Ngô Nhân Dụng
Ngô Nhân Dụng |
Trên mạng Anh Ba Sàm, Tuấn Khanh nhìn thấy: “...những con cá chết nằm dọc
bờ biển Việt Nam như những xác người...” Vụ cá chết trôi lên bở biển suốt mấy
tỉnh phía Bắc miền Trung là một đại họa cho môi trường sống, ảnh hưởng tới hàng
triệu người dân. Một bản “Tuyên Bố về Tội Ác đầu độc Biển Miền Trung Việt Nam”
hôm qua đã được 1170 người, trong và ngoài nước ký tên, lên án chính quyền Cộng
Sản “vô trách nhiệm, vô cảm và bất chấp lợi ích quốc gia, bất chấp cuộc sống
của người dân...”
Trước ảnh nước biển bị ô nhiễm mang mầu đỏ lan dần dần từ Hà Tĩnh vào đến bờ biển ở Huế, Ðà Nẵng, nhiều người đã nhìn thấy một “Biển Ðông chảy máu!” Nhưng nói tới Biển Ðông bây giờ, không người Việt Nam nào không nghĩ tới cuộc xâm lăng do Cộng Sản Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Cộng đang đe dọa thôn tính tất cả vùng biển Ðông Nam Á, trong đó có hàng trăm hòn đảo và bãi đá ngầm thuộc Quần Ðảo Trường Sa mà người Việt Nam vẫn còn giữ được. Những cuộc xâm lăng biển đảo liên hệ với vụ tàn phá môi trường sống mới xảy ra hay không? Từ đầu, dư luận đã nhắm vào một công ty Ðài Loan, mang tên Formosa, làm nhà máy gang thép trong vùng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Muốn quy kết trách nhiệm cho công ty Formosa phải chờ các cuộc thử nghiệm và điều tra kỹ thuật, nhưng đằng sau công ty Formosa đã có bóng dáng chính quyền Cộng Sản Trung Quốc!
Mạng
VietNamNet đăng một bài trên Dân Việt, với tựa đề: “Vũng Áng thành 'lãnh thổ'
Trung Quốc!” Formosa nằm trong khu vực Vũng Áng.
Tại sao Vũng
Áng được coi là thuộc ‘lãnh thổ’ Trung Quốc? Vì chính quyền Cộng Sản Việt Nam
không được vào kiểm tra trong khu vực đó. Ông Phạm Khánh Ly, vụ phó Vụ Nuôi
Trồng Thủy Sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tuyên bố: “Ðoàn công tác
không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng vì đây là khu công nghiệp có
yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại
khu vực này.” Muốn vào Vũng Áng, ông Ly nói “cần thành lập đoàn công tác liên
ngành, có chỉ đạo của thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được.” Bài báo đánh
dấu hỏi: “Hàng chục nghìn người Trung Quốc có ‘quyền’ tự do vào Vũng Áng, nhưng
Việt Nam thì không được vào?”
Con số “hàng
chục ngàn” là phỏng đoán. Bài báo trên Ðất Việt cho thêm chi tiết: “Theo báo
cáo của ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh), tính đến tháng 9 năm 2014, tổng số
lao động nước ngoài tại khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là 5,321 người
(trong đó lao động Trung Quốc là 3,680 người). Có hơn 3,000 lao động Trung Quốc
không có giấy phép đang làm việc tại Formosa. Tuy nhiên, lãnh đạo... Hà Tĩnh...
không nắm được số lượng lao động Trung Quốc trên địa bàn là bao nhiêu vì Ban
Quản Lý Khu Kinh Tế được quyền cấp phép lao động trực tiếp.” Sở Lao Ðộng Hà
Tĩnh cũng không có đủ người để đếm con số lao động Trung Quốc, nếu Formosa
không báo cáo thì họ cũng không biết là bao nhiêu! Nhà báo Tuấn Khanh cũng ước
tính: “Số lượng công nhân Trung Quốc lên đến 10,000 người.”
