16 novembre 2015

Mỹ đồng thời triển khai hành động tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông


Việt Dũng

(GDVN) - Đây là một phần trong chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, vì lợi ích của Mỹ, nhưng hợp pháp sẽ được ủng hộ.



Máy bay ném bom B-52 tự do bay

Hãng tin BCC Anh ngày 13 tháng 11 cho biết, từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 11, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Quân đội Mỹ đã lần lượt bay qua vùng biển lân cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Đây là một cuộc đối đầu gần nhất giữa hai bên Trung-Mỹ trong vấn đề này.
 
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ
 

Trong một cuộc họp báo ngày 12 tháng 11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook xác nhận: “Máy bay ném bom B-52 của chúng tôi thường xuyên bay trên vùng trời quốc tế đó”.

Ông cho biết: “Tôi được biết, khi đó, chỉ có một chiếc B-52 đang bay, tôi không thể xác định ngày giờ bay, nhưng nhân viên kiểm soát mặt đất Trung Quốc đã tìm cách liên lạc với máy bay ném bom này, song máy bay này tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, không có bất cứ thay đổi gì”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban sau đó cho biết, nhiệm vụ bay lần này diễn ra vào ngày 8 và ngày 9 tháng 11, máy bay ném bom bay ở vùng biển quần đảo Trường Sa, không bay vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Theo Bill Urban: “Hai máy bay ném bom B-52 thực hiện nhiệm vụ bay thường lệ ở Biển Đông”. Chúng cất cánh từ Guam, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bay, chúng lại quay trở về Guam.

Còn theo BBC Anh, máy bay ném bom Mỹ đã bay ở vùng biển quần đảo Trường Sa, nhưng không đi vào phạm vi 12 hải lý khu vực xung quanh “đảo” mà Trung Quốc đòi chủ quyền bất hợp pháp. Nhân viên kiểm soát mặt đất Trung Quốc từng tìm cách liên lạc với máy bay, nhưng không gây cản trở cho máy bay thực hiện nhiệm vụ của chúng.
 
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ
 

Tờ “The Hill” Mỹ ngày 13 tháng 11 bình luận, tuần trước Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 bay gần đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp “rõ ràng có ý thách thức yêu sách lãnh thổ” của Trung Quốc.

Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông thì ví sự việc này giống như tình hình vào tháng 12 năm 2013 ở biển Hoa Đông. Khi đó, Mỹ cũng bất chấp hành động “ngăn sông cấm chợ” của Trung Quốc, đã điều máy bay ném bom bay vào Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra khi đó.

Có lẽ tờ báo này ám chỉ những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc và khả năng Trung Quốc lại tìm cách áp đặt một vùng nhận dạng phòng không tương tự cho Biển Đông, buộc máy bay các nước phải “báo cáo” thông tin về chuyến bay khi còn đang bay ở vùng trời quốc tế.

Như vậy, hoạt động tự do bay trên vùng trời quốc tế này của máy bay ném bom B-52 Mỹ là tiếp tục gửi đến Trung Quốc một lời cảnh cáo nghiêm túc: Trung Quốc không thể đơn phương tự tung tự tác tiếp tục có hành động đơn phương “ngăn sông cấm chợ” ở Biển Đông, chẳng hạn như lập ra một vùng nhận dạng phòng không tương tự ở Biển Đông.
 
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ
 

Máy bay ném bom chiến lược B-52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, do hãng Boeing Mỹ nghiên cứu chế tạo, năm 1955 phiên bản sản xuất hàng loạt bắt đầu bàn giao sử dụng, năm 1962 chấm dứt sản xuất, đã sản xuất tổng cộng 744 chiếc.

Thập niên 90 là thời hoàng kim sử dụng máy bay ném bom B-52, có hơn 600 máy bay B-52 các loại phục vụ trong Không quân Mỹ, sau đó phần lớn những phiên bản ban đầu đã lần lượt cho nghỉ hưu.

Hiện nay còn có 76 máy bay B-52 còn phục vụ, vẫn là chủ lực ném bom chiến lược của Không quân Mỹ. Ngân sách hiện nay của Không quân Mỹ làm cho B-52 kéo dài thời gian hoạt động tới năm 2050. Như vậy, thời gian phục vụ của B-52 sẽ dài tới 90 năm.

Một trong những nguyên nhân Quân đội Mỹ muốn B-52 tiếp tục hoạt động là: B-52 là loại máy bay duy nhất có thể bắn tên lửa hành trình trong các loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

Tàu chiến tự do đi lại

Trước đó, vào ngày 27 tháng 10, Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa USS Lassen tuần tra ở vùng biển 12 hải lý của một đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện do Trung Quốc kiểm soát và xây dựng bất hợp pháp. Hành động này đã thách thức trực tiếp yêu sách chủ quyền vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực này.
 
Ngày 27 tháng 10 năm 2015, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông
 

Mỹ khẳng định hành động đó là tự do đi lại chứ không phải “đi qua vô hại”, bởi vì, đó là một hành động có tính chất chính trị, được thông báo trước và được Mỹ khẳng định.

