23 octobre 2018

Không sao hiểu nổi !


Thiện Tùng: "Thói thường, người ta chỉ trục xuất đối với người ngoại quốc, còn Đảng CSVN trục xuất công dân nước Việt ra khỏi nước, khỏi nhà cửa ruộng vườn của họ. Nếu đất liền không đủ chỗ giam cầm, đáng tội chết thì bắn bỏ hoặc đày ra đảo Côn Sơn, Phú Quốc… như các chế độ tiền nhiệm đã làm, chớ sao lại trục xuất những "ông bà chủ" phải lìa bỏ quê hương, xứ sở của họ là việc làm quá đáng, trái đạo lý không thể chấp nhận được?."


                           ***


Một hay nhiều sắc tộc sinh sống truyền đời trên một vùng đất nhứt định, về mặt đạo lý và pháp lý, họ là chủ vùng cương thổ nhứt định ấy, đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Quyền thiêng liêng ấy nếu bị bên ngoài xâm phạm gọi là “ngoại xâm”, bên trong xâm phạm gọi là “nội xâm”- chúng có cùng bản chất. Dân tộc Việt Nam quả là bất hạnh: hết ngoại xâm đến nội xâm.


Hết tang tóc vì ngoại xâm  

Hết Tàu, Tây đến Nhựt, chúng thay phiên nhau thôn tính đất nước VN, gây ra bao tang tóc:

-Biến VN thành thuộc địa của chúng, khai thác tài nguyên vô tội vạ…

-Biến dân tộc VN thành nô lệ cho chúng, ngoài bắt nam thanh làm lính đánh thuê khắp các châu lục, còn sưu cao, thuế nặng…

Hết thế hệ nầy đến thế hệ khác, “trục xuất” được chúng ra khỏi Việt nam phải trả cái giá quá đắt: tan nhà nát của, núi xương sông máu.

Đến đau thương vì nội xâm  

Vừa thoát khỏi ách ngoại xâm, dân tộc Việt Nam phải hứng chịu nạn nội xâm tàn độc đau thương. Đảng CSVN tự phong cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xem đất nước và dân tộc thuộc quyền sở hữu của riêng mình, muốn làm gì thì làm:

-Đất nước là sở hữu của toàn dân tộc, cớ sao Đảng CSVN tự ý hiến dâng từng phần cho ngoại bang, hết thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ…đến tùy tiện đuổi nhà, cướp đất đất của dân để cho nước ngoài thuê dài hạn nhằm trục lợi, khiến cho hàng triệu người dân mất nhà, mất đất phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, sống lang thang nơi đầu đường xó chợ ?!. Chưa vừa, lợi dụng sự thất nghiệp không còn đường sống của dân, Nhà cầm quyền còn bày ra tổ chức gọi là “Xuất khẩu lao động” – đồng nghĩa bán nô lệ, để vét cú chót.

-Nhà cầm quyền còn áp dụng luật lệ phong kiến: “Quân xử thần tử” – Ai nói ngược lai chủ trương chính sách của Đảng cầm quyền đều bị ghép vào tội “âm mưu lật đổ chính quyền”…, tù mục gông hoặc dùng làm con tin mặc cả trong ngoại giao với hình thức trục xuất ra khỏi nước, như những nạn nhân: Luật sư Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nhà báo tự do Tạ Phong Tần; Luật sư Nguyễn Văn Đài, giáo sư Phạm Minh Hoàng; Trần Khải Thanh Thủy, Đặng Xuân Diệu, Lê Thu Hà và mới đây Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Thói thường, người ta chỉ trục xuất đối với người ngoại quốc, còn Đảng CSVN trục xuất công dân nước Việt ra khỏi nước, khỏi nhà cửa ruộng vườn của họ. Nếu đất liền không đủ chỗ giam cầm, đáng tội chết thì bắn bỏ hoặc đày ra đảo Côn Sơn, Phú Quốc… như các chế độ tiền nhiệm đã làm, chớ sao lại trục xuất những ông bà chủ phải lìa bỏ quê hương, xứ sở của họ là việc làm quá đáng, trái đạo lý không thể chấp nhận được?.

Trước cảnh Formosa xả độc gây ô nhiễm môi trường biển nhiều tỉnh miền Trung, trước những bất công xã hội, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ngoài ba mẹ con vẽ hình cá trên má, còn ra mặt phản đối những hành động sai trái của nhà cầm quyền. Khi Công an xét nhà Quỳnh, tịch thu những biểu ngữ: Cá cần nước sạch – Nước cần minh bạch”, “Yêu cầu khởi tố Formosa”, “Formosa get out!”… Chỉ thế thôi, thế mà chị bị kết án 10 năm tù, thụ án được 737 ngày và bị trục xuất cả gia đình sang Mỹ, thật là quá đáng?

