Thiện Tùng
Người ta trụ được nhờ có đất. Mất đất là mất chỗ trụ để ở, mất phương tiện
mưu sinh khi còn
sống, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết.
Đảng CSVN đưa ra luật đất đai với
nội dung “Đất là sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý”, tạo ra sự bất
an thường trực đối với bất cứ người dân ở nông thôn cũng
như thành thị.
An sao được, đất ở, đất canh tác từ
lâu thuộc sở hữu của mỗi hộ, giờ đây luật đất đai tước đi quyền sở hữu tư nhân,
chỉ cho họ quyền sử dụng có thời hạn và phải nộp thuế.
Người ta tự dự thảo luật đất đai rồi đưa ra Quốc hội cũng của người ta thông
qua thành luật. Đã
là luật được Quốc hội thông qua, có ăn gan trời hay uống hàng xâu mật gấu cũng
không dám thỏ thẻ, mặc cho số phận đẩy đưa! .
Cái gì đến đã đến, khi nắm quyền đất
trong tay, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, chính quyền các cấp thấy chỗ nào đất
tốt, tiện lợi khoanh những vùng quy hoạch, chẳng cần tham khảo ý kiến người dân tại chỗ. Biết rằng, muốn phát triển đất nước
phải xây dựng, muốn xây dựng phải có đất, nhưng xây dựng ở đâu, với quy mô nào,
giải quyết việc sinh sống của người tại chỗ ra sao… nên đưa ra bàn bạc với dân
sở tại, ít nhất cũng làm cho họ mát dạ trước khi nhìn sản vật, mồ mả
người thân… vốn có từ lâu bị ủi phá tan hoang.
Quy hoạch làm ngay thì áp tới đền
bù, giải tỏa. Nhà nước đã là chủ đất, đền
bù chỉ tính giá trị sản vật hiện có trên mặt đất. Nhà nước nói giá nào người bị giải tỏa phải chấp nhận giá đó và lập tức di đi, nếu
không thì bị
cưỡng chế.
Để những hộ bị giải tỏa trắng có
nơi cất nhà ở, Nhà nước lại quy hoạch ở một nơi nào
đó, cũng bằng cách giải tỏa đền bù để lấy đất lập ra khu tái định cư cho số bị
giải tỏa trước. Từ gây bất ổn ở nơi nầy dẫn đến gây bất ổn ở nơi khác, làm mất
an cư của người dân.
Để khỏi đền bù nhiều khi giải tỏa,
áng chừng những việc sẽ làm, Nhà nước phóng tay
lập những dự án rồi chọn vùng quy hoạch treo. Những hộ lọt trong khu vực treo nầy
không được sang nhượng đất, không được xây dựng mới, không được trồng cây lâu
năm, không được chôn người chết…, chỉ được “tản cư” càng sớm càng tốt xương cốt
người thân đã
chôn ở đây ra khỏi khu vực. Người sống hãy ở đó chờ, nếu có mọc râu thì cạo, nếu
chết tự do tìm chỗ trước mắt chưa quy hoạch mà chôn
hay đem đi đốt tùy ý.
Quy hoạch xây dựng những công
trình công cộng mới, Nhà nước có định
giá thấp đôi chút, dân có thể chấp nhận, coi như góp chút phần nhỏ của mình cho công ích.
Còn quy hoạch để rồi cho tư nhân xây dựng gì đó, lẽ ra để cho tư nhân ấy thương
lượng giá trực tiếp với người bị giải tỏa, đàng nầy, Nhà nước cử người đứng ra làm cò, định giá đền bù
thì thấp, cho tư nhân thuê lại thì cao, vôi ra số tiền không nhỏ
tha hồ mà nhậu. Cần đất cho công trình 1, quy hoạch giải tỏa bằng 2 chẳng hạn,
số đất vôi ra thành đắt địa rồi chia nhau xơi – như ở Thủ Thiêm chẳng
hạn. Đủ cách, xúm nhau ăn trên đầu trên cổ ông nội cha người ta, dân không buồn mới là lạ?
Thương thay cho dân nghèo thành thị bị giải tỏa trắng, họ vốn sống bằng nghề
mua bán, lao động dịch vụ, nhà như ổ chuột, bồi thường sản vật trên mặt đất có
là bao. Đến vùng tái định cư, không hành nghề cũ được, thất nghiệp, với số tiền
ít ỏi vừa được đền bù, mua đất cất cái nhà tạm bợ đủ che nắng che mưa. Họ phải
sống sao đây, chẳng lẽ đợi tối rủ nhau ngữa mặt lên trời hứng sương mà sống ?!
