24 octobre 2018

Rút khỏi Hiệp ước INF với Nga, Mỹ đang chuẩn bị cho trận đánh chiến lược với Trung Quốc?


Vy Lam

Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang. Ảnh: SCMP

Giới chuyên gia đồng thời cho rằng "Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả lại quyết định rút khỏi INF của Mỹ bằng cách dùng nó như một cái cớ để xây dựng tiềm lực quân sự của mình".
Nhìn bề ngoài, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga có vẻ như một đòn tấn công của Mỹ nhằm vào cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, theo tờ SCMP (Hong Kong), các chuyên gia cho rằng Washington đang nhằm vào Trung Quốc nhiều hơn.


Fu Mengzi, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại tại Bắc Kinh, kế hoạch của ông Trump nhằm "xé bỏ" Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF) là một dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một trận đánh chiến lược với Trung Quốc về lâu dài.

"Sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một chu kỳ triển khai và phát triển quân sự mới" – ông Fu nói.

Tổng thống Donald Trump cáo buộc Nga không tôn trọng hiệp ước INF. Ảnh: Reuters

Ngoài tình hình bấp bênh do cuộc chiến tranh thương mại gây ra, căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Biển Đông. Không chỉ đơn phương tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, Bắc Kinh còn ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo, biến các đảo/đá tự nhiên thành tiền đồn quân sự.

Trong khi đó, Mỹ đang gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, tạo ra thách thức rõ ràng đối với các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về quyết định rút khỏi INF của Mỹ.

Trước đó, hôm 20/10, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ dự định rời khỏi INF vì Nga không tôn trọng thỏa thuận này. Đây là hiệp ước do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết năm 1986.

Hiệp ước INF nghiêm cấm phát triển và sở hữu các loại tên lửa thông thường/hạt nhân trên bộ có tầm bắn ngắn (500-1.000km) và tầm trung (1.000 – 5.500km), cũng như bệ phóng của chúng.

Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia hiệp ước INF nên nước này có thể phát triển các loại tên lửa đạn đạo trên mà không có bất cứ hạn chế nào. Các họ tên lửa DF và HN của Bắc Kinh có tầm bắn lên tới 15.000km nên có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm.

Trong khi đó, Collin Koh – nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump có thể đóng vai trò như một chất xúc tác để cả Trung Quốc và Nga tăng tốc phát triển vũ khí.

"Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả lại quyết định rút khỏi INF của Mỹ bằng cách dùng nó như một cái cớ để xây dựng tiềm lực quân sự của mình" – ông Koh nhận định.

Các tên lửa của Trung Quốc, với tầm bắn lên tới 15.000km, có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ trong tầm ngắm. Ảnh: SCMP

Mặc dù việc Washington quyết định rút khỏi INF là một điều gây bất ngờ nhưng trên thực tế, trong khoảng 1 thập kỷ qua, hiệp ước này đã có nhiều dấu hiệu đổ vỡ.

Năm 2008, giới chức Mỹ cáo buộc Nga nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình.

Tới năm 2014, trong báo cáo thường niên về tình hình thực hiện các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Moscow đã vi phạm hiệp ước INF khi chế tạo và tiến hành thử nghiệm bay tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Nga sau đó đã bác bỏ cáo buộc này.

Hiệp ước INF đã có nhiều dấu hiệu đổ vỡ trong thập kỷ qua. Ảnh: EPA-EFE

Liu Weidong, chuyên gia các vấn đề về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, động thái của ông Trump sẽ khiến quân đội Mỹ tự do hơn trong lĩnh vực phát triển và triển khai các loại vũ khí thông thường/hạt nhân.

"Tuy nhiên, xét theo hướng rộng hơn thì điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho sự an toàn của Nga hay Trung Quốc, mà là cả thế giới" – ông Liu nói.

Trong bài báo đăng ngày 20/10, tờ New York Times cho rằng, nếu thực sự rút khỏi hiệp ước INF, Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà trước đó đã được thiết kế lại để có thể triển khai từ trên bộ.

Các tàu mặt nước và tàu ngầm Mỹ hiện nay đã được trang bị tên lửa Tomahawk mang đầu đạn thường, nhưng giới chuyên gia cho rằng chúng cũng có thể được điều chỉnh để mang đầu đạn hạt nhân.

theo Trí Thức Trẻ