Nguyễn
Quang Dy
Gần
hai tháng qua, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã trở thành tâm điểm của dư luận
thế giới, gây tranh cãi tại Washington và làm đau đầu Bắc Kinh (cũng như các thủ
đô khác). Để hiểu diễn biến phức tạp và hệ quả khôn lường của cuộc chiến tranh
thương Mỹ-Trung, cần lý giải một số nghịch lý và ngộ nhận liên quan đến sự kiện
quan trọng này.
Cách
đây khoảng vài thập kỷ, có một nhà tư tưởng giáo dục (hình như Peter Druker) đã
nói rằng giáo dục truyền thống dạy học viên về một thế giới không còn tồn tại
(traditional education teaches students about a world that no longer exists).
Thế giới ngày càng phi truyền thống và biến động khôn lường (như đoàn tầu siêu
tốc), nhưng tư duy con người vẫn chuyển chậm (như chiếc xe ngựa cũ). Làm sao
chiếc xe ngựa 0.4 đuổi kịp đoàn tầu 4.0?
Những
nghịch lý về hệ quy chiếu
Trước
hết, khi phân tích diễn biến bàn cờ chính trị quốc tế, nhiều người thường bỏ
qua hay coi nhẹ nhân tố chính trị nội bộ (domestic/bureaucratic politics) của
các bên liên quan. Ngược lại, khi phân tích diễn biến chính trị nội bộ một nước,
nhiều người hay bỏ qua hay coi nhẹ nhân tố quốc tế đang tác động đến diễn biến
trong nước. Cả hai cách đề cập đó đều không đầy đủ và thiếu chính xác, dẫn đến
ngộ nhận và nhầm lẫn về bức tranh vốn phức tạp trong quan hệ giữa các nước lớn
(như Mỹ-Nga-Trung). Vì vậy, không thể tách cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
ra khỏi bàn cờ chiến lược nước lớn, và hiện tượng Trumpism.
Thứ
hai, khi đánh giá một nhân vật đặc thù khác thường (như Donald Trump) thường có
hai khuynh hướng. Một là chê bai và phủ định, vì chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực mà
không thấy mặt tích cực. Hai là khen ngợi và khẳng định, vì chỉ nhìn thấy mặt
tích cực mà không thấy mặt tiêu cực. Cả hai khuynh hướng đó đều cực đoan, không
chính xác và thiếu hụt (như một cốc nước vơi), không phản ánh đúng sự thực
khách quan. Ngoài lý do thiếu hụt thông tin, còn do hệ quy chiếu khác nhau (paradigms),
nên người ta thường ngộ nhận và nhầm lẫn.
Thứ
ba, khi phân tích một sự kiện hay nhân vật nào đó, thường có hai quan điểm khác
nhau do hệ quy chiếu khác nhau. Một là hệ quy chiếu “truyền thống”
(traditional/conventional), hai là hệ quy chiếu “phi truyền thống”
(unconventional). Khi đánh giá một nhân vật “phi truyền thống” (như Donald
Trump), nếu áp dụng hệ quy chiếu “truyền thống”, thì dễ ngộ nhận và sai lạc,
nên không lý giải được bản chất vấn đề (có
nhiều ẩn số). Có người hỏi “Trump khôn hay dại, tốt hay xấu?”. Đó là câu hỏi
“trắng đen” (black & white) làm đơn giản hóa vấn đề (simplistic) trong khi
sự thật vốn phức tạp hơn vì “trong âm có dương, trong dương có âm”.
Thứ
tư, “mọi người sinh ra đều bình đẳng” (men are born equal), nhưng suy nghĩ và cảm
xúc khác nhau, nên quan điểm và thái độ của họ cũng khác nhau trước một sự kiện
hay nhân vật. Nhưng sự khác biệt (diversity) không phải là vấn đề mà sự nhầm lẫn
(confusion) mới là vấn đề bất cập. Khi cần lý trí (để phân tích) thì người ta lại
bị tâm trạng bức xúc làm sai lạc vấn đề. Khi cần cảm xúc (để cảm thông) thì người
ta lại dựa nhiều vào lý trí nên vô cảm. Vấn đề không phải đúng hay sai, mà là lẫn
lộn (không đúng lúc, đúng người, đúng việc).
Sự
ngạo mạn về quyền lực và cái bẫy Thucydides
Hai mươi năm sau chiến tranh Viêt Nam, Robert McNamara xuất bản cuốn sách “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam” (In Retrospect: the Tragedy and Lessons of Vietnam, Random House, New York, 1995), thừa nhận sai lầm (hay ngộ nhận). Tuy ông McNamara tự vấn lương tâm hơi muộn (too little too late) nhưng “muộn còn hơn không”. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn lặp lại sai lầm tại Iraq và Afganistan, trong khi bỏ mặc Biển Đông cho Trung Quốc.
