22 octobre 2017

“Kiên quyết nhúng chàm và miệng nhúng…đóm”


Xuân Dương



(GDVN) - Những khúc củi chống lưng cho các Hiệu trưởng làm bừa thuộc đủ các tổ chức, ban, ngành liệu có nên cho hết vào lò? 


Hầu hết các báo điện tử đều đưa tin ngày 10/10/2017,  Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng với Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua, bán trái phép hóa đơn.

Trong thời gian từ năm 2012 đến 2017, Nguyễn Thị Quyên chỉ đạo nhân viên dưới quyền và các giáo viên chủ nhiệm trực tiếp thu tiền của học sinh với số tiền hơn 4,13 tỷ đồng, trong đó đã thu trái quy định hơn 3,28 tỷ đồng. [1]



Trường tiểu học Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (Ảnh: Chí Nhân)



Một vị Hiệu trưởng khác, ông Trần Xuân Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Quan I (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), trả lời ý kiến phụ huynh sau khi cháu bé lớp 1 bị cổng sắt của trường đổ vào người (gãy xương quai xanh) như sau:

Các thầy giáo ốm phụ huynh có quan tâm đến không, có đến hỏi thăm, hỏi đóm gì chưa?”.

Có lẽ nhiều người chưa hiểu cái gọi là “hỏi thăm, hỏi đóm” mà ông Hiệu trưởng này “sáng tạo” ra hoặc cũng có thể là “ngôn ngữ vùng miền” nơi ông công tác mà ít người biết đến?

Chắc đây không phải là cách nói cho xuôi tai kiểu “lý gio, lý trấu” hay “thế lọ, thế chai”, thế nên có lẽ cũng cần “dăm câu, ba điều” về cái kiểu hỏi thăm mà vị Hiệu trưởng này tô điểm thêm là “hỏi đóm”.

Chữ “đóm” mà ông Hiệu trưởng Xuân Ngọc nhắc phụ huynh học sinh không phải hiểu theo nghĩa đen là chiếc đóm dùng để châm lửa rít thuốc lào của các cụ ngày xưa.

“Đóm” ở đây vốn được dùng theo nghĩa bóng trong cụm từ “điếu đóm”, nghĩa là sự hầu hạ, phục dịch của kẻ dưới đối với kẻ trên.

Nếu “hỏi đóm” được hiểu với ý nghĩa như vậy thì quả thật thì ông “nhà giáo” này đã vượt qua những chuẩn mực thông thường mà bất kỳ người thầy nào cũng không được phép.

Bởi phụ huynh học sinh không phải là “kẻ dưới” và thầy cô - kể cả với Hiệu trưởng - chẳng bao giờ có thể là bề trên.

Trong trường hợp này, cách chức Hiệu trưởng và cho ra khỏi ngành là điều không cần bàn luận.

Tuy nhiên, người viết cho rằng ông Xuân Ngọc chưa đủ độ “liều” đến mức xếp mình và các thầy cô khác trong trường vào hàng mà phụ huynh phải “điếu đóm”.

Có thể ông chỉ lỡ lời, chưa kịp suy nghĩ.

Thế nhưng có phải chỉ thời nay mới xuất hiện những Hiệu trưởng như ông Xuân Ngọc?

Xin kể câu chuyện cách đây chừng 20 năm mà người viết không may phải chứng kiền từ đầu đến cuối.

Một bà giáo dạy tại trường cấp 3 D.X huyện G.L, Hà Nội có con tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1.

Bà cùng ông (cũng là nhà giáo) đến gặp Hiệu trưởng đề đạt nguyện vọng xin cho con vào dạy ở trường. Vị Hiệu trưởng nọ tỏ ý nhiệt tình giúp đỡ.

Đến gần kỳ thi tuyển, ông bà giáo đến nhà riêng thăm hỏi lãnh đạo, vị Hiệu trưởng nói nguyên văn thế này:

Em sẽ phải lên làm việc với các bộ phận trên sở, nhưng không thể đi tay không”.

Ông bà giáo biết ý về chuẩn bị túi quà có chai rượu ngoại, hộp bánh và cái phong bì bên trong chứa cả tháng lương của hai ông bà.

Kết quả là con ông bà giáo vẫn trượt viên chức, người “đỗ” là con một vị Vụ trưởng thuộc Tổng cục Thủy sản.

Mấy tháng sau, cô giáo này xin chuyển về một trường thuộc quận nội thành và nhà trường lại thiếu một giáo viên.

