21 août 2018

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực lần thứ hai trong vòng hai năm


Ông Trần Huỳnh Duy Thức đang chịu án 16 năm tù giam về tội chế độ Hà Nội quy chụp là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” (Hình: Facebook Ngô Ngọc Trai)


NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – “Anh Thức hiện rất mệt và yếu do đã tuyệt thực từ hôm 14 Tháng Tám. Từ năm ngày nay, anh Thức chỉ uống nước và nói gia đình mang tất cả thức ăn trong lần thăm gặp này về. Lý do tuyệt thực là phía an ninh đang muốn gây áp lực buộc anh Thức nhận tội để được đặc xá.” Đó là lời của Luật Sư Lê Công Định ở Sài Gòn viết trong post Facebook mới nhất về tình trạng của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. 


Ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án 16 năm tù giam tại trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, về tội chế độ Hà Nội quy chụp là “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Luật Sư Định cho biết: “Trong suốt buổi thăm của vợ và em trai, anh Thức lặp lại nhiều lần: ‘Có đặc xá tôi cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản tôi không có tội. Tôi không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá’.”

Đây là lần tuyệt thực thứ hai của ông Thức trong vòng hai năm. Hồi Tháng Sáu, 2016, ông Thức ngưng tuyệt thực sau 15 ngày khi các Lê Công Định, Phạm Bá Hải và Lê Thăng Long cùng gia đình ông đến thăm và đem theo một lá thư khuyên ông “ngưng tuyệt thực để tiếp tục làm ngọn đuốc dẫn đường cho phong trào đấu tranh của Việt Nam.”

Luật Sư Định lý giải: “Khi Luật Sư Ngô Ngọc Trai viết nhiều thư phân tích pháp lý dựa trên luật mới để yêu cầu họ (chính quyền) trả tự do cho anh Thức, thì nhận được câu trả lời từ các cơ quan tố tụng có liên quan với nội dung tránh né đề cập đến luật mới, và cố tình hướng đến hình thức đặc xá, rồi nhấn mạnh ‘chưa có cơ sở pháp lý để xét đặc xá.’”

“Cơ sở pháp lý để đặc xá đó chính là bản nhận tội mà anh Thức phải chính tay viết. Gây áp lực buộc nhận tội lên anh Thức không thành, nhà cầm quyền sử dụng ‘biện pháp nghiệp vụ’ quen thuộc là gây khó khăn cho sinh hoạt của anh trong tù,” ông Định viết thêm.

Hồi cuối Tháng Sáu, 2018, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân rằng Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu và Sứ Quán Đức đã đến thăm và hỏi về nguyện vọng của ông.

“Anh Thức khẳng định không đi nước ngoài mà ở lại Việt Nam để đem sức lực của mình cống hiến, phục vụ đất nước. Anh Thức muốn vụ án của mình được giải quyết theo pháp luật, và pháp luật phải được tôn trọng, công bằng đối với mọi người,” ông Tân viết.

Trong lúc bị cầm tù từ năm 2009 đến nay, ông Thức liên tục viết thư tay bình luận về các vấn đề thời sự Việt Nam và quốc tế, nhờ gia đình công bố trên mạng xã hội.

Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông là blogger Trần Đông Chấn với trang blog mang tên “Change We Need.”

Xuất hiện trên Internet vào khoảng cuối năm 2008, chỉ trong vòng một vài tháng, blog “Change We Need” gây rúng động dư luận Việt Nam vì những phân tích sắc sảo về hiện tình chính trị, những cảnh báo được nhiều người đồng tình về việc phải nhanh chóng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, những dự báo về các nguy cơ đủ mặt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và đặc biệt là hiểm họa tiềm ẩn trong quan hệ Việt-Trung.

Không chỉ dân chúng, trí thức mà ngay cả cán bộ, đảng viên, viên chức trong chính quyền cũng bày tỏ sự tán thành những phân tích, nhận định và dự báo này của blogger Trần Đông Chấn trên blog “Change We Need.”

Trong các năm qua, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty) cùng các cơ quan nhân quyền khác liên tục gửi kiến nghị yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông Duy Thức cùng các tù nhân lương khác nhưng không thành công.

Trong một diễn biến khác, chính quyền CSVN vừa tiếp tục tuyên án một nhà hoạt động với mức án còn nặng nề hơn cho ông Thức. Hôm 16 Tháng Tám, nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 20 năm tù và 5 năm quản chế.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sau đó phát đi thông cáo bày tỏ lo ngại về bản án này và kêu gọi Hà Nội “trả tự do tất cả tù nhân lương tâm và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của họ và tụ họp một cách ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt.” (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tran-huynh-duy-thuc-tuyet-thuc-lan-thu-hai-trong-vong-hai-nam/