Hôm Chủ Nhật, ngày 2 tháng 4 năm 2017, ngư
dân Đông Yên đã mang ngư cụ lên quốc lộ 1A, đoạn qua phía Bắc đèo Ngang, còn gọi
là đèo Con để chặn xe, bày tỏ thái độ bất bình vì không được đền bù thỏa đáng.
Thời gian chặn xe bắt đầu từ 10h sáng cho đến gần 17h chiều thì thông xe.
Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình chống Formosa
Ông
Hoàng Anh Huyền, ngư dân làng chài Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh chia sẻ với VOA:
“Gia đình tôi có 7 người, 2 vợ chồng và 5 đứa con, con tôi đều đang trong độ tuổi
đi học. Tôi là lao động chính trên biển, riêng tôi là lao động chính trên biển
nhưng hiện nay tôi không nhận được đồng đền bù nào trong vụ Formosa. Tôi không
hiểu lý do tại sao chính quyền không chi trả cho tôi, cho ngư dân. Bởi không chỉ
riêng tôi mà hơn một nửa ngư dân ở Kỳ Lợi này chưa nhận được đền bù. Không biết
chính quyền dùng tiền đó để làm từ thiện cho hay, cho gia đình họ hay sao…”
Hiện
trạng biển miền Trung hiện nay vẫn không có gì thay đổi, không còn hải sản để
đánh bắt, đời sống người dân thêm phần khó khăn. Những bữa cơm đạm bạc, thiếu
cá tôm của các ngư dân như một dấu hiệu đặc trưng thời biển chết.
Ông Đậu Thủy,
ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bức xúc: “Đền bù cơ bản nhất là Formosa phải
làm biển sạch lại, trả lại biển cho con cháu của chúng tôi. Không những đời
chúng tôi mà còn tương lai con cháu chúng tôi nữa. Hiện con cháu chúng tôi
không thể ra biển, biển giờ nhiễm độc, cá thì không ăn được, cuộc sống thì ngày
càng thất bại. Chúng tôi cần biển sạch. Formosa cần phải trả biển sạch cho người
dân.” Hầu hết những người mà chúng tôi tiếp xúc làm công việc liên quan đến biển
đều mong mỏi nhà nước đóng cửa công ty Formosa.
Bà Mai Thị Hoa, người buôn bán
hải sản ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cho biết: “Với tôi nói riêng và người dân
các tỉnh miền Trung nói chung thì chúng tôi không được nói lên tiếng nói của
chúng tôi. Chúng tôi mong rằng nhân quyền quốc tế, các nhà hoạt động môi trường
nói lên tiếng nói thay chúng tôi. Giúp các nơi bị thiệt hại nặng, như Đông Yên
chúng tôi đây, nơi bị thảm họa đầu tiên, ngay cửa công ty Formosa. Nhưng chúng
tôi không nói tiếng nói của mình được, nói thì bị hạch sách, gặp đủ chuyện.”
Một
học sinh trong đoàn biểu tình cho VOA biết thảm họa Formosa “ảnh hưởng rất lớn
đến gia đình em, suốt năm qua bố mẹ em không làm được gì cả, không có tiền cho
chúng em đi học. Gia đình em giờ thiếu thốn mọi mặt từ lúc biển bị ô nhiễm. Và
em đi học thì không được giảm học phí từ đầu năm đến giờ.”
Ngày 3 tháng 4, người
dân hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim kéo lên ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để biểu
tình, chất vấn Chủ tịch huyện này về vấn đề công an mang súng bắn vào dân vào tối
Chủ Nhật. Khi nhân dân đã hoàn toàn chiếm trụ sở ủy ban nhân dân huyện thì Chủ
tịch huyện phải nhờ đến quân đội để bảo vệ, thương thảo với dân. Có người bị
tình nghi là an ninh giả dạng vào quậy phá và gây bạo động đoàn biểu tình đã bị
người dân đánh bất tỉnh. Phía quân đội và công an bao vây bên ngoài trụ sở, bắt
một số người. Sau lời hứa bồi thường của chủ tịch huyện cho những người bị công
an tấn công vào đêm Chủ Nhật, đoàn biểu tình trả người được cho là là an ninh
giả dạng côn đồ, và ra về.
Những cuộc biểu tình bày tỏ thái độ của dân chúng và
những lời hứa mơ hồ từ phía chính quyền địa phương như thế này không biết rồi sẽ
kéo dài bao lâu. Có một thực tế là Formosa vẫn được ưu tiên nhiều thứ để trụ lại
đất Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động và biển vẫn đang chết dần, chết mòn mỗi ngày.
Nguồn: Theo VOA