằng phương pháp khoa học chớ không phải bằng bạo lực với chiến thuật biển người. Hơn lúc nào hết, Việt Nam nên: Tiếp tục “thực hiện 5k”, một giải pháp khả thi, hữu hiệu nhứt trong phòng chống Dịch (1) / Bãi bỏ việctập trung xét nghiệm truy tìm dấu vết Dịch” / Ngưng  “phong toả và ngăn đường chặn ngõ”  theo kiểu “giận dao chém thớt” dễ dẫn đến “quân ta đánh quân mình” gây hoảng loạn xã hội, còn giặc Dịch vô hình vẫn cứ ung dung hoành hành trong cộng đồng.

Kinh nghiệm trong cuộc sống, mỗi khi gặp phải khó khăn, người lãnh đạo phải  dùng bộ óc tỉnh táo chớ không phải bộ óc rối loạn trong xử lý?

Dịch bịnh đã thâm nhập vào cộng đồng, thậm chí nó đã chui sâu vào nội tạng con người. Chuyện khó tin, đich đã bùng phát trên toàn địa phận, mà lãnh đạo TP HCM ra lịnh phong toả 15 ngày để triệt tiêu nó. Sau 15 ngày không dập được nó, phải gia hạn 15 ngày nữa, 15 ngày nữa cũng không dập được, mức độ lây nhiễm càng cao. Giờ đây gia hạn phong toả thêm một tháng nữa (từ 15/8 đến 15/9/2021). Nếu hết ngày 15/9/2021 TP HCM dập được Dịch chắc sẽ có lắm người “cạo đầu ăn chay”.

Chống dịch để sinh tồn, phải dài hơi, không được hụt hơi, nếu không triệt tiêu được nó thì cũng phải vô hiệu hoá nó, để rồi, tạm thời “chung sống với nó” như các nước đã và đang làm.

Phải tiên liệu: Nếu tiếp tục phong toả, ngăn đường chặn ngõ, liệu người dân nông thôn còn cứu giúp lương thực, thực phẩm cho dân thành thị được bao lâu nữa? Thất thu thuế, Nhà nước lấy tiền đâu mà bao cấp, dù chỉ cm hơi, cho quá nhiều người thiếu đói trên khắp cùng đất nước? – “vỡ trận” là cầm chắc. Lý giải về việc nầy:

- Không thể phủ nhận lòng tốt của người nông thôn đối với người thành thị, nhưng phải thừa nhận một thực tế: Vì chấp hành lịnh phong toả, lương thực thực phẩm ở nông thôn dư thừa, không lẽ bỏ đi, các mạnh thường quân gom góp tìm cách đưa ra thành để giúp đỡ đồng bào đang thiếu đói. Vì thua lỗ, nếu lịnh phong toả tiếp tục kéo dài, người nông dân sẽ tự cứu mình, sẽ co vào thế thủ “tự sản, tự tiêu” thì lương thực, thực phẩm có vôi ra đâu mà tiếp tục cứu khổ cứu nạn cho thành thị?!

- Nếu tiếp tục phong toả, số người cần trợ cấp ngày một đông hơn. Ngân quỷ sẽ cạn kiệt còn đâu mà trợ cấp?! Chẳng lẽ để người dân chết đói?. Nhớ lại thời đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi kho bạc báo hết tiền, Tổng Bí thư Lê Duẫn nói: “Hết tiền hả? thì in” – hậu quả của việc lạm phát ấy thế nào nhiều người 60 tuổi trở lên còn sống đều biết.

Tôi và bà xã tôi chắc chưa sao vì có lương hưu, nhưng nghèo khổ nói chung, gia tộc tôi nói riêng đang lận đận vì nạn “bao vây cấm vận”. Nếu chủ trương nầy kéo dài thêm đến cuối năm, chắc họ sẽ chết  trước khi chết vì dịch bịnh!. -/-

Chú thích : (1) Thông điệp 5K về phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam xây dựng mang tính khoa học, được nhiều nước chú trong, chuyển ngữ  từ tiếng Việt sang 6 thứ tiếng: Khmer, Anh, Pháp, Trung, Nga, Tây Ban Nha.