Ngủ có lương |
Ngủ có lương |
Ngủ không lương |
Người dân bị cướp đất (Dân oan) từ Bắc chí Nam, họ ăn dầm nằm dề bên những hè
phố Hà Nội, TP HCM để khiếu kiện về đất đai. Họ muốn gặp đại diện cơ quan Lập
pháp, Hành pháp, Tư pháp để kêu oan, nhưng không thể vượt qua những chốt chặn dọa
nạt, đánh đập, đuổi xua. Chịu khổ cực, đói lạnh hết năm nầy qua năm khác, họ mới
ngộ ra ấy chẳng qua là “quan binh quan, phủ binh phủ”. Thấy giữ đất bằng kiện
cáo không thành, họ lần lượt lui về giữ đất tại chỗ, bằng cách tập hợp những người
cùng cảnh biểu tình,
quyết tử chống lại lực lượng cưỡng chế
ngày một quyết liệt hơn. Đã diễn ra ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Thủ Thiêm,
Cái Răng .v.v…Đang diễn ra ở Đồng Tâm (Hà nội); ở tỉnh Lai Châu hôm 18/4/2017; ở
Phú Quốc (Kiên Giang) hôm 20/4/2017; ở xã Yên Trung (Bắc Ninh); Và sẽ sắp diễn
ra ở nông trường Phạm văn Hai và An Hạ (quận Bình Chánh – TP
HCM) của 500 hộ nông dân vừa nhận lịnh giải tỏa.
Chống cưỡng chế đất ở tỉnh Lai Châu hôm 18.4/2017 (xe vòi rồng xị nước) |
Công an, Cảnh sát cơ động cưỡng chế đất ở tỉnh Bắc Ninh hôm 20/4/2017 |
Thời chiến, Đảng đưa ra khẩu hiệu:
“Người cày có ruộng”, gợi đúng nguyện vọng nhất là Nông dân, họ sẵn sàng
đóng góp nhân, tài, vật, lực cho cuộc kháng chiến. Họ có ngờ đâu, sau khi kháng
chiến thành công, Đảng đưa ra luật đất đai: “Đất là sở hữu toàn dân, do Nhà
nước quản lý”. Chính luật đất
đai nầy mà quan quyền mỗi cấp mỗi ngành dựa vào đó tha hồ cướp đất của dân, làm
giàu trên xương máu, mồ hôi, nước mắt của dân, gây rối loạn xã hội. Đến giờ nầy,
dường như Dân không còn tin Đảng và bộ máy cầm quyền, họ quyết tự cứu lấy mình.
Như đã
nói ở phần mở đầu: “Người dân bám trụ được nhờ có đất, mất đất mà mất chỗ
bám trụ để ở, mất phương tiện để mưu sinh, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết”.
Vì vậy, người dân giữ đất bằng bất cứ giá nào, đó là điều dễ hiểu.
Nếu ở Tiên Lãng người dân chống cưỡng chế bằng bạo lực với vũ khí thô sơ tự tạo,
thì ở
Cái Răng người dân chống cưỡng chế đất bằng bất lực, gia đình có 3
người, chồng uống thuốc độc tự tử, đang sống dở chết dở,
vợ và người con gái cỡi áo quần trần truồng không còn mảnh vải che
thân, đứng dang tay ngăn chặn lực lượng cưỡng chế, bị bốn người nắm tứ chi như
bắt heo, xách ra khỏi khu vực giữa thanh thiên bạch nhựt, trước bàn dân thiên hạ, thử hỏi còn cảnh đau xót
nào hơn?! Họ bị đàn áp chỉ vì “cái tội giữ đất cha
ông để lại cho nhu cầu mưu sinh”. Lột tả vụ cưỡng chế dã man nầy, Bà Lê Hiền
Đức đặt câu hỏi không cần lời đáp rất sắc “cưỡng chế hay cưỡng dâm?”.
Nếu ở Văn Giang, Vụ Bản, Thủ
Thiêm…, với vài trăm người quyết giữ đất bị đánh đập, cho vào tù, thì ở Đồng
Tâm, với 6.000 người dân đồng tâm hợp lực giữ đất, họ quyết chống trả lực lượng
giải tỏa, bắt hàng trung đội làm cảnh sát và nhân viên công quyền nhốt vào nhà
Văn hóa xã để mặc cả với chính quyền, họ chiếm trụ sở Ủy ban, dựng chướng ngại
lập “làng chiến đấu” thề tử thủ, kêu gọi thương lượng.. Sau 7 ngày căng thẳng, không còn cách nào khác, hôm 22/04/2017,
nhà cầm quyền chấp nhận thương lượng -
hễ thương lượng thì
phải nhân nhượng qua lại với nhau như mọi người đã biết.
Nông dân ở Đồng Tâm (Hà Nội), Phú
Quốc (Kiên Giang), Đông Phong (Lai Châu), Yên Trung (Bắc Ninh) đang quyết tâm
giữ đất như thế, liệu 500 hộ nông dân ở Nông trường Phạm văn Hai và An Hạ (TP
HCM)..v.v… họ có dễ dàng bỏ của chạy lấy người không? - tử thủ giữ đất đang lan truyền như bịnh dịch, trở thành giải
pháp cuối cùng của người nông dân khi bị cướp đất.
Đã là kinh tế thị trường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, tức là mọi
người tự lo cuộc sống cho mình. Cớ sao Đảng
CSVN chủ trương làm kinh tế thị trường mà không
công nhận quyền sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu về đất đai, thử hỏi người dân tự
sống bằng cách nào?!
Người dân, đặc biệt là nông dân, không thể sống thiếu đất. Họ dám thay phiên nhau
đổ máu để bảo vệ đất nước để làm gì chẳng lẽ Đảng CSVN không biết ?!
24/04/2017