14 août 2018

Mỹ tuần tiễu 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa, chấn chỉnh phát ngôn của Vương Nghị


Hồng Thủy
 

Hình minh họa, nguồn: Time.
(GDVN) - Sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố quân sự hóa Biển Đông là "tự vệ" không lâu, Mỹ lập tức điều máy bay tuần tiễu 4 đảo nhân tạo xây trái phép.


The Japan Times ngày 11/8 đưa tin, quân đội Mỹ đã có động thái cảnh báo mạnh mẽ bất thường với Bắc Kinh trên mạng xã hội cùng ngày thứ Bảy, sau chuyến thị sát 4 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Thứ Sáu ngày 10/8, một chiếc máy bay trinh sát Poseidon P-8A của hải quân Mỹ chở theo phóng viên của đài CNN và BBC đi cùng đã thị sát 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trong suốt chuyến bay, phóng viên của CNN, BBC đã nhìn thấy bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn và Xu Bi từ trên cao với các ra đa quân sự khổng lồ, đường băng quân sự và nhiều tòa nhà.



Đã có 6 lần lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đảo nhân tạo phát tín hiệu cảnh báo, xua đuổi máy bay Mỹ: "Hãy rời khỏi đây ngay lập tức, tránh để xảy ra bất kỳ sự hiểu lầm nào!"

Mỗi lần nhận được cảnh báo đe dọa như vậy, phi hành đoàn Hoa Kỳ lại trả lời rằng, đây là máy bay quân sự Mỹ đang hoạt động hợp pháp trên không phận quốc tế, nằm ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào.

Các cảnh báo của phía Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến hoạt động của hải quân Mỹ. Trong khi BBC cho biết, bên cạnh đó có một máy bay quân sự Philippines, nội dung cảnh báo của Trung Quốc có khác một chút:

"Máy bay quân sự Philippines, tôi cảnh báo các anh lần nữa, rời khỏi đây ngay lập tức hoặc các anh sẽ phải gánh mọi hậu quả".

Hôm sau 11/7, ít nhất 3 trong số các tài khoản mạng xã hội Twitter của quân đội Mỹ đã lên tiếng khẳng định:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và cho tàu cơ động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các cảnh báo đòi dừng các hoạt động hợp pháp trong vùng biển, vùng trời quốc tế". [1]

CNN ngày 10/8 tường thuật, các camera của máy bay trinh sát Mỹ đã ghi nhận có 86 tàu neo đậu tại đầm phá bên trong đảo nhân tạo ở bãi Xu Bi.

Phản ứng của máy bay Mỹ trước cảnh báo từ lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) ở Trường Sa, được CNN dẫn lại:

"Chúng tôi là máy bay hải quân Hoa Kỳ, tiến hành các hoạt động hợp pháp bên ngoài không phận của bất kỳ quốc gia ven biển nào.

Trong việc thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ, chúng tôi đang hoạt động phù hợp với quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia."

Bay qua đá Chữ Thập, các phóng viên của CNN nhìn thấy những trạm ra đa quân sự như những trái bóng golf được sắp đặt gọn gàng trên màn hình.

Mặc dù không có tên lửa nào của Trung Quốc được nhìn thấy trên đảo nhân tạo trong chuyến bay hôm thứ Sáu, nhưng các sĩ quan hải quân Mỹ đã chỉ cho phóng viên thấy một số cấu trúc có thể sử dụng để giấu tên lửa.

Đáng chú ý, động thái này của Hoa Kỳ diễn ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Singapore hôm 4/8, rằng Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là để "tự vệ".

Đồng thời Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ tội cho Mỹ làm căng thẳng Biển Đông, tìm cách ngăn Mỹ can thiệp vào khu vực.

Đây có thể là động cơ thầm kín của việc nước này thúc đẩy một số diễn biến mới về đàm phán COC và ca ngợi chúng như những thành tựu, qua đó nhằm lung lạc, lôi kéo ASEAN khỏi hợp tác với Hoa Kỳ.


Nguồn:

[1]https://www.japantimes.co.jp/news/2018/08/11/asia-pacific/u-s-military-strong-words-beijing-warnings-flight-south-china-sea/#.W29-SugzbIU

[2]https://edition.cnn.com/2018/08/10/politics/south-china-sea-flyover-intl/index.html


Hồng Thủy