Điền Phương Thảo
#GNsP (04.04.2017) – Hà Tĩnh lại nổi sóng. 8000 người dân đã xuống đường
biểu tình trong ôn hòa nhưng rất kiên quyết trong việc thể hiện lập trường của
mình qua các băng rôn, biểu ngữ: “Formosa phải cút khỏi Việt nam”; “Yêu cầu
chính phủ bồi thường cho chúng tôi”; “Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”.
Họ đã tràn vào trụ sở của nhà cầm quyền và buộc lãnh đạo phải ra đối chất với
dân.
Và rồi lực lượng an ninh, công an, cảnh sát được
huy động để đàn áp, đánh đập những người tham gia biểu tình. Họ huy động cả máy
phá sóng, đàn đáp các phóng viên, nhà báo tự do – những người đã dũng cảm dấn
thân vào các điểm nóng để cung cấp cho người dân Việt cũng như toàn thế giới
biết những thực trạng đau thương đang xảy ra tại Việt Nam. Xin tri ân họ, những
anh hùng không tên trên mặt trận văn hóa. Những người đang làm cái nhiệm vụ mà
đáng lý ra 845 cơ quan báo chí, gần 18 nghìn nhà báo tại Việt Nam đang sống
bằng tiền thuế của người dân Việt Nam hiện nay phải làm.
Thiết nghĩ cũng là con người được cha mẹ người Việt
sinh ra có tim, có óc và đặc biệt là có dòng máu Việt chảy trong huyết quản của
mình, lẽ nào những người đang “thi hành công vụ” này lại không thể dùng một
chút não nào trong đầu để suy nghĩ, nhận thức về hành động của mình hôm nay là
đúng hay sai ? Lẽ nào trái tim đã hóa đá, chẳng thể nhận được máu huyết chảy về
nên không thể cảm nhận được nỗi đau của đồng bào, dân tộc? Hay là các anh cho
rằng mình là những “tôi trung”, đã “phò” Vua thì phải tận trung, tận nghĩa ?
“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương
đất Bắc!” là câu nói đầy khí khái của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, người
anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 của
quân dân nhà Trần. Câu nói này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh
thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Là niềm tự hào của những người
con dân đất Việt khi lần giở những trang sử hào hùng của lịch sử Việt Nam.
“Quân – sư – phụ” là quan niệm được Khổng Tử nêu ra
từ 2.500 năm trước. Thời phong kiến, nền văn hóa Việt đã chịu ảnh hưởng nặng nề
của tư tưởng này. Do vậy thi sĩ Nguyễn Công Trứ có viết:
Thượng vị Đức, hạ vị Dân
Sắp hai chữ “QUÂN, THẦN” mà gánh vác
Có trung hiếu mới đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây
(Phận làm trai, Nguyễn Công Trứ)
Thế nhưng, nói trung trước hết là trung với nước –
quan tâm đến vận nước, hết lòng vì dân vì nước, xã thân vì dân vì nước. Lịch sử
mãi mãi khắc ghi tấm gương trung liệt của Trần Bình Trọng, bởi đó là cái trung
của bậc trượng phu, không phải là kẻ ngu trung.
“Một ngày lạ thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” – Kiều
Vâng! Cũng có thể hiểu các anh vì đồng lương, vì
cuộc sống. Thế nhưng có bao giờ các anh nhớ tới câu nói nổi tiếng nhất trong
lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm
làm vương đất Bắc!”? Các bậc tiền nhân đã từ chối vinh hoa phú quý, hy sinh
thân mình để đất nước, dân tộc không rơi vào tay giặc Phương Bắc. Nay các anh
lại vì bảo vệ quyền lợi của giặc Phương Bắc mà quay lưng với nỗi thống khổ của
đồng bào, và tệ hại hơn là chống lại những người dân không một tấc sắt trong
tay sao đành?
Chuyện cổ tích Thạch Sanh-Lý Thông kể rằng: Khi nhà
vua lệnh cho Thạch Sanh cầm binh đánh đuổi giặc. Trong lúc giáp chiến Thạch
Sanh lấy đàn thần do Thái Tử Long Cung tặng ra gảy, tiếng đàn khi khoan khi
nhặt, êm ấm lạ thường khiến cho toàn bộ quân lính của kẻ địch mất hết nhuệ khí
chiến đấu, kẻ thì nhớ con, kẻ thì thương vợ, kẻ thì bâng khuâng nhớ tới mẹ già.
Không ai còn nghĩ tới chiến đấu nữa. Thái tử 18 nước chư hầu thấy quân lính
không còn tinh thần chiến đấu nên đã xin hàng.
Sự phẩn nộ, tiếng kêu khóc của những ngư dân bị
thiệt hại lan truyền trên của các phương tiện truyền thông đại chúng hôm nay
chẳng khác nào tiếng đàn thần. Bởi lẽ nó được rung lên từ tận những con tim đau
khổ, mỗi sợi tơ đàn là một phận người thấp cổ bé họng đang bị dồn vào đường
cùng. Sao các anh chẳng nghe, chẳng cảm tiếng khóc của đồng bào ruột thịt? Lẽ
nào tâm hồn các anh còn chai sạn hơn cả bọn giặc xâm lăng xa lạ trong câu
chuyện cổ tích Thạch Sanh-Lý Thông?
Theo Khổng Tử, Vua có vị trí cao nhất trong lòng
người dân và cha mẹ còn phải xếp sau thầy. Dù vậy, không ai được quyền chọn
người sinh ra mình, nhưng Vua thì khác. Mỗi người đều có quyền chọn vì Vua xứng
đáng để phò tá, để tận trung. Nếu lỡ chọn sai thì hãy “quay đầu là bờ”. Đừng
trở thành ngu trung, cũng đừng vì chút “vương đất Bắc”mà phản bội lại quê
hương, dân tộc, để người dân phải thốt lên đầy đau đớn và thất vọng rằng: “Lẽ
nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”
Điền Phương Thảo