Gần ba thập kỷ trước đó, TNS Fulbright đã xuất bản cuốn sách “Sự Ngạo mạn về Quyền lực” (Arrogance of Power, William Fulbright, Random House, New York, 1967) chỉ trích sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Có lẽ sự ngạo mạn về quyền lực là căn bệnh cố hữu của kẻ mạnh, làm cho họ ngộ nhận và mù lòa về “giới hạn của quyền lực”. Không phải chỉ có người Mỹ mà người Trung Quốc cũng mắc căn bệnh này (với “đặc sắc Trung Quốc”). Một số quan chức Trung Quốc có thói quen nhắc nhở người khác rằng “Trung Quốc là nước lớn” (như hiện tượng “Freudian slip”). Tại một cuộc họp tại Hà Nội (năm 2010) Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã nói thẳng vào mặt ngoại trưởng Singapore rằng “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác đều bé” (China is a big country and other countries are small).
Trong một chuyến thăm Miến Điện (Myanmar) cách đây mấy năm, khi tôi hỏi mười người dân là họ ghét ai nhất, thì chín người nói họ ghét nhất các tướng tá quân đội và người Trung Quốc. Không chỉ có Miến Điện, mà gần đây Bắc Triều Tiên và Malaysia đều muốn “thoát Trung”, mặc dù họ rất cần túi tiền của Trung Quốc. Hầu hết các nước láng giềng (từ Việt Nam đến Myanmar đến Thailand đến Lào và Campuchea) đều sợ và ghét thái độ ngạo mạn đó, tuy một số nước đang mắc vào cái “bẫy nợ” (debt trap) của Trung Quốc (như một bi kịch).
Gần đây, Graham Allison (giám đốc Belfer Center, Harvard KSG) nổi tiếng vì thuyết cái bẫy “Thucydides trap”. Allison lập luận rằng sớm muộn Mỹ (cường quốc cũ) và Trung Quốc (cường quốc mới trỗi dậy) sẽ bị xô đẩy vào cuộc chiến tranh khó tránh khỏi. Một số nhà nghiên cứu khác cũng lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang có thể là màn khởi đầu (prelude) dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tôi hy vọng là họ sai.
Bàn
cờ chiến lược mới và Trumpism
Chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung là một phần của bàn cờ chiến lược mà Mỹ đang triển
khai (theo NDS & NSS) nhưng không tách rời hiện tượng “Trumpism”. Đó là một
hiện tượng bất thường trong chính trường Mỹ, làm đảo lộn bàn cờ chính trị nước
Mỹ và thế giới. Vì vậy cuộc chiến thương mại diễn biến khó lường, đang vượt ra
khỏi những khuôn khổ và hệ quy chiếu mà người ta đã quen mấy thập kỷ qua (từ thời
chiến tranh lạnh đến nay).
Chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung làm nhiều người bất ngờ, và làm người Trung Quốc đau
đầu, vì nó diễn ra theo một quy luật và lộ trình khác trước. Nó không giống chiến
tranh thương mại trước đây thường diễn ra giữa hai bờ Đại Tây Dương (hay với Nhật).
Nó không chỉ làm đảo lộn cán cân thương mại Mỹ-Trung (hay với đồng minh) mà còn
đe dọa làm đảo lộn bàn cờ chiến lược toàn cầu và trật tự thế giới. Nếu coi chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung cũng giống như với châu Âu hay với Nhật là nhầm lẫn, như
“thấy cây mà không thấy rừng”.
Khi
cử tri Mỹ bỏ phiếu cho Trump, họ không chỉ bỏ phiếu cho nhân vật bất thường đó,
mà còn bỏ cho xu hướng muốn phục hồi nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Trump đã nhanh
tay nắm bắt được nxu hướng đó và thành công. Không phải Trump giỏi, mà các ứng
viên khác của cả hai đảng dở, vì họ đã vô cảm trước những đòi hỏi thay đổi của
cử tri Mỹ. Vì vậy trong những năm tới đây, dù Trump được tái cử hay thất cử, và
ai khác lên thay thì chắc xu hướng đó vẫn tồn tại, vì nó lớn hơn cả Trump và
Nhà Trắng. Dù Steve Bannon đã mất chức (cố vấn chiến lược của Trump), nhưng tư
tưởng Bannonism vẫn còn tồn tại. Trump và Bannon tham vọng muốn thay đổi trật tự
nước Mỹ và trật tự thế giới. Trump phải giữ lời hứa với cử tri lúc tranh cử, vì
biết rằng đó là bảo bối duy nhất để ông chiếm được Nhà Trắng. dù có phải nói dối.
