Ngư dân TQ phơi cá vừa đánh bắt |
Hãng tin Mỹ
mới đây đã đăng bài viết "Cái giá phải trả vì không làm gì ở Biển
Đông" (The Cost to Doing Nothing in the South China Sea) của
tác giả Adam Minter, có tính phê phán việc Trung Quốc chiếm
phần lớn nguồn cá Biển Đông, góp phần lớn làm cạn kiệt nguồn hải sản ở vùng biển
này.
Một Thế Giới xin lược dịch bài viết đề cập việc Trung Quốc chiếm phần lớn nguồn cá Biển Đông và sự căng thẳng
chính trị ở vùng biển tranh chấp này không giúp cứu được nguồn hải sản - một bi
kịch khác của Biển Đông.
Trong chuyến thăm Philippines tuần này của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông
cùng lãnh đạo Philippines sẽ kêu gọi TQ và các nước tranh chấp chủ quyền Biển
Đông giữ nguyên trạng khu vực này, cho đến khi giải quyết được những bất đồng.
Dù hy vọng đấy có thể là một giải pháp chính trị tốt nhất, nó lại có thể là một
thảm họa về môi trường.
Biển Đông mất 60% nguồn cá từ năm 2045
Năm 2012, Biển Đông chiếm 12% sản lượng đánh cá toàn cầu. Nếu không có gì
thay đổi, vùng biển này có thể mất gần 60% nguồn cá từ năm 2045, theo một
nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học British Columbia (UBC, Mỹ).
Không thể nói là không thể ngăn chặn thảm họa này, nhưng nó sẽ cần những
cuộc đàm phán đa phương và thỏa thuận khu vực về sự chia sẻ nguồn tài nguyên,
điều xem ra không thể vào lúc đang có sự căng thẳng ở Biển Đông.
Đánh cá quá mức không là vấn nạn của riêng châu Á, nhưng vì vai trò hàng
đầu của hải sản trong dinh dưỡng và kinh tế của khu vực, vấn nạn này là khẩn
cấp.
Các dữ liệu do UBC thu thập được cho thấy kể từ thập niên 1960, sản lượng
đánh bắt tăng dần cùng với số ngư dân tăng.
Đến giữa thập niên 1990, số lượng cá ở vài khu vực ở Biển Đông đã giảm 90%,
so với thời giữa những năm 1960.
Nguy cơ giá cá tăng cao, lòng dân TQ bất mãn
Mỗi quốc gia ở Biển Đông đều giữ một vai trò trong sự giảm sút nguồn cá
này. Tuy nhiên, trong 40 năm qua, TQ có tác động lớn nhất khi từ năm 1978 đến
2013, sản lượng đánh bắt cá TQ tăng từ 5 triệu tấn lên 60 triệu tấn/năm.
Năm 2013, TQ chiếm 17% sản lượng đánh cá toàn cầu và chiếm gần một nửa sản
lượng đánh bắt ở Biển Đông (trị giá khoảng 21 tỉ USD).
Nguồn cung tăng “thủng trời” vì người TQ giàu hơn, ăn nhiều cá hơn. Trong
khi đó, từ khi hơn 80% vùng ven biển TQ bị ô nhiễm (theo chính phủ TQ) ngư dân
nước này buộc phải đánh bắt thật xa bờ.
TQ khuyến khích sự vươn khơi này, bằng cách trợ giá dầu và giúp tiền đóng
tàu. Ví dụ: ngư dân TQ có thể tranh thủ “trợ giá dầu đặc biệt” để đánh cá ở
quần đảo Trường Sa của Việt Nam. TQ cũng đã xây trái phép các đảo nhân tạo ở
khu vực này.
Sự hỗ trợ của chính phủ TQ không chỉ giúp tăng sản lượng đánh bắt, mà còn
tận dụng lợi thế đội tàu đánh cá hùng hậu để TQ thực hiện yêu sách đòi chủ
quyền 90% Biển Đông.
Theo các nhà nghiên cứu UBC, 7 loài cá ở Biển Đông sẽ cho sản lượng đánh
bắt nhỏ hơn từ năm 2045, với các loài cá lớn - như cá mú - sẽ bị giảm 50% sản
lượng.
Các nhà nghiên cũng dự báo giá mua - bán cá tương lai, theo một kịch bản
“không làm gì”, dựa trên giá hải sản mà ngư dân Hồng Kông kiếm được hồi
năm 2010. Theo đó, tôm sẽ đắt hơn gấp 3 lần vào năm 2045, cá mú đắt gấp 9 lần.
Với ước tính này, vấn đề lạm phát giá lương thực là chuyện rất nhạy cảm ở
TQ, nơi lương thực giữ một vai trò truyền thống trong việc dẫn đến sự bất mãn
của người dân.
TQ cần chấm dứt trợ giá dầu cho ngư dân đi vào vùng
biển tranh chấp
Gần đây, TQ phát tín hiệu quan tâm tình trạng suy giảm nguồn cá Biển Đông.
Nhưng biện pháp xử lý vấn nạn ưa thích của họ là đơn phương cấm đánh bắt ở vùng
biển tranh chấp. Đấy không phải là giải pháp, trừ phi các nước cũng đánh cá ở
Biển Đông đồng ý với TQ.
Những thỏa thuận song phương giữa Việt Nam - TQ không có may mắn ngăn chặn
được sự giảm nguồn cá, cũng như không làm giảm được căng thẳng giữa ngư dân hai
nước.
Bất kỳ giải pháp nào đều phải có tính đa phương, điều đang bị sự căng thẳng
chính trị hiện nay ngăn trở.
Các nước cần bắt đầu đàm phán thật sự về khuôn khổ đánh cá khu vực. Khung
làm việc này phải có những vùng bảo tồn đặc biệt, các hành lang đánh bắt được
các bên nhất trí.
Kế đến, TQ và các nước khác phải chấm dứt trợ giá dầu cho ngư đánh cá ở
vùng biển tranh chấp. Sự trợ giá này chỉ càng kích thích nhiều ngư dân ra khơi
vào lúc lẽ ra nên ít người đi đánh cá hơn.
Nó cũng tạo cớ “yêu nước”cho ngư dân đi vào vùng biển tranh chấp, từ đó làm
giảm giá trị bất kỳ thỏa thuận chính thức hoặc thỏa thuận ngầm nào nhằm để kéo
giảm sản lượng đánh bắt.
Cuối cùng, TQ nên làm việc với các nước khác cũng đòi chủ quyền Biển Đông,
nhằm tạo ra các trung tâm nuôi thủy sản khu vực, giảm áp lực lên các vùng biển
địa phương.
Với nền công nghiệp thủy sản lớn nhất thế giới, TQ đang ở một vị trí
đi đầu cho sự tạo ra các trung tâm này, và họ có thể hưởng lợi tài chính -
chính trị nếu thành công. Tuy nhiên, nơi hưởng lợi thật sự phải là Biển Đông
cùng nguồn tài nguyên đang mất nhanh của nó.
Vĩnh Thụy (lược dịch)