J.B Nguyễn Hữu Vinh: " Trở lại cuộc xuống đường sáng 1/5/2016 để đồng hành cùng nạn nhân của thảm họa đầu độc Biển miền Trung, dù nhà cầm quyền khắp nơi đã bỏ ra bao tiền của, con người và công sức để ngăn chặn, dù báo chí đã phải im lặng, gỡ bài vở, thông tin… đủ cách để bịt miệng, bịt tai người dân, nhấn họ vào vùng nước nhiễm độc và ăn thức ăn đã ngấm cái chết, thì người dân khắp nơi, bất chấp mọi khó khăn, vẫn đổ về trung tâm Hà Nội và Sài Gòn để cùng lúc đồng hành với ngư dân, học sinh ở Miền Trung, ở Quảng Bình, ở Hà Tĩnh…"
Sáng 1/5/2016. Dồn dập thông tin lan truyền trên mạng từ chiều hôm qua
về sự bố ráp công phu của nhà cầm quyền dùng các lực lượng sống nhờ tiền
dân để đi… canh giữ nhân dân. Ai cũng biết chính quyền đang lo ngại một cuộc
bày tỏ ý kiến đối với cách chính quyền giải quyết vụ biển nhiễm độc, và sự lo
lắng – đồng hành của người dân đối với các nạn nhân đang phải gánh chịu khó
khăn vì biển ô nhiễm.
Các lực lượng trấn áp biểu tình sáng 1/5/2016 tại Sài Gòn. Ảnh: Internet |
Thế nhưng, cả ở hai đầu đất nước, người dân yêu nước đã đồng loạt xuống
đường, đồng hành với Miền Trung, đồng hành với những ngư dân, những trẻ em đang
bị đe dọa từng ngày ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế.
Chính quyền có còn là “của dân, do dân, vì dân”?
Người dân bình thường, những người lương thiện, không thể hiểu được tại sao
trong thảm họa môi trường miền Trung lần này, nhà cầm quyền đã có những cách xử
trí, bằng lời nói và hành động, gây ngạc nhiên đến thế.
Thảm họa đã xảy ra cả tháng nay. Không chỉ có một số cá biển đã chết, mà
lần lượt các loài sinh vật biển như ngao sò, rồi cây cối cho đến chim chóc, đã
bắt đầu bị tiêu diệt bằng thuốc độc giấu trong lòng biển.
Không chỉ các loài vật. Đã có người bỏ mạng với thảm họa này.
Không chỉ một vài nơi thuộc miền Trung bị ảnh hưởng. Nguy cơ đang ngày càng
tăng, phạm vi ngày càng lan rộng nhiều nơi, đến cả hàng trăm km.
Lẽ ra, trước một thảm họa như vậy, một nhà nước “của dân, vì dân, do dân”,
sống bằng tiền thuế từ những người dân một nắng hai sương nuôi cá, làm nghề
biển và các dịch vụ từ biển, phải làm mọi cách để bảo vệ dân.
Lẽ ra, một nhà nước bao năm nay đã thu mỗi lít xăng 3.000 đồng tiền thuế
môi trường, với lực lượng cảnh sát môi trường sống nhờ tiền thuế của dân, thì
đã phải ra tay hành động, trừng trị những kẻ đã đàu độc biển và phá hủy giống
nòi Việt Nam.
Thế nhưng hầu như những hành động của chính quyền thời gian qua đều đang
thể hiện một thái độ và chọn lựa ngược lại.
Lúng túng bao che. Ai gây nên niềm đau ấy?
Có thể thấy rất rõ điều này: khi thảm họa xảy ra, báo chí, người dân đã
ngay lập tức chỉ ra Formosa là nghi phạm. Hàng trăm tấn độc chất đã được đưa về
súc xả đường ống mà không ai quản lý. Hệ thống nước thải ngầm ra biển đặt sâu
dưới lòng đất đã phun trào thứ nước chết chóc một thời gian dài. Môi trường bị
hủy hoại nghiêm trọng. Nhiều người đã bị ngộ độc và đã có những người bỏ mạng.
Đời sống người dân điêu linh, khốn đốn.
Dư luận bất bình, đòi hỏi sự ra tay ngay lập tức của những người tự nhận
trách nhiệm “lãnh đạo toàn diện và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam” trước thảm họa này.
Nguyến Phú Trọng – TBT đảng CS thăm Formosa vào những ngày thảm họa miền Trung rồi im lặng ra về. Ảnh: Internet. |
Ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản đã đi vào ngay giữa nơi mà người dân cho biết
là trung tâm gây thảm họa. Nhưng không phải để buộc nghi phạm phải giải trình
hay trả lời cho những vấn nạn nghiêm trọng mà mọi người đang đặt ra. Trái lại,
ông nồng nhiệt bắt tay, cười phớ lớ với nghi phạm, rồi khen chúng đang “đúng
hướng” và ra về.
Ông đã không hề ghé mắt nhìn xem những người dân đang ngoắc ngoải vì hậu
quả nhiễm độc! Ông im lặng đến như thể vô cảm trước nỗi đau của nhân dân và của
dân tộc trước hiểm họa môi trường nhiễm độc.
Sự im lặng của ông được coi là “sự im lặng chết chóc”.
Rồi ngay sau đó, hệ thống quan chức lập tức lên tiếng phủ nhận trách nhiệm
của nghi phạm. Họ bảo: không có liên hệ giữa Formosa và biển bị nhiễm độc. Một
thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường được phái vào đã lập tức bao biện cho
việc xả chất thải độc bằng đường ngầm: “Được phép”.