Theo cách tính của Washington
Post (Fact Checker’s database) Trump đã nói dối 3.259 lần (từ 1/6 đến nay)
tính trung bình mỗi ngày 6,5 lần. Có lẽ đó là một kỷ lục. Theo Joe Nye, tuy nói
dối không giống nhau (not all lies are born equal), nhưng nói dối quá nhiều sẽ
làm suy giảm lòng tin (Too many lies debases the currency of trust). Tổng thống
có thể nói dối để xóa dấu vết (cover his tracks), tránh bị mất mặt (avoid
embarrassment), làm hại đối thủ (harm a rival) hay chỉ vì tiện lợi (for
convenience). Trong khi nhiều người cho rằng Trump nói dối là do thói quen (out
of habit), nhưng căn cứ vào tần xuất, lặp đi lặp lại, và tính chất sỗ sàng của
lời nói dối, nó không phản ánh thói quen, mà là một chiến lược có chủ ý để làm
tổn thương cơ chế sự thật. (White House of Lies, Joseph Nye, Project Syndicate, August 7, 2018).
Có
nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Trump. Có lẽ ông là tổng thống Mỹ gây tranh
cãi nhiều nhất (chủ yếu là trái chiều) như một hiện tượng lạ trong lịch sử.
Không phải chỉ có chính giới Mỹ, mà các học giả và báo chí Mỹ (và phương Tây) đều
không thích Trump, trong khi ông dám công khai gọi báo chí Mỹ là “kẻ thù của
nhân dân” (tuy con gái rượu Ivanka không đồng tình). Mặc dù Trump tạo ra nhiều
tai tiếng như “một thiên tài ổn định” (a stable genius), nhưng ông lại nhất
quán (ít nhất là đến nay) với tuyên bố lúc tranh cử (như “America first”). Tuy
Trump phát biểu thiếu nhất quán (trên twitter), nhưng ông hành động nhất quán
(như muốn thay đổi nước Mỹ). Nói cách khác, Trump không nhất quán, nhưng
Trumpism nhất quán.
Chiến tranh
thương mại và Lighthizerism
Trong Nhà Trắng hiện nay, tuy Robert Lighthizer
(Trade Reperesentative) và Peter Navarro (National Trade Council Director)
không phải là “cặp đôi hoàn hảo”, nhưng cùng quan điểm cứng rắn với Trung Quốc,
và được lòng Trump. Đó là hai nhân vật chủ chốt (như cánh tay phải và tay trái
của Trump) trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy chúng ta đã biết khá
nhiều về Navarro, nhưng còn biết khá ít về Lighthizer. Nếu muốn hiểu chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung mà không biết rõ về Lighthizer thì thật thiếu sót.
Chính Lighthizer mới là người điều hành cuộc chiến thương mại (như “trade
czar”) chứ không phải Trump.
Nếu Peter Navarro là một giáo sư kinh tế vào loại
trung bình ở Mỹ (chỉ thạo về lý thuyết), thì Lighthizer là một người điều hành
chính sách chuyên nghiệp. Năm 1983, khi mới 36 tuổi Lighthizer đã từng làm phó
đại diện thương mại (ngang thứ trưởng). Không chỉ có kinh nghiệm đàm phán
thương mại, Lighthizer còn là một luật sư có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Năm 1996, Lighthizer từng làm cố vấn kinh tế cho Bob Dole, thượng nghị sỹ đảng
Cộng hòa (tranh cử tổng thống năm 1996). Trong khi Trump nói bạt mạng (bất
nhất), thì Lighthizer hành động nhất quán, theo một chủ thuyết (mà người ta gọi
là “Lighthizerism”).
Triết lý kinh tế của Lighthizer có vai trò chủ đạo
trong chính quyền Trump hiện nay, không phải để “co cụm lại” (retrenchment) mà để
giành lại vai trò đầu tàu của Mỹ trên thế giới về sản xuất công nghiệp
(manufacturing). Nó không nhằm chấm dứt toàn cầu hóa, mà tạo ra một giai đoạn
toàn cầu hóa mới (more aggressive). Tầm nhìn của Lighthizer có thể tồn tại còn
lâu hơn cả chính quyền Trump. Theo Lighthizer, để đối phó với “chủ nghĩa tư bản
nhà nước” của Trung Quốc, Mỹ nên bắt chước đối phương để trở thành “tư bản nhà
nước cao hơn”.
