Nguyễn
Quang Duy
Theo phóng viên A.C Thompson từ
năm 1981 đến 1990 có 5 nhà báo Việt ở Hoa Kỳ bị một nhóm tên là K-9 ám sát.
Nhóm K-9 này thuộc Mặt Trận nay là đảng Việt Tân.
Còn qua câu trả lời của 4
lãnh đạo đảng Việt Tân chúng ta có thể hình dung được phần nào K-9.
Trả lời của ông Hoàng Cơ Định
Được báo Người Việt phỏng
vấn, ông Hoàng Cơ Định, em ruột của Tướng Hoàng Cơ Minh, Vụ Trưởng Vụ Tài
Chánh Mặt Trận đã hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của K-9. Ông xem K-9 như một
trò đùa.
“K-9 chưa bao giờ là một bộ phận
của Mặt Trận, đúng hơn đó chỉ là một danh xưng gọi đùa của ông Tổng Vụ Trưởng
Phạm Văn Liễu dành cho mấy vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu lúc đó của
Mặt Trận, chia ra từ K1 tới K8…
… Có
một số vị lão thành phải do đích thân ông Tổng Vụ Trưởng liên lạc, liên lạc
thôi chứ cũng chẳng có chỉ huy gì, tôi còn nhớ tên hai vị là ông Cao Thế Dung
và ông Đào Vũ Anh Hùng. Đại Tá Liễu gọi đùa là mấy vị này thuộc K9.”
Trả lời của ông Nguyễn Xuân
Nghĩa
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa là vụ
trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận, người duy nhất trong giới lãnh đạo Mặt
Trận đồng ý cho phỏng vấn. Tài liệu do Frontline phổ biến đã viết như
sau:
“Trong những lần phỏng vấn sau,
khi phải đối mặt với những bằng chứng về bạo lực của Mặt Trận, ông đổi giọng.
Trong một cuộc phỏng vấn có thu hình, ông Nghĩa nói rằng ‘rất có thể’ là các
thành viên Mặt Trận đứng đằng sau vụ ám sát ký giả (Nguyễn) Đạm Phong và có thể
đã gây ra những tội ác khác.”
“Trong Mặt Trận, ông Nghĩa thừa
nhận, có một nhóm rất hung bạo, và khi người quay phim tắt máy, ông Nghĩa thú
nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận
việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói,
ông đã thuyết phục được chiến hữu của mình đừng giết người đó.”
Khi cuộn phim được phổ biến
ông Nghĩa cho biết đã không nói như trên.
Được báo Người Việt phỏng
vấn ông A.C. Thompson cho biết ba ông Joseph Sexton, Cliff Parker, và Richard
Rowley, đều nghe những điều ông Nghĩa nói. Họ có ghi chú và sau đó bàn
luận với nhau, rồi họ gọi điện thoại ngay cho cấp trên của họ.
Báo Người Việt đã nhận được
email của ba đồng nghiệp của A.C. Thompson, gồm Joseph Sexton, Cliff Parker,
và Richard Rowley, xác định là ông Nguyễn Xuân Nghĩa có nói với họ như thế.
Trả lời của ông Lý Thái
Hùng
Được ông Nguyễn Xuân Nam đài
truyền hình calitoday phỏng vấn ông Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Việt Tân
công nhận ở hải ngoại Mặt Trận có một đơn vị gọi là K-9. Ông cho
biết K-9 gồm các đoàn viên “đạo cao đức trọng” hay sống ở các thành
phố xa xôi không có cơ sở để sinh hoạt. Các đoàn viên K-9 trực thuộc
văn phòng Tổng Vụ Trưởng.
Ông Lý Thái Hùng nhấn mạnh
Mặt Trận không bao giờ có chỉ thị, có một tổ chức hay một nhóm đặc
trách ám sát như phóng sự đã đề cập.
Trả lời của ông Hoàng Tứ Duy
Trong lá thư ngỏ của Phát ngôn
nhân đảng Việt Tân ông Hoàng Tứ Duy gởi Phóng Viên A.C. Thompson, Chương
trình Frontline, ProPublica và PBS nhắc đến K-9 đã nói rõ hơn:
"Mặt Trận quả thật có một
phân bộ đánh số là K-9… Khu 9 (viết tắt là K-9) bao gồm những thành viên sống
rãi rác ở những nơi không có cộng đồng người Việt hoặc chưa chính thức trực
thuộc vào một phân bộ nào. Cũng như mọi khu bộ khác, thành viên của K-9
giúp huy động quần chúng, quảng bá tin tức, và hỗ trợ cho phong trào.”
“Tóm lại, Mặt Trận không bao giờ
có một đội sát thủ và “K-9” đơn thuần chỉ là một phân bộ trong tổ chức.”
K-9 là gì?