Thậm chí, đến khi bị truy vấn về việc nhiễm độc kim loại nặng, mối nguy cơ
khủng khiếp cho đến các thế hệ sau, thì một ông thứ trưởng Bộ TN-MT lúng túng
xua tay: “Hỏi như thế là tổn hại cho đất nước”
Tổn hại cho đất nước ư? Tổn hại như thế nào nếu cứ giấu kín một nguy cơ
tiềm ẩn giết hàng loạt con người, đầu độc dân tộc này bằng bệnh tật, bằng ô
nhiễm? Có phải ông muốn để người dân cứ thế ăn, cứ thế tắm, cứ thế sử dụng sản
phẩm biển để rồi cứ chết, cứ bệnh tật, đổi lại, ông và cả hệ thống cầm quyền
vẫn bình chân như vại và cứ thế tiêu tiền dân?
Thực ra, cả hệ thống cầm quyền đã không dám chỉ ra đích danh thủ phạm của
vụ đầu độc biển này, trong khi người dân đều biết thủ phạm đầu độc vùng biển
bắt đầu từ Hà Tĩnh là ai.
Ngư dân trưng biển nêu rõ: “Formosa cút khỏi Việt Nam” để “Trả lại biển
sạch cho tôi”.
Trên mạng xã hội, câu hát của các ca sĩ – cũng là của cả đất nước này – đang
vang lên: “Ai? Ai gây nên niềm đau ấy? Ai gieo vào lòng biển cái chết hôm
nay”?
Bởi, đằng sau nghi phạm Formosa là các quan chức chính quyền hiện tại,
những kẻ đã dắt tay, mời mọc và tung hứng cho đại họa này.
Lẽ ra, việc cần làm của nhà cầm quyền là ngay lập tức mổ xẻ nguyên nhân,
kiểm tra, kiểm soát mức độ ô nhiễm, cảnh báo cho người dân mức độ nào có thể
giới hạn và hiện trạng như thế nào, để người dân biết mà sử dụng, mà sinh sống,
mà bớt phần hoang mang, lo lắng.
Thế nhưng, hết chuyến thăm này đến cuộc họp kín khác của các quan chức,
người dân vẫn không thể biết mình đang đối diện với những nguy cơ gì, mức độ
nào? Chỉ biết chết, chết, chết… Cái chết diễn ra trước mắt rất… tự nhiên.
Quảng cáo cho tử
thần.
Thậm chí, tệ hại hơn, những quan chức nhà nước còn tự biến mình thành nhân
vật quảng cáo cho tử thần. Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi người dân cứ ăn cá
nhiễm độc và tắm biển. Vài hôm nay, từ Bộ trưởng đến quan chức lại thi nhau ra
biển tắm và ăn cá rồi đưa lên báo chí nhằm cổ vũ cho người dân ăn cá, tắm biển…
Mặc dù, người dân chưa có bất cứ một điều gì để đảm bảo rằng những con cá ông
quan kia đang ăn, những nơi ông quan kia tắm, có giống với những con cá đang
ngâm mình trong nước biển nhiễm đầy độc tố kim loại nặng, và nếu họ ăn vào, thì
đời con, đời cháu họ có gỡ nổi không?
Không có tội ác nào có thể che giấu, không có gì ngăn nổi bước chân người
dân
Biểu tính lớn sáng 1.5.2016 tại Hà Nội. Ảnh: Internet |
Trở lại cuộc xuống đường sáng 1/5/2016 để đồng hành cùng nạn nhân của thảm
họa đầu độc Biển miền Trung, dù nhà cầm quyền khắp nơi đã bỏ ra bao tiền của,
con người và công sức để ngăn chặn, dù báo chí đã phải im lặng, gỡ bài vở,
thông tin… đủ cách để bịt miệng, bịt tai người dân, nhấn họ vào vùng nước nhiễm
độc và ăn thức ăn đã ngấm cái chết, thì người dân khắp nơi, bất chấp mọi
khó khăn, vẫn đổ về trung tâm Hà Nội và Sài Gòn để cùng lúc đồng hành với ngư
dân, học sinh ở Miền Trung, ở Quảng Bình, ở Hà Tĩnh…
Không chỉ có thế, nhiều
cuộc cầu nguyện, lời kêu gọi, nhiều tác phẩm nghệ thuật trên mạng xã hội, nhiều cuộc biểu
tình nhỏ, nhiều biểu ngữ, băng rôn với nhiều hình thức đồng hành khác nhau, đã
nổi lên khắp xã hội Việt Nam.
Biểu tình ở Sài Gòn sáng 1.5.2016. Ảnh: Internet |
Điều đó cho thấy một sự thật – một sự thật mà nhà cầm quyền không hề mong
muốn: không có tội ác nào có thể được bao che, không ai ngăn được bước chân
nhân dân, khi nỗi đau của họ đã đến tận cùng.
Những hành động bắt bớ, trấn áp, bịt miệng… chỉ là những thanh củi chất
thêm vào lò lửa giận dữ của người dân đối với cái hệ thống đi ngược sự tiến bộ
của đất nước, bước đi lên của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Nếu nhà cầm quyền tiếp tục bao che và dung túng cho tội ác, nhất là tiếp
tục làm ngơ trước những yêu cầu chính đáng của người dân, trước hết là yêu cầu
sự minh bạch, thì đến một mức độ nào đó, khi người dân không còn chịu được,
chắc chắn họ sẽ cương quyết thực hiện quyền làm chủ vận mệnh xã hội và đất nước
của mình.
Ngày 1/5/2016, ngày cả nước đồng hành cùng nạn nhân Thảm họa môi trường
miền Trung.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Theo http://www.chuacuuthe.com/