Các chính khách Mỹ đã tin vào thắng lợi tất yếu của
nền dân chủ và tư bản (sau sự kiên bức tường Berlin), nên họ cứ tưởng Trung
Quốc sẽ tất yếu đi theo dân chủ và tư bản. Đó là một sự ngộ nhận vì ngạo mạn
(hubris). Trong buổi điều trần tại Quốc hội (26/7/2018) Lighthizer nhấn mạnh
“người Trung Quốc có hệ thống của họ và đang thách thức hệ thống của chúng ta”
(They have a system, and their system
is challenging our system). Lighthizer khẳng định (9/2017) chủ nghĩa tư bản nhà
nước của Trung Quốc là “mối đe dọa chưa từng có đối với hệ thống thương mại thế
giới” (a threat to the world trading system that is unprecedented). (You Live in Robert Lighthizers World Now, Quinn Slobodian, Foreign Policy, August 6, 2018).
Những
nghịch lý và ngộ nhận
Thời
chiến tranh lạnh, Tổng thống Nixon và Kissinger đã bắt tay với Mao Chủ tịch
(năm 1972) để dùng “lá bài Trung Quốc” đối phó với Liên Xô. Nước cờ táo bạo đó
đã làm đảo lộn bàn cờ thế giới, và chính sách “một nước Trung Quốc” đã tồn tại
từ đó đến nay. Mỹ và phương Tây đã triển khai chính sách “can dự xây dựng”
(constructive engagement) để giúp Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, tưởng một
ngày nào đó Trung Quốc giàu mạnh sẽ trở thành “một nước dân chủ như chúng ta”.
Trung Quốc đã làm theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình “ẩn mình chờ thời”, tranh
thủ thời cơ để trỗi dậy, không chỉ trở thành siêu cường kinh tế (như Nhật Bản)
mà còn đang trở thành siêu cường quân sự để vượt Mỹ, nhằm bá chủ thế giới.
Tại
sao người Trung Quốc đã dễ dàng qua mặt được người Mỹ? Không phải chỉ vì người
Trung Quốc khôn ngoan, mà còn do người Mỹ (và phương Tây) ngờ nghệch, đã ngộ nhận
và ảo tưởng rằng “bản sắc Trung Cộng” có thể thay đổi, khi Trung Quốc giàu mạnh.
Nay người Mỹ tỉnh ngộ nhận ra sai lầm thì quá muộn, và phải trả giá đắt. Trung
Quốc đã trở thành Frankenstein (theo lời Richard Nixon). Đó là một “hệ quả bất
định” (unintended consequence). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không đơn thuần
về thương mại như người ta tưởng.
Trong
cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (năm 2016) Donald Trump đã lần lượt đánh bại các ứng
cử viên nổi tiếng của cả hai đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, làm nước Mỹ và thế
giới bất ngờ. Tại sao các chính khách chuyên nghiệp tài giỏi (như Hilary
Clinton) lại thua một người như Trump? Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu vì họ đã
ngạo mạn và ngộ nhận nên vô cảm trước các thực tế mới. Nhiều chuyên gia (như
pollters/pundits) cũng ngộ nhận và dự đoán sai. Vì vậy, ngộ nhận là căn bệnh cố
hữu của con người, không trừ một ai. Không phải chỉ có người dốt mới ngộ nhận
và sai lầm, mà những người tài giỏi càng dễ ngộ nhận và sai lầm.
Tập
Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã đủ mạnh và đến lúc Trung Quốc không cần “ẩn
mình chờ thời”. Trung Quốc đã công khai
thách thức Mỹ, và quyết vượt Mỹ bằng chiến lược “Một Vành đai Một con đường”
(BRI) và “Made in China 2025”. Lâu nay Trung Quốc quen dựa vào công nghệ và đầu
tư của Mỹ và phương Tây để phát triển nhanh bằng xuất khẩu. Nhưng chiến tranh
thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) đang đe dọa chặn đứng tham vọng này của
Trung Quốc. Nay đến lượt người Trung Quốc ngộ nhận và mắc sai lầm.