Phàm là người, ai chẳng chạnh lòng thương gia cảnh của tù nhân Trần thị Nga “cầm đầu” đấu tranh giữ đất lãnh án 9 năm tù giam, 2 bé Tài và Phú phải xa mẹ suốt 3.285 ngày (365x9). 

Cô Trần Thị Nga và 2 con nhỏ, bé Tài và bé Phú. Ảnh: internet

Phàm là người, ai chẳng xót thương gia cảnh tù nhân Nguyễn Ngọc Như Huỳnh bị án tù 10 năm, chấp hành án được 2 năm 7 ngày (365+365+7),    cả gia đình gồm 3 thế hệ vừa bị trục xuất, đang đùm túm sang Mỹ với những  đôi bàn tay trắng.

Image caption - Bà Tuyết Lan (ngoài, phải), thân mẫu Mẹ Nấm, cùng bé Nấm, Gấu và nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm tại sân bay Nội Bài đợi Quỳnh hôm 17/10.
  Image caption - Gia đình Mẹ Nấm nơi trạm
                    dừng ở sân bay Đài Loan trên đường tới Mỹ.

 Image caption - Gia đình Mẹ Nấm trong vòng vây báo giới
             tại sân bay Houston hôm 17/10/2018  (giờ địa phương)
Không thể như Trần Huỳnh Duy Thức, nhìn gương mặt đủ biết, vì thương mẹ thương con đang trong cảnh khốn khó, côi cút bơ vơ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phải nén lòng chấp nhận ra đi. Việc ra đi của Quỳnh gây bàn tán xôn xao, với những quan điểm có phần khác nhau, người viết xin trích dẫn một số ý kiến cốt lõi tham khảo với đọc giả (không bình luận):
   Nhiều ý kiến cho rằng: "Dĩ nhiên, chúng ta không phê phán những người quyết định ra đi. Chúng ta không có cái quyền ấy: Đó là sự lựa chọn của họ. Họ đã chịu quá nhiều sự khốn khổ rồi. Họ cần được yên bình cho họ, cho gia đinh, con cái họ."

   Luật sư Lê Công Định bình luận: "Nhà cầm quyền muốn dùng án nặng để nâng giá thương thảo với các chính phủ nước ngoài đưa chị Quỳnh đi. Nên mức án 10 năm tù ở theo đề nghị của phía công tố có thể hiểu được. Một lần nữa, ở Việt Nam các vụ án chính trị không đặt ra những vấn đề pháp lý. Vì thế, nếu căn cứ các quy định luật pháp để đánh giá sự việc, chắc chắn câu trả lời sẽ thiếu chính xác. Tuy nhiên, chỉ ở những xứ cộng sản mới như thế, bởi luật pháp chưa từng được thượng tôn bao giờ."

   Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh: "Té ra kết án thật nặng những nhà hoạt động dân sự đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường... với mức án từ 10 năm trở lên là để được giá khi mang ra trao đổi."

   Luật sư Phùng Thanh Sơn: "Nghĩ mà cay đắng! Tù nhân Việt chỉ được tự do trên đất Mỹ, EU… Sao không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình?"

    Facebooker Nguyễn Hưng Quốc đặt câu hỏi Mẹ Nấm sẽ làm gì khi đến Mỹ?. Ông viết: "Mừng cho chị và gia đình của chị. Sau bao nhiêu năm tranh đấu gay go, và sau đó, tù tội, chị xứng đáng để được hưởng một đời sống yên ả ở nước ngoài. Tuy nhiên, hẳn có nhiều người thắc mắc: Chị sẽ làm gì khi được tự do?.Thật ra, theo tôi, cũng giống bao nhiêu người khác trước chị, chị sẽ không làm được gì cả. Riêng những việc như học tiếng Anh (cũng như bao nhiêu cái học khác) và việc ổn định đời sống cho cả gia đình sẽ vắt kiệt hết thời gian và tâm sức của chị rồi. Bởi vậy, sau một quãng ồn ào ngắn ngủi, tất cả lại sẽ chìm vào im lặng, vào quên lãng".
Theo quan điểm của người viết: “Đừng đòi hỏi gì thêm khi Quỳnh đã “đầu tư” hết tâm lực cho “ngôi nhà chung”, xứng đáng một người hùng, một nữ anh thư mà thế giới đã phong tặng. Giờ đây chỉ cần Quỳnh lo chu toàn cho gia đình nơi đất khách quê người là tốt rồi – lạy trời chỉ mong được như vậy?”.

22/10/2018
    T.T