Đối với sự việc này, Trung Quốc đã tỏ ra cực kỳ tức tối, đưa ra một dàn “loa phóng thanh” cả về ngoại giao, quân sự, truyền thông lên tiếng phản đối. Trong đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi hoạt động tuần tra Biển Đông của tàu khu trục USS Lassen Mỹ là “phi pháp”, đòi Mỹ phải “suy nghĩ kỹ” trước khi hành động, “không nên gây phiền phức, tránh các hành vi khiêu khích”.

Bộ Quốc phòng và Hải quân Trung Quốc cũng lên tiếng hăm dọa Mỹ về khả năng áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó. Trung Quốc còn tiết lộ, họ đã điều 2 tàu chiến gồm tàu khu trục tên lửa Lan Châu Type 052C và tàu hộ vệ Đài Châu Type 053H1 tiến hành cái gọi là “dựa vào pháp luật, tiến hành giám sát, bám theo và cảnh cáo”.

Thậm chí, trước, trong và sau sự kiện này, Quân đội Trung Quốc cũng đã tổ chức một loạt cuộc tập trận, có sự tham gia của cả hải, không quân, địa điểm ở Biển Đông, mục đích, ý đồ của họ rõ ràng là đe dọa vũ lực đối với hành động tự do hàng hải của Mỹ cũng như răn đe vũ lực đối với các nước ven Biển Đông.
 

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục tên lửa USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
 

Một trong những cuộc diễn tập đó có thể đã được tổ chức bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những thông tin mập mờ từ báo chí nhà nước Trung Quốc và các hình ảnh công khai cho thấy, Trung Quốc hầu như đã triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11B trên đảo Phú Lâm.

Rõ ràng là, nguồn gốc, nguyên nhân chính sinh ra và ngày càng làm nóng vấn đề Biển Đông chính là những âm mưu và hành động của giới bành trướng Trung Quốc, biểu hiện cụ thể hiện nay là những hành động khiêu khích như bồi lấp, xây đảo nhân tạo, bố trí “thùng thuốc súng” trên đảo đá của Việt Nam, tăng cường tập trận răn đe vũ lực…

Báo chí Mỹ còn cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều tàu chiến Hải quân Mỹ đã tiếp tục đi lại trên Biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ gần đây đã công bố tình hình mới nhất về các hoạt động này của họ.

Ngày 5 tháng 11, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt CVN-71 và tàu khu trục tên lửa USS Lassen đã tập kết ở Biển Đông. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã lên máy bay vận tải MV-22 Osprey bay đến thị sát tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
 
Ngày 5 tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông
 
Đoàn tham quan chính trị-quân sự Malaysia do Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia dẫn đầu cũng đã bước lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Những hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Malaysia trên tàu sân bay Mỹ đã được đăng tải rộng rãi.

Quan chức Mỹ cho biết, Mỹ thực hiện quyền lợi tuần tra trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế, mục đích là để đảm bảo tự do đi lại ở tuyến đường thương mại trên Biển Đông. Đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra định kỳ ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11, ngay tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris thậm chí đã bất chấp thể diện của Trung Quốc, thẳng thừng bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh: Vùng biển và vùng trời quốc tế thuộc về mọi người, chứ không phải do một nước chi phối… Hành vi đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông dựa trên “đường chín đoạn” là không đứng vững. Tuyên bố này của Đô đốc Harry Harris thực sự là là một cú đấm trực diện nhằm thẳng vào mặt của kẻ bành trướng lãnh thổ.

Theo tuyên truyền của dư luận Trung Quốc, Mỹ đã đẩy mạnh can thiệp trực tiếp vào vấn đề Biển Đông, đã “lật bài ngửa” với Trung Quốc, không còn chỉ đứng sau “giật dây” như trước đây.
 
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
 
Mỹ đồng thời triển khai hành động tự do hàng hải và tự do bay cùng với nhiều hoạt động ngoại giao tấp nập liên quan ở khu vực cho thấy, Mỹ tiếp tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, vấn đề Biển Đông thực sự cũng là một “quân bài” được Mỹ sử dụng triệt để.

Mỹ làm gì thì đương nhiên đều vì lợi ích quốc gia của Mỹ. Có điều, khi lợi ích ấy thu được một cách hợp pháp sẽ không có ai phản đối, khi nó thúc đẩy các lợi ích quốc gia, hợp pháp của Việt Nam, các nước liên quan cũng như đem lại hòa bình, ổn định khu vực thì sẽ được Việt Nam và các nước trong khu vực hoan nghênh, ủng hộ.

Chính một loạt các nước như Philippines, Nhật Bản, Australia, Indonesia đã lập tức chia sẻ, ủng hộ hành động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông diễn ra vào ngày 27 tháng 10 năm 2015.

Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như có các quyền lợi biển của mình dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi các nước tôn trọng điều đó và chắc chắn sẽ ủng hộ những hành động hợp pháp, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. 

Việt Dũng

Nguồn : Theo GDVN