Trò chơi quyền lực
mới
Ngày 2/12/2016, Henry Kissinger (93
tuổi) đã đến Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, và được Tập ca ngợi là “người bạn lớn”
của Trung Quốc. Sự kiện đó diễn ra ngay sau khi Trump thắng cử, và điện đàm với
tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (cùng ngày 2/12/2016) làm Tập Cận Bình bất ngờ
và tức giận. Có thể lúc đó Trump đã nghĩ đến “lá bài Đài Loan” và “lá bài Nga”
để đối phó với Trung Quốc (nhưng còn quá sớm). Có lẽ tầm nhìn chống Trung Quốc
là chiến lược nhất quán (lâu dài), còn quan hệ thân thiện với Tập là chiến
thuật (trước mắt), để đối phó với Bắc Triều Tiên. Nay Trump đã bắt tay với Kim
Jong-ul (12/6/2018), thì có lẽ đến lúc Trump có thể bắt tay với Putin để đối
phó với Trung Quốc (tuy còn nhiều tranh cãi).
Sau khi Tập Cận Bình củng cố được
quyền lực tuyệt đối tại Đại Hội Đảng 19 (như “Hoàng đế Đỏ”), Trump đã công bố
chiến lược quốc phòng (NDS) và bổ nhiệm John Bolton (một nhân vật diều hâu thân
Đài Loan) làm chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (thay McMaster). Trong bối
cảnh đó, “người bạn lớn” Kissinger có thể “trở mặt” khuyên Trump dùng “lá bài
Nga” để đối phó với Trung Quốc (điều đó chẳng có gì lạ). Nhưng nếu Tập bị bất
ngờ thì chứng tỏ ông đã ngộ nhận và quên rằng “không có đồng minh vĩnh viễn,
chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Theo báo Daily Beast (26/7/2018) quan điểm về “lá
bài Nga” đã được các cố vấn chủ chốt của Trump tán thành, trong đó có Jared
Kushner (con rể và cố vấn cấp cao trong Nhà Trắng).
Nếu
Mỹ thực sự bắt tay với Nga để đối phó với Trung Quốc như “mối đe dọa số một” (theo
NDS) thì đó là tin xấu (bad news) cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, kịch bản này không dễ
như “một bữa tiệc” (a dinner party), vì Putin “quyền biến” và chơi bài poker giỏi.
Chưa biết bao giờ Putin sang thăm Washington (theo lời mời của Trump) và còn
quá sớm để dự đoán kết cục của nước cờ tiếp. Tuy nhiên, khi Trump bắt tay Kim ở
Singapore (12/6/2018) và bắt tay Putin ở Helsinki (16/7/2018) chắc Tập Cận Bình
đang nín thở theo dõi. Cuộc gặp Trump-Kim tuy chưa có kết quả rõ ràng, nhưng đó
là một bước ngoặt chiến lược tại bán đảo Triều Tiên. Có lẽ Bắc Kinh đã đánh giá
sai về Trump, và các đồng minh EU của Mỹ. Không biết đó là lỗi của Lưu Hạc
(không nhạy bén) hay của Tập Cận Bình (không chịu lắng nghe), nhưng chuyến đi Mỹ
của Lưu Hạc (15-19/5/2018) đã thất bại vì “quá ít quá muộn” (too little too
late).
Theo
báo Financial Times (20/7/2018) Kissinger đã từng cảnh báo nếu Mỹ và châu Âu
chia rẽ thì “châu Âu sẽ trở thành chư hầu của lục địa Âu-Á” bị Trung Quốc thao
túng. Có một nghịch lý là nhiều người trong Quốc Hội và giới báo chí Mỹ (cũng
như đồng minh NATO) đang tỏ ra bảo thủ và chậm thay đổi tư duy chiến lược còn
hơn người Trung Quốc. Dù sao, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài
và kéo theo chiến tranh về tiền tệ, về công nghệ, và địa chính trị, nên sẽ quyết
liệt và khó lường. Đó là trò chơi quyền lực mới giữa hai siêu cường có hệ quy
chiếu và hệ điều hành khác hẳn nhau. Trong cuộc chiến này, chưa có dấu hiệu hay
lý do để Trump xuống thang đàm phán, như Bắc Kinh vốn ảo tưởng và ngộ nhận.
Theo các chuyên gia, Mỹ đã vô hình
trung theo một chính sách thương mại “ngõ cụt” (cul de sac). Bằng cách kích cầu
tài khóa (fiscal stimulous) và tăng sản xuất (manufacturing) chính quyền Trump
khuyến khích đầu tư, làm thâm hụt thương mại càng nặng. Với lãi suất tăng cùng
với tăng trưởng, đồng USD sẽ lên giá, làm cản trở xuất khẩu. Vì vậy, Mỹ càng
tìm cách tháo gỡ vấn đề thương mại, thì vấn đề đó càng lớn. Rủi ro hiện nay là
chính quyền Trump thất vọng với hệ quả chính sách, lại càng phải “chơi rắn hơn”
(double down). Tuy chính quyền Trump đã đi quá xa, nhưng họ có thể cho rằng vẫn
chưa đủ xa. (The Trump Administration’s Dead End on Trade,
James McCormack, Project
Syndicate, August 9, 2018).
