10 août 2021

VÌ SAO GIẢI CỨU HỔ MÀ LẠI ĐỂ HỔ CHẾT?

Ngàn Hương

Mấy ngày nay, việc 17 con hổ ở Nghệ An, sau khi được lực lượng chức năng giải cứu đưa về khu bảo tồn, thì có 8 con bị chết, được dư luận bàn tán xôn xao.

Hàng ngàn câu hỏi vì sao và vì sao được đặt ra. Có người còn nhại thơ Bút Tre viết  rằng: “Tin đâu như sét đánh ngang/Tám hổ đang sống chuyển sang từ trần”.v.v.v.

Ờ hay nhỉ? Đúng là người Việt thật lắm chuyện. Trước hết phải biết rằng, mục đích người ta nuôi hổ làm gì?


Tại VN, việc nuôi động vật hoang dã như hổ là bị cấm. Cũng không ai nuôi hổ làm cảnh. Vậy thì mục đích cuối cùng của việc nuôi hổ là giết thịt nấu cao. Còn việc ai nấu không quan trọng, nghĩa là mục đích cuối cùng đã đạt được.

Có người rao giảng đạo đức rằng nói cao hổ cốt có nhiều tác dụng là chuyện hoang đường, là cao hổ không tốt như tin đồn.v.v. Nhưng chính những kẻ đó lại đang tìm mọi cách để có cho mình vài lạng cao hổ thật. Vì ngày nay việc cao hổ thật hay giả  thì có trời mới biết. Đến xương chó xương mèo mà còn được đưa lên bàn thờ, nói đó là hài cốt liệt sĩ mà còn lừa được nhiều người, tưởng là hài cốt chồng, cha mình nên xì xụp lạy sải cổ.

Do đó việc làm cho những con hổ này chết là quá dễ. Chỉ cần cho lượng thuốc mê quá liều là ngỏm thôi, mà không có thể bị kết tội là vì hổ quá to nằm ngoài dự đoán.

Các cơ qua chức năng đã tìm cách lý giải nguyên nhân hổ chết để trấn an dư luận. Trả lời VTC News ngày 8/8, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc CA Nghệ An nói: “Trong quá trình giải cứu 17 con hổ từ chuồng nuôi của nhà dân, các lực lượng đã làm rất trách nhiệm, 8 con hổ chết sau khi được giải cứu là việc ngoài ý muốn”(1).

Có điều, ông GĐ CA Nghệ An nói chưa chuẩn ở chỗ, có thể việc 8 con hổ này chết là nằm ngoài ý muốn của người này, nhưng lại nằm trong ý định của kẻ khác thì làm sao ông biết được?

Nhưng 9 con còn lại có “tai qua nạn khỏi” hay không thì chưa biết. Vì ông Nguyễn Ích Hiếu - GĐ Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, nói p/v ngày 7/8 rằng: “Hiện nay 9 cá thể hổ đang rất yếu, chúng tôi đang cố gắng để chăm sóc phục hồi”.

 Về nguyên tắc là sau khi bắn thuốc mê, phải để con vật tỉnh lại rồi mới vận chuyến. Nhưng vì là chuyên án “đánh nhanh rút nhanh”, nên sau khi bắn thuốc mê, họ cấp tốc chở hổ đi. Và 8 con đã không bao giờ tỉnh lại. Thế mới đúng quy trình.

Nên biết rằng, vì con virus cúm Tàu nó hoành hoành, nên 17 con này đang phải nằm lại mà chưa được “giải phóng”. Nếu không vì dịch thì nó đã vào nồi từ lâu.

Và cơ sở này không phải nuôi hổ lần đầu. Việc xây tầng âm và các trang thiết bị chuồng trại cho thấy, họ rất bài bản. Có thể những lần trước họ nuôi vài ba con và “giải phóng” thành công. Nay họ mở rộng quy mô thì thằng cúm Tàu gây tai họa.

Đừng nói câu tội nghiệp cho những con hổ đã chết. Nếu còn sống và thả vào khu bảo tồn, thì việc tìm và hóa kiếp cho nó sẽ rất gian nan. Vẫn biết rằng hóa kiếp trong rừng là ít tiếng tăm hơn, nhưng việc tìm ra nó không đơn giản.

Về tiền bạc thì họ không thiếu, cái họ thiếu là cao hổ nguyên chất, thì đây là cơ hội bằng vàng, dễ gì bỏ qua.

Cũng đừng nói chính quyền không biết. Việc nuôi đàn hổ này mỗi ngày tốn cả tạ thịt sống mà nói chính quyền không biết là lừa trẻ con. Có thể che mắt chính quyền được không?

 điều là hàng rào bảo vệ họ là hàng rào gạch, không đủ sức chống chọi cho những cơn bão lớn. Nếu hàng rào được xây bằng bê tông cốt thép dày cộp thì sẽ rất an toàn.

Tại miền Tây Nghệ An, có đại gia  còn nuôi cả tê giác và bò tót trong trang trại của mình, với hàng rào bảo vệ rất nghiêm ngặt, và được “bảo vệ từ xa”. Họ mua tê giác từ Nam Phi, thuê máy bay Boeing để vận chuyển, họ tháo hết ghế ngồi, đưa tê giác vào, bay về Thái Lan hạ cánh. Sau đó di chuyển bằng đường bộ về NA là việc nhỏ như con thỏ.

Mỗi con hổ sống trên 200kg như những con trong đàn  này có giá thị trường  hàng tỷ đồng. Họ mua về, thuê người làm thịt nấu cao giá 5 triệu/con, được bán giá từ 25-30 triệu đồng/lạng. Trừ vốn và chi phi, trung bình mỗi con còn lời từ 2-2,5 tỷ. Vậy thì những con hổ này không chết mới lạ.

Hổ con thì dân mua từ Lào về, nếu đôi ba con mà ập vào thì chưa bõ bèn gì. Phải nhử cho họ nuôi số lượng  lớn như này mới ập vào “giải cứu” thì mới tài, vì vậy CA NA mới được khen thưởng.

Ngày 24/07/2012, một con bò tót tại sân bay Phú Bài(Huế), sau khi khống chế bằng thuốc mê để bắt, lúc 16g30 chiều cùng ngày đã chết. Sau đó thì mọi chuyện đều êm, vì thịt bò tót cực ngon, da bò tót vừa ngon, lại là loại thuốc quý hiếm.

Có người hỏi vì sao dân miền Nam sợ từ “giải phóng”? Sau khi được“giải phóng” thì đến con người cũng bị chết hàng vạn chứ đừng nói hổ. Có điều là những người sống sót ấy, từ kẻ có tội thành kẻ có công, lúc đầu bị kết tội phản bội tổ quốc, nhưng sau lại thành “những khúc ruột ngàn dặm”, thành Việt kiều yêu nước,  mỗi năm gửi về mười mấy tỷ đô để “xây dựng đất nước”.

Nếu như nói rằng những con hổ đã chết đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó cũng không sai.

Vì vậy dù mấy con hổ này bị chết. Nhưng  “Máu thịt hổ đổ ra không uổng/sẽ bổ gân bổ cốt cho nhiều người”.

 

Chú thích:

(1):(https://vtc.vn/suc-khoe-9-con-ho-dong-duong-nuoi-nhot-trai-phep-gio-ra-sao-ar629526.html)