Sau khi tham gia
buổi đối thoại tại Đồng Tâm cùng với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, ĐBQH Dương
Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng đã có những chia sẻ thật lòng.
ĐBQH Dương Trung Quốc hỏi thăm bà con xã Đồng Tâm. Ảnh: TTO |
Chiều 22/4, sau khi chứng kiến giây phút
người dân trao trả 19 cán bộ, chiến sĩ bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành (xã
Đồng Tâm, Mỹ Đức), ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết, ông cảm thấy nhẹ nhõm, và đó
cũng là cảm xúc của người dân và các lãnh đạo Hà Nội.
Ông Dương Trung Quốc chia sẻ, lúc mới tiếp
xúc với người dân, bản thân ông cũng như mọi người cảm thấy rất căng thẳng.
Nhưng khi kết thúc, cảm thấy rất thoải mái.
''Trong khi trao đổi thì bà con luôn luôn
nói với tôi về lòng tin. Họ nói rằng khi lòng tin bị sứt mẻ hay mất lòng tin
vào nhau thì sẽ dẫn đến xa cách nhau, không hiểu nhau. Lòng tin là điều quan
trọng hàng đầu.
Nhưng phải làm sao để người dân tin được
thì đúng là điều rất khó khăn. Và cuối cùng cũng tìm ra cách. Người dân cũng đã
cảm thấy thực sự thỏa mãn.
Phải nói rằng những điều mà Chủ tịch UBND
TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu hôm nay rất thuyết phục người dân. Thế
nhưng mà để lấy được lòng tin của dân thì cần phải có thời gian. Thế nên tất cả
mọi người đều thấy rồi đấy, suốt cuộc đối thoại diễn ra rất thẳng thắn và cởi
mở'', ông Quốc nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho
biết, điểm nóng Đồng Tâm đã được tháo gỡ thành công. Nếu không có sự đối thoại
chân thành giữa Chủ tịch thành phố và người dân thì không bao giờ có kết quả
tốt đẹp như vừa qua.
''Qua tiếp xúc, nghe người dân nói chuyện
tôi cảm nhận họ chỉ là những người nông dân mộc mạc, chất phác. Họ chỉ mong
muốn mọi sự rõ ràng, minh bạch, đen trắng không được lẫn lộn'', ông Nhưỡng cho
biết thêm.
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, mọi việc diễn
ra tại buổi đối thoại rất suôn sẻ, nhưng ở phút cuối, khi bà con nông dân đề
nghị đại diện lãnh đạo TP Hà Nội phải viết phần văn bản cam kết. Một phần tưởng
như chỉ là phần phụ của buổi làm việc thì lại trở nên căng thẳng.
''Khách quan mà nhìn nhận thì đúng là
người dân vẫn còn bị tâm lý hoài nghi. Nó cũng như câu chuyện ''kinh cung chi
điểu'' ấy, nghĩa là khi con chim đã một lần đậu phải cành cây cong rồi thì sẽ
rất e ngại.
Thế nên trách nhiệm của người lãnh đạo là
phải tìm ra được giải pháp, phải lấy được lòng tin của người dân thì tự nhiên
mọi việc sẽ được giải tỏa'', ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích.
Ông Quốc cho biết, lời cam kết phải viết
thế nào cho đúng luật pháp nên Chủ tịch Chung phải tính rất kĩ. Là người đại
diện cho UBND TP. Hà Nội, đại diện cho hành pháp, ông Nguyễn Đức Chung cũng
không thể viết cam kết để hứa vượt quá giới hạn cho phép của mình.
Cùng chia sẻ về khoảnh khắc này, ĐBQH Lưu
Bình Nhưỡng nói: ''Mọi người nói là do bản cam kết không có dấu, chúng tôi là
những đại biểu Quốc hội có mặt ở đó đã ký vào bản cam kết để làm chứng đó là
chữ ký của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung''.
Sau vụ việc ở Đồng Tâm, ĐBQH Dương Trung
Quốc cho rằng, chúng ta sẽ rút ra được 2 điều quan trọng.
Một là, khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo phải xuống
với dân ngay. Phải xuống trực tiếp, không qua trung gian. Hai là, khi
người dân có bức xúc thì lãnh đạo phải đối thoại và giải đáp một cách thẳng
thắn, không để tích tụ lại lâu ngày.
''Vì bản chất sự việc chỉ có thế thôi, có
khi lúc đầu rất đơn giản, nhưng chính việc tích tụ lâu ngày dẫn đến làm mất
lòng tin của dân. Đã mất lòng tin thì rất khó đối thoại với nhau'', ông Quốc
nhấn mạnh.
Về cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
TS. Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ với
VTC: Điều duy nhất còn lại làm nhiều người băn khăn hiện nay là cam kết
của anh Nguyễn Đức Chung không truy cứu trách nhiệm hình sự bà con Đồng Tâm.
Một cam kết như vậy có căn cứ pháp luật
không? Anh Chung có thẩm quyền để cam kết khác với các quy định của pháp luật
không? Hay anh Chung bắt buộc phải làm như vậy để giải cứu con tin?
Xin thưa, anh Nguyễn Đức Chung hoàn toàn
có căn cứ để cam kết như vậy. Mà căn cứ của anh là quy định của văn bản có
hiệu lực pháp lý cao nhất ở nước ta - Hiến pháp năm 2013.
Là người tham gia biên tập Hiến pháp năm
2013, tôi có điều kiện biết được những điểm sáng đổi mới quan trọng của Hiến
pháp. Một trong những điểm sáng chói lọi nhất của Hiến pháp mới là quy định:
“Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp
năm 2013).
Công lý là giá trị Tòa án được giao
nhiệm vụ bảo vệ, chứ không phải pháp luật. Điều đáng nhấn mạnh hơn nữa ở đây
là Hiến pháp còn không hề nhắc tới việc Tòa án có nhiệm vụ phải bảo vệ pháp
luật. Công lý là giá trị gì mà Hiến pháp lại coi trọng đến như vậy?
Hơn thế nữa tất cả chúng ta đều mang
công lý trong tim. Chính vì mang công lý trong tim, mà những người dân Đồng
Tâm đã phản ứng lại một cách tương thích với hành vi bắt giữ người rất tệ của
những người đại diện cho chính quyền. Trừng trị người dân vì một sự đáp trả
như vậy có đạt được công lý không?
Xin thưa là không!
Vậy thì có căn cứ gì để truy tố những
người dân Đồng Tâm ra tòa khi tòa án chỉ bảo vệ công lý không?
Rõ ràng là không!
Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều,
nếu người dân Đồng Tâm bắt giữ con tin chỉ để mặc cả với chính quyền, thì họ
chắc chắn không có được công lý.
|
Trung Dung
Nguồn: Theo Báo Đất Việt