Hôm qua, ngày 21/3/2022, hãng tin AP của Mỹ cho hay, Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba trong số một số hòn đảo mà họ xây dựng ở Biển Đông đang tranh chấp. Trung Quốc đã trang bị các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và laser, cùng máy bay chiến đấu ở đó. Hôm Chủ Nhật, 20/3, một chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ cho rằng “Đó là một động thái ngày càng hung hăng đe dọa tất cả các quốc gia láng giềng gần đó.”
Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Adm. John C. Aquilino cho biết các hành động thù địch hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự. Ông nói, những nỗ lực này là một phần trong quá trình Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự của mình.
“Tôi nghĩ trong 20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II,” Aquilino nói với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn, sử dụng tên viết tắt tên chính thức của Trung Quốc. “Họ đã nâng cao tất cả các khả năng của mình và việc tích tụ vũ khí hóa đang gây bất ổn cho khu vực.”
Các bức ảnh hàng không của quân đội Mỹ đính kèm theo bản tin AP cho thấy những công trình quân sự được xây cất kiên cố, có cả sân bay với đường băng cất hạ cánh máy bay chiến đấu (xem ảnh). Đây có lẽ là lần đầu tiên người Mỹ công bố những ảnh này trên truyền thông đại chúng, chứng tỏ tầm mức quan trọng của vấn đề. Tuy nhiên, nói như nhà quan sát tình hình Biển Đông Duân Đặng thì cần kiểm chứng thêm vì các chú thích kèm theo hình ảnh chưa đủ thông tin cần thiết.
Với những bằng chứng ban đầu đó, chúng ta có thể khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu độc chiếm quần đảo Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông của họ để hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa bá chủ toàn cầu, nhất là trong hiện tại, khi mà Mỹ, EU và các nước đang còn tập trung đối phó với Nga.
Như chúng ta đã biết, lợi dụng thời khắc lịch sử rối ren của Việt Nam khi quân viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam chưa kịp tiếp quản Hoàng Sa, Trung Quốc đã “lén lút” đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Ngày 21/2/1959, CHND Trung Hoa cho một số lính đóng giả ngư dân bí mật đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa. Năm 1970, Việt Nam vào giai đoạn chiến tranh cao điểm, Hải quân của Trung Quốc đã tiến hành một số hoạt động ít kín đáo trên nhóm đảo An Vĩnh, bộ phận phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Các cơ sở hạ tầng quân sự đã được xây dựng vào năm 1971. Từ ngày 17 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc mở cuộc tấn công với lượng hạm đội gồm 8 tàu chiến, lục quân và không quân đã chiếm nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đó đến nay.
Với chiến thuật “tằm ăn dâu”: lấn chiếm, xây dựng, mở rộng căn cứ rồi tiếp tục lấn chiếm các đảo và thực thể địa lý còn lại, Trung Quốc đã và đang dần hiện thực hóa dã tâm bành trướng nuốt trọn Trường Sa của họ.
22/3/2022.
https://tuoitre.vn/do-doc-my-trung-quoc-da-quan-su-hoa...
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=984722165769804&id=100026960890663