Những hệ lụy
nhãn tiền
Theo Financial
Times, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 2.290 tỷ USD (tương đương 27%)
trong tám tháng qua. Hôm 3/8/2018 (sau bốn năm) Nhật đã thay thế Trung Quốc, trở
thành TTCK lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế lên 110 tỷ USD
so với 130 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc năm 2017, trong khi Mỹ
tuyên bố sẽ đánh thuế lên 250 tỷ USD trong tổng số 505 tỷ USD giá trị hàng hóa
Trung Quốc nhập vào Mỹ năm 2017. Cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang,
làm tăng nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tổng lực giữa hai siêu cường kinh tế
đứng đầu thế giới. IMF cảnh báo cuộc chiến thương mại này có thể làm trật bánh
xe tăng trưởng kinh tế toàn cầu. (Trump claims US is winning trade war with China, Yuan Yang & Sam Fleming, Financial Times, August
6, 2018).
Cùng với chiến tranh thương mại, Mỹ đang triển khai chiến lược quốc
phòng. Ngày 1/8/2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA)
cho năm tài chính 2019, với ngân sách mới (716 tỉ USD, tăng 16 tỉ USD so với
năm tài chính 2018). Tiếp theo NDS, luật NDAA đề ra ba mục tiêu chính tại Biển Đông: Thứ nhất là chi 425
triệu USD về thiết bị và đào tạo (trong 5 năm tới) cho các nước khu vực (như
Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam). Thứ hai là khai trừ Trung Quốc khỏi
các cuộc diễn tập RIMPAC. Thứ ba là Lầu Năm Góc phải báo cáo với Quốc hội về sự
bành trướng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo Greg Poling (CSIS/AMTI director), tuy NDAA có thể chưa đủ sức
ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, nhưng đây là “một phát súng cảnh cáo Trung Quốc” của Quốc hội Mỹ.
Theo một số chuyên gia Trung Quốc,
Bắc Kinh “đã mắc hai sai lầm lớn”. Một là họ đã đánh giá sai về Trump và quá tự
tin cho rằng Trump chỉ dọa già vì lý do chính trị (sắp bầu cử giữa kỳ). Vì vậy,
Bắc Kinh đã coi thường và không nhạy bén trước tâm lý “bài Trung” đang dâng cao
trong chính giới Mỹ. Hai là Bắc Kinh đã ngộ nhận, tưởng liên minh Mỹ-châu Âu
đang rạn nứt nên họ có thể phân hóa, lôi kéo các nước EU theo mình (để đối phó
với Mỹ). Trong khi Trump là người bất thường và khó lường, Tâp lại quá tự tin
và không lắng nghe (hoặc các cố vấn không dám nói) nên Bắc Kinh đã xa rời thực
tế, không nắm được bức tranh thực sự, nên mới bị bất ngờ và bị động trước các
đòn quyết liệt của Trump. Nếu cuộc chiến tranh thương mại này kéo dài, kinh tế
Trung Quốc có nguy cơ suy thoái và sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Sắp
tới nếu Trung Quốc phá giá đồng NDT (Yuan) khoảng 12% (như dự báo) để đối phó với
tuyên bố của Trump sẽ tăng thuế lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (từ
tháng 9/2018). Nếu điều đó diễn ra, các nước Đông Nam Á (như Malaysia,
Thailand, Indonesia, và Việt Nam) sẽ bị “hoảng loạn” (panic). Theo báo Guardian (4/7/2018), rạn nứt đã xuất hiện trong hệ
thống quyền lực tuyết đối của Tập Cận Bình. Có nhiều tin đồn là Tập sẽ “bị rắc
rối” tại hội nghị Bắc Đới Hà (đang họp), vì các vấn đề như: (1) chiến tranh
thương mại với Mỹ, (2) kinh tế đang phát triển chậm lại, (3) vụ bê bối về
vaccine cho trẻ em. (Cracks appear in
invincible Xi Jinping’s authority over China, Lily Kuo, the
Guardian, August 4, 2018).