Ông Tuấn
Khanh cho biết thêm, “trên trang web mang tên Trần Ðại Quang, tên của chủ tịch
nước Việt Nam hiện nay, cho biết hệ
thống đó (Formosa)
hoàn toàn là Trung Quốc.” Ông dẫn chứng một công văn của công ty Hưng Nghiệp Formosa gửi cho chính
quyền tỉnh Hà Tĩnh thì “trong số 28 công ty nhà thầu làm việc cho Formosa, đã
có đến 25 công ty Trung Quốc (không phải Ðài Loan), chỉ có 3 công ty thầu của
người Việt Nam.” Tại sao nhiều công ty Trung Quốc được trúng thầu như vậy?
Formosa là
một tập đoàn nhiều công ty ở Ðài Loan; hoạt động trong rất nhiều lãnh vực. Họ có
những công ty trong ngành hóa chất (Formosa Chemicals & Fibre), chất dẻo
(Formosa Plastics), vận tải (Formosa Transportation), sản xuất dụng cụ (Formosa
Tools), cho tới ngành điện tử (Formosa Microsemi co., Formosa
Micro-Electronic). Tất nhiên họ có làm ăn lớn với nước Trung Hoa Cộng Sản và
cần bảo vệ quyền lợi của họ ở lục địa hơn là ở nước ta.
Formosa đầu
tư hàng chục tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam. Nếu làm ăn theo lối các xí nghiệp tư bản
Ðài Loan bình thường thì chắc họ sẽ không dám làm bậy, không đem thải chất độc
vào vùng nước ven biển. Một công ty tư bản làm ăn lâu dài, với hợp đồng 70 năm,
thường lo bảo vệ thanh danh, không vì một món lợi nhỏ mà để rủi ro bị tố cáo
đầu độc môi trường; trước sau cũng có ngày bại lộ.
Công ty này
đã phản ứng nhanh chóng, hơn cả chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Họ sa thải ngay
ông Chu Xuân Phàm, và ban giám đốc đã họp báo, nghiêng mình, cúi đầu xin lỗi về
những lời tuyên bố thách thức dân Việt Nam của viên phó phòng đối ngoại này.
Nếu muốn bảo vệ thanh danh, công ty Formosa Hà Tĩnh hãy bỏ tiền mở cuộc điều
tra và trắc nghiệm nước biển trong cả vùng bị ô nhiễm, để biết đích thực nguồn
gốc đại nạn này do đâu mà sinh ra. Do ống dẫn chất thải của công ty Formosa hay
do các nguồn gốc khác, ngoài tầm kiểm soát của Formosa? Cuộc điều tra này phải
do một công ty quốc tế thực hiện, chi phí do công ty mẹ Formosa ở Ðài Loan trả.
Ngay cả khi Formosa tự biện hộ rằng đường ống dẫn chất thải của họ đã được
chính quyền Việt Cộng chấp thuận từ đầu tới cuối, thì nếu đó là nguồn gốc tai
họa môi trường, chính công ty Formosa cũng vẫn chịu trách nhiệm. Là một đại
công ty quốc tế, họ phải biết chất nào là chất độc và không có quyền dựa trên
giấy phép của một chính quyền tham nhũng, ô trọc mà làm hại loài người, dù đó
là giống dân Việt Nam bất hạnh nằm dưới một chế độ độc tài Cộng Sản!
Nhưng khi
làm ăn, Formosa cũng thừa biết có thể dựa vào ảnh hưởng chính trị của Trung
Cộng trên đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan) nói giỏi
tiếng Việt, chắc đã làm việc với cả các nhà thầu Trung Cộng và quan chức Việt
Cộng. Do đó biết rõ mối tương quan quyền thế giữa hai bên, ông ta suy nghĩ, nói
năng dựa theo những gì nhìn thấy trước mắt đó. Ông có thể nghĩ rằng nếu các nhà
thầu Trung Cộng vi phạm luật lao động hay luật lệ bảo vệ môi trường sống của
dân Việt thì chắc sẽ có chính quyền Trung Cộng lo che chở. Trong mối tương quan
Trung Cộng và Việt Cộng này, các cấp chính quyền Việt Cộng phải chờ “có chỉ đạo
của thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được” trong vùng Vũng Áng.
