Ngọc Thịnh (thực hiện)
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ và tổng biên tập báo điện tử Một Thế Giới Lê Ngọc Thịnh |
“Lợi ích nhóm làm cho kinh tế tụt hậu, văn hoá xuống cấp, niềm tin của người dân mất đi, hệ thống chính trị suy yếu... Bao nhiêu người đã chiến đấu, hy sinh qua nhiều thế hệ để cho đất nước Việt Nam được phồn vinh, giàu mạnh, dân chủ, tốt đẹp, công bằng chứ không phải để đất nước rơi vào tay lợi ích nhóm, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực” – Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.
-
Thưa tiến sĩ, sau khi bài viết về “lợi
ích nhóm” của ông đăng trên Tạp chí Cộng sản và Báo Tuổi trẻ thì độc giả phản
hồi như thế nào thưa ông?
-
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Bài về “lợi ích nhóm” sau khi đăng, tôi nhận được phản
hồi rất nhiều. Khen có, chê có, bình luận có, suy diễn có, cắt xén cũng có.
Nhưng tôi thấy phần nhiều đồng tình với các lý lẽ và tình hình đã phản ảnh
trong đó. Tôi nghĩ chắc cũng còn có người không đồng tình nhưng họ không nói
ra.
Trong đó có một số vấn
đề có thể sau này tôi sẽ tổng hợp lại và trả lời bạn đọc. Lúc đó tôi sẽ nói
thêm những vấn đề bạn đọc nêu ra.
-
Ông có thể cho biết rõ hơn về những lời
khen, chê đó?
-
Ở phần khen, độc giả nhận xét là lý lẽ phân tích trong bài viết rõ ràng, không
phải lý luận rập khuôn, mà gắn liền với tình hình thực tiễn. Nói chung độc giả
thấy rằng tình hình thực tế ở Việt Nam có “lợi ích nhóm” khá nhiều.
Còn phần chê, độc giả
cho rằng giải pháp ở phần cuối để khắc phục chưa rõ. Thực ra giải pháp có viết
một đoạn cô đọng. Nhưng để cụ thể hóa các giải pháp đó ra thì nhiều vấn đề lắm.
Cụ thể hóa từng vấn đề
thì dài mà chính trong quá trình phản hồi, nhiều độc giả cũng đã góp thêm nhiều
giải pháp.
Bàn về giải pháp thì
rất nhiều vấn đề, vấn đề nào cũng phong phú và cần có chiều sâu cả, còn độc giả
yêu cầu giải pháp cần rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa thì đúng rồi. Cần phải thế
nhưng cái đó xin tiếp tục bàn. Trong một bài nói hết cho kỹ tất cả mọi chuyện
thì không thể, mà cần phải có nhiều bài, nhiều người viết thảo luận qua lại với
nhau về giải pháp thì sẽ rõ dần.
-
Với những trường hợp cắt xén thì họ đã
cắt xén như thế nào?
-
Ví dụ như có ý kiến nói rằng lợi ích nhóm như thế là đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa
tư bản, không phải chủ nghĩa tư bản sinh ra mà ở Việt Nam là do chủ nghĩa xã
hội sinh ra.
Trong bài viết tôi đã
nêu rõ nó không phải do chủ nghĩa tư bản và càng không phải chủ nghĩa xã hội
sinh ra. Thực tế lợi ích nhóm là một thứ tha hóa, thoái hóa.
“Chủ nghĩa tư bản thân
hữu” viết trong ngoặc kép, không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư
bản, mà nó là sự tha hóa, phát triển lên cao độ và biến tướng, biến chứng của
“lợi ích nhóm”, của sự tha hóa ấy, và nó càng không phải của chủ nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam đường lối
chỉ mới là định hướng, còn chủ nghĩa xã hội hiện thực thì chưa có. Chưa có chủ
nghĩa xã hội nhưng có người tưởng đã có rồi, ra sức giữ, không chịu đổi mới, để
có nó. Trong chủ nghĩa xã hội không thể chấp nhận “lợi ích nhóm”. Còn nhiều
“lợi ích nhóm” thì không thể có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội phải là cái
tốt đẹp thật sự chứ không phải từ ngữ viết trên giấy.