Theo
chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, “mối lo lớn nhất hiện nay về chiến tranh
thương mại là đồng NDT phá giá”. Nếu Việt Nam buộc phải phá giá VNĐ để đối phó,
lạm phát sẽ tăng. Nếu tỷ giá VNĐ giảm tới mức
24,500-25,000 VNĐ/1 USD, áp lực lên nền kinh tế sẽ rất lớn. Nhưng Ngân hàng Nhà
nước không nên bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp, vì
dự trữ hiện nay (trên 70 tỷ USD) có thể bay mất trong vòng 1 tháng. Một số người cho
rằng Việt Nam sẽ có lợi (về lâu dài) khi chuỗi cung ứng dịch chuyển từ Trung Quốc
sang Việt Nam, trong khi “tác động của đồng NDT phá giá là ngay lập tức”. (Forget US China trade war tariffs this is
what really worries Asia, Bhavan Jairagas, SCMP, August 4, 2018).
Các chuyên
gia quốc tế nói gì
Các
chuyên gia thường có ý kiến đánh giá khác nhau về bối cảnh và bản chất chiến
tranh thương mại và quan hệ Mỹ-Trung. Nghiên cứu gần đây của David Shambaugh
đáng chú ý. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về khu vực (năm 2017),
nhưng đáng tiếc là tài liệu này chưa cập nhật được các sự kiện quan trọng diễn
ra trong năm 2018 (gặp cấp cao Mỹ-Triều, thay đổi chính phủ Malaysia, chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung). Bài của Minxin Pei và Elizabeth Economy bổ xung kịp
thời, tuy các chuyên gia có quan điểm hơi khác nhau.
Theo
Shambaugh, Mỹ
và Trung Quốc đang cạnh tranh ngày càng toàn diện ở Đông Nam Á, cả về chiến lược
và các lĩnh vực khác (như thương mại). Sự cạnh tranh này là “mềm” (soft) chứ
không phải “cứng” (hard), và gián tiếp (indirect) chứ không phải trực tiếp
(direct). Đó chưa phải là cạnh tranh bằng phản ứng tức thì, ăn miếng trả miếng,
chỉ có thắng hay thua (acute action-reaction, tit-for-tat, zero-sum
competition) như thời chiến tranh lạnh.
Shambaugh cho rằng hai siêu cường này có
thể đạt được một dạng thức “cùng tồn tại trong cạnh tranh” (competitive
coexistence). Vì vậy cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung có thể được giới hạn để
không trở thành đối kháng hay máy móc (adversarial or kinetic). Các nước khu vực
có vai trò cốt yếu nếu duy trì “các chiến lược cân bằng, trung lập và truyền thống”
(traditional, neutralist hedging strategies). Một số nước gần đây ngả theo
Trung Quốc không giúp được gì cho họ, mà còn gây áp lực buộc Mỹ phải có chiến
lược đối phó với Trung Quốc. Tầm nhìn “Indo-Pacific tự do và rộng mở” của chính
quyền Trump là một minh chứng cụ thể.
Theo Shambaugh, khi Trung Quốc bành trướng
quá trớn (overreaches) và trở nên quá hung hăng tại khu vực (như đang diễn ra),
Mỹ cần tăng cường sự có mặt (về quân sự) để được các nước khu vực coi là một đối
tác tin cậy. Đã đến lúc Mỹ phải vượt qua sự can dự lẻ tẻ tại Đông Nam Á, để có
vai trò quan trọng hơn về chiến lược tại khu vực này, và coi đó là một ưu tiên
trong cam kết toàn cầu của Mỹ. (U.S.-China Rivalry in Southeast Asia: Power
Shift or Competitive Coexistence? David
Shambaugh, International Security, May 2018).
Theo
Minxin Pei, Tập Cận Bình đang phải đối phó với “một mùa hè tồi tệ nhất kể từ
khi lên cầm quyền” (từ 12/2012). Có những dấu hiệu bất ổn đang làm người Trung
Quốc, đặc biệt là giới tinh hoa, “cảm thấy thất vọng, lo lắng, tức giận, bất
lực, và bất bình đối với các nhà lãnh đạo đầy quyền lực của họ”. Về kinh tế,
chứng khoán tiếp tục lao dốc, làm dự trữ ngoại hối bay theo, trong khi đồng NDT
tiếp tục bị phá giá, làm kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Về cơ bản,
Trung Quốc vẫn phụ thuộc sâu sắc vào thị trường và công nghệ Mỹ. “Trong khi
Trung Quốc muốn trở thành bá chủ thế giới và lập lại trật tự toàn cầu, thì
chiến tranh thương mại đang làm Trung Quốc bộc lộ các mặt yếu kém như một
“người khổng lồ chân bằng đất sét”. (Chinas Summer of
Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018).