Sau này gặp lại, vị Hiệu trưởng nọ không hề nhắc đến túi quà và cái phong bì, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Cũng xin nói thêm là trước khi đi xin việc cho con, chính ông giáo đã từng dạy bổ túc kiến thức cho tất cả mấy chục thày cô giáo và lãnh đạo trường cấp 3 này.

Chuyện tiếp theo như sau: Một ông đại úy về hưu có cháu nội học tại một trường tiểu học cũng thuộc huyện G.L, Hà Nội, theo quy định 4 giờ 15 phút chiều là các gia đình phải đón con, cháu.

Nếu nộp tiền “trông thêm” 30 phút thì có thể đón cháu vào 4 giờ 45.

Nghỉ hưu nên có thời gian rảnh rỗi, ông đại úy luôn đón cháu vào lúc 4 giờ 15.

Vì không nộp tiền “trông thêm” nên cháu ông được “ưu tiên” kiểm tra bài liên tục khiến cháu về nhà khóc, đòi ông bà, bố mẹ phải cho cháu ở thêm 30 phút tại trường.

Thấy mọi người lắc đầu có vẻ không tin, ông đại úy bảo “đây là chuyện thật 100% mà chính tôi phải gánh chịu”.

Vài câu chuyện không đủ để kết luận, rằng lãnh đạo một số trường chỉ nhăm nhe “sáng tạo” các kỹ năng moi tiền phụ huynh, song cũng cho thấy một thực tế không thể phủ nhận là sự xuống cấp đạo đức, tư cách của bộ phận không nhỏ lãnh đạo trường học.

Trở lại trường hợp của nguyên Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quyên, người phụ nữ này chắc không phải là “lỡ nhúng chàm” vì sự việc xảy ra trong nhiều năm và số tiền đã lên đến mấy tỷ đồng.

Nói một cách chính xác thì Nguyễn Thị Quyên đã “kiên quyết” nhúng chàm, “kiên định” nhúng chàm và vì thế chỉ còn cách khởi tố bắt giam chứ không thể kêu gọi “tự gột rửa”.

Có câu hỏi không sai nhưng hơi ngộ nghĩnh: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì sao lại vẫn tồn tại tham nhũng, tiêu cực?

Nói hỏi như thế là “ngộ nghĩnh” bởi chúng ta hình như vẫn có thói quen xem giáo dục như là một ốc đảo trong một xã hội mà mọi chuẩn mực đều bị xáo trộn.

Vụ Trịnh Xuân Thanh có tình tiết lo thủ tục để được huân, huy chương, vụ Hồ Xuân Mãn có chuyện “chạy” danh hiệu anh hùng, vụ Châu Thị Thu Nga có lời khai tự cho rằng phải dùng tiền để được làm đại biểu Quốc hội,…

Nạn chạy chức, chạy quyền đã được nhiều vị lãnh đạo đề cập, rõ nhất là ý kiến ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội - trao đổi với phóng viên báo điện tử Cand.com.vn:

Một số đại biểu được mời làm chuyên trách người ta còn đang ngại, đang muốn tránh, không chịu tham gia ấy chứ.

Giờ người ta chủ yếu “chạy” sang cơ quan hành pháp chứ “chạy” vào Quốc hội làm gì?”. [2]

Ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội: “người ta chủ yếu “chạy” sang cơ quan hành pháp” là ở tầm vĩ mô.

Vậy để có một chân Hiệu trưởng từ cấp mầm non đến đại học (công lập) mà không “chạy”, mà hy vọng thi tuyển sòng phẳng có lẽ sẽ còn phải chờ đợi nhiều năm nữa, ít nhất là cho đến khi vụ thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội được giải quyết ngã ngũ.

Xét về kinh tế (tính bằng tiền), tham nhũng trong các trường bậc phổ thông đa phần có thể xếp vào hàng tham nhũng vặt, vụ Nguyễn Thị Quyên bình quân mỗi năm lạm thu khoảng 600 triệu đồng.

Tuy vậy xét về quy mô thì đây lại là “đại tham nhũng” bởi diễn ra tại rất nhiều địa phương, tại mọi cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.

Và không thể nói cơ quan quản lý giáo dục cấp huyện, tỉnh không có phần đóng góp làm tối thêm bức tranh tối màu này.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: "Nơi nào lạm thu, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, đừng núp bóng phụ huynh, cũng đừng núp bóng ai cả".

Nói như ông Nguyễn Tùng Lâm rất đúng nhưng chưa đủ.