Qua lời của 3 lãnh đạo Việt
Tân thì K-9 là một đơn vị gồm các đoàn viên không sinh hoạt cơ sở mà
trực thuộc văn phòng Tổng Vụ Trưởng. Như thế họ phải nhận chỉ thị
trực tiếp từ Tổng Vụ Trưởng hay từ người chỉ huy của họ.
Trước đây thường nghe nói
đoàn viên “áo nâu” chỉ những đoàn viên cơ sở, còn đoàn viên “áo
trắng” có lẽ để chỉ các đoàn viên K-9.
Sinh hoạt đảng Việt Tân rất
bí mật. Cả những đoàn viên gia nhập Mặt Trận từ đầu, ít người biết
họ được lãnh đạo bởi một đảng gọi là đảng Việt Tân.
Còn về đơn vị K-9 thì mãi
đến sau phóng sự và qua lời các lãnh đạo Việt Tân chúng ta mới biết
đến.
Từ K-9 đã tạo ngạc nhiên cho
cả những người tham gia Mặt Trận (có thể) họ chưa bao giờ nghe đến.
Các vai trò và công tác của K-9 vẫn là bí mật.
Cách hoạt động trực tiếp
giữa đoàn viên K-9 với Tổng Vụ Trưởng hay Tổng Vụ, nghĩa là ngay cả
giới lãnh đạo Mặt Trận chưa chắc đã rõ vai trò của các đoàn viên
“áo trắng”, nói chi đến giới lãnh đạo trẻ của đảng Việt Tân ngày
nay.
Mặt trận có hai Vụ Trưởng.
Người đầu là Đại Tá Phạm Văn Liễu. Năm 1983 ông Liễu tách khỏi Mặt
Trận đứng ra thành lập một Mặt Trận khác. Mặt Trận của ông Liễu chỉ
tồn trong một thời gian rất ngắn.
Ông Nguyễn Kim từ chiến khu
trở về nhận trách nhiệm Vụ Trưởng cho đến khi Mặt Trận trở thành
đảng Việt Tân.
Nhận xét về phóng sự
Trong khi đó vì thiếu thông
tin Phóng viên A.C Thompson lại đặt tiền đề K-9 là nhóm đặc trách ám sát
bên trong Mặt Trận.
Ở Hoa Kỳ ai hành động, ai ra
lệnh khủng bố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Hoa Kỳ và
trước lịch sử định cư của người Việt tại Hoa Kỳ. Tựa đề “Terror in
Little Saigon” làm nhiều người Việt tự do xem là có ác ý và sinh ra
ác cảm với tác giả. Ngay cái tên Little Saigon cũng chỉ được dùng sau
này.
Thế nhưng mục tiêu của phim
là khán giả người Mỹ. Khán giả Mỹ lại đòi hỏi phóng sự phải hấp
dẫn, phải khách quan và phải chuyên môn. Khán giả Mỹ không hề bị vấn
vương tình cảm với hai chữ Sài Gòn.
Phóng viên A.C. Thompson cũng
đã cho biết: “Muốn nhật báo Người Việt chuyển lời xin lỗi của tôi. Tôi thật
tình không muốn làm buồn lòng cộng đồng người Việt, không muốn vẽ lên một hình
ảnh xấu cho cộng đồng người Việt. Chỉ là chúng tôi rất nóng lòng trong việc tìm
công lý cho những ký giả gốc Việt, mà chúng tôi xem là đồng nghiệp, bị giết.”
Được Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên
đài truyền hình calitoday phỏng vấn, phóng viên AC Thompson cho biết
không có ý làm tổn thương cộng đồng người Việt và xin lỗi những người không
thích cái tựa đề của cuốn phim.
Nhận xét về phản ứng của
Việt Tân
Cuốn phim tập trung vào K-9
và cho rằng tổ chức này thuộc Mặt Trận nay là đảng Việt Tân.
Qua cuộc phỏng vấn BBC, phóng
viên A.C Thompson cho biết ông đã công bố thông tin thu thập được từ các cuộc
nói chuyện với một đại diện của Việt Tân từ lâu trước khi cho chạy bài và phát
hành bộ phim. ông khuyến khích đảng Việt Tân phản bác thông tin mà ông đã
chia sẻ. Nhưng đảng Việt Tân đã không làm; thay vì thế, Việt Tân lại ra
thông cáo báo chí công kích.
Đã được xem trước nếu đảng
Việt Tân xét thấy tài liệu là vu cáo Mặt Trận, thì đảng Việt Tân
có thể xin trát tòa để được xem cuốn phim trước khi cuốn phim được
mang ra công chúng. Việt Tân cũng có thể sửa soạn thông tin để hướng
dẫn dư luận Mỹ và Việt. Và nếu Việt Tân làm thế thì ảnh hưởng của
cuộn phim đã được giảm thiểu rất nhiều.
