tuankhanh’s blog (RFA)
Mẹ con bà Trần Thị Nga trước khi bị bắt |
Tin từ ông Lương
Dân Lý cho biết, trong lần gọi điện thoại về nhà mới đây, bà Nga đã nói thật
nhanh vào lúc cuối cuộc gọi để cho gia đình biết rằng biết trong thời gian qua,
bà Nga liên tục bị đánh đập và bị dọa giết chết. Bên cạnh đó, rất nhiều thư từ
của những người thương mến gởi vào trại thăm hỏi, thì bà Nga cũng không hề nhận
được.
Được biết mỗi tháng bà Nga được gọi điện thoại về nhà một lần. Mỗi lần
chỉ có 5 phút và có quản giáo đứng bên cạnh kiểm soát.
Trong lần thăm
nuôi vào cuối tháng 7/2018, ông Lý được bà Nga cho biết bà bị giam chung với nữ
phạm nhân hình sự côn đồ nổi tiếng của trại, có biệt danh là Hải Hô. Hầu hết
những tù nhân nữ đã chịu án ở trại Gia Trung, Gia Lai như bà Bùi Thị Minh Hằng,
bà Cấn Thị Thêu… đều biết về nhân vật này.
Ông Lý cho biết
rằng khi thấy gia đình lo lắng, bà Nga đã trấn an, và nói rằng “chúng không
dám đánh chết em đâu, nên anh cứ yên tâm và cũng đừng làm gì để mọi người phải
lo lắng quá cho em”.
Trong cuộc trò
chuyện nhanh với ông Lương Dân Lý vào ngày 18/8/2018, ông cho biết lý do bà Nga
bị hành hạ như vậy, bởi bà tuyên bố không công nhận và mức án của tòa án nhà
nước Việt Nam áp đặt cho bà. Thậm chí khi gia đình đến thăm nuôi, công an trại
giam buộc bà phải mặc áo tù thì mới cho gặp gia đình, bà đã nhất quyết từ
chối và chấp nhận mọi sự trừng phạt.
Những người tù
nhân lương tâm như bà Trần Thị Nga hay bà Cấn Thị Thêu, bà Bùi Thị Minh Hằng…
luôn nhận được những tờ đánh giá – tức một cách theo dõi tư tưởng, đồng thời là
một cách ghi nhận việc người có xin nhận tội để được khoan hồng hay không. Dĩ
nhiên cách thức này luôn bị thất bại đối với những người phụ nữ có lý tưởng vì
nhân quyền hay hoạt động tiến bộ xã hội. Việc thể hiện sự dứt khoát hay phản
ứng trong các tờ khai đánh giá như vậy, cũng có thể khiến họ bị trừng phạt theo
cách nào đó.
Việc sắp đặt để
tù hình sự ở cùng phòng rồi kiếm cớ đánh đập, sách nhiễu không phải là chuyện
cá biệt của bà Trần Thị Nga. Trước đây, các tù nhân lương tâm khác, ở các trại
giam khác nhau, như Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm
Thanh Nghiên… cũng đều trãi qua tình trạng tồi tệ này. Cho thấy, cách hành xử
này mang tính hệ thống chứ không phải là một hành động riêng biệt của riêng một
trại.
Bên cạnh đó,
nhiều lần trại giam đã ngăn không cho các con của bà Nga vào thăm mẹ, mà không
có lý do nào. Chỉ đến khi gia đình và bạn bè phản ứng liên tục với trại giam
thì các con của bà mới được cho vào gặp.
“Đó là những trò
hành hạ, hay có thể gọi là trả thù rất bẩn thỉu mà cán bộ trại giam luôn nhắm
vào chúng tôi (các tù nhân lương tâm) để gây khó khăn cho chúng tôi”, bà Bùi
Thị Minh Hằng, một người đã chịu án 3 năm tù giam ở trại Gia Trung, nhận định
như vậy trong buổi nói chuyện ngày 18/8. Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng các giám
thị phụ trách kiểm tra tình trạng trại giam phải chịu trách nhiệm về việc này
vì đã để mặc cho việc tấn công tù nhân diễn ra. Bà Hằng cũng nêu tên một viên
chức quản lý và kiểm tra ở trại Gia Trung có tên là Nguyễn Đình Ba, là người phải
chịu trách nhiệm.
Ông Lương Dân Lý
cho biết ông sẽ làm đơn khiếu nại với trại giam Gia Trung, cũng như gửi đơn lên
Tổng cục 8, tức Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (cũ) để
xin giải quyết trường hợp của bà Nga.
Bà Cấn Thị Thêu,
một người tranh đấu chống nạn cướp đất ở Hà Nội từng bị 20 tháng tù ở trại Gia
Trung, Gia Lai, nói rằng theo kinh nghiệm của bà, việc bị khủng bố trong tù,
cần nhất là lên tiếng cho gia đình được biết, cũng như phải tạo dư luận bên
ngoài quan tâm về trường hợp của mình thì mới có hy vọng giảm thiểu được khó
khăn.
“Phải bằng mọi
cách phải truyền tin ra ngoài. Về mặt luật pháp của Nhà nước thì mình vẫn làm
đơn để khiếu nại. Nhưng quan trọng nhất là mượn lực của trong và ngoài nước để
đòi nơi giam giữ tôn trọng các nguyên tắc chung. Lần tôi tuyệt thực để phán đối
sai trái tại trại Thanh Hóa (2015), bà con ở làng cũng đã tụ tập trước cổng
trại biểu tình phản đối việc đàn áp tôi khiến nơi này phải thay đổi thái
độ. Còn trường hợp của chị Trần Thị Nga, tôi nghĩ, việc tác động truyền thông
bên ngoài đến mọi tầng lớp người Việt, các quốc gia, các cơ quan ngoại giao… là
điều hết sức cần thiết lúc này”, bà Cấn Thị Thêu nhận định.
Xin được nhắc
lại, bà Trần Thị Nga là mẹ của hai đứa con nhỏ, sống tại Hà Nam. Bà bị tòa án
của nơi này tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế theo tội “Tuyên truyền chống
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại khoản 1 điều 88 bộ
luật Hình sự.
Bà Trần Thị Nga
(tên trên facebook là Thúy Nga) là một trong số các nhà hoạt động nữ nhiều lần
bị đánh đập dã man, thậm chí bị vây đánh bằng gậy sắt đến gẫy chân tay. Ngày
thường, bà và các con liên tục bị sách nhiễu bằng đủ hình thức và cấm cản các
hoạt động. Năm 2017, bà từng được tổ chức Amnesty International vinh danh là
một trong 6 phụ nữ can đảm của năm 2017.