Chưa đủ thứ nhất là trách nhiệm của Chi bộ Đảng. Bí thư Chi bộ đảng cơ sở phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi theo quy định Đảng lãnh đạo toàn diện, thiệt để.

Ở đây không đề cập đến vai trò của Công đoàn, Thanh niên, Thanh tra nhân dân,… vì thực ra các tổ chức này chẳng có tiếng nói gì đáng kể trong trường.

Chưa đủ thứ hai là các Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, đôi khi còn là tiếp tay cho việc lạm thu tại các trường.

Điều chưa đủ cuối cùng chính là chủ trương “xã hội hóa” thông qua các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho không ít khoản thu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở trở nên hợp pháp.

Cần biết rằng Luật Giáo dục quy định: “Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập.

Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Quy định trong Luật Giáo dục có nghĩa là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, Nhà nước “bảo đảm các điều kiện” cho việc dạy và học.

Các trường không phải thu thêm bất kỳ khoản nào từ phụ huynh học sinh, thu thêm bất kỳ khoản nào cũng là trái luật.

Tuy nhiên, vì hầu hết các trường không được ngân sách địa phương bố trí đủ kinh phí, vì có một số khoản thu được bật đèn xanh nên mới sinh ra chuyện “xã hội hóa”.

Và cũng từ đây mới xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa” mà chúng ta gọi là “lạm thu”.

Thẳng thắn mà nói, lỗi đầu tiên thuộc về chính sách vĩ mô.

Giáo dục nói chung và nghề dạy học nói riêng chỉ chiếm được vị trí trang trọng trong văn bản, trong các nghị quyết.

Còn thực tế viên chức giáo dục luôn đứng hàng cuối trong thang bậc ưu tiên về chính sách đãi ngộ.

Nếu theo đúng luật, bất kỳ trường tiểu học hoặc trung học cơ sở nào thu thêm các khoản ngoài học phí thì có thể xem Hiệu trưởng là phạm pháp, lãnh đạo các Phòng Giáo dục cấp huyện phải bị xem là đồng phạm.

Lỗi thứ hai thuộc về công tác đào tạo nhà giáo.

Các chuyên gia hoạch định và người phê duyệt chính sách có biết ngành Sư phạm tuyển sinh “vét đĩa” trong bao thời gian nhiêu năm không? Có biết.

Có biết vì sao thí sinh lao vào các trường công an và quân đội không? Có biết.

Có biết sau khi ra trường các giáo sinh phải “chạy” để được dạy không? Có biết.

Có biết … không? Biết hết.

Có biết phương án khắc phục không? …

Khắc phục lỗi tức là phá vỡ nguyên tắc cộng sinh giữa cơ sở giáo dục và cấp trên (huyện, tỉnh), là phá vỡ “truyền thống” được hình thành từ mấy chục năm qua, và điều quan trọng hơn, là đặt mình ra ngoài guồng máy đang vận hành.

Đa số giáo viên dù chọn nghề một cách bất đắc dĩ song có những cố gắng đáng kể để nâng cao trình độ và nhân phẩm.

Thế nhưng một thì khi đã chen chân vào hàng ngũ lãnh đạo, họ khó mà giữ nguyên vẹn tâm đức của nhà giáo nếu không nói họ buộc phải thủ đoạn, mưu mẹo và đôi khi không loại trừ cả sự tha hóa lối sống.

Tham nhũng vặt như ngứa ghẻ, gãi rất khó chịu”, điều này được cả Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đề cập.

Dân gian có điều kiêng kỵ, khi bị ghẻ thì đừng có gãi, gãi nhiều thì “Cái Ghẻ” bò sang bên cạnh, lại thêm mụn ghẻ mới.

Chỉ cần ở sạch, ăn sạch, sử dụng các bài thuốc dân gian, tức là để cho Nhân Dân giúp, tất sẽ hết ghẻ.  

Câu hỏi mà báo Giaoduc.net.vn đặt ra: “Còn bao nhiêu Hiệu trưởng có nguy cơ vướng vòng lao lý?” [3] rất đúng ở thời điểm này bởi đó là lời cảnh tỉnh những ai đã và đang cố tình “nhúng chàm”.

Tuy nhiên cũng cần nêu thêm câu hỏi: “Những khúc củi chống lưng cho các Hiệu trưởng làm bừa thuộc đủ các tổ chức, ban, ngành liệu có nên cho hết vào lò?”.


Tài liệu tham khảo:







Xuân Dương

Nguồn: Theo GDVN