Vậy ông thủ
tướng Việt Nam làm gì trong mấy tuần qua?
Không thấy
làm gì cả. Một vụ tàn phá môi trường sống của mấy chục triệu người dân đã bắt
đầu từ đầu Tháng Tư, mấy tuần sau mới có người giữ chức thứ trưởng tới nơi và
họp báo nhanh trong chớp mắt! Ai cũng thấy có thể so sánh với hành động của
chính phủ Nhật Bản sau trận động đất mới đây. Nghe tin có động đất, ông thủ tướng
đã chạy ngay tới văn phòng, làm việc, thức suốt đêm điều động việc cứu cấp của
chính quyền trung ương và địa phương. Ông bay tới ngay nơi bị nạn, khi gặp gỡ
dân chúng thì ông quỳ gối dưới sàn nhà trước các nạn nhân ngồi trên ghế; hình
ảnh này đã được truyền trên các mạng Internet tại Việt Nam.
Bản Tuyên Bố
của 600 nhà trí thức Việt Nam đã lên án cảnh “bất lực của cả một hệ thống quản
lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trước một đại nạn quy mô lớn của quốc
gia,...” Người không phải chính quyền chỉ bất lực, Bản Tuyên Bố viết tiếp:
“Người dân càng phẫn nộ trước phát ngôn hàm ý bao che cho nghi phạm, đánh lừa,
xoa dịu dư luận của một số quan chức cấp bộ và tỉnh, (và) trước hành vi hết sức
khó hiểu của người đứng đầu đảng Cộng Sản - đã đến thăm nghi can số một (công
ty Formosa), thay vì thăm hỏi người dân bị nạn, đúng vào thời điểm mọi mũi dùi
công luận chĩa hết vào nghi can ấy.” Nếu Formosa là thủ phạm chính gây ra đại
họa môi trường này, dân Việt Nam phải lên tiếng khắp thế giới, gây ra một phong
trào quốc tế cùng tẩy chay đại công ty danh tiếng này. Ðó là cách phản đối duy
nhất của những người thấp cổ bé miệng phải sống dưới ách độc tài đảng trị.
Ba hiện
tượng, “cá chết trên bãi biển miền Trung,” “công nhân Tàu không giấy phép tràn
ngập,” và “Trung Cộng lộng hành trên Biển Ðông,” đều dính dáng với nhau và bắt
nguồn từ một đầu mối: Quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản, Việt Cộng lệ thuộc Trung
Cộng. Nhân ngày 30 Tháng Tư, người Việt Nam càng phẫn nộ trước cảnh một chính
quyền nô lệ ngoại bang!
Chính vì
đảng Cộng Sản Việt Nam lệ thuộc Trung Cộng từ năm 1950 đến nay nên “cơn hồng
thủy Biển Ðông” mới xảy ra. Dân Việt Nam phải hỏi tội chính quyền Cộng Sản
trước hết. Bởi vì đại họa môi trường này là do chế độ độc tài đảng trị gây ra.
Ngoài Vũng Áng, còn bao nhiêu vùng khác cũng đang bị nhiễm độc, từ chất phế
thải của các công trường Trung Cộng đang khai thác, trong đó có các vùng mỏ Bô
Xít cũng đang “đẫm máu đỏ.”
Bản Tuyên Bố
của 600 nhà trí thức kết luận: “Người dân Việt Nam quyết không chấp nhận những
kẻ cầm quyền ngu dốt, tham lam, bán rẻ dân tộc vì lợi lộc, tham vọng cá nhân và
phe đảng” và “Người dân Việt Nam quyết không chịu chết thảm như những con cá
nhiễm độc ở Biển Ðông!”
“...Những
con cá chết nằm dọc bờ biển Việt Nam như những xác người...” Biển đã khóc thương
những xác người và xác cá. Nước mắt đỏ chảy ngoài Biển Ðông vì dân Việt chưa
được giải thoát khỏi chế độ độc tài “vô trách nhiệm, vô cảm, bất chấp lợi ích
quốc gia, bất chấp cuộc sống của người dân...”