Phạm Chí
Dũng/Người Việt
Nếu năm 2016
đã trôi qua khá êm ả đối với thân phận của đảng cầm quyền – trừ vụ “cả ba bị
bắn” ở Yên Bái mà đã khiến quân số bảo vệ giới “yếu nhân” nghe nói tăng vọt gấp
đôi gấp ba, nếu 11 trong tổng số 12 tháng của năm 2017 vẫn có vẻ tiếp diễn thế
giằng co của chính trường Việt Nam, thì cái tháng cuối của năm cũ đã trở thành
sự khởi đầu cho một năm 2018 mà nhắm mắt cũng thấy rõ quang cảnh “biến loạn”
trong giới chính trị từ thượng tầng kiến trúc trung ương xuống tận các hạ tầng
cơ sở thuộc “vùng sâu vùng xa.”
“Năm của
Nguyễn Phú Trọng”
Những ngày
Tết Nguyên Đán 2018…
Khác với
khoảng thời gian cận Tết Nguyên Đán 2017 hoàn toàn “bình yên” – một khoảng bình
yên trên ngọn núi lửa trong lúc Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của Trần Quốc Vượng
âm thầm chuẩn bị hồ sơ kỷ luật Đinh La Thăng, những ngày cận Tết Nguyên Đán
2018 từ lao xao đến xôn xao tin đồn về “sẽ bắt ông H, ông M, ông A, kỷ luật ông
B…” và tư thế khó mà tại ngoại cho hàng lố quan chức của một ngân hàng thương
mại cổ phần nào đó.
Vấn đề chỉ
còn là thời gian, chỉ còn là “cho ăn tết để nhân văn hơn…”
Bầu không
khí chính trị, rốt cuộc, đang có vẻ diễn biến theo mong muốn của Tổng Bí Thư
Trọng về “trên nóng, dưới cũng phải nóng theo.” Sau một số vụ bắt bớ đối với
giới cựu quan chức của Tập Đoàn Cao Su Việt Nam, kỷ luật một số lãnh đạo và cựu
lãnh đạo ở Quảng Nam, Thanh Hóa, Hậu Giang vào cuối năm 2017, chiến dịch tấn
công vào các thành lũy còn lại đang có chiều hướng phát triển theo bề rộng và
cả chiều sâu, với những địa danh nổi bật như Đà Nẵng, Kiên Giang, Sài Gòn.
2018 hình
như là “năm của Nguyễn Phú Trọng.”
Bức tranh
“chống tham nhũng” của ông Trọng cho tới giờ đã lộ diện hai gam màu khác hẳn
nhau:
Gam màu
lạnh: từ Tháng Sáu, 2016, khi ông Trọng phát lệnh “việc cần làm ngay” với vụ xe
Lexus của Phó Chủ Tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh đến đầu Tháng Mười Một, 2017,
có thể được xem là giai đoạn chống tham nhũng theo phương châm “vận động,
thuyết phục, xử lý chủ yếu bằng kỷ luật.” Chỉ có một ít trong số “giới tinh
hoa” bị bắt như Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê và giới quan chức của Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam (PVN). Còn nhân vật từng được một số dư luận xem là “hiện tượng
chính trị” hay “thần tượng chính trị” – Đinh La Thăng – chỉ bị loại khỏi Bộ
Chính Trị nhưng vẫn giữ được ghế ủy viên trung ương đảng.
Gam màu
nóng: Kể từ cuối Tháng Mười Một, 2017 khi công bố việc đưa ra xét xử Trịnh Xuân
Thanh, và đặc biệt đến ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017, cho bắt Đinh La Thăng, chiến
dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng đã chính thức chuyển sang giai đoạn 2 –
một giai đoạn đầy “máu lửa” và ngả theo phương châm chủ yếu “bắt và xử tù.”
Không “nghỉ
giải lao”
Khác với
nhịp độ chậm chạp và thiếu hẳn sức nóng của giai đoạn 1, vào giai đoạn 2 dường
như sẽ cấp tập mà chẳng có khoảng trống nào cho “giải lao”. Một tín hiệu rất rõ
ràng cho tinh thần “tiến công, tiến công liên tục” như thế là vụ cựu Ủy Viên Bộ
Chính Trị Đinh La Thăng: Nhân vật được xem là “Bạc Hy Lai Việt Nam” này chỉ mất
tròn một tháng từ lúc bắt cho đến lúc ra tòa, và từ lúc còn đang là phó trưởng
Ban Kinh Tế Trung Ương đến khi phải nhận một bản án tù nặng nề chỉ có một tháng
rưỡi – một thời gian được rút ngắn hơn rất nhiều so với thời gian bảy tháng
rưỡi kể từ Tháng Tư, 2017 khi ông Thăng bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương công bố
kết luận kiểm tra về những hành vi sai phạm “rất nghiêm trọng” cho đến khi
chính thức bị bắt.