Theo
Elizabeth Economy (CFR), Trung Quốc muốn thay đổi thế giới theo chủ ý của họ và
“dẫn dắt cải cách về quản trị toàn cầu” (lead
in the reform of global governance). Trong
khi Hồ Cẩm Đào nói rằng Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” (peacefully
rising), thì Tập Cận Bình tuyên bố mục tiêu là “thống nhất Trung Quốc trước năm
2049”. Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc “có ý định và năng lực thay đổi trật tự
thế giới”. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti (2017)
và tiếp theo chắc sẽ có nhiều căn cứ tại các nước khác. Hiện nay các doanh
nghiệp nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát 76 hải cảng tại 35 nước. (Xi
Jinping’s Superpower Plans, Elizabeth
Economy, Wall Street Journal, July 19, 2018).
Lời kết
Một số người cho rằng Trung Quốc
“còn nhiều cửa”, nhưng theo tôi các “cửa sổ cơ hội” (nếu có) đang khép lại. Về
cơ bản, Trung Quốc chỉ có ba sự lựa chọn: Một là đầu hàng. Hai là leo thang. Ba
là chọn giữa đầu hàng và leo thang. Đến nay, dường như Trung Quốc đang chọn
cách thứ ba. Nói một cách khác, Mỹ và Trung Quốc như hai con voi khổng lồ đang
mắc kẹt vào một trò chơi quyền lực mới (a new game of thrones). Tuy đã quá muộn
để hai con voi dừng lại (vì quá kiêu ngạo), nhưng còn quá sớm để chúng thỏa
hiệp (hay lùi bước).
Theo hầu hết các chuyên gia, sự lựa
chọn khôn ngoan nhất hiện nay là Việt Nam hãy nhân cơ hội này để “thoát Trung”.
Cần cải cách thể chế toàn diện (đổi mới “vòng 2”) để tạo đà phát triển mới, và
hội nhập vào kinh tế toàn cầu (theo luật chơi quốc tế). Đây là lúc “Mỹ-Trung
đánh nhau và hành động của chúng ta” (như năm 1945). Trong bối cảnh đó, nếu
thông qua “luật An ninh Mạng” và “luật Ba Đặc khu” là lợi bất cập hại, như “tự
bắn vào chân mình”. Nếu vẫn kiên định
bảo vệ quan hệ truyền thống với Bắc Kinh (vì “đại cục”), tiếp tay cho Trung
Quốc né tránh thuế quan của Mỹ bằng hàng “made in Vietnam” để tái xuất qua các
“Đặc khu Kinh tế” và “Khu Hợp tác Kinh tế Qua Biên giới”, chắc không thoát được
trừng phạt của Mỹ.
Trong khi chính quyền Trump đã bỏ
TPP (và chưa biết bao giờ quay lại), Đức đã cắt quan hệ đối tác chiến lược với Việt
Nam (vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh). Nay quan hệ của Việt Nam với Slovakia
cũng đang khủng hoảng, đe dọa triển vọng ký kết EVFTA. Nếu quan hệ đối tác toàn
diện với Mỹ cũng bị khủng hoảng làm Việt Nam bị vạ lây (như một hệ quả kép) vì chiến
tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, không biết Việt Nam sẽ dựa vào đâu để
phát triển, và bảo vệ chủ quyền của mình tại Biển Đông. Đây là một bi kịch quốc
gia.
Tham khảo
1. US-China
Rivalry in Southeast Asia: Power
Shift or Competitive Coexistence? David
Shambaugh, International Security, May 2018
2. The Shape of Sino-American Conflict, Minxin Pei, Project syndicate, June 6, 2018
3. China’s Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018
4. Xi
Jinping’s Superpower Plans, Elizabeth Economy, Wall Street
Journal, July 19, 2018
5. As China’s Woes Mount, Xi
Jinping Faces Rare Rebuke at Home, Chris Buckley, New
York Times, July 31, 2018.
6.
Hot water, Bill Hayton, Mekong
Review, Issue 12, August 2018. (Review of Asian
Waters: The Struggle Over the Asia Pacific and the Strategy of Chinese Expansion,
Humphrey Hawksley, Overlook Press, June 2018).
7. Cracks
appear in invincible Xi Jinping’s authority over China, Lily Kuo, the
Guardian, August 4, 2018.
8. Forget
US-China trade war tariffs: this is what really worries Asia, Bhavan
Jairagas, South China Morning Post, August 4, 2018.
9.
Trump claims US is winning trade war with
China, Yuan Yang &
Sam Fleming, Financial Times, August 6, 2018
10. You Live in Robert
Lighthizer’s World Now, Quinn Slobodian,
Foreign Policy, August 6, 2018
11. White House of Lies, Joseph Nye, Project Syndicate, August 7, 2018). 2018
12. The
Trump Administration’s Dead End on Trade, James McCormack, Project
Syndicate, August 9, 2018