-
Thưa tiến sĩ, lợi ích nhóm tạo ra sự
phân hóa giàu nghèo rất lớn, Trung Quốc đi trước mình đến bây giờ qua cái chiến
dịch đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình thì ra rất nhiều quan chức có khối tài
sản rất lớn. Ông có nghĩ nếu chúng ta không có biện pháp kiên quyết chống lại
lợi ích nhóm này thì lúc nào đó Việt Nam rơi vào tình trạng như Trung Quốc hiện
tại?
-
Tôi nghĩ rằng nếu không có giải pháp tốt thì từ “lợi ích nhóm” dẫn đến nhiều
điều nguy hại nữa. Trong bài viết tôi đã phân tích rồi, chứ không chỉ có phân
hóa giàu nghèo. Còn phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn là tất nhiên rồi, không
thể tránh khỏi, nếu “lợi ích nhóm” không bị ngăn chặn, mà đó là sự phân hóa rất
vô lý, rất khó chịu, không phải do tài năng lao động tạo ra trong môi trường
bình đẳng, minh bạch, mà là lợi dụng quyền lực của nhân dân trao cho để thâu
tóm lợi ích cho cá nhân và cho “nhóm lợi ích”.
Thật ra “lợi ích nhóm”
là hình thức đặc biệt của tham nhũng. Đó là tham nhũng có tổ chức. Chống tham
nhũng, chống lợi ích nhóm thì nhất định phải chống, nhưng việc ngăn ngừa còn
quan trọng hơn nữa. Nói như thế không có nghĩa xem nhẹ việc chống, phải chống
quyết liệt, mạnh tay hơn nữa, liều lượng mạnh hơn nữa chứ như hiện nay chưa
phải đã đủ, dù gần đây có cố gắng.
Nhưng tôi cho rằng
việc ngăn ngừa còn quan trọng hơn, chống chủ yếu là đi giải quyết những vụ việc
đã xảy ra. Trong khi chúng ta giải quyết được vài ba vụ tham nhũng thì nó đã có
đủ thời gian phát sinh thêm 5 - 7 vụ. Và cứ thế ta bị động, đi sau và xử lý hậu
quả. Mà giải quyết các vụ đã xảy ra đâu có đơn giản, nó có lực lượng, nó có vây
cánh, nó đối phó đủ kiểu. Chủ động ngăn ngừa, nói cách khác là dành nhiều công
sức cho việc “chống” những vụ việc chưa xảy ra hoặc sắp xảy ra quan trọng hơn
giải quyết cái đã xảy ra. Đó chính là ngăn chặn.
Muốn ngăn chặn được
thì đầu tiên cần phải có cơ chế tốt, phải dân chủ, minh bạch thông tin và kiểm
soát quyền lực. Có nhiều người ban đầu họ cũng tốt (tất nhiên là tương đối)
nhưng trong hoàn cảnh cơ chế quản lý không đủ chặt chẽ; cơ chế giám sát, kiểm
soát quyền lực không đủ thì cuối cùng họ cũng hỏng dần đi.
Nếu nhân cách họ không
đủ độ chín, cơ chế lỏng lẻo thì trước sau họ cũng hỏng. Bản thân quyền lực luôn
có mặt trái là làm tha hóa con người. Cơ chế là hết sức quan trọng, nếu không
muốn nói là quan trọng nhất. Tôi thấy việc tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”
có liên quan trực tiếp đến mặt trái là mặt tha hóa của quyền lực, vì vậy, kiểm
soát quyền lực là công việc hàng đầu, như có lần tôi đã nói trên báo Tuổi trẻ
nhân dịp 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XI
có nói đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là lần đầu
tiên vấn đề này được đề cập trong văn kiện đại hội. Rất tiếc từ đó đến nay chưa
có bước tiến nào đáng kể trong việc kiểm soát quyền lực. Đáng lẽ phải tập trung
giải quyết nhiều hơn nữa việc kiểm soát quyền lực. Đây là việc rất lớn, để cho
quốc gia hưng thịnh chứ không bị suy đồi.
-
Vì sao ông nói lợi ích nhóm khiến cho
thật - giả, đúng - sai lẫn lộn, thưa tiến sĩ?
-
Trong “lợi ích nhóm” có việc kết hợp và liên quan giữa quyền lực với tiền bạc.
Quyền lực gắn với cán bộ có chức quyền. Mà cán bộ có chức quyền khi quyết định
vấn đề này vấn đề khác nhân danh Đảng, nhà nước, nhân danh xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Những nhân danh đó có vẻ như quan trọng và đường đường chính chính,
nhưng thực ra đằng sau câu chuyện đó là một sự tính toán cho “lợi ích nhóm”.
Nhóm này mạnh hơn thì
thanh toán những doanh nghiệp khác. Họ kiềm chế những doanh nghiệp khác để họ độc
quyền, để họ thâu tóm, chiếm đoạt. Và trong quá trình đó họ tạo ra đủ cớ, kể cả
những sơ hở về mặt hành chính, pháp lý hoặc là làm cho dư luận hiểu sai để thực
hiện mục tiêu của “nhóm lợi ích” nào đó. Tất cả những việc đó được che đậy bởi
một cái áo khoác mà không dễ nhận thấy ngay. Mặt khác, sự gian lận không bao
giờ muốn và chịu minh bạch… Thì những điều ấy liên quan đến thật - giả, đúng -
sai lẫn lộn.
-
Và lợi ích nhóm cũng tạo nên một sự mất
tự do, dân chủ trong xã hội?
-
“Lợi ích nhóm” là thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị. Đã là thâu
tóm độc quyền thì nó đụng đến vấn đề dân chủ và tự do, bình đẳng và công bằng.
Bản thân dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng về bản chất luôn trái với việc
thâu tóm độc quyền của một nhóm người. Cái đó thì nhất định rồi.
-
Bao nhiêu thế hệ cha ông ngã xuống qua
hai cuộc kháng chiến để tạo dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, công
bằng và văn minh. Nhưng bây giờ sự tồn tại của lợi ích nhóm đã làm chệch đi lý
tưởng của các thế hệ đi trước. Ông nghĩ thế nào về thực trạng này?
-
Tôi nghĩ các giải pháp hữu hiệu để chống “lợi ích nhóm” là cực kỳ quan trọng để
đưa đất nước phát triển lành mạnh, bền vững và không bệnh tật, có dân chủ, tự
do, bình đẳng, công bằng, quốc gia hưng thịnh, không bị kiềm hãm bởi các “nhóm
lợi ích”, nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất cho lợi ích chung chứ
không phải bị “lợi ích nhóm” chi phối, thâu tóm.
Có hướng đi đúng,
chiến lược đúng, có một cơ chế quản lý tốt, nhất là kiểm soát cho được quyền lực,
chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng hiệu quả, thì sẽ đạt được mục tiêu mong
muốn. “Lợi ích nhóm” sẽ làm đất nước không phát triển được, tụt hậu ngày càng
xa hơn, văn hoá xuống cấp, niềm tin của dân chúng mất đi, hệ thống chính trị
suy yếu đi, nguồn lực nội sinh của quốc gia bị suy giảm, tổn thất thì không đạt
được mục tiêu. Bao nhiêu người đã chiến đấu, đã hy sinh qua nhiều thế hệ, nhiều
cuộc chiến đấu, để cho cái gì ? Để cho một đất nước độc lập, giàu mạnh, dân
chủ, tốt đẹp, công bằng chứ không phải để đất nước rơi vào “lợi ích nhóm”, các
tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
Ngọc Thịnh (thực hiện)
Nguồn: Theo Một thế giới mới