Một biểu
hiện khác, không kém rõ ràng, cho thấy nhịp độ công kích của ông Trọng sẽ được
đẩy nhanh, kể cả thời gian cận Tết Nguyên Đán 2018. Đó là việc các cơ quan tư
pháp như điều tra công an, viện kiểm sát, tòa án đã có vẻ phải làm việc hết tốc
lực, kể cả vào hai ngày nghỉ cuối tuần, để hoàn thành một thời gian kỷ lục vụ
xử án “Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh,” “Phạm Công Danh – Trầm Bê.” Rồi hầu
như không ngừng nghỉ, tiếp luôn các vụ xử “Trịnh Xuân Thanh giai đoạn 2” ngay
trước tết và “Đinh La Thăng giai đoạn 2” ngay sau tết. Nhịp độ nhanh đến mức
đầy bất thường như thế ít nhất cho thấy quan điểm của Tổng Bí Thư Trọng muốn
các vị Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê phải được hoàn tất số phận của chúng trước tết
nguyên đán 2018, để sau tết “còn làm chuyện khác.”
Nếu đúng như
thế, “chuyện khác” là gì, hoặc những gì?
Danh sách
tống giam đối với giới quan chức PVN cho tới giờ chỉ mới chiếm khoảng 1/6 bản
danh sách dài hơn mà ngay từ cuối năm 2016 đã có đồn đoán về nó. PVN dĩ
nhiên đã trở thành một thứ đại án – tương xứng với tầm vóc có thời kỳ đã đóng
góp đến 1/4 GDP của tập đoàn này. Và PVN được hứa hẹn sẽ còn trở thành một thứ
“hậu đại án” nữa.
Việc đảng
“để dành” Đinh La Thăng cho vụ xét xử “800 tỷ” sau tết nguyên đán 2018 hẳn
không chỉ nhắm vào việc chung quyết số phận của ông Thăng với một mức án tổng
cộng có thể lên đến ít nhất 30 năm tù giam, mà Đinh La Thăng còn được xem là
“đầu vụ” của vụ PVN và dắt dây đến rất nhiều quan chức PVN khác. Theo đó, dự
liệu sẽ còn nhiều quan chức và cựu quan chức của PVN phải “nhập kho” trong năm
2018.
Nhưng PVN
cũng chỉ là một trong số 21 đại án mà có lẽ đảng muốn cho “lên thớt” trong năm
2018 này. Mà để bảo đảm được kết quả ấy, ngành kiểm sát và tòa án phải căng
mình xử 2 vụ mỗi tháng. Còn có dấu hiệu cho thấy ngành công an phải “tổng động
viên” cả một số cán bộ điều tra vừa nghỉ hưu…
Kịch bản
“Người tử tế”
Sau Hội Nghị
Trung Ương 6 vào Tháng Mười, 2017 sẽ là Hội Nghị Trung Ương 7 – có thể diễn ra
vào quý 2 năm 2018. Nếu Hội Nghị Trung Ương 6 chỉ “diệt ruồi” đối với bí thư
thành ủy Đà Nẵng khi đó là Nguyễn Xuân Anh, thì Hội Nghị Trung Ương 7 có thể
hứa hẹn sẽ sôi sục hơn nhiều. Những cái tên nào – có thể cả cấp ủy viên bộ
chính trị – sẽ bị Nguyễn Phú Trọng “trảm?”
Còn sau Hội
Nghị Trung Ương 7 sẽ là Hội Nghị Trung Ương 8 – theo truyền thống là diễn vào
quý 4 năm 2018. Khi đó, đại án PVN và vài vụ án khác có lẽ đã kết thúc phần
luận tội và các bản án chính, để cùng với một số đầu dây mối nhợ khác, có lẽ
Tổng Bí Thư Trọng có thể bắt đầu ngẫm nghĩ nhiều hơn và sâu sắc hơn về nhân vật
“người tử tế” trong kịch bản của ông.
Kể cả về một
“phiên tòa lịch sử,” một phiên tòa chưa từng có trong lịch sử triều đại đảng
CSVN, có thể diễn ra vào năm 2019…
“Chiến lược”
cùng những nước cờ của ông Trọng, được chuẩn bị công phu kể từ năm 2016 và
chuyển sang “giai đoạn 2” kể từ Tháng Mười Một, 2017, đã ngày càng nổi bật mục
tiêu số một của ông ta: Nguyễn Tấn Dũng.
Ở vào thế đã
cưỡi lưng cọp, có lẽ ông Trọng đã tự chọn cho mình một quyết định sống mái như
thế, và ông ta hiểu bất cứ một biểu hiện khoan hòa, dung thứ hay thỏa hiệp nào
từ phía ông ta đều sẽ khiến ông ta bị cọp vồ ngược.
Trong cuộc
chiến được xem là “chống tham nhũng” và tập quyền cao độ của ông Trọng, Nguyễn
Tấn Dũng sẽ chí ít là mục tiêu tối thiểu, để sau đó Nguyễn Phú Trọng mới có thể
quyết định cho tâm thế cá nhân sẽ “nghỉ” hay “ngồi tiếp” tại đại hội 13 của
đảng cầm quyền – sẽ diễn ra vào năm 2021.
Ngay trước
mắt, nếu không có “vấn đề” gì về tình trạng sức khỏe, 2018 chắc chắn sẽ là “năm
của Nguyễn Phú Trọng” – một ấn tượng chưa từng có về quyền lực xung sát trong
lịch sử triều đại đảng CSVN.
Phạm Chí Dũng