Còn các vụ án ngay cả khi
đã bị FBI truy tố, thì cá nhân hay tổ chức bị truy tố vẫn được xem
vô tội. Và chỉ có tòa án mới có quyền quyết định có tội hay vô
tội.
Mục tiêu của cuộn phim là
người Mỹ, nên thay vì tập trung giải thích và vận dụng người Việt,
đảng Việt Tân cần chuyển hướng xác minh với người Mỹ đó chỉ là sự
vu cáo.
Qua đài truyền hình calitoday
ông Lý Thái Hùng cho biết đã làm việc với luật sư của đảng Việt
Tân. Đã chính thức tuyên bố bị vu cáo thì đảng Việt Tân cũng nên xem
xét và tiến hành đưa cơ sở truyền thông ProPublica và hệ thống truyền hình
PBS ra tòa.
Đưa các cơ quan truyền thông ra
tòa không phải để thắng thua, mà để đảng Việt Tân có thêm cơ hội
được trình bày trước dư luận chính mạch Hoa Kỳ, đảng Việt Tân không
hề có dính lứu đến việc ám sát các nhà báo.
Cộng sản đứng đằng sau
Trước đây có dư luận chính
cộng sản đã sát hại các nhà báo rồi tung tin gán ghép cho Mặt
Trận. Đến nay người ta đã quên đi giả thuyết này.
Trong cuộc phỏng vấn với báo
Người Việt, phóng viên A.C. Thompson, cho biết một trong những nhà sản xuất
phim tên Tony Nguyễn. Người này đã cùng làm việc với A.C. Thompson từ những
ngày đầu tiên, và đóng vai trò định hình cho cuốn phim.
Báo Người Việt cho biết “vào
năm 2011, Tony Nguyễn đã làm cuốn phim có tên “Enforcing the Silence” nói về
việc ký giả Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Ðình Làng, bị bắn chết
vào tháng 7 - 1981, tại San Francisco, California. Trong cuốn phim này, Tony
Nguyễn cũng kết luận rằng Mặt Trận là thủ phạm giết chết Dương Trọng Lâm.”
Trên diễn đàn BBC, tác giả
Bùi Văn Phú cho biết “Thám tử Hendrix và Sanders của Sở cảnh sát San Francisco
không tìm ra manh mối và kết luận vụ án mạng liên quan đến tiền bạc, chứ không
mang mầu sắc chính trị.”
Ông Phú cũng cho biết: “Thực
ra lúc đó cũng đang có tranh giành quyền lợi tài chánh qua các dịch vụ chuyển
tiền và gửi hàng về Việt Nam giữa các tổ chức Việt kiều Yêu nước ở Mỹ và Canada
và Lâm có thể là nạn nhân của những tranh chấp này.”
Điều lạ là đảng Việt Tân
không tiến hành pháp lý đối với Tony Nguyễn nhằm xác minh đã bị vu
cáo bắn chết ký giả Dương Trọng Lâm.
Có luồng dư luận cho là cộng
sản đứng đằng sau cuộn phim. Việc cộng sản vẫn tiếp tục lợi dụng
là do đã có người hay tổ chức khủng bố ám sát nhiều nhà báo. Khi
các vụ án chưa được đưa ra ánh sáng thì cộng sản vẫn còn cơ hội
tiếp tục lợi dụng.
Được biết cuộn phim đã được
phát hình liên tục trên các đài truyền hình và phổ biến trên mạng
thu hút đến hằng chục triệu người Mỹ xem. Nhiều tờ báo Mỹ đã có
những bài viết về phim phóng sự.
Dư luận Mỹ đang chờ phản ứng
của đảng Việt Tân. Vì thế đây là một thách thức lớn cho đảng Việt
Tân mà cũng là một cơ hội để đảng Việt Tân xóa hồ sơ bị tình nghi
là có dính lứu đến các vụ án.
Lời cuối
Tôi là một chuyên viên chuyên
mở hồ sơ và cố vấn các kiểm toán viên Văn Phòng Thuế Vụ Úc
(Australian Taxation Office) để họ điều tra và kiểm tóan các đại công
ty Úc.
Ở Úc khi các đại công ty bị
truyền thông báo chí Úc đưa tin là gian lận thuế vụ, họ có thể tự
nguyện xin sở thuế mở cuộc điều tra để xác minh hồ sơ thuế vụ của
họ là minh bạch. Có thế họ mới tạo được niềm tin với các cổ đông
viên và yên tâm tập trung vào doanh nghiệp.
Phương cách này cũng được
các sở cảnh sát Úc cho phép trong một số trường hợp.
Không biết ở Hoa Kỳ FBI có
chấp nhận phương thức này không?
Và nếu đảng Việt Tân tự tin
Mặt Trận không bao giờ có chỉ thị, có một tổ chức hay một nhóm đặc
trách ám sát, đảng Việt Tân có thể thử phương